Kỳ 14
Nguyễn Xí cùng chục kỵ binh vây bọc lấy Kha Đốn và Đinh Quế. Hai kẻ định chống cự nhưng bị lính Đại Việt giết chết. Cuộc hỗn chiến giữa quân triều đình với lính phản loạn không thiện chiến lại đang say rượu nên chỉ canh giờ sau kết thúc, 500 tên bị giết chết, 3.000 tên còn lại đầu hàng, một bộ phận của cuộc phản loạn vùng Tây Bắc ở Thuận Châu bị dập tắt. Hai trong số ba tên cầm đầu đã bị tiêu diệt. Chỉ còn lại Đèo Cát Hãn ở vùng Phục Lễ. Chúng bị tiêu diệt nhanh vì quá chủ quan, cho rằng đường sá xa xôi hiểm trở, quân triều đình không thể đến nhanh được, có đến cũng không biết đường mà đánh vào sào huyệt của chúng. Thứ nữa lính tráng phản loạn chỉ là những dân binh kỹ thuật chiến đấu, trang bị, kỷ luật kém, suốt đêm say rượu thì còn sức đâu mà chiến đấu.
Trong khi đó đạo quân thủy gồm 1 vạn thủy binh và 100 chiến thuyền xé nước sông Hồng, sông Thao và sông Đà, xuyên qua sông Đà giữa núi non rừng thẳm quanh co, thâm sơn cùng cốc, chỉ hai ngày một đêm thì đến thượng nguồn sông Đà rồi dừng lại ở đoạn sông chảy qua đất Phục Lễ (Lai Châu). Lê Sát ra lệnh cho 50 thủy binh:
-Các ngươi đi lên do thám xem đại bản doanh của Đèo Cát Hãn ở đâu nhưng đừng để lộ tung tích, thay áo thường dân người Thái vào.
-Dạ, tuân lệnh tướng quân.
Lê Sát lại dặn 10 lính:
-Các ngươi lên bờ do thám xem Quốc vương Lê Tư Tề và 2 vạn quân đến chưa, đóng ở đâu để ta phối hợp chiến đấu, mặc thường phục người Thái vào.
-Dạ, tuân lệnh tướng quân.
Ngày hôm sau do thám về báo:
-Dạ bẩm tướng quân, đất mà ta đang dừng lại đúng là Mường Địch, Đèo Cát Hãn và Kha Lại ở Mường Lư, cách chúng ta 10 dặm về phía bắc.
Lại có thám mã về báo:
-Dạ bẩm tướng quân, Đại quân của Quốc Vương đã đến Mường Địch nhưng ở trên bộ, cách chúng ta 10 dặm.
Lê Sát nói:
Hai ngươi đem thư này đến cho Quốc Vương Lê Tư Tề, hẹn đêm nay cùng thủy quân tấn công vào Mường Lư, doanh trại của Đèo Cát Hãn. Khi đến dặn Quốc Vương bắn pháo hiệu lên, ta cũng sẽ bắn pháo hiệu và hợp vây cùng tấn công vào hành dinh của giặc.
-Tuân lệnh chủ tướng.
Nhận được thư của Lê Sát và viết thư trả lời xong, Lê Tư Tề nói với Đỗ Khuyển:
-Theo do thám hành dinh của địch trong thung lũng chỉ có một đường ra. Tướng quân đem 3.000 quân mai phục, khi Đèo Cát Hãn chạy ra phải bắt sống hoặc giết chết, đừng để nó chạy thoát lên vùng núi cao, chúng ta không bắt được đâu.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Đêm đó Lê Tư Tề tiếp tục cho quân hành quân lên hướng bắc Mường Địch, cách doanh trại của Đèo Cát Hãn nửa dặm thì trông thấy hai phát tên lửa bắn lên trời, Lê Tư Tề cũng cho bắn hai phát tên lửa rồi cho quân tiến vào bao vây, Lê Sát cũng hạ lệnh cho thủy binh lên bờ bao vây doanh trại Đèo Cát Hãn cùng bộ binh của Lê Tư Tề. 3 vạn quân triều đình bao vây và tấn công sào huyệt của Đèo Cát Hãn. Thành Mường Lư xây bằng đất sét và rào chắn sơ sài, không có hào giao thông và không có chông chà. Chỉ hai phát tông mạnh của khúc gỗ to nhọn, cửa thành bật ra, quân triều đình reo hò như sấm xông vào chém giết, một vài tên chống cự bị giết, còn một vạn quân đầu hàng. Đèo Cát Hãn dẫn vợ con theo đường hầm ra ngoài thành chạy ra ngoài và theo con đường nhỏ duy nhất chạy trốn. Bỗng nhiên đèn đuốc sáng trưng, tiếng reo hò vang động. Đèo Cát Hãn nhanh hơn chạy thoát nhưng ba người vợ và 9 đứa con nhỏ bị bắt.
Sơm hôm sau, trong hành dinh của quân đội triều đình, ba vạn bách tính Thái, Tày, Nùng đem nước và rượu đến úy lạo ba quân. Chợt ngoài sân hành dinh xuất hiện 2 vạn kỵ binh, xe vàng, lọng vàng trên cao xuất hiện lá cờ vàng có chữ Soái. Lính vào báo:
-Dạ bẩm Quốc Vương, xa giá của Hoàng thượng từ Mường Mỗi đã tới.
Lê Tư Tề, Lê Sát, Đỗ Khuyển, Nguyễn Lý vội ra đón, ba vạn bách tính Phục Lễ cũng quỳ xuống hô to:
-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
Lê Thái Tổ bước xuống xe và nói:
-Miễn lễ, các ái khanh bình thân, bách tính trăm họ bình thân.
-Đa tạ Hoàng thượng.
Mọi người vừa đứng dậy thì ngạc nhiên thấy một người tự trói tay, lê thân vào quỳ trước mặt Lê Thái Tổ, miệng kêu:
-Hoàng thượng vạn vạn tuế, xin Hoàng thượng tha mạng, thần xin đầu hàng, thần biết mình sai rồi, xin đầu hàng, xin tha mạng.
Lê Lợi cũng ngạc nhiên nói:
-Miễn lễ, đứng dậy đi.
-Đa tạ hoàng thượng.
Người đó đứng lên, mọi người nhìn ra thì đó là Đèo Cát Hãn. Đèo Cát Hãn biết chạy trốn không thoát đã ra đầu hàng còn để cứu vợ con. Lê Thái Tổ cũng nhận ra Đèo Cát Hãn liền mắng:
-Ta đã tha cho nhà ngươi đến ba lần, lần nào cũng ân điển cho chức vụ và nhiều ruộng đất để nhà ngươi thay ta chăn dân cho tốt, vậy mà nhà ngươi vẫn theo đường cũ, động binh đao làm khổ bách tính, chết con em của họ, làm khó nhọc quân đội và khổ cả trẫm phải thân chinh miền núi xa xôi hiểm trở, nay còn xin tha ư? Tội của nhà ngươi là tru di cửu tộc theo luật triều đình mà ta mới ban hành.
Đèo Cát Hãn quỳ xuống vái lạy như tế sao:
-Lần này tiểu nhân thề không dám làm phản nữa, nếu còn vi phạm xin trời đất tru diệt. Xin Hoàng thượng tha mạng.
Vợ con Đèo Cát Hãn cũng chạy ra quỳ xuống kêu khóc:
-Xin Hoàng thượng khai ân.
Cả hàng vạn bách tính người Thái, Nùng, Tày cũng quỳ xuống:
-Xin Hoàng thượng khai ân với tù trưởng của chúng tôi lần cuối. Chúng tôi không bao giờ quên ơn của Triều đình, của Hoàng thượng.
Lê Thái Tổ nói:
-Họ Đèo của nhà ngươi đời đời được các vua ta cho làm phụ đạo ở miền Phục Lễ này. Nay nhà ngươi không nghĩ tới tổ tiên, cậy nơi biên viễn xa xôi, núi rừng hiểm trở thì có thể hùng cứ mà triều đình không thể làm gì được. Nhà ngươi nhầm, ta cũng là dân miền núi Thanh Hóa đây, ngươi quên rồi sao. Ngươi cũng quên bao lần ở miền núi hiểm trở ta đã đánh bại hàng 20 vạn quân Minh sao. Ngươi giỏi lắm cũng chỉ 1 vạn quân trình độ thanh niên ở đây chiến kỹ thuật đã bằng 20 vạn quân Minh chưa. Cho nên ngươi còn làm phản lần sau ta diệt tận gốc không tha. Nay theo sự hối cải thực sự của ngươi, thể theo nguyện vọng của bách tính ở đây, ta tha cho ngươi lần cuối cùng, ngươi vẫn là thủ lĩnh cai quản châu Phục Lễ nhưng phải chăm lo đời sống của bách tính, dẹp bọn trộm cướp, bảo vệ biên cương và đời sống thanh bình của bách tính.
Đèo Cát Hãn. vợ con cùng 3 vạn bách tính quỳ xuống và nói:
-Đa tạ Hoàng thượng khai ân. Ơn nghĩa của Hoàng thượng như trời đất. Hoàng thượng vạn vạn tuế.
Tiếng hô vang động cả một không gian rộng lớn của núi rừng.
(Còn nữa)
CVL