Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 41

PGS TS Cao Văn Liên

14/09/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 41

CHƯƠNG III

                    TRIỀU LÊ NHÂN TÔNG.(1442-1459)

I.

  Sau khi Lê Thái Tông chết đột ngột ở hành cung Lệ Chi Viên, ngày 12 tháng 8 âm Lịch năm 1442, các đại thần cố mệnh là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ, Đinh Liệt, Lê Bôi tôn hoàng thái tử Lê Bang Cơ mới hơn một tuổi lên ngôi, lấy niên hiệu Thái Hòa. Năm 1422 là năm Thái Hòa thứ nhất, sử gọi là  Lê Nhân Tông. Lê Bang Cơ được phong thái tử lúc 6 tháng tuổi, khi lên ngôi mới hơn một tuổi nên mẹ là Thần phi Nguyễn Thị Anh được buông rèm nhiếp chính và được tôn là Hoàng Thái hậu.

  Đông Kinh tháng tư năm 1446, nắng êm dịu rải xuống khắp nơi, rải vào hoàng thành, bị các tán lá xanh che chắn nên rơi xuống mái cung điện loang lổ. Gió thổi nhẹ làm lá vàng rơi ngày một nhiều trên các mái cung điện, lá rải dầy cả các lối vào trong các cung.

  Trong điện Kính Thiên đang có buổi thiết triều. Hoàng đế Lê Nhân Tông 6 tuổi đội vương miện cỡ nhỏ ngồi trên ngai vàng, áo bào cỡ nhỏ màu vàng có hai con rồng đỏ vòng quanh người của vua và trườn ra phía trước ôm lấy hình mặt trời trước ngực, tay cầm một hình nộm làm đồ chơi. Quan nội thị đứng bên cạnh sẵn sàng đỡ nếu hoàng thượng ngã xuống khỏi ngai vàng. Lê Nhân Tông tay cầm hình nộm, tay kia vỗ vào mặt nó và cười. Phía sau một bức rèm thưa nhìn thấy Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh ngồi nhiếp chính. Văn võ bá quan ngồi dưới nhìn và suy nghĩ. Thái hậu nom trẻ và đẹp vì mới 26 tuổi. Từ một thiếu nữ ở phường Đông Vệ, trấn trị Thanh Hóa, con nhà thị dân bình thường, nhờ có sắc đẹp được vua Lê Thái Tông yêu mến đưa vào cung, nay cầm quyền quyết định công việc cả một triều đình hiển hách, cả một đất nước anh hùng quả không phải là một người đàn bà tầm thường. Bà ta là thái hậu thứ hai sau thái hậu Dương Văn Nga cuối thời Đinh được quyền nhiếp chính. Bà ta đã đánh bại những đối thủ con nhà đại thần quý tộc như Dương Thị Bí, Lê Thị Ngọc Dao, Ngô Thị Ngọc Giao, Bùi Quý Nhân, quả là một người đàn bà ghê gớm. Đã quyết án tru di tam tộc nhà Đại thần Nguyễn Trãi, một mưu sĩ bậc nhất trong khởi nghĩa Lam Sơn, một nhà quân sự, chính trị văn học, địa lý âm nhạc, đóng góp to lớn cho chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn, vào xây dựng phát triển văn hóa nước nhà. Nguyễn Thị Anh đã quyết đoán, không cần cho điều tra, xét hỏi, không cần chứng cớ, đe dọa đến mức các Đại thần cố mệnh có mặt ở Lệ Chi Viên chứng kiến nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông là do bệnh ác tính cũng im lặng không dám nói nửa lời biện hộ cho đồng lưu, đồng chí của mình, lại còn dùng cực hình để bức cung Nguyễn Thị Lộ. Thật là tàn nhẫn và độc ác. Họ lo sợ, không biết bao giờ thì đến lượt họ đây?

  Bá quan văn võ vội quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Thái hậu thiên thiên tuế.

 Nguyễn Thị Anh cất tiếng trong trẻo nhưng hách dịch:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Đa tạ Hoang Thượng, đa tạ Thái hậu.

-Ai có gì tấu, bước ra.

  Thiếu phó Trịnh Khắc Phục bước ra:

-Bẩm hoàng thượng, bẩm Thái hậu, thần có tấu.

-Khanh tấu đi.

-Bẩm Hoàng thượng, bẩm Hoàng Thái hậu, ở Hóa Châu phía Nam nước ta, giặc Chiêm Thành liên tục đưa quân quấy phá. Tháng 5 năm 1444 âm lịch, vua nước đó là Bí Cai xua quân vào quấy phá, triều đình đã cử Nhập nội kiểm hiệu Thái bảo Lê Bôi, Tổng quản Trịnh Khả đem 10 vạn quân đánh bại Bí Cai, Bí Cai phải chạy về nước. Tháng 4 âm lịch năm 1445, quân Chiêm Thành lại đánh vào An Dung, Hóa Châu nhưng cũng bị quân ta đánh thua. Mùa xuân năm nay (1446) Bí Cai đem quân cả nước vào Hóa Châu cướp bóc, gây tội ác. Xin Thái hậu và Hoàng thượng cử quân vào đánh dẹp.

