Vị quê

Ai xa quê hương cũng cùng chung nỗi niềm là nhớ hương vị quê nhà, tuỳ từng vùng miền mà trong mỗi người đau đáu nỗi niềm riêng.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng giáp ranh ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Tuyên Quang nơi mà con gà gáy ba tỉnh cùng nghe, nơi có con sông nước trong vắt hiền hoà đã tắm mát tuổi thơ tôi….

vi-que-1652981127.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Hương vị quê hương trong tôi là những trái sim tím ngắt chín mọng đã căng mình với nắng gió của “Thủ đô gió ngàn” ,những quả cọ được ỏm vừa chín tới cảm giác bùi ngậy đặc trưng “Rừng cọ đồi chè” của vùng đá sỏi cội cằn trung du bắc bộ.

Rau sắn không phải là món ăn cao lương mỹ vị gì, càng không màu mè coi trọng hình thức nhưng đòi hỏi người chế biến phải rất cầu kì. Quê tôi rất nhiều sắn, khi hạ về hái ngọn sắn làm rau ăn, Những búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi sau khi hái về sẽ được vò nát. Người vò phải khéo léo làm sao cho lá sắn mềm, sóng đều nguyên búp chứ không vụn thành từng đoạn. Sau khi vò xong, trộn lá sắn với chút muối cho thêm vị đậm đà, Cách này cũng giúp cho rau sắn nhanh chua hơn và để lâu ngày không bị hỏng, bị váng. Bởi vậy, khi tra muối cũng phải lựa sao cho rau không quá mặn mà khó nấu sau này, cũng không quá nhạt dễ nổi váng làm rau hỏng. Rau sắn sau khi đã trộn muối đem cho vào vại hoặc bình sành đổ nước vào để 4 đến 5 ngày ủ chua cho chín.

Mỗi khi mệt mỏi với áp lực cuộc sống nơi phố thị tôi đều hướng về quê, khát khao sự yên bình với tình người mộc mạc, giản dị mà đầy ắp thương yêu….

Tôi thèm một miếng bánh đa vừng giòn tan, tôi thèm một bát canh rau sắn và tôi mang tâm sự ấy kể với nó, nó không nói gì chỉ cười thật hiền.

Trưa nay nhà xe gọi cho tôi ra nhận hàng từ Thác Bà gửi tới, tôi chưa hết ngạc nhiên thì nhận được tin nhắn của nó “Tao nhờ mẹ muối dưa sắn cho mày đấy” xúc động nghẹn ngào…..

Tý nữa qua chợ ghé vào phiên chiều mua mớ cá suối nèm nẹp về nấu với dưa sắn hứa hẹn một bữa cơm đầm ấm mà đậm đà vị quê!

Chuyện làng quê