Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 60)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

           

khu-t-du4-1634180678.png
Tranh minh họa Khúc Thừa Dụ. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 60.

Ngay trong đêm đó, những hồi trống cái thúc những hồi ngũ liên dồn dập vang động không gian của trang Cúc Bồ. Không đầy một canh giờ, trên một bãi rộng, 5000 võ sĩ tay cầm những bó đuốc cháy rần rật, tay cầm vũ khí, lưng đeo nặng cung tên nhanh chóng tập hợp theo biên chế quân ngũ. Ánh vũ khí kiếm, dao, giáo, búa…sáng loáng do ánh lửa bập bùng phản chiếu vào. Người nào không cầm đuốc thì cầm cờ màu vàng, giữa có chứ “Khúc” hoặc chữ “Ứng Nghĩa” màu đen to đậm. Những lá cờ bay phấp phới trong gió nam đêm hè hắt ra  màu vàng rực rỡ bay phần phật như reo vui.

Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ và nhiều tướng lĩnh khác mang quân phục nâu, áo giáp đồng, tay cầm vũ khí, lưng mang cung tên cưỡi ngựa đứng trước hàng quân. Khúc Thùa Dụ nói:

-Thưa các tướng lĩnh, thưa các chư vị, thưa các nghĩa binh. Nước Nam ta từ hơn 1000 năm nay chịu sự thống trị tàn bạo của ngoại bang Trung Quốc. Nay nhà Đường là kẻ thống trị nước ta đã suy yếu không thể quản lý nổi An Nam đô hộ phủ, Tiết độ sứ tàn ác là Độc Cô Tổn đã bị tể tướng nhà Đường là Chu Ôn gọi về nước. Thành Đại La bây giờ vô chủ. Đây là thời cơ để  chúng ta giành quyền tự chủ và độc lập. Nay nhiệm vụ của ta là phải tiến đánh Đại La, cử Tiết độ sứ là người Việt để giành lại giang sơn xã tắc. Ta ra lệnh xuất phát!

Khúc Thừa Dụ dứt lời, 5000 võ sĩ đồng thanh hô vang như sấm chấn động cả một vùng Cúc Bồ:

-Chiếm Đại La

-Chiếm Đại La!

  Khúc Thừa Dụ nói tiếp:

-Ta ra lệnh các võ sĩ xuống thuyền về Lỗ Xá để hội quân với các anh hùng hào kiệt ứng nghĩa rồi từ đó tiến về Đại La!

-Xin tuân lệnh chúa công.

5000 quân rầm rộ tiến ra bến sông Dầm và sông Cầu Ràm là những chi nhánh của sông Thái Bình rồi đi theo sông Hồng, hội quân ở chợ Rằm. Đêm đó sông Dầm và sông Cầu Ràm nổi sóng bởi hàng trăm con thuyền gỗ và thuyền nan tre được những mái chèo khỏe mạnh rẽ nước chèo như bay về Lỗ Xá ( Cẩm Giàng, Hồng Châu). Tại Lỗ Xá, thêm 5000 thanh niên trai tráng từ các nơi tham gia vào đội quân tiến đánh thành Đại La. Nhiều anh hùng hào kiệt cũng về ứng nghĩa, trong đó có hào trưởng nổi tiếng Đường Lâm là Ngô Mân. Nghĩa quân còn bổ sung thêm vũ khí, lương thực vì Lỗ Xá là nơi rèn dao kiếm nổi tiếng từ xưa. Trong đêm hội quân, hàng nghìn tráng sĩ đèn đuốc sáng trưng như ban ngày, vũ khí cung tên đầy mình hoành tráng, khí thế dũng mãnh. KhúcThừa Dụ chia quân làm hai đạo, một đạo dùng thuyền đi từ các con sông nhỏ và ngược sông Hồng về Đại La, đạo hành quân bộ đi theo vùng phố Nối khoảng 50 dặm để vào Đại La.

