Đàn chim không trở về

Lê Thu

02/11/2021 15:39

Theo dõi trên

Cứ mỗi buổi chiều tại sân bóng đá nhỏ của làng, các thành viên của nhóm lại tập trung, phân chia đội hình để thi đấu với nhau vài hiệp. Dù là chơi vui, nhưng trận nào cũng căng thẳng và quyết liệt.

250972155-901606000744185-4266587507094150988-n-1635838615.jpg
Anhr minh họa nguồn internet

Có mấy bác vừa về nghỉ chế độ, giờ là lúc được thảnh thơi sau vài chục năm xông pha cống hiến. Mỗi lần chơi là một trận thi đấu, khi đá ai cũng sôi nổi, tận lực và đầy quyết tâm chiến thắng, mỗi trận đấu đều được hai bên sắp xếp, các vị trí công - thủ, được bài binh, bố trận như đánh giặc covid. Sau mỗi lần thắng - thua hay hoà, mọi người lại ngồi bàn luận để tìm chiến thuật cho trận đấu mới. Phong cách chơi của mỗi bác được mang theo âm hưởng  tự hào của những tháng năm đã từng khuất phục mọi gian nan, thử thách.

Trong khuôn viên nhỏ của sân bóng này, có hàng cây trám cũng nhiều năm tuổi, mùa hè tán lá dày và xanh tươi của cây phủ gần đến mép sân, cứ đến cuối vụ những quả trám già lại rải rác rơi xung quanh dưới gốc. Vài cụ bà đi thể dục cuối chiều vẫn tranh thủ nhặt về, phơi khô làm mứt trám trong những ngày đông lạnh. Trong không gian xanh tươi ấy không thể thiếu lũ chim sẻ, cứ sẩm tối là hàng đàn, dễ đến vài trăm con lại tíu tít bay về, tranh nhau chui vào đám lá xanh tốt, những tiếng kêu líu ríu vui mừng chưa rõ tiếng của những chú chim non, tiếng ríu rít của những con chim mẹ khi mang bữa ăn chiều về cho những đứa con của mình. Không gian vui tươi ấy đã trở nên thân thuộc với mỗi người đang sinh hoạt tại nơi này.

Cơn bão cuối mùa mang theo những cơn mưa dai dẳng trong mấy ngày cuối tuần rồi cũng ngừng tạnh, ánh nắng nhẹ cuối hè chiếu những vệt dài xuống sân cỏ, mọi hoạt động của sân lại trở nên sôi động sau mấy ngày mưa gió. Chiều nay các thành viên tụ họp với nhau đủ hơn sau ít ngày nghỉ. Khi chơi xong một trận cả đội lại ngồi bàn bạc đấu pháp cho trận kế tiếp. Bỗng anh Hai chủ nhiệm nói “sao không thấy tụi chim đâu nhỉ” “chắc nó về muộn thôi, mấy hôm mưa to thế chả đi kiếm mồi được đâu” bác Lư nói. Hôm sau, rồi hôm sau nữa cả hàng cây đó vẫn vắng lặng “Giờ này nó phải về rồi chứ nhỉ”, cả nhóm bàn tán và đi về phía gốc cây, nhìn lên trên ngọn, vẫn còn những cái tổ nằm trên các cành ba chạc nhưng không thấy chim bố mẹ đâu. Mọi người đang bàn luận thì có một cụ ông đi ngang qua dừng lại và nói “những ngày mưa vừa rồi, có mấy người mang lưới đến, phủ kín lên cái cây và bắt hết đàn chim rồi” tất cả đều sững sờ, phía trên kia còn mảnh lưới nhỏ, rách vẫn vướng lại trên cây, như minh chứng cho lời nói của ông cụ. Có tiếng văng tục vì uất ức được bật ra của chú Tín vốn thường ngày rất kiệm lời “ông mà gặp bọn mày thì ông đập cho vỡ mặt ra”. Lúc về sân vẻ mặt ai cũng buồn buồn, mọi ngày nếu anh chủ nhiệm thua trận, chắc chắn sẽ giao hẹn với đội thắng, ngày hôm sau phải thi đấu để gỡ lại, nhưng hôm nay tất cả đều lặng lẽ đi về.

250329910-901606160744169-2669112174681690429-n-1635838614.jpg
Ảnh minh họa nguồn internet

Có chiều khi đi ngang qua cổng chợ, tôi bắt gặp một người đàn bà dáng gày gò, hai tay cầm hai xâu chim đã vặt lông cứ huơ ra trước mặt để mời khách qua đường, những con chim nhỏ bị vặt trụi lông đang ra sức vẫy vẫy những cái cánh trần trụi, như đang cố chút sức lực còn lại để thoát khỏi sợi dây. Chiếc áo màu xanh chàm đã bạc, nhăn nhúm dính những vệt máu từ những ngón tay vừa nhổ những sợi lông chim cuối cùng, được lau vội vào hai vạt áo khi có người dừng lại xem, những vết nhăn giống như sự lo âu đang hằn trên khuôn mặt của cô ấy.

Rồi những buổi chiều vẫn cứ nối tiếp nhau trôi qua. Hàng cây vẫn im lìm đứng trong mưa, trong nắng. Thỉnh thoảng có đôi chim từ đâu bay đến rồi vội vã vụt đi. Sân bóng vẫn vang lên những tiếng reo mừng của đội nào đó khi thắng trận. Chúng tôi không ai dám nhắc nhiều đến đàn chim kia nữa, chỉ còn những ánh mắt chứa đầy hy vọng khi nhìn lên những cây trám già. Mùa sau lại về đây chim nhé…

 

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Đàn chim không trở về" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn