Bà Nguyễn Bích Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cho biết: Năm 2024, mặc dầu còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển đã hoàn thành việc thay đổi trụ sở và thông báo với các cơ quan quản lý từ số 9, ngõ 26 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội về địa chỉ trụ sở mới số 53 Yên Lạc, Phường Vĩnh Tuy, Q Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Quyết định thành lập Hội đồng khoa học có 9 thành viên. 01 công trình nghiên cứu của TS Phạm Việt Long, 01 công trình của PGS. TS Phạm Hùng Việt và 01 công trình nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Hữu Thức.
Hoạt động nghiên cứu lịch sử cũng được Viện chú trọng. Viện giao cho Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hóa Quốc gia chủ động triển khai, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoat động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Viện.
Đã tổ chức 04 lần Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đó là tại Đền Mẫu Phủ Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Đền Thánh Mẫu, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đền Bảo Hà, tỉnh Lào Cai và đền Ông Hoàng Mười, tỉnh Nghệ An.
Viện và Trung tâm đã thành lập 01 Câu lạc bộ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, quy tụ nhiều nghệ nhân Ưu tú, thanh đồng, thủ nhang tham gia hoạt động. Câu lạc bộ đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để trao đổi về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Di sản; Nghị định 93-NĐ/2023/CP về việc xét duyệt danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và Nghệ nhân Nhân dân.
Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); Kỷ niệm 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2024), Viện tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà Quân sự thiên tài - Nhà văn hoá lớn” vào ngày 26 tháng 12 năm 2024 tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Hội thảo là diễn đàn khoa học, được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học của Sỹ quan Quân đội, các nhà nghiên cứu lịch sử, kinh tế, văn hoá nghệ thuật hàng đầu ở Trung ương và địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí tham gia với sức lan toả lớn.
Hội thảo mang lại những giá trị to lớn trong việc bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc với một nhân cách văn hoá lớn, tấm gương trọn đời sống, chiến đấu và hy sinh cho Đảng, cho Tổ quốc và Nhân dân cùng những bài học quý báu về tình cảm quê hương, đồng chí, đồng đội và gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Hội thảo đã được đánh giá cao, đây là một sự kiện để lại dấu ấn trong năm 2024", Viện trưởng Nguyễn Bích Hà khẳng định.
Về công tác xây dựng Đảng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi bộ Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Triển khai đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng và bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt chính sách pháp luật của nhà nước. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Chi bộ, vai trò hạt nhân chính trị được nâng lên, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của giai đoạn vừa qua.
Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã trúng cử chức danh Bí thư Chi bộ, đạt 100% số đảng viên có mặt tại Đại hội.
Về kế hoạch hoạt động năm 2025, Viện tiếp tục hoàn thiện bộ máy hoạt động của Viện và các vị trí trưởng phó ban của đơn vị trực thuộc và VP Đại diện, thường trú tại các địa bàn trọng điểm. Bố trí sắp xếp cán bộ trong và ngoài Viện “đúng vai, đúng việc”. Có đóng góp thì thưởng, không đóng góp không thưởng. Xử lý, kỷ luật nghiêm minh nếu để xảy ra sai phạm.
Đối với Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, tổ chức sắp xếp, bố trí các vị trí phù hợp, chú trọng việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động của Bộ chủ quản sắp tới.
Xây dựng và phát triển các nền tảng truyền thông số để quảng bá hoạt động của Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển.
Hàng năm xây dựng các chuyên đề, ấn phẩm để phục vụ các sự kiện của Viện, vừa tạo thêm nguồn thu; góp phần phát triển trong tình hình mới.
ThS. Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý đáng giá cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm 2024.
"Viện quan tâm chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là các đề tài cấp cơ sở, đề tài cấp Bộ, đề tài cấp tỉnh và đề tài cấp Quốc gia. Chính vì vậy sẽ tăng cường các giải pháp, nỗ lực để huy động sức mạnh tổng hợp của các thành viên trong và ngoài Hội đồng Khoa học. Đồng thời có những cơ chế, chính sách kịp thời nhằm khuyến khích, động viên các thành viên Hội đồng Quản lý, Hội đồng Khoa học của Viện thực hiện những cải tiến, sáng kiến, tham gia đóng góp tích cực cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện", ThS Nguyễn Thị Hoa nói.
Theo ThS Nguyễn Thị Hoa, thời gian tới đây, Viện sẽ thành lập Ban chuyên môn điều hành hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung một đầu mối quản lý hoạt động khoa học theo tiêu chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó chú trọng các hoạt động tổ chức sự kiện; hội nghị; hội thảo lớn, mang lại giá trị của Viện, tạo nguồn thu.
Chủ tịch Hội đồng Quản lý ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hóa Quốc gia. Trong thời gian tới tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các công trình nghiên cứu về lịch sử và bảo tồn các giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Về hoạt động Bảo tồn các giá trị tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, Viện sẽ triển khai Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tại các địa phương. Câu lạc bộ tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để trao đổi về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Di sản; Nghị định 93-NĐ/2023/CP về việc xét duyệt danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và Nghệ nhân Nhân dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
"Đối với Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, Viện sẽ ban hành Quy chế hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động. Triển khai Ấn phẩm đặc biệt “Văn hóa và Phát triển chào Xuân Ất Tỵ 2025”; nội dung phong phú và đa dạng về hình thức thể hiện; các bài viết của nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp, nhà văn hóa… Những cây bút chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa trong cả nước.
Tại buổi tổng kết, Hội đồng Khoa học của Viện thẳng thắn nhìn nhận những việc làm được và chưa được. Đó là, chưa hình thành được các nhóm nghiên cứu để thực hiện các nhiệm vụ khoa học có quy mô, trọng điểm của Viện. Lực lượng nghiên cứu của nhiều chuyên ngành còn mỏng, tính hợp tác chưa cao. Vì vậy, cần nâng cao tính khoa học, chất lượng làm việc của Hội đồng khoa học; xây dựng quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đánh giá từ đó có những giải pháp điều chỉnh hoạt động khoa học trong từng thời điểm. Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị tham mưu, quản lý và của đơn vị chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học công bố các kết quả nghiên cứu...
Bên cạnh đó, Hội đồng Quản lý, Hội đồng Khoa học quan tâm, hỗ trợ và giám sát, kiểm tra hoạt động các đơn vị trực thuộc, để rồi từ đó giúp đỡ, định hướng hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Viện trong tình hình mới.