Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 13)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 
luy-lau-a1-1630112255.jpg
Khai quật khảo cổ học tại Luy Lâu (Bắc Ninh) là một trong những “mắt xích” quan trọng góp phần hiểu về thời kỳ Bắc thuộc do  trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN thực hiện tháng 12/2018. Nguồn: Internet. 

               

Kỳ 13.

II

Một buổi sáng mùa đông năm 39, toàn bộ các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam của nước Âu Lạc xưa chìm trong giá rét. Luy Lâu, trị sở của cả bốn quận dưới chính quyền nhà Tây Hán (năm 111 trước công nguyên đến năm 23 sau công nguyên)) và Đông Hán (Năm 24 đến năm 220) thuộc huyện Luy Lâu, quận Giao Chỉ cũng chìm trong bầu trời u ám. Cây cối đủ loại trút lá vàng rơi lả tả bay theo gió lạnh còn trơ lại những cành xơ xác cong queo. Những mái nhà tường gạch lợp ngói vẩy cá sang trọng của quan cai trị chìm trong sương mù. Khi mặt trời nhô lên cao xua tan đám sương mù thì lộ ra những dinh thự kiến trúc kiểu Hán. Những con ngựa kéo những cỗ xe chở bọn quan lại đi đâu đó, vó ngựa khua lốp cốp trên mặt đường đá hòa với tiếng lục lạc ở cổ ngựa kêu leng keng. Trên đường loáng thoáng những kỵ binh người Hán, gươm đeo lủng liểng bên hông ngạo nghễ đi canh phòng tuần tiễu.

  Chính giữa Luy Lâu là ngôi biệt thự cao nhất, đẹp nhất, tường quét vôi màu vàng. Đó là trung tâm của Thủ phủ Luy Lâu, là nơi làm việc của ba đời Thái thú Hán: Tích Quang, Nhâm Diên và năm 34 là Tô Định. Trong dinh thự đẹp đó lại có một căn phòng đẹp nhất. Đó là phòng bàn công việc của Thái thú với các thuộc tướng trong bộ máy cai trị phong kiến quân phiệt. Căn phòng bài trí và sắp xếp theo kiểu Hán. Trên chính giữa bức tường sau lưng quan Thái thú ngồi treo hình vẽ chân dung Hán Quang Vũ Đế (Lưu Tú), người đã có công đánh đổ vương triều Tân của Vương Mãng (8-23), khôi phục lại nhà Hán nhưng không đóng đô ở Trường An như Tây Hán (202 trước công nguyên- 8 sau công nguyên) mà dời đô về Lạc Dương, phía Đông của Trường An nên gọi là Đông Hán (24-220). Chung quanh căn phòng trưng bày ngọc ngà châu báu, ngà voi, sừng tê giác mà Tô Định vơ vét của nhân dân Âu Lạc.

Tô Định ngồi trên chiếc ghế có trải da một con hổ lớn đã thuộc mềm mại nhưng tỏa ra một không khí tàn ác. Trước mặt hắn là một chiếc bàn hình chữ nhật bằng gỗ quý chạm khắc hoa văn tinh xảo. Tô Định người không cao lắm, béo phị nên làm hắn có vẻ lùn. Hai gò má nổi cục nhô ra làm khuôn mặt hắn đã ngắn càng thêm ngắn. Hai con mắt một mí nhỏ ti hí nhưng long lên sòng sọc tàn ác. Chiếc áo thụng xanh lụa mềm làm bụng hắn nổi gồ như bụng đàn bà chửa. Cái mũ màu đen cánh chuồn làm khuôn mặt hắn càng ngắn tủn lộ đầy sát khí, bất nhân. Trước mặt hắn là bọn thuộc hạ võ phục màu đen, đội mũ đâu mâu tròn cao lớn lực lưỡng khác nhau nhưng đều dữ dằn, tàn ác ngồi trước hai hàng ghế đặt dọc. Trên tay mỗi tên là một cuốn sổ đề phong khi Tô Định hỏi đến tình hình, công việc thì không lúng túng.

  Trong không khí im lặng căng thẳng, Tô Định liếc đôi mắt ti hí đáng sợ và cất giọng ồm ồm:

  -Tướng Lương Thiệp, Trong một tháng qua đã thu được những  cống phẩm gì? Mỗi loại được bao nhiêu?

Lương Thiệp đứng dậy, tay cầm cuốn sổ, mắt liếc vào và nói:

-Bẩm Thái Thú, Trong một tháng qua thu được 10 đôi ngà voi, 15 đôi sừng tê giác, 100 viên ngọc trai, 200 đôi đồi mồi.

Tô Định gằn giọng:

-Một tháng mà thu được như vậy là ít. Tướng quân không chịu đốc thúc và không chịu đẩy bọn Việt mọi rợ vào chỗ chết sao?

Lương Thiệp hốt hoảng:

-Dạ bẩm Thái Thú, mạt tướng không dám. Để lấy được số lượng vật phẩm trên trong một tháng, 100 tên thợ săn đã chết, 200 tên bị thương tàn phế vì bị voi giầy và tê giác húc lòi ruột, khoảng 500 tên dân Việt đã chết đuối hoặc bị thuồng luồng xé xác khi lặn mò ngọc trai và đồi mồi.

Tô Định hỏi:

-Chúng chết nhiều như vậy nhưng thu được ít, vì sao?

-Dạ bẩm Thái Thú, chúng ta tận thu đã hơn 200 năm nay, nhất là bốn năm gần đây cho nên cống phẩm quý giá trên đã bị cạn kiệt, voi và tê giác đã rút sâu vào rừng núi phía Tây không rõ thuộc vương quốc nào?

Tô Định gừ một tiếng rồi hỏi tiếp:

-Đại phu Hoa Danh, đã thu được những thuốc quý gì và được bao nhiêu?

Hoa Danh đứng dậy. Đó là người duy nhất không mặc võ phục mà mặc áo Đại phu (thầy thuốc), áo trắng, đội mũ học trò Nho gia:

-Dạ, bẩm Thái thú, một tháng nay thu được 20 thạch hồ tiêu, 30 thạch ý dĩ, 30 thạch quế, quế ở xứ này cực tốt không nơi nào có thể sánh được.

Tô Định gật đầu hỏi tiếp:

-Thuế muối và sắt là hai loại thuế chính của ta và rất nặng. Tướng quân Vương Kiển, tình hình thu thế nào?

-Bẩm Thái thú, một tháng nay thuế muối, thuế sắt thu được 4 vạn quan. Hai loại thuế này cực nặng, bị dân Việt phản đối kịch liệt. Để thu được 4 vạn quan, mạt tướng đã phải cho giết 4000 dân Việt cứng đầu, còn đang truy lùng gắt gao nhiều tên khác.

Tô Định rít lên:

-Hai loại thuế này cực kỳ quan trọng làm cho dân Việt không có khả năng mua sắt rèn vũ khí chống lại chúng ta, thiếu muối ăn làm cho nòi giống chúng suy nhược tự diệt vong. Vì vậy, tướng quân phải thu triệt để, thúc ép mạnh, giết mạnh tay không thương tiếc để thực hiện bằng được.

Lương Kiên đáp:

-Mạt tướng tuân lệnh.

Tô Định hỏi tiếp;

-Việc tận thu lương thực để lấy gạo dự trữ nuôi quân thế nào, tướng quân Lưu Ưng?

Lưu Ưng đứng dậy:

-Dạ bẩm Thái Thú, tháng này thu được 300 thạch. Thu được nhiều như vậy vì dân Việt vừa gặt hái xong. Ta chỉ để cho họ đủ ăn cầm hơi trong vài tháng, còn khoảng 6 tháng sẽ lâm vào tình trạng đói thiếu.

-Hảo hảo. Để cho chúng thiếu đói thì mới không chống đối lại chúng ta vì chúng mải lo kiếm ăn. Tất cả các sản vật, vàng bạc, kim cương, ngọc trai, đồi mồi, thuốc quý quan Tổng quản chủ kho Tư Mã Trung phải chuẩn bị, sắp hết năm rồi phải đưa về Lạc Dương 1/3, đưa cho quan Thứ sử Châu Giao 1 phần, còn lại để ở phủ Thái thú để chi tiêu cho các tướng lĩnh. Kho lương thực phải chuẩn bị cho lính đủ ăn và còn dự trữ hai năm.

Tư Mã Trung vội đứng dậy:

-Mạt tướng tuân lệnh.

Tô Định nói tiếp:

-Còn công việc quan trọng nữa là phải tiêu diệt nền văn hóa Việt, buộc chúng phải theo văn hóa Hán của chúng ta. Công việc này tiến hành đến đâu rồi tướng quân Lưu Đại Hải?

Lưu Đại Hải đứng lên:

-Bẩm Thái thú, 1000 hộ người Hoa ta đưa xuống đất Âu Lạc đang trên đường đến Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam sống cùng người Việt và đồng hóa người Việt. Nhưng công việc nay vô cùng khó khăn vì người Hoa xuống không đồng hóa người Việt, ngược lại lại bị người Việt đồng hóa lại.                    Tô Định hét lên:

-Giết, giết!

Lưu Đại Hải nói tiếp:

-Dạ, bẩm Thái Thú, công việc bắt những đứa bé mới sinh người Việt khai theo họ Hán bị người Việt kịch liệt chống lại, dù chết không theo.

Tô Định đập bàn:

-Giết giết!

Lưu Đại Hải vẫn tiếp tục:

-Việc bắt phụ nữ Việt lấy chồng người Hán cũng bị dân Việt phản đối kịch liệt, dù chết không làm.

Tô Định mặt đỏ gay:

-Các hạ cấp làm việc thế nào vậy? Sao không giết hết chồng chúng nó để chúng phải lấy đàn ông người Hán? Sao không giết hết đàn ông Việt đi hả?

Lưu Đại Hải:

-Dạ bẩm, giết hết đàn ông Việt thì lấy ai đi phu phen, lao dịch, lấy ai xuống biển mò ngọc trai, đồi mồi, lấy ai lên rừng săn ngà voi, sừng tê giác?

Tô Định:

-Giết!giết!

Lưu Đại Hải:

-Dạ bẩm, còn việc đập phá đền chùa miếu mạo của người Việt cũng không có kết quả. Đập phá đền chùa miếu mạo nhưng trên đống gạch đổ nát ấy dân Việt vẫn ra cúng tế và lễ bái. Việc bắt dân Việt cưới hỏi theo phong tục, tập quán Hán cũng rất khó khăn. Dân Việt vẫn cưới hỏi theo phong tục của họ đã có từ thời Hùng Vương.

(Còn nữa)

CVL