Theo camera giám sát ghi lại, cô gái vừa bước xuống xe đã chạy vội lách qua thanh chắn ngăn cách với đường tàu, ngay lập tức cô bước tới và không kịp phản xạ. Thật đau xót cho cô gái tuổi đời còn rất trẻ.
Nhìn lại video đó nhiều lần, tôi tự nghĩ lại xem, thấy có lần bản thân cũng từng rơi vào hoàn cảnh gần giống vậy, nhưng tôi và nhiều người hẳn đã may mắn hơn cô gái ấy. Trong hàng nghìn lần băng qua đường sắt, có một lần có thể tâm trí tôi không được tập trung, khi thanh chắn đã hạ xuống rồi, tôi định lách qua một cách vô thức. May mắn thay, chưa đầy một giây, tôi nhận ra đây là lối ngăn đường sắt, cùng với đó là tiếng còi tàu chói tai nên tôi đã kịp khựng lại ở mép của thanh chắn.
Tôi nhắc lại điều ấy, bởi thực sự trong mỗi chúng ta, ai cũng có một vài thoáng giây vụt qua mất tập trung khi tham gia giao thông. Đó cũng là điều bình thường.
Đại đa số các điểm giao cắt lớn với đường sắt ở nước ta đều đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với quan sát cá nhân, tôi tạm thời có 2 kiến nghị nhỏ cần điều chỉnh với ngành đường sắt.
Thứ nhất là, thanh chắn đường sắt ở 1 số điểm chỉ che khoảng 50% lối đi, tức là về nguyên tắc mọi người đều đi bên phải đường thì với những người tập trung lái xe và quan sát thì đảm bảo an toàn 100%. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có người vẫn cố vượt qua, hoặc thiếu quan sát như bản thân tôi ngày trước, hay ai đó đang rất vội nên mất tập trung… thì thanh chắn chỉ nửa bên phải đường dường như vẫn tiềm tàng nguy hiểm. Tôi kiến nghị với ngành đường sắt nên nghiên cứu những thanh chắn dài, chắn ngang kín 100% đường đi, để giảm xuống thấp nhất độ nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Thứ hai là, những điểm xe Bus hay điểm xuống xe, cần thiết kế xa các điểm giao đường sắt xa hơn một chút, có lẽ tầm ngoài 20 mét chẳng hạn, việc này các chuyên gia về giao thông sẽ có chuyên môn sâu và nên tham khảo thêm từ họ. Quan sát cô gái xuống xe ở tai nạn thương tâm ở Hưng Yên, có thể thấy điểm xuống xe rất gần với điểm giao đường sắt, cô gái hẳn vội vã và thiếu quan sát đã phải đánh đổi cả tính mạng, thật thương xót.