Đêm 15 tháng 7 năm 906, thành Đại La chìm trong những rặng cây xà cừ, cây phượng, cây bàng. Chỉ khác là trong đêm rằm nên ánh trăng rải ánh sáng loang lổ xuống muôn cây, bàng bạc trên những mái nhà, trắng xóa trên những mái nhà cổ kính có từ hàng trăm năm nay. Gió đêm hè đung đưa lá cây xào xạc, phơ phất dưới ánh trăng. Dòng sông Hồng mênh mông trong đêm vẫn lững lờ đổ nước về Đông, nước lấp lánh xa mờ trong đêm tĩnh mịch. Vài con thuyền đi ngược về phương Bắc và đi xuôi về hướng Đông trong cuộc mưu sinh gian khó trên sông nước.

Do không có Tiết độ sứ nên thành Đại La như vô chủ. Quan và  quân binh hết sức lo lắng. Quan Tư mã Đặng Thiềm Âu phụ trách về quân sự suốt ngày lo lắng và chìm trong rượu chè và đánh đập lính tráng. Hắn buồn bả và lo lắng cho sự đổ nát của nhà Đường.

Trong đêm nay như thường lệ, tên lính gác mở cổng thành cho 20 tên lính đi tuần tra hết phiên trở về thành, rồi 20 tên lính khác lại đi tuần tiếp. Tốp lính đi đến đoạn đường bị cây cối che lấp ánh trăng, tối mù mịt thì bất ngờ bị 40 người xông ra dùng khăn có thuốc mê bịt miệng. 20 tên lính chỉ ú ớ và ngất xỉu gục xuống. 40 người kia lập tức lột quân phục, vũ khí và mặc vào cho 20 người. 20 người biến thành lính Hán đi tuần phòng và lát sau họ quay về. Những tên lính gác cổng không chút nghi ngờ, mở cổng thành cho 20 lính Hán giả vào thành. Phút chốc hai tên lính gác cổng thành bị giết, cửa thành mở toang. Một hồi trống nổi lên. Hàng nghìn quân Việt mai phục quanh Đại La tràn vào thành đánh giết. Tiếng Loa từ miệng của những người lính Khúc Thừa Dụ vang lên bằng tiếng Việt và tiếng Hán:

-Đây là quân lính của hào trưởng Khúc Thừa Dụ. Thành Đại La đã mất. Tất cả quân lính kể cả người Hán nếu buông vũ khí đầu hàng sẽ được toàn tính mạng và được cho về nước. Loa… Loa…

Sau tiếng loa, quân lính trong thành Đại La đều buông vũ khí và những cuộc hỗn chiến chém giết đã không diễn ra. Trận đánh thành lớn và quan trọng mà chỉ diễn ra nửa canh giờ và chết 100 lính Hán do chúng chống cự. Quan Tư mã Đặng Thiềm Âu bị bắt trong trạng thái say xỉn. Cư dân Đại La và quân sĩ người Việt vô cùng vui mừng. Tiếng trống, tiếng chuông trong các chùa chiền vang lên khắp Đại La. Đuốc lửa sáng rực thành như ban ngày. Những lá cờ vàng viết chữ “Ứng Nghĩa” và chữ “Khúc” màu đen bay rợp trời. Trong khi đó, Khúc Thừa Dụ tiến vào từ cửa Đông, Khúc Hạo tiến vào từ cửa Tây, Dương Đình Nghệ tiến vào từ cửa Nam thì Ngô Mân, hào trưởng Đường Lâm  tiến vào từ cửa Bắc. Khúc Thừa Dụ cùng những người vệ sĩ của mình tiến vào sảnh đường của thành Đại La, là nơi ở và làm việc của Tiết độ sứ, gia đình Tiết độ sứ và tướng lĩnh tùy tùng thân cận, là nơi quyền lực cao nhất của nhà Đường ở An Nam đô hộ phủ. Nơi công đường của Tiết độ sứ cực kỳ xa hoa lộng lẫy, choáng lộn cột và bàn  ghế sơn son thếp vàng, khảm trai. Trên các bàn trang trí sừng tê giác, ngà voi, ngọc trai, đồi mồi. Nhìn kỹ thì nó tượng trưng cho máu và nước mắt của bách tính An Nam đúc thành, minh chứng cho sự thống trị, bóc lột tàn bạo của bọn thống trị phương Bắc đối với An Nam.

Khúc Thừa Dụ ngồi vào ghế Tiết độ sứ mạ vàng đặt trên nền cao. Bên dưới có hai hàng bàn ghế giành cho quan viên văn võ của phủ Tiết độ sứ. Khi đó một người lính chạy vào báo:

-Bẩm chúa công, đã bắt được Tư mã của thành Đại La Đặng Thiềm Âu, xin chúa công định đoạt.

  Khúc Thừa Dụ nói:

-Cho dẫn vào!

  Hai người lính dẫn Tư Mã Đặng Thiềm Âu vào. Đó là một người Hán cao lớn bị trói, dáng võ biền nhưng không mặc võ phục. Trông thấy Khúc Thừa Dụ, Đặng Thiềm Âu liền quỳ xuống:

-Bỉ chức Đặng Thiềm Âu, Tư mã của phủ Tiết độ sứ. Bỉ chức nghe đại danh của chúa công đã lâu. Nay bỉ chức đã ở trong tay chúa công, xin chúa công tha mạng.

  Khúc Thừa Dụ nói:

-Cởi trói cho quan Tư mã!

  Một người lính cỡi trói cho Đặng Thiềm Âu. Khúc Thừa Dụ hỏi:

-Sao nhà ngươi không tổ chức binh sĩ chiến đấu chống lại khi ta tấn công thành?

-Bỉ chức lo buồn cho sự tan rã của triều Đường bên chính quốc. Từ khi Tiết độ sứ Độc Cô Tổn bị triệu hồi và bị giết hại, bỉ chức lo cho số mạng của bỉ chức sắp tới không rõ thế nào nên bỏ bê công việc.

Khúc Thừa Dụ nói:

-Ngươi đã đầu hàng, không chống cự quân ta. Ngày mai, ngươi và những quân sĩ người Hán sẽ được lên đường về nước, đoàn tụ với gia đình.

Đặng Thiềm Âu rập đầu:

-Xin đa tạ chúa công.

Khúc Thừa Dụ ra lệnh:

-Đưa Tư mã và những binh sĩ người Hán vào một nơi cho ăn uống nghỉ ngơi và cho canh phòng nghiêm ngặt. Sáng mai sẽ cho quân ta hộ tống rút về bên kia biên giới

-Dạ.

  Khúc Thừa Dụ bảo gia nhân:

-Đi tìm các tướng Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ, Ngô Mân về đây bàn những việc quan trọng cấp bách của đất nước.

-Dạ.

Lần lượt các tướng Dương Đình Nghệ, Ngô Mân, Khúc Hạo bước vào. Tất cả đồng thanh:

-Dạ bẩm chúa công.

Khúc Thừa Dụ đáp lễ:

-Mời các tướng quân ngồi.

-Đa tạ chúa công.

Sau khi mọi người đã an tọa, Khúc Thừa Dụ nói:

-Nay chúng ta đã giành được chính quyền về tay người Việt, việc cốt tử nhất là phải bảo vệ củng cố vững chắc nền độc lập, tự chủ, muốn làm được như vậy phải cải cách, củng cố chính quyền để cho chính quyền thực sự là của người Việt, thực hiện một nền chính trị thân dân.

-Thứ nhất, nước là phải có chủ, người xưa đã nói nước một ngày không thể không có vua, tức là nước phải có người đứng đầu để điều hành đất nước, ra hiệu lệnh, pháp lệnh cho bách tính, cho quan lại các cấp. Chúng ta có thể xưng vương, xưng đế. Nhưng trong tình hình hiện nay, thực lực của ta chưa mạnh, đề phòng nhà Đường đem quân đàn áp thì ta nghĩ chỉ nên xưng là Tiết độ sứ là một chức quan của nhà Đường để nhà Đường thừa nhận, tránh được nạn binh đao mà vẫn giữ được chủ quyền của đất nước.

-Thứ hai là phải cải cách bộ máy cai trị, bãi bỏ những quan chức từ Châu trở xuống huyện mà người Hán còn nắm giữ, cử các hào trưởng người Việt thay thế vào các chức vụ đó. Ở tất cả các cấp châu, huyện, giáp, xã, dù là người Việt nhưng nếu là quan tham nhũng, cường hào ác bá bóc lột bách tính  thì cũng bãi miễn. Quan lại là người Việt nhưng phải có tài đức, phải tuyệt đối vì bách tính, vì nước và trung thành với Tiết độ sứ mới.

-Thứ ba là cử ngay một đoàn sứ bộ sang Lạc Dương đề đạt nhà Đường công nhận ta là Tiết độ sứ, chủ yếu là để hòa hảo về mặt ngoại giao. Nếu họ không công nhận thì quan hệ ngoại giao sẽ căng thẳng. Trong tình hình hiện nay của nhà Đường, họ không có khả năng dùng quân đội hộ tống một Tiết độ sứ người Hán sang áp đặt. Nhưng chúng ta không được chủ quan, phải chuẩn bị quân đội mạnh để sẵn sàng đối phó. Lưu ý ta muốn hòa bình, không muốn chiến tranh nhưng chiến tranh nổ ra hay không lại không thuộc ta.

  -Đó là những chủ định của ta.Các tướng quân thấy thế nào?

Khúc Hạo nói:

-Thưa cha, kế sách của cha là vẹn toàn để xây dựng nền tự chủ, độc lập cho đất nước. Ngoài những kế sách đó con nghĩ không còn kế sách gì hay hơn trong tình hình hiện nay.

Dương Đình Nghệ tiếp lời Khúc Hạo:

-Nhà Đường hay bất cứ triều đại nào khác của Trung Quốc dù hưng thịnh hay đang suy yếu, dù lớn hay nhỏ thì không bao giờ họ muốn mất An Nam. Nhưng trong tình hình suy yếu hiện nay, nhà Đường dù muốn cũng không thể nào cắt cử được một Tiết độ sứ sang cai trị. Cho nên chúa công chỉ xưng là Tiết độ sứ khiến nhà Đường lầm tưởng An Nam đô hộ phủ vẫn còn thuộc Lạc Dương, điều đó có lợi cho ta, ta có thời gian xây dựng phát triển kinh tế quốc phòng, xây dựng chính quyền độc lập. Tôi chỉ xin chúa công cho giảm bớt sưu thuế, lao dịch đóng góp quá nặng nề thời Bắc thuộc, khoan dung cho dân được no ấm yên vui. Dân hoàn toàn tin theo chúa công thì cơ nghiệp nghìn năm sẽ bền vững, không sợ một thế lực ngoại bang nào.

Ngô Mân nói:

-Nên có cáo thị việc chúa công làm chức Tiết độ sứ và những quyết sách để quan chức thi hành và bách tính yên vui.

Tin Khúc Thừa Dụ, hào trưởng đất Hồng Châu nổi tiếng nhân từ, nghĩa hiệp chiếm được thành Đại La, xưng là Tiết độ sứ và sẽ thi hành nhiều chính sách thân dân lan truyền khắp các châu, huyện trong An Nam đô hộ phủ làm bách tính An Nam hết sức vui mừng, các hào trưởng, các anh hùng hào kiệt, các quan chức các cấp từ châu trở xuống đều ủng hộ. Họ tin với con người tài năng, đại nghĩa đã nổi tiếng từ lâu sẽ mang lại độc lập tự chủ cho cho nước nhà, mang lại cuộc sống no ấm yên vui cho bách tính. Họ tin, họ Khúc sẽ mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho đất nước.

(Còn nữa)

CVL