Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 28

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.      

Kỳ 28

IV.

 Mùa xuân năm 1441, Đông Kinh chìm trong sắc nắng vàng, tuy gió lạnh vẫn còn thổi se sắt. Những tán lá cây cổ thụ đã bắt đầu đâm chồi nẩy lộc mới, Những đàn chim đã bắt đầu bay từ phương Nam trở lại cố hương phương Bắc sau một thời kỳ dài đi tránh rét. Hồng Giang vẫn cuồn cuộn đưa nước đầy phù sa màu hồng ra Lục Đầu Giang. Các cung điện hoàng thành vươn những đầu đao uy nghiêm lên trời trong và chìm trong nắng. Trống đã vang lên gọi các quan văn võ vào thiết triều. Trong điện Kính Thiên, Hoàng đế Lê Thái Tông đã là một thanh niên 18 tuổi tuấn tú khôi ngô ngồi trên ngai vàng. Bá quan văn võ quỳ xuống hô to:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Ai có gì tấu không?

Thái bảo trang Quận công Bùi Quốc Hưng bước ra:

-Dạ bẩm hoàng thượng, thần có tấu.

-Khanh tấu đi.

-Dạ bảm Hoàng thượng, theo tin báo về, thổ quan tên là Thượng Nghiễm ở Mường Muỗi (Thuận Châu-Gia Hưng) lại nổi loạn lần 2 chống lại triều đình, xin Hoàng thượng cử quân sĩ và tướng lĩnh lên Tây Bắc dẹp loạn.

Lê Thái Tông ngạc nhiên:

-Hả, tháng 3 năm 1440, tên này làm loạn, ta đã thân chinh lên đánh dẹp, Thượng Nghiễm đã tạ tội xin quy phục triều đình, nay lại cả gan làm loạn nữa sao? Ta lại phải thân chính khó nhọc một lần nữa rồi.

  Đình thượng hầu Lê Hiến bước ra tâu:

-Dạ Hoàng thượng, thần có tấu.

-Ái khanh nói đi.

-Bẩm Hoàng thượng, năm ngoái Hoàng thượng đã thân chinh đánh giặc Thượng Nghiễm ở Thuận Châu rất là khó nhọc cho long thể, lần này Hoàng thượng cử một thượng tướng có tài đi là được.

  Lê Thái Tông đáp:
-Mấy năm nay vùng Tây Bắc bị quấy nhiễu không ngừng, tháng 8 năm 1437, quân Ai Lao cấu kết với tù trưởng làm loạn Châu Mã Giang và Châu Mộc, bị quân ta đánh chém chết tù tưởng Man Nữu cùng 20 lính, bắt sống 20 lính, vua Ai Lao đã cử sứ giả sang xin chuộc lại tù binh và hứa xin giữ hòa hiếu, ta đã đồng ý và cho tù binh về nước với hy vọng đem lại hòa bình cho biên giới. Thế nhưng năm 1439, tướng Ai Lao là Nữu  Hoa đem 3 vạn quân cấu kết với tù trưởng họ Cầm ở châu Phục Lễ (Lai Châu) nổi loạn, ta đã thân chinh mang  quân đi đánh dẹp Hà Tông Lai. Ngày 19 tháng 1 âm lịch năm đó, ta bắt được con của Tông Lai là Tông Mậu, sau đó chém được Tông Lai, từ đó một vùng Tây Bắc mới tắt binh đao khói lửa. Ta và các khanh phải ghi nhớ lời của Lê Thái Tổ: Phải làm cho ơn đức triều đình thấm xuống vùng xa xôi với các dân tộc thiểu số. Đức Lê Thái Tổ đã nhiều lần thân chinh tới Cao Bằng, tới Thuận Châu, tới châu Phục Lễ. Ở đâu sau khi dẹp loạn xong, Người cũng đem chính sách quân điền thi hành, đem no ấm  cho bách tính vùng xa xôi, từ đó ổn định biên cương, không cho ngoại bang xâm lấn vì lòng dân đã hướng về triều đình. Vậy nên ta phải thân chinh lần nữa để bách tính thấy triều đình luôn quan tâm, gần gủi họ.

  Ngừng một lát Lê Thái Tông nói tiếp:

-Quốc công Lê Liễu nghe lệnh.

Lê Liễu bước ra:

-Bẩm Hoàng thượng, có thần.

-Ái khanh đem 1 vạn quân đi tiên phong lên Mường Muỗi (Thuận Châu) phá giặc.

-Thần tuân chỉ.

