Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 52

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 52

Nguyễn Anh Vũ cho xây mộ Nguyễn Trãi tại làng Dự Quần, lấy ngày mất của Nguyễn Trãi là ngày 16 tháng 8 âm lịch làm ngày giỗ họ. Nguyễn Anh Vũ lấy hai bà vợ, sinh được bảy người con gồm: Nguyễn Tạc, Nguyễn Giám, Nguyễn Quân, Nguyễn Thiêm, Nguyễn Giáp, Nguyễn Thung, Nguyễn Châu Phương và một người con gái. Khi các con trưởng thành, Nguyễn Anh Vũ cử những người con của mình về các nơi phục hồi lại dòng họ và hương khói từ đường như ở Nhị Khê (Thăng Long), Chi Ngãi, Hải Dương; Thụy Phú (Phú Xuyên, Thăng Long) và hình thành một số chi họ Nguyễn ở Hải Anh (Hải Hậu, Nam Đinh), Xuân Đức (Mỹ Hào, Hưng Yên), Dự Quân (Xuân Lam, Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Người vợ thứ năm của Nguyễn Trãi sống sót là Lê Thị Phu nhân người Chi Ngại (huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc, khi xẩy ra vụ án bà chạy về Thôn Hoa Dư, xã Hà Trang, Huyện Hiệp Sơn (tức Phượng Quất, Kinh Môn Hải Dương), sinh ra Nguyễn Năng Đoán. Từ đời Nguyễn Năng Đoán, phát triển thành nhiều chi họ Nguyễn ở Phượng Quất, Quế Lĩnh (Kinh Môn, Hải Dương, Triều Bến, Đông Triều, Quảng Ninh. Ngô Dũng, con Nguyễn Phi Hùng ở Dương Liễu - Hoài Đức Thăng Long, lại đổi thành họ Phạm. Đến đời thứ tư, dòng họ có cụ Phạm Phi Kiến sinh năm Giáp Tý 1564 đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Quý Hợi Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) đời vua Lê Thần Tông, làm quan đến Hiến sát sứ. Từ đây con cháu lại đổi thành Nguyễn Phi. Từ đó hình thành các chi Nguyễn Phi ở Dương Liễu - Hoài Đức.

                                        *      *

                                            *

  Đêm nay trong căn phòng riêng của dinh thự của mình, Ngô Sĩ Liên đang ngồi nhâm nhi ly trà nóng. Trong căn phòng, những ngọn nến trên những đĩa đồng cháy leo lét soi mờ mờ nhưng cũng đủ nhìn thấy căn phòng xếp đầy sách, trên chiếc bàn gỗ gụ mà Ngô Sĩ Liên ngồi cạnh cũng đầy giấy mực, nghiên bút. Ngô Sĩ liên đang đọc lại những trang tư liệu về những chính sách kinh tế, chính trị, pháp luật, quốc phòng, văn hóa của vua Lê Thánh Tông đã ban hành và đang thực hiện để xây dựng và phát triển Đại Việt thành một quốc gia hùng cường, bách tính no ấm, quốc phòng hùng mạnh, xã hội thanh bình. Nhâm nhi xong ly nước, Ngô Sĩ Liên đọc:

“Sau khi lên ngôi, Lê Thánh Tông ban hành những chính sách mới để hoàn thiện bộ máy quan chế-hành chính nhà nước phong kiến Đại Việt. Do đó Triều Lê Thánh Tông là thời kỳ hưng thịnh bậc nhất của xã hội phong kiến. Lê Thánh Tông đã ban hành Quốc Triều Hình Luật (Luật Hồng Đức) và cải cách về mặt nhà nước. Đây là cải cách lớn nhất trong lịch sử phong kiến, mô hình nhà nước thời Lê Thánh Tông là mẫu mực cho đời sau. Mục tiêu cải cách nhà nước của Lê Thánh Tông: Củng cố hoàn thiện một bước mới nền quân chủ chuyên chế phong kiến, nhằm tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay nhà vua theo nguyên tắc “Tôn quân quyền”, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước quan liêu. Thể hiện hiệu quả quyền lực của nhà vua. Biện pháp cải cách:

Bỏ bớt một số chức quan và cơ quan các cấp chính quyền trung gian để tập trung quyền lực vào tay nhà vua. Các cơ quan giám sát, kiểm sát lẫn nhau để loại trừ sự lạm quyền và nâng cao trách nhiệm. Không để tập trung quá nhiều quyền hành vào một cơ quan mà phân ra cho nhiều cơ quan nhằm ngăn chặn sự tiếm quyền. Lê Thánh Tông đã cải tổ bộ máy nhà nước một cách toàn diện cả ở Trung ương và địa phương, cả quan chế và thể chế, cả dân sự và quân sự. Nội dung cải cách ở Trung ương: Với các đại thần, để ngăn chặn lạm quyền, nhà vua nắm trực tiếp các cơ quan trọng yếu, Lê Thánh Tông đã bãi bỏ chức Tể tướng. Tể tướng là chức vụ chỉ sau vua mà đứng đầu trăm quan. Nay vua tự mình điều khiển trăm quan. Bãi bỏ chức Đại hành khiển, một chức vụ đứng đầu trăm quan. Bãi bỏ chức vụ Tam tư: Tư đồ, Tư khấu, Tư không. Để lại các chức vụ lương cao bổng hậu nhưng không có thực quyền như tam thái: Thái sư, Thái bảo, Thái phó, Tam thiếu: Thiếu sư, Thiếu bảo, Thiếu phó.

 Hoàn thiện hoặc lập thêm cơ quan văn phòng giúp việc cho vua: Hàn Lâm viện khởi thảo văn thư, chiếu chỉ cho nhà vua đứng đầu là quan Thừa chỉ. Đông các viện: Sửa chữa các văn bản do Hàn lâm viện khởi thảo, đứng đầu là Đông các đại học sĩ. Trung thư giám: Phụ trách việc biên chép các dự thảo văn bản của hai cơ quan trên để chính thức trình vua phê chuẩn, đứng đầu là Trung thư giám. Ba cơ quan trên có mối quan hệ với nhau. Hoàng môn tỉnh là cơ quan giữ 6 quả ấn của nhà vua dùng đóng vào các văn bản khác nhau của các công việc khác nhau, quan đứng đầu là Hoàng môn Thị lang  (Hoàng môn tỉnh). Bí thư giám là cơ quan trông coi thư viện của vua, quan đứng đầu là Bí thư giám. Củng cố cơ quan hành pháp: Lục bộ. Năm 1460 lập ra lục bộ, cơ quan trọng yếu hành pháp trực tiếp do vua nắm, giúp vua quản lý kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, tư pháp trong cả nước. Đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư, giúp việc Thượng thư có tả, hữu Thị lang, tả hữu Lang trung. Trong một bộ còn có sảnh và ty. Chức năng cụ thể của mỗi bộ: Bộ Lễ: phụ trách thủ tục, lễ nghi, tế tự, tiệc tùng, thi cử, học hành, quản lý lễ nghi của quan lại, đúc ấn tín, trông coi Tư thiên giám, Thái y viện, quản lý đền chùa miếu mạo, ngoại giao. Bộ lễ có khoảng 70 người. Bộ lại: Rất quan trọng, giúp vua quản lý toàn bộ quan lại trong cả nước, xương sống của chế độ, tuyển quan lại và bổ nhiệm, thăng giáng, phong tước phẩm, khảo xét quan lại. Bộ lại khoảng 80 người. Bộ hình giúp vua trông coi hình pháp, xét xử và ngục tụng. Bộ hình có khoảng 190 người. Bộ công phụ trách sửa chữa xây dựng cung điện, đường sá cầu cống, thành thị, quản lý công xưởng thợ thuyền của xưởng nhà nước. Bộ công khoảng 50 người. Bộ binh phụ trách về quân sự, tuyển quân, huấn luyện quân đội, phụ trách quân trang quân dụng, trông coi biên ải. Bộ binh khoảng 130 người. Bộ hộ  nắm các hộ gia đình trong toàn quốc để thu thuế, binh dịch, lao dịch, quản lý về ruộng đất, quản lý kho tàng nhà nước, cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Thành lập những cơ quan dưới bộ,

làm những việc mà bộ không làm hết. Lục tự: Thành lập năm 1466: Đại lý tự, hỗ trợ cho Bộ hình, Thái thường tự phụ trách nghi lễ, Quang lộc tự cung cấp thức ăn cho các buổi lễ, Thái bộc tự phụ trách xe ngựa cho vua, Thường bảo tự giữ việc đóng ấn vào quyển thi của thí sinh, Hồng Lô tự tổ chức các buổi xướng danh tân khoa Tiến sĩ, sắp xếp nghi lễ đón khách quí của nhà vua, tổ chức mai táng các quan đại thần                             Thành lập Thông chính ty: Truyền đạt chiếu chỉ của vua xuốngchodânvàngượclại.        Thành lập các giám: Quốc tử giám phụ trách về giáo dục. Quốc sử viện biên soạn lịch sử, Tư thiên giám trông coi thiên văn, thời tiết Thành lập Thái y viện trông coi y dược trong cả nước và chăm sóc sức khoẻ cho vua. Thành lập Tôn nhân phủ trông coi họ hàng nhà vua. Thành lập 4 sở chuyên môn trông coi nông nghiệp. Thành lập các khoa: Lại khoa, Hộ khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa. Các khoa có nhiệm vụ giám sát các Bộ.

    Năm 1446, ngoài sáu Bộ, Lê Thánh Tông còn đặt thêm sáu tự gồm:  Đại lý tự. Thái thường tự. Quang lộc tự. Thái bộc tự. Hồng lô tự. Thượng bảo tự. Ngoài ra còn có ba cơ quan giúp việc nhà vua: Ngự sử đài. Hàn lâm viện. Đông các viện. Ở ban võ, Lê Thánh Tông bỏ chức Đại tổng quản mà giao cho Ngũ phủ thống suất quân đội toàn quốc do tả, hữu Đô đốc cầm đầu. Đứng trên tất cả các cơ quan là các chức quan đứng đầu triều đình như Bình Chương tướng quốc, Tam thái, Tam thiếu. Năm 1471 Lê Thánh Tông ra chỉ dụ: “Hiệu định quan chế” định rõ trách nhiệm các chức quan, bãi bỏ chức tể tướng để tập trung quyền lực vào tay nhà vua.

(Còn nữa)

CVL