Vì sao hoạn quan sống thọ?

Có 3 con đường chính để trở thành hoạn quan: Thứ nhất: Hoạn quan là tù binh chiến tranh, tội phạm, hoặc phản nghịch, bị cắt sinh thực khí.
hoan-quan-1641126410.jpg
Hoạn quan hay  quan hoạn là người đàn ông do khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục. Ảnh internet

 

Hoạn quan là gì

Hoạn quan hay  quan hoạn là người đàn ông do khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục, nên không thể lấy vợ sinh con, họ được đưa vào cung để phục vụ vua chúa trong xã hội phong kiến thời xưa. Trong lịch sử, đặc biệt là Trung Quốc, hoạn quan có từ rất lâu đời, hoạn quan có từ thời Tây Chu cho đến hết thời Nhà Thanh, tính đến nay cũng có hơn 3000 năm lịch sử.

Có 3 con đường chính để trở thành hoạn quan: Thứ nhất: Hoạn quan là tù binh chiến tranh, tội phạm, hoặc phản nghịch, bị cắt sinh thực khí; Thứ hai: Những người tự xin thiến làm hoạn quan để mưu cầu phú quý, thời xưa để trở thành thái giám là con đường thoát nghèo của nhiều gia đình, nên họ tự nguyện thiến những đứa trẻ, sau đó đưa vào trong cung cấm hầu hạ vua chúa tìm con đường tiến thân mưu cầu danh lợi; Thứ 3: Hoạn quan là cống phẩm của địa phương tiến cống vào cung đình, các trường hợp này đa phần đều bị ép trở thành thái giám.

Theo khảo sát của người viết, các hoạn quan khi được đưa vào cung cấm để hầu hạ vua chúa, nếu không mắc phải bệnh hiểm nghèo, hoặc phạm phải tội bị tử hình, thì đa số sống khá thọ, thậm chí có hoạn quan còn hầu hạ đến mấy đời vua. Sở dĩ hoạn quan sống thọ là bởi vì họ được ăn uống rất đầy đủ về chất, khi đã trở thành hoạn quan thì cái ăn cái mặc là không thiếu, thậm chí là rất dư thừa đối với các hoạn quan.

Các vua chúa, cung tần mỹ nữ được các hoạn quan hầu hạ cùng thời, trong khi đó các vị vua cứ lần lượt ra đi, nhưng các hoạn quan vẫn cứ sống sờ sờ ra đấy. Phải chăng nguyên nhân chính ở đây là các hoạn quan do không có của quý để sinh hoạt tình dục, nên họ sống thọ hơn những người đàn ông bình thường, đặc biệt là sống thọ hơn các vị vua rất nhiều, bởi vì trong cung có hàng ngàn cung tần mỹ nữ, đó cũng là một trong những nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của các bậc đế vương.

Chính hạn chế về nhu cầu tình dục của các hoạn quan, điều này vô hình chung đã trở thành có lợi cho đời sống của họ, và nhờ đó mà tuổi thọ của họ có thể tăng lên khá cao so với người bình thường, đặc biệt là đối với các bậc đế vương háo sắc, họ bị suy nhược cả tinh thần lẫn thể xác, nên không thể sống thọ được. Trong khi đó, các hoạn quan do không hề mất một tí sức lực nào trong việc chăn gối, nên đương nhiên tuổi thọ của họ rất cao. Và nếu như chúng ta dựa vào các nghiên cứu khoa học, hay nói đúng ra là dựa vào tuổi thọ của các hoạn quan để chúng minh nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Những hoạn quan có tuổi thọ cao

Trong lịch sử Trung Quốc, sử gia Tư Mã Thiên (145 Tr.cn – 86 Tr.cn) cũng là một hoạn quan, ông hưởng thọ đến 59 tuổi. Trịnh Hòa (1375 – 1433) là hoạn quan nổi tiếng thời nhà Minh, có tuổi thọ 58 tuổi. Đặc biệt là hoạn quan cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc là Tôn Diệu Đình (1903 – 1996), có tuổi thọ là 93 tuổi.

Trong khi đó ở Việt Nam, hoạn quan được lịch sử ghi chép có từ thời kỳ nhà Lý. Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) là hoạn quan, một danh tướng nổi tiếng thời nhà Lý có công “đánh Tống, bình Chiêm” ông có tuổi thọ khá cao là 86 tuổi. Hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc (1713 – 1776) làm quan dưới thời vua Lê Hiển Tông, ông cũng có tuổi thọ là 63 tuổi. Đến thời nhà Nguyễn, Lê Văn Duyệt (1763 – 1832), cũng là một hoạn quan nổi tiếng, có tuổi thọ là 69 tuổi.

Con người sống được từ 50 tuổi trở lên, khi mất được ghi là hưởng thọ, dưới 50 tuổi khi mất được ghi là hưởng dương, người đời xưa quan niệm đời người có trăm năm, sống được một nửa thời gian đó, có thể coi là sống thọ, còn chưa được nửa thời gian đó trên dương thế, khi mất thường được ghi là hưởng dương, rất nhiều người không hiểu điều này, nên khi một ai đó mất, thậm chí mới 30 tuổi, cũng ghi là hưởng thọ 30 tuổi, ghi chép như vậy hoàn toàn không chính xác!

Nếu dựa vào sử sách gia phả ghi chép về các hoạn quan, thì tuổi thọ trung bình của các hoạn quan thường là hưởng thọ trên 50 tuổi. Như chúng ta hiện nay đã biết đối với nam giới, nếu quá đam mê sắc dục sẽ giảm tuổi thọ, bởi vì các kích thích tố sinh dục của nam giới đã rút ngắn tuổi thọ của đàn ông. Bởi vì các kích thích tố sinh dục nam giới như testosterone phần lớn được sản xuất từ tinh hoàn, các kích thích tố này có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, có thể làm suy tim.

Trong khi đó, đối với các hoạn quan thì tinh hoàn của họ đã bị thiến, nên họ không còn hóc môn sinh dục nam, Chính điều này đã làm ngăn chặn quá trình sản xuất hầu hết các loại hóc môn, giúp cho cơ thể của các hoạn quan tránh được các mối nguy hại và kéo dài tuổi thọ của họ so với nam giới bình thường.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc, rất nhiều vị hoàng đế muốn được trường sinh bất tử, nên họ đã tìm mọi cách để được sống lâu hơn, nên họ đã ra lệnh tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử. Tiêu biểu cho những bậc đế vương tìm thuốc trường sinh bất tử như Tần Thủy Hoàng (259 Tr.cn – 210 tr.cn). Đời nhà Đường, vị vua thư 12 của nhà Đường là vua Đường Hiến Tông (778 – 820) cũng ra sức tìm thuốc trường sinh bất tử. Đến thời nhà Minh, vua Minh Hiến Tông (1447 – 1487) cũng ra sức tìm loại thuốc trường sinh bất tử. Nhưng trên đời này làm gì có loại tiên dược ấy.