Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 9)

PGS TS Cao Văn Liên

24/08/2021 08:49

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

co-loa1s-1629769670.jpg
Tường thành Cổ Loa. Nguồn: Internet.

              

Kỳ 9.

  Thái sư Võ Quốc vội vã đứng dậy chắp tay:

  -Bẩm phụ Vương, Cao Lỗ tướng quân không thể rời Cổ Loa được, không thể rời triều đình được vì sự tồn tại lâu dài của Âu Lạc. Mong phụ Vương xét tơí công lao của Cao Lỗ cùng phụ vương gian khổ đánh bại quân Tần, thiết kế xây dựng thành Cổ Loa kiên cố, chế tạo “Linh quang thần nỏ”, góp công lao đánh bại cuộc xâm lược của Triệu Đà. Âu Lạc và Cổ Loa không thể thiếu Cao Lỗ được. Mong phụ Vương xét lại.

  Sau Thái sư Võ Quốc và các quan đại thần, các võ quan như Thống lĩnh bộ binh Hoàng Trị, Thống lĩnh thủy quân Thiên Đá, Chiêu Công Đại Tướng quân, Quốc cữu Thánh Cả, Thánh Hai, Đại công thần Nồi Hầu, Đinh Công Tuấn tướng quân, Đại Tướng quân Phan Giác, Đại tướng quân Phò mã Cao Tứ, em Cao Lỗ, thần y Vương Ứng… can vua , đồng thanh bẩm tấu:

  -Kính mong Thục Vương suy xét vì quyền lợi an nguy của Quốc Gia xã tắc, Đại tướng Cao Lỗ là trụ cột của Quốc Gia.

  An Dương Vương càng nổi giận khi thấy triều đình ca ngợi đề cao Cao Lỗ:

-Trụ cột cái gì, ý ta đã quyết. Bãi triều!

  Cả triều đình bàng hoàng. Ngay cả người của Lạc Hầu Thục Ngạn vốn không ưa Cao Lỗ cũng cảm thấy sửng sốt cho quyết định của Thục Vương, cho tình thế bất lợi của triều đình. Triều đình đang tan rã, Quốc gia đang lâm nguy nhưng mọi người cảm thấy bất lực, tất cả như đang bị một sức mạnh vô hình ma quái chi phối.

 Cao Lỗ nói to, dõng dạc:

  -Ta sẽ rời Cổ Loa. An Dương Vương sửa lại những lỗi lầm như ta đã nói thì còn nước, nhất là những bí mật của “Linh Quang thần nỏ” ở Cổ Loa”. Làm trái lại thì mất nước. Các vị ghi lấy lời của ta xem có đúng hay không.

  Sau khi Cao Lỗ rời Cổ Loa, đến lượt các đại thần, các đại tướng quân rường cột của nước nhà người thì bị An Dương Vương đuổi đi, người tự ý bỏ đi vì can vua không được. Thái sư Võ Quốc đem vợ là công chúa Quỳnh Anh về trang Long Đỗ, Long Biên, Thống lĩnh Bộ binh Hoàng Trị cùng em là Thống lĩnh thủy quân Thiên Đá cáo quan về Mỹ Hào Hưng Yên và chết già ở quê. Thiên Quan Đại tướng quân là Dũng, em là Bình Man đô nguyên súy về quê ngoại Trì La và tự sát, Chiêu Công Đại Tướng quân bỏ về An Viễn, Cửu Chân. Đại tướng Vũ Chiêu Tâm bỏ về quê ở Cao Viên (Hà Tây), Hoàng Minh Đại Vương, tướng thủy quân bỏ về Hoằng Hóa, Cửu Chân. Quốc Cữu Thánh Cả, Thánh Hai có chị là Dung Nương  phi tần của Thục Vương cũng bỏ về Kiến Xương - Nam Định làm ruộng. Đại tướng quân Nồi Hầu và hai con trai là Vinh lộc Đại phu Đống Công, Ly Vực Đại phu Vực Công cũng cáo quan. Đại công thần Đinh Công Tuấn (Đinh Toán) từ quan về quê Hữu Bố Hạ, Phong Châu (Phú Thọ), Đại tướng quân Phan Giác từ quan về Hải Dương, Thần Y đại tướng quân Vương Ứng can vua không được bỏ vào núi Tản Viên ở ẩn và không ai rõ tung tích từ đó. Triều đình Cổ Loa trống rỗng nhân tài, chỉ còn lại những kẻ bất tài vô dụng, xu nịnh, tham lam danh lợi. Còn An Dương Vương mê muội đặt quyền lợi gia đình lên quyền lợi Quốc gia dân tộc, mê muội về quyền lực, về tình thông gia hữu hảo giữa hai nước, hai gia đình. Con thuyền Âu Lạc đang quằn quại trong cơn bão táp của những mưu kế độc ác của ngoại bang.

                                                      *      *

                                                              *

      V.  Vào một đêm mùa đông năm 179 trước công nguyên, bóng tối bao trùm toàn bộ lãnh thổ Âu Lạc, bao trùm toàn bộ kinh đô Cổ Loa. Vẫn như xưa, chín vòng thành đồ sộ đen sì cao lừng lững. Những ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng vàng lay lắt, những rặng cây tán lá đen sì rủ trong bóng tối khua xào xạc. Những con thuyền chiến đậu trên sông đào quanh thành ngoài đen sì như những con chim khổng lồ đang ngủ, ánh đèn trