Việc quản lý thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - những vấn đề đặt ra

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó CT Hội đồng di sản văn hoá Quốc gia

22/12/2022 12:49

Theo dõi trên

Phải tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước để huy động các nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội cho việc bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị tốt đẹp của di sản văn hoá phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt theo một số hướng chính sau đây: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm tra, đôn đốc. Phát huy vai trò tự chủ của cộng đồng chủ thể văn hoá.

tam-phu-1625870704.jpg
Ảnh minh họa
  1. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - nơi lưu giữ bản sắc văn hoá dân tộc

      Bản sắc văn hoá là những đặc trưng về phẩm chất, nhân cách và bản lĩnh của một quốc gia dân tộc, mà nhờ đó chúng ta được là chính mình và được phân biệt với các quốc gia dân tộc khác (hộ chiếu văn hoá) trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Bản sắc văn hoá là hệ thống những giá trị văn hoá bền vững, có quá trình tích hợp lâu dài, làm nền tảng tinh thần cho sự tồn tại và phát triển của một dân tộc. Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát hoá và cụ thể hoá nội hàm khái niệm bản sắc Văn hoá Việt Nam “Việt Nam là một đất nước có hơn 4 ngàn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hoá riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc, đồng thời tiếp thu và đóng góp vào nền văn hoá chung của nhân loại … Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, ông cha ta mấy ngàn năm lịch sử để lại, không phải nơi nào cũng có được, chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, ông cha chúng  ta”1

Trước hết, bản sắc văn hoá dân tộc được thể hiện ở tính bản địa và sự bền vững, trường tồn của một hiện tượng văn hoá/thành tố văn hoá. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Nữ thần có nguồn gốc Việt, được hình thành từ buổi bình minh của dân tộc. Cố GS.TS Ngô Đức Thịnh, trong nghiên cứu về Đạo Mẫu Việt Nam đã gợi mở ra 3 lớp văn hoá kế tiếp và có mối quan hệ hữu cơ với nhau là: “Nữ thần, Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ”. Đó là những lớp văn hoá vừa có nguồn gốc thiên thần, vừa có nguồn gốc nhân thần được “thăng hoa” lên từ nền tảng thờ Nữ thần vốn rất phổ biến từ thời tiền, sơ sử ở Việt Nam và hiện đang được tiếp nối trong thời đại của chúng ta.

Theo quan niệm dân gian, có 4 thế giới tồn tại của vũ trụ được cai quản bởi 4 vị Thánh Mẫu là: (1) Thiên phủ (miền trời) do Mẫu Thượng thiên cai quản bầu trời, có quyền năng tạo ra mâu, mưa, gió bão, sấm chớp, (2) Nhạc phủ (miền rừng núi) do Mẫu Thượng ngàn cai quản ban phát của cải (tự nhiên) nguồn sống cho chúng sinh, (3) Thuỷ phủ (miền sông nước) do Mẫu Thoải cai quản, có khả năng cung cấp nguồn nước cho cư dân trồng lúa nước và những người chài lưới đánh bắt thuỷ hải sản, (4) Địa phủ (miền đất) do Mẫu Địa Phủ cai quản đất đai – nguồn gốc của sự sống và sinh sôi, nảy nở và phát triển.

Trong thần điện của tín ngưỡng thờ Tam phủ và Tứ phủ, Mẫu Liễu Hạnh bao giờ cũng là hiện thân của Mẫu Thượng thiên với tư cách là “Mẫu nghi thiên hạ”, người Mẹ xứ sở, bao bọc, ban phát niềm vui, hạnh phúc và sự bình yên cho mọi nhà.

Các nhà khoa học đánh giá nghi lễ hầu đồng là nhân tố cốt lõi làm nên sức sống lâu bền của Đạo Mẫu Việt Nam. Từ nghi lễ hầu đồng sản sinh ra các giá đồng và nghệ thuật hát Chầu Văn – hình thức diễn xướng dân gian thuần Việt – loại hình di sản văn hoá phi vật thể (DSVHPVT) tiêu biểu trong thực hành tín ngưỡng thờ Tam Phủ. Trong nghi lễ hầu đồng có các lớp diễn xướng mô tả hình trạng của các vị Thánh, có các làn điệu dân ca kết hợp với âm nhạc và các điệu dân vũ truyền thống, mà trong đó lưu giữ kho tàng văn hoá dân gian đa đạng và sống động, hấp dẫn như: huyền thoại, truyền thuyết, các hình thức văn học truyền miệng về các biểu tượng văn hoá, ca ngợi tấm gương đạo đức của các nhân vật lịch sử - những người được vinh danh là “thần linh” đất Việt.

TS. Frank Proschan, học giả người Mỹ, chuyên viên cao cấp về di sản văn hoá của UNESCO đã nhận xét rất xác đáng về bản chất của nghi lễ hầu đồng. Theo ông “Lên đồng là một dạng trình diễn  văn hoá đặc biệt mang tính tổng hợp: nghi lễ kết hợp với sân khấu, âm nhạc và lời hát, trang phục và phong tục, nhảy múa và nhập thần/han thăng hoa về tâm lý”; “Lên đồng chứa đựng trạng thái ngây ngất/hay nhập hồn mà trong đó, có thể người lên đồng bị chiếm lĩnh, lấn lướt bởi vị thần trong thần điện”2

UNESCO đánh gia di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành. Theo tôi có thể coi đây là căn cứ học thuyết khiến UNESCO vinh danh/ ghi danh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Việt Nam vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đến đây có thể khăngr định, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là hiện tượng văn hoá, thành tố văn hoá độc đáo – một tảng các yếu tố quan trọng cấu thành sắc thái tín ngưỡng dân gian Việt Nam và cũng là yếu tố góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được ghi danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại cũng chính là sự đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào sự đa dạng của kho tàng di sản văn hoá của thế giới. Và việc bảo vệ và phát huy của loại hình DSVHPVT nói trên sau khi được vinh danh đã trở thành vinh dự và trách nhiệm chung của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên tham gia Công ước 2003 của UNESCO

  1. Những vấn đề đặt ra trong quản lý thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau 6 năm được vinh danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại.
    1. Tôn trọng quyền văn hoá trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nguyên tắc hàng đầu cần được tuân thủ

Văn hoá nói chung và quyền văn hoá nói riêng được vận hành trong đời sống xã hội như một định hướng cho lối sống, đạo lý, tâm hồn và hành động của người Việt Nam hướng tới Chân – Thiện – Mỹ (cái đúng, cái tốt, cái đẹp) để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa con người với nhau, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa các dân tộc trong một quốc gia, giữa các quốc gia dân tộc trên phạm vi toàn thế giới và quan hệ với môi trường tự nhiên và xã hội. Đó là lý do căn bản khiến Đảng và Nhà nước ta đặt vấn đề quyền văn hoá trong tổng thể chiến lược phát triển quốc gia, trong đó quyền văn hoá là nhân tố hàng đầu cho nhận thức và thực hiện các quyền khác.

Trước hết, quyền văn hoá phải đặt trong tổng thể các quyền khác (quyền chính trị, quyền kinh tế và quyền văn hoá) như một bộ phận không thể tách rời. Bộ ba các quyền này phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền tiến bộ.

Điều 41 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã quy định rõ “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hoá”. Suy rộng ra có thể hiểu quyền văn hoá là cơ sở pháp lý cho sự bình đẳng trong các hoạt động văn hoá như: (1) Quyền tiếp cận rộng rãi các giá trị văn hoá của dân tộc và nhân loại, (2) Quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá, (3) Quyền tham gia vào đời sống văn hoá (thực hành và sáng tạo văn hoá, lựa chọn các DSVH cần ưu tiên bảo vệ và quyết định các giải pháp phù hợp để bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, tự nguyện đóng góp trí tuệ, sức người và tài chính cho hoạt động bảo tồn DSVH …), (4) Quyền sử dụng các sở và thiết chế văn hoá.

Cụ thể, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chế định đảm bảo quyền văn hoá trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như: (1) Tự do ngôn luận, tự do báo chí, (2) Tự do tôn giáo, tín ngưỡng theo hoặc không theo tông giáo nào, (3) Học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật và tham gia các hoạt động khác, (4) Quyền được thông tin, (5) Các đảm bảo của Nhà nước để thực hiện quyền văn hoá.

Ta biết, quyền văn hoá là một bộ phận trọng yếu cấu thành quyền con người và các quyền này được quy định rõ tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng”3

Một trong những quyền con người quan trọng nhất và cũng là quyền văn hoá gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cũng được quy định rõ tại điều 24, Hiến pháp 2013 “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật4

Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp về quyền con người nói chung và quyền văn hoá nói riêng, Luật Di sản văn hoá năm 2001, được điều chỉnh bổ xung năm 2009 đã xác định rõ: (1) Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể thông qua các biện pháp sau đây: … (Điều 17), (2) Nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống qua các biện pháp sau đây: … (Điều 25), (3) Nhà nước tôn vinh và có chinh sách đãi ngộ đối với nghệ nhântài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể thông qua các biện pháp sau đây: … (Điều 26).

Các quy định pháp luật dẫn ra ở trên chứng tỏ, Đảng và Nhà nước đánh giá cao và tôn trọng vai trò của cộng đồng xã hội và các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo trong hoạt động bảo tồn DSVHPVT cũng như thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Điều này là hoàn toàn phù hợp với tinh thần Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCP. Công ước 2003 ghi nhận rằng “Các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hoá phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hoá và tính sáng tạo của con người”. Bên cạnh đó Công ước 2003 còn quy định rõ trách nhiệm của các quốc gia thành viên tham gia Công ước, “Mỗi quốc gia thành viên phải: (1) Sử dụng các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể hiện có trên lãnh thổ mình, (2) Cùng các biện pháp bảo tồn đã đề tập tại Điều II, Mục 3, cần nhận diện và xác định rõ các loại hình khác nhau của di sản văn hoá có trên lãnh thổ mình, có sự tham gia của các cộng đồng, nhóm người và các tổ phức phi chính phủ có liên quan”.

Từ những nội dung trình bày ở trên có thể rút ra những nguyên tắc cần tuân thủ trong quản lý và phát huy giá trị DSVHPVT cũng như thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - DSVHPVT đại diện của nhân loại: (1) Tôn trọng chủ thể văn hoá với tư cách là người sáng tạo, nắm giữ, thực hành, truyền dạy và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đặc biệt là phải tao ra được sự đồng thuận và tự nguyện tham gia của cộng đồng(bản hội,đồng thầy, các  con nhang, đệ tử của Đạo Mẫu) trong hoạt động bảo tồn DSVH, (2) Tôn trọng sự đa dạng văn hoá trong thực hành Đạo Mẫu, tìm ra điểm chung và tôn trọng sự khác biệt, không phân loại cao cấp, không phân biệt đối xử giữa các loại hình DSVHPVT, (3) Bảo vệ và phát huy các mặt giá trị tiêu biểu của DSVHPVT hướng tới bảo tồn bền vững để phục vụ thiết thực cho nhu cầu phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp  văn hoá tiềm năng của Việt Nam.

    1. Thực trạng bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và những vấn đề đặt ra

Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO vinh danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại là niềm tự hào của Việt Nam đã có đóng góp xứng đáng vào sự đa dạng văn hoá của thế giới, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của một quốc gia thành viên tham gia Công ước trong việc huy động nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn DSVH.

Với quan điểm, bảo tồn DSVH là phải dựa vào cộng đồng (tôn trọng cộng đồng, lắng nghe, thấu hiểu, thuyết phục tạo sự đồng thuận của cộng đồng, vận động cộng đồng tự nguyện tham gia tích cực vào hoạt động bảo tồn DSVH), Cục Di sản văn hoá đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTT và DL tạo cơ sở pháp lý và có lợi cho tất cả các bên có liên quan thực hiện tốt các chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Thực tế cho thấy, sau 6 năm được vinh danh, bước đầu di sản này đã khẳng định sức sống bền vững và có sự lan toả mạnh mẽ thông qua nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của cộng đồng. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không chỉ tồn tại ở nghi thức hầu đồng mà là cả hệ thống thực hành tín ngưỡng bao gồm hàng loạt các yếu tố văn hoá dân gian gắn bó chặt chẽ và tác động tương hỗ lẫn nhau như: Lễ hội dân gian (lễ hội Phủ Dầy theo tập quán tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ), các nghi thức trong việc thờ Mẫu (Vũ đạo – múa thiêng trong các giá đồng, hát văn, trang phục …). Đây là “bộ sưu tập lịch sử và văn hoá” vô cùng phong phú và sinh động đang được cộng đồng thực hành và bảo tồn như một “bảo tàng sống động” về văn hoá dân gian tiêu biểu của Việt Nam.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau một thời gian dài, vì nhiều lý do (bị đánh đồng với các hiện tượng mê tín – dị đoan, giá trị lịch sử, văn hoá chưa được nhận thức đúng đắn và toàn diện ..) bị cấm cản không được thực hành trong đời sống xã hội đã thực sự được hồi sinh, có xu hướng thành “cao trào mở phủ, hầu đồng” nên không tránh khỏi những mặt hạn chế cần có biện pháp khắc phục kịp thời như:

Thứ nhất, theo quan niệm truyền thống, muốn trở thành đồng thầy, người thực hành ít nhất cũng phải trải qua 12 năm rèn luyện, tu dưỡng và thực hành di sản mới được “đi đồng”. Tuy nhiên, không ít người mới “thử đồng” hoặc thực hành tín ngưỡng được hai, ba năm, chưa đủ uy tín trước cộng đồng bản hội đã “tự phong là đồng thầy”. Sai lầm hơn nữa, nhiều vị lại coi việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một nghề, lợi dụng lòng tin của mọi người để thu lợi cá nhân thức là “thương mại hoá” di sản làm sai lệch giá trị Chân – Thiện – Mỹ  của di sản.