-Thái phó Mục Quận công Lê Lôi nghe chỉ.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, có thần.

-Khanh đem 1 vạn quân đi hậu quân lên Mường Muỗi phá giặc.

-Thần tuân chỉ.

-Thái úy Quận công Lưu Trung.

-Bẩm Hoàng thượng có thần.

-Thái úy đại tri phủ Lê Luân nghe chỉ.                                   -

Dạ, bẩm Hoàng thượng có thần.

-Hai khanh đem 2 vạn quân cùng trẫm đi trung quân tiến về Mường Muỗi dẹp loạn.

-Chúng thần tuân chỉ.

-Á hầu Hành khiển Nguyễn Trãi nghe chỉ.

-Bẩm Hoàng thượng có thần.

-Khanh hãy cùng Lương Đăng soạn lại nhạc cung đình, vẽ lại mẫu lễ phục cho các quan văn võ, mẫu xe ngựa dùng cho lễ nghi của các cấp quan trong triều đình, khi nào trẫm ở Mường Muỗi về hai khanh trình để trẫm quyết định.

Hoạn quan Lương Đăng và Nguyễn Trãi cùng đáp:

-Chúng thần tuân chỉ.

-Thứ hai Nguyễn Trãi phải cùng một số văn thần chuẩn bị kỳ thi hội vào đầu năm 1442 để lấy Tiến sĩ, Trạng nguyên từ khi triều ta thành lập cho đến nay.

-Thần tuân chỉ.

- Bãi triều.

   Sớm hôm sau, ba vạn quân do Lê Thái Tông thống lĩnh bắt đầu hành quân Lên Mường Muỗi. Lê Liễu đi tiên phong, Lê Lôi đi hậu quân, Lưu Trung, Lê Luân đi trung quân cùng Lê Thái Tông. Nhà vua đi trên một chiếc xe có che lụa vàng do hai con ngựa to khỏe màu trắng kéo, trên xe có lọng vàng, trên lọng vàng có lá cờ vàng có chữ soái lớn màu đỏ. Ba quân đi, cờ vàng bay phấp phới, bụi cuốn mù mịt. Tháng ba nắng rực rỡ, đồi núi quanh co uốn lượn hiểm trở, cây rừng trên đồi núi xanh ngát. Đường lên miền Tây Bắc đúng là hùng vĩ nhưng quanh co hiểm trở xa xôi. Đâu đây có tiếng nai kêu, có tiếng tắc kè kêu tếch về, tếch về tiếng vang xa mang tác. Đâu đó, tiếng chảy của những dòng suối, của những thác nước phát ra tiếng nhạc rì rào muôn thuở. Tiếng mõ trâu khua lóc cóc. Những mái nhà màu xám chênh vênh trên những ven đồi tỏa làn khói bếp như sương.

     Hành quân được hai ngày, Lê Thái Tông ra lệnh:

     -Cho toàn quân nghỉ ngơi ăn uống lấy sức, sáng hôm sau hành quân đánh phiến loạn. Canh phòng cẩn mật đề phòng bị tập kích.

     -Tuân lệnh Hoàng thượng.

     Toàn quân dừng lại theo đội ngũ hành quân đề phòng bị cướp trại. Mỗi người lính tự đem lương khô là bánh chưng, giò bò, giò lợn, gạo đồ chín để ăn. Sáng hôm sau khi hành quân Lê Thái Tông gọi các tướng Lê Liễu, Lê Lôi, Lưu Trung, Lê Luân và dặn:

         -Đạo tiên phong Lê Liễu cho 1.000 quân đi do thám xem có mai phục không, dặn binh sĩ có mai phục thì nằm xuống, ta sẽ đem quân đánh vòng ngoài, các ngươi bên trong đánh ra giặc sẽ chết. Nhớ đem theo cờ soái, xe màu vàng để giặc tưởng xe của ta để chúng tấn công.

 Lê Liễu đáp:

 -Thần tuân lệnh.

 Lê Thái Tông nói tiếp:

 -Còn địch không mai phục mà dàn trận thì ta và Lê Lôi sẽ đánh mặt trước, Lê Luân và Lưu Trung tập hậu phía sau.

           -Chúng thần tuân chỉ.

 -Còn nữa, nếu giặc cố thủ trong doanh trại thì ta đánh mặt trước, Lê Liễu đánh sau lưng, Lê Lôi và Lưu Trung đánh  hai hướng còn lại.

-Thần tuân chỉ.

(Còn nữa)

CVL