Chính thức mở lại hoạt động du lịch với chủ đề “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”.

Ngày 22/3, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức phát động mở lại hoạt động du lịch với chủ đề “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”.

Chú thích ảnh Nghi thức phát động mở lại hoạt động du lịch. 

 

Chương trình có sự tham gia của gần 400 đại biểu là các học giả trong lĩnh vực kinh tế, du lịch; đại diện của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố và hơn 70 công ty du lịch, lữ hành lớn.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, đây là hoạt động mở lại du lịch đầu tiên của cả nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trên địa bàn toàn quốc kể từ khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chỉ đạo, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để mở cửa hiệu quả, các doanh nghiệp cần phối hợp làm mới sản phẩm hiện có, bổ sung thêm những sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của khách đã thay đổi do dịch bệnh.

Để thực hiện mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, theo ông Hoàng Đạo Cương, sản phẩm du lịch cần tập trung xây dựng, phát triển và quảng bá các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe. Về thị trường cần tập trung các thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững như khách châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp), thị trường Australia, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông và thị trường gần khu vực Đông Nam Á (Hàn Quốc, Nhật Bản)…; khôi phục các đường bay, tần suất khai thác đối với các chuyến bay quốc tế; mở thêm các đường bay mới đến Việt Nam từ các thị trường khách trọng điểm và tiềm năng. Các doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không tăng cường hợp tác, liên kết, xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ các quy định về xuất, nhập cảnh và kiểm soát y tế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho hành khách. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho hay, trong 2 năm vừa qua, với việc thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh không ngừng chú trọng đầu tư cho du lịch để chủ động phục hồi. Tỉnh xác định rõ, đây là giai đoạn cấp thiết cũng là cơ hội đổi mới hoạt động du lịch. Quảng Ninh chú trọng duy trì hợp tác liên kết phát triển du lịch trong các chương trình hợp tác du lịch giữa Trung Quốc với ASEAN. Thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch và được sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương bạn, Quảng Ninh đã tổ chức thành công nhiều chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tại thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Khánh Hòa, Đắc Lắc, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…; ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; ký thỏa thuận hợp tác với các đơn vị lữ hành lớn của Việt Nam như Vietravel, Saigontouris…

Tỉnh sớm ban hành Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 với mục tiêu mở cửa an toàn, khôi phục tổng thể các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tỉnh đã triển khai chuỗi 65 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong năm 2022; tăng cường công tác đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động du lịch, tạo dựng các sản phẩm du lịch mới, phong phú, độc đáo, hấp dẫn với chất lượng cao và giá cả phù hợp để thu hút du khách.

Quảng Ninh phấn đấu thu hút khách du lịch trong năm 2022 đạt trên 10 triệu lượt người, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt; tổng thu du lịch đạt khoảng 21.000 tỷ đồng. Đến hết quý I/2022, Quảng Ninh ước tính đón khoảng 2 triệu lượt khách.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không sẽ sớm triển khai các chương trình xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm quốc tế. Tỉnh Quảng Ninh và các địa phương sẵn sàng đồng hành và tham gia tích cực vào các hoạt động quảng bá chung, góp phần tiếp tục quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh du lịch, đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin, để mở lại hoạt động du lịch, thành phố Đà Nẵng đã làm mới sản phẩm và làm sản phẩm mới có nhiều yếu tố bất ngờ, chất lượng dịch vụ cao. Đà Nẵng tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch để tăng cường công tác quảng bá du lịch tới du khách trong và ngoài nước. Dự kiến ngày 27/3, Đà Nẵng sẽ đón chuyến bay quốc tế đầu tiên đón khách quay trở lại.

Bà Bùi Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định Thành phố sẵn sàng chia sẻ các tài nguyên du lịch với các địa phương để du lịch Việt Nam cùng phát triển.

Tiến sỹ kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần sớm có lộ trình chủ động khẳng định với quốc tế là Việt Nam an toàn để mở cửa hoạt động kinh tế, xã hội; cần mở rộng hơn nữa việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có du lịch.

Trong khuôn khổ sự kiện phát động mở lại hoạt động du lịch “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”, UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Sun Group chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác phát động điểm đến Quảng Ninh.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh, Vietnam Airlines và Tập đoàn Sun Group thống nhất chương trình hợp tác kích cầu du lịch theo 4 mục tiêu chính là hợp tác chiến lược và toàn diện về chương trình kích cầu khách hàng thông qua hệ sinh thái của các bên nhằm tăng cường mạng lưới các đường bay do Vietnam Airlines khai thác đi, đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Quảng Ninh và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của các bên; phối hợp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, thương mại, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, hàng không; thực hiện các giải pháp phù hợp để sớm khôi phục ngành dịch vụ hàng không, ngành kinh tế du lịch và các ngành dịch vụ khác có liên quan sau ảnh hưởng của dịch COVID-19; xây dựng chính sách hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ và ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau một cách hiệu quả.