  Tuyên Từ Thái hậu nói:

-Nhập nội đô đốc bình chương Lê Thụ nghe chỉ.

-Có thần.

-Tổng quản Trịnh Khả nghe chỉ.

-Có Thần.

-Thiếu phó Trịnh Khắc Phục nghe chỉ.

-Bẩm có thần.

Ba ái khanh dẫn 30 vạn quân chinh phạt, đuổi giặc Chiêm Thành khỏi Hóa Châu, nếu cần đuổi đánh tận kinh đô Chiêm Thành để chúng không dám sang quấy nhiễu lần sau nữa.

-Chúng thần tuân chỉ.

  Nguyễn Thị Anh nói tiếp:

-Đồng tri Thẩm hình viện sự Trình Chân nghe chỉ.

-Bẩm Thái hậu, bẩm hoàng thượng, có thần.

-Chuyển Vận sứ huyện Thanh Oai nghe chỉ.

-Bẩm Thái hậu, bẩm hoàng thượng, có thần.

-Hai ái khanh đi sứ sang triều Minh thông báo việc Chiêm Thành cử binh sang quấy phá để sau này họ khỏi trách ta cậy nước lớn bắt nạt nước nhỏ.

-Chúng thần tuân chỉ.

  Sau mấy ngày chuẩn bị, đoàn quân viễn chinh xuất phát tiến vào Nam. Lê Thụ đi tiên phong, Trịnh Khả đi trung quân, Trịnh Khắc Phục đi hậu quân. Mười ngày sau quân Đại Việt đến Hóa Châu. Trịnh Khắc Phục nói:

-Lê Thụ và Trịnh Khả dẫn 20 vạn quân đến địa giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, chọn vị trí hiểm địa mai phục. Ta sẽ dẫn toàn quân đánh Bí Cai thua trận chạy về sẽ đổ ra đánh để hai tướng lập công.

  Lê Thụ và Trịnh Khả nói;

-Kế hay lắm.

Rồi Trịnh Khắc Phục dẫn 10 vạn quân tiến đánh Bí Cai. Bí Cai dàn trận chờ giao chiến. Trịnh Khắc Phục dẫn quân đến, không cần dàn trận, hô to:

-Xông lên giết.

10 vạn quân Đại việt ào ào xông lên chém giết kịch liệt, gươm giáo chạm nhau tóe lửa, máu phun đỏ đất, thây người ngổn ngang chồng chất. 10 vạn quân Chiêm Thành phút chốc bị tiêu diệt 5 vạn, còn 5 vạn quân hoảng sợ tan rã. Bí Cai dẫn tàn quân chạy theo hướng Nam về nước. Đến giáp ranh giữa Chiêm Thành và Đại Việt, gặp con đường nhỏ, hai bên là núi và rừng rậm, cây cối um tùm. Quân Chiêm Thành cố chạy nhanh về nước vì phía sau 10 vạn quân Việt đang như bão táp đuổi theo. Thốt nhiên một phát tên lửa bắn lên trời. Giây lát, hàng vạn mũi tên từ hai bên sườn núi bắn ra xối xả. Hàng vạn quân Chiêm Thành chết, thây chẹn hết lối đi, máu tuôn như suối. Bí Cai do chạy đầu nên thoát khỏi trận địa mai phục chạy về Chiêm Thành với vài nghìn tàn quân. Quân Việt sau khi ngừng bắn tên thì ào xuống chém giết số lính còn lại rồi tiếp tục truy kích. Bí Cai lọt vào thành nhưng vài nghìn quân chưa vào hết nên không đóng được cửa thành. Hàng vạn quân Việt theo sát nút phía sau nên nhanh chóng tràn vào thành chém giết. Bí Cai bị bắt sống cùng toàn bộ triều đình, 10 vạn quân bị tiêu diệt, kinh đô Đồ Bàn thất thủ, tàn quân còn lại hạ vũ khí đầu hàng. Cháu Bí Cai là Ma Ha Quý Lai sai các đại thần là Chế Cửu, Ma Thúc dâng biểu xin thần phục Đại Việt. Ma Ha Quý Lai được đưa làm vua mới của  Chiêm Thành. Bí Cai cùng các tướng và các cung nữ bị bắt đưa về Đại Việt. Sau này vua Minh Anh Tông nhà Minh cho sứ giả sang đòi Lê Nhân Tông thả Bí Cai về nước nhưng triều đình Đông Kinh tảng lờ không đáp.

  Bấy giờ là tháng 7 năm Tân Mùi, Đông Kinh nóng như trút lửa, ánh nắng chói chang tỏa xuống cây cối, tỏa xuống như muốn nung nóng hoàng thành. Trời trong xanh, các tán lá cây không chút lay động vì không một ngọn gió. Những con ve sầu bám trên những cây cổ thụ kêu lên những bản nhạc nỉ non sầu não.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 41" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn