Viếng ông “Thăm lúa”

Sáng Chủ nhật 16/1/2005, nhằm mồng Bảy tháng Chạp Giáp Thân, tôi và mấy nhà thơ lớp đàn em của tác giả Thăm lúa ra thắp hương mộ bác Trần Hữu Thung. Từ “ngôi nhà vĩnh cửu” gắn tấm biển khắc tên ông ra tới cánh đồng thẳng cánh cò bay của xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) chừng vài chục bước chân thôi. Giữa ngào ngạt hương lúa ngậm đòng tôi không nghĩ tác giả Anh vẫn hành quân mới đó mà đã người thiên cổ!
nha-tho-tran-huu-thung-1691156423.jpg
Nhà thơ Trần Hữu Thung nổi tiếng với bài thơ Thăm lúa

Đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, lứa học sinh trường huyện chúng tôi xếp sách bút vào chiến trường rực lửa, đứa nào cũng nhập tâm bản tấu sáo Anh vẫn hành quân nhạc Huy Du, thơ của bác Trần Hữu Thung, do Nghệ sĩ Đinh Thìn thể hiện trên sóng phát thanh, cứ thôi thúc giục giã chúng tôi thêm sức mạnh thẳng tiến vào Nam. Ngày ấy tôi chỉ biết mang máng nhà thơ quê xứ Nghệ, không biết huyện nào, già hay trẻ và làm chức tước gì, chỉ biết giới lý luận phê bình văn học luôn xếp tên ông vào tốp đầu trong số “cây đa cây đề” của thơ ca Việt Nam hiện đại. Lính trẻ chúng tôi thi nhau đếm đi đếm lại thì thấy tên tuổi thuộc hàng “cây đa cây đề” chưa hết số ngón trên hai bàn tay!

Rồi ông về hưu năm nào tôi cũng không biết. Liên tiếp vào dịp trước 2 cái Tết Đinh Sửu 1997 và Mậu Dần 1998, tôi cùng các anh lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh ra Diễn Minh chúc Tết nhà thơ. Căn nhà nhỏ do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Diễn Châu xây tặng nhà thơ được khánh thành trước đó. “Tư dinh” một lồi một lõm nhỏ gọn chừng 40m2, vôi ve sáng sủa, kiểu nhà mái bằng phổ biến ở nông thôn xứ Nghệ thời kỳ đổi mới. Từ phút đầu đã không còn ranh giới chủ khách, ông bảo vợ mang hũ rượu ra để “uống một chén Xuân sớm với các anh. Rượu bạn làng biếu mà”. Không bày đặt nghi lễ chạm chén, ông tự nhiên “khà” trước, khách thứ tự kính lão đắc thọ mà “khà” theo. 

nha-tho-tht-1691156491.jpg
Nhà thơ Trần Hữu Thung (1926-1999). Ảnh: Trang Thanh

Bà Bùi Thị Phương vợ ông ít hơn chồng vài chục tuổi, lẳng lặng ngắm chồng tửu nhập ngôn xuất với đoàn khách mà hầu hết tuổi bậc em bậc con. Bao năm chứng kiến tửu-thi- thi-tửu thế này, gần đây bà Phương phải giành quyền cai quản hũ rượu để mong cầm chịch tửu lượng cho ông. Là y sĩ bệnh viện huyện, bà hiểu, khỏe như hộ pháp cũng bị rượu cho nốc ao, huống là lão nông còm nhom bỏ cày cầm bút mấy chục năm rồi! Biết ý bà nên chúng tôi nháy nhau “khà” chầm chậm để nối dài cuộc vui. Thấy vậy ông giục:

- Nỏ can chi mô, rượu làng tự nấu, càng uống càng êm!

Tính ông là thế, cứ vui bạn vui bè lập tức quên béng tửu lượng do y sĩ vợ ấn định.

Không rườm rà, nghi thức chúc Tết diễn ra chóng vánh, gọn ghẽ trong mấy phút giữa sáng đẹp trời trên đất Phú Diễn. Gặp gỡ giao hòa người và cảnh vật khiến nhà thơ bồi hồi xúc động:

 - Về hưu lâu rồi còn được anh em bạn hữu đi qua về lại ghé thăm, lại được tặng quà thế này còn gì sướng bằng!

Khoảng một giờ còn lại đoàn chúng tôi được dịp “cà riềng, cà tỏi” với nhà thơ. Thôi thì từ Anh vẫn hành quân đến Thăm lúa, rồi trở về “lão giả an chi” ngót vài chục năm đã mắt mờ gối mỏi, rứa mà ông vẫn cho ra Từ điển tiếng Nghệ. Nhiều người bảo Từ điển tiếng Nghệ như quả trứng vàng ông gửi lại quê nhà trước khi đi thăm cánh đồng lúa chín vàng không bến không bờ. Về sau tôi nhận ra một điều: Lão thi nhân Trần Hữu Thung càng về già càng dẻo càng dai, càng dâng hiến cho đời nhiều “tre” “trúc” quý. Các tác phẩm của ông như thứ tre ngà, có sức sống cứng cáp dẻo dai nhờ bộ rễ sâu bám chắc vào lòng đất, hút đủ tinh hoa của đất để trả cho đời thứ quả mọng chân chất bình dân.

Nhân lúc đang vui, tôi chủ động tìm hiểu hoàn cảnh xuất xứ của bài Thăm lúa ông viết năm 1950, theo thể thơ năm chữ gợi nhớ điệu hát dặm Nghệ - Tĩnh, ông cười:

 - Anh hỏi, tôi nói thật hí...

Ông bảo nó được sinh ra tại một đám cưới làng thuộc đất Đô Lương, trong kháng chiến chống Pháp, nơi cơ quan Tuyên truyền Văn nghệ Liên khu IV đứng chân. Chiều đông ấy, những điều ông vắn tắt cho chúng tôi nghe hoàn toàn không giống như những điều tôi được biết qua nhiều kênh thông tin, từ thời trường xã, trường huyện cho mãi đến sau này. Với ông, nó chỉ đơn giản thế này. Ngày ấy tuổi trai tráng ham vui, ông theo người bạn trai cuốc bộ sang làng bên dự đám cưới, và tại đám cưới ấy đã cho ông phút thăng hoa làm nên bài Thăm lúa để đọc tặng hôn lễ, vậy thôi. Vì quá mến mộ bài Thăm lúa, một số cây bút cố tình gán cho nó cái hoàn cảnh ra đời “mười phân vẹn mười” theo trí tưởng tượng của họ. Ông cho là chuyện vô thưởng vô phạt nên chẳng muốn nói lại làm gì, thôi thì cứ để cái hoàn cảnh ra đời của Thăm lúa tròn vo trong tâm tưởng như người đời đã tiếp nhận vậy.

Thấy tôi ngó nghiêng khắp căn nhà chừng bốn chục mét vuông, nhỏ nhoi thế, vậy mà mãi cuối đời nhà thơ lớn mới có nổi, ông bối rối nhìn mọi người:

 - Nhờ tỉnh và huyện tài trợ 40 triệu, cứ chờ góp lương hưu và nhuận bút còm thì chưa biết khi mô mới có nhà!

Khi đoàn lục tục ra ô tô đậu tít ngoài đường, anh Lê Huy Diến, Tổng biên tập Báo Lao động Nghệ An nói với mọi người nán đợi để anh xin “Cụ đồ Phủ Diễn” mấy cặp câu đối kịp về làm đẹp làm sang số Xuân. Chẳng là năm ấy tờ báo của tổ chức công đoàn tỉnh đang tuổi lên ba, lực lượng cả Tòa soạn chưa đầy nửa tá, được cái, từ Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh cho tới cô nhân viên Trị sự mới quen việc, tất cả hiệp sức chung lòng phấn đấu đưa nội dung tờ báo cắm rễ trong lòng bạn đọc. Giữa bối cảnh báo “ăn đong chạy bữa” mà được nhận thơ, văn, câu đối của cây đa cây đề Trần Hữu Thung là một vinh dự lớn! Ông bảo:

- Mấy bữa ni các báo tạp chí đến lấy khá nhiều, riêng tui vẫn để dành câu đối Tết cho báo của Công đoàn Nghệ An!

Tôi chưa kịp mở sổ tay để chép thì ông đã “xuất kho” bốn đôi câu đối đó chuẩn bị sẵn trong đầu, kèm lời chú:

- Chưa gửi cho ai mô, các anh cứ chọn mà dùng.

Bà Phương bảo: Từ cuối Thu ông đã nghĩ rất nhiều câu đối, đầu tháng Một đến giữa tháng Chạp các báo tạp chí trong ngoài tỉnh cử người đến chúc Tết, và bao giờ cũng “tiện thể” xin câu đối của nhà thơ. Sau chầu rượu đãi khách, báo nào cũng được thứ “đặc sản” cao cấp của ông rồi hớn hở mang về!

Một đời cày cuốc trên văn chương chữ nghĩa lắm vinh quang và cũng lắm nhọc nhằn, ở ngưỡng cửa bát tuần ông vẫn cần mẫn làm ra sản phẩm trí tuệ cống hiến cho đời. Suốt cuộc gặp, ông không một câu tự nói về mình hoặc ca cẩm về nỗi trái ngang của nhân tình thế thái. Trong tâm hồn ông dường như không có chỗ ẩn náu cho những nghĩa cử tầm thường! Tôi vốn tâm phục cách xử sự “bóp núi thành đồi” của các bậc đại nhân quân tử từng làm rạng danh xứ Nghệ.

Ông cởi mở nhưng không vồ vập, chân tình với nhân dân với bạn bè, không để ý tới mọi nghi lễ và khoảng cách địa vị, tuổi tác, uy tín, tâm thế xã hội, mà cuộc đời đã tôn vinh ông. Ngắm gương mặt sau hơn ba phần tư thế kỷ dãi gió dầm sương, tôi ngẫm về cái chất dân dã đồng quê từng in đậm trong hầu hết tác phẩm của ông.

Nhà thơ sinh ngày 21-7-1923 (Tuyển thơ Hà Tĩnh thế kỷ 20-XB năm 2000 ghi là ngày 26-7-1923), quê xã Diễn Minh, Diễn Châu, từng làm cán bộ Sở tuyên truyền Liên khu 4, phụ trách chi hội Liên khu 4, ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam, cán bộ Vụ văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội trưởng Hội văn nghệ Nghệ-Tĩnh.

Vào lúc 18 giờ 20 phút ngày 31-7-1999, tác giả Thăm lúa bình thản ra đi. Hôm ấy nhằm thứ Bảy ngày nghỉ cuối tuần, vào giờ bà con nông dân đang thu dọn cuốc cày gọi trâu về trước khi trời tối. Chưa kể những giải thưởng văn chương quốc gia và quốc tế, riêng sức làm việc sáng tạo của ông cuối đời để lại “Từ điển tiếng Nghệ”- giải thưởng của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam với trên 300 trang in, 3.066 mục từ và 18 mục từ mở rộng; Công trình “Giai thoại nhà nho xứ Nghệ” một phần đã rải rác được đăng tải trên các báo tạp chí...cũng đủ tôn vinh ông là Nhà văn hóa Xứ Nghệ rồi.