Thứ hai, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tham phủ đang có chiều hướng khó kiểm soát (nhân danh tự do tín ngưỡng, tôn giáo) diễn ra ở hầu khắp các vùng miền của đất nước, cá biệt do thiếu hiểu biết một số người, trong đó có cả thanh đồng Đạo Mẫu đã tự biến một số đền, miếu, am thờ và những thiết chế thờ các vị nhân thần – anh hùng dân tộc có công với dân với nước thành thờ Tứ phủ. Điều nguy hiểm là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không được diễn ra tại không gian văn hoá linh thiêng vốn gắn chặt với Đạo Mẫu. Mặt khác còn góp phần làm sai lệch bản chất cũng như giá trị văn hoá của các tín ngưỡng tôn giáo khác. Đó là sự vi phạm nghiêm trọng Quyền văn hoá theo quy định của Hiến pháp và Phát luật của Nhà nước, trái với tinh thần Công ước 2003 của UNESCO.

Thứ ba, có hiện tượng các cá nhân, tổ chức phi chính phủ cũng lợi dụng việc xã hội hoá các hoạt động bảo tồn DSVHPVT, tổ chức diễn đàn trao tặng các “danh hiệu”, giấy khen, giải thưởng, chứng chỉ không đúng chức năng để huy động nguồn lực kể cả kinh phí từ các bản hội và các thanh đồng gây rối loạn, bức xúc và hiểu lầm lớn trong cộng đông.

Cuối cùng, tôi cho rằng những bất cập, hạn chế trong bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được UNESCO vinh danh là do nhiều địa phương chưa chủ động và tích cực triển khai “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” theo tinh thần công văn số 3146BVHTTDL – DSVH do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã ký giữa UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Chương trình quốc gia đặt ra 5 yêu cầu lớn: (1) Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hoá DSVHPVT thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt … (2) Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong cộng đồng … (3) Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy di sản … (4) Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị tốt đẹp của di sản …. (5) Phối hợp với các cơ quan truyền thông, hội nghề nghiệp, tổ chức chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản …

Từ thực trạng nói trên đặt ra yêu cầu phải tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước để huy động các nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội cho việc bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị tốt đẹp của di sản văn hoá phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt theo một số hướng chính sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đó có các cơ chế, chính sách về hoạt động bảo tồn DSVHPVT. Có lẽ cần ưu tiên hai việc lớn là: (1) Điều chỉnh, bổ xung Luật di sản văn hoá năm 2009 (chi tiết, cụ thể hoá các điều luật về DSVHPVT), (2) Xây dựng Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT đã đượ UNESCO vinh danh và danh mục DSVHPVT Quốc gia.

Thứ hai, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và triển khai các chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT nói chung và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng.

Thứ ba, phát huy vai trò tự chủ của cộng đồng chủ thể văn hoá với tư cách là: Chủ thể sáng tạo, người nắm giữ, thực hành, truyền dạy và hưởng thụ giá trị của ĐSVHPVT Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đặc biệt là vai trò của các bản hội, các đồng thầy, các câu lạc bộ Đạo Mẫu thông qua các quy chế, quy định mà cộng đồng đã thảo luận, đồng thuận những không trái với quy định pháp luật của Nhà nước.

Trên đây là những suy nghĩ bước đầu, cảm nhận chủ quan mang tính cá nhân mong góp phần nâng cao hiệu quản quản lý nhà nước để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được bảo vệ, phát huy giá trị sâu rộng trong đời sống xã hội.

_________________

Tài liệu tham khảo

  1. Bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2 ngày 24/11/2021, nguồn https://baotintuc.vn
  2. Frank Proschan. Lên đồng (hầu bóng) – Kho tàng sống của di sản văn hoá Việt Nam. Nguồn Website của Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam.
  3. Hiến pháp 2013, Điều 14, nguồn Website Thư viện pháp luật.
  4. Tài liệu đã dẫn, Điều 24.

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Việc quản lý thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - những vấn đề đặt ra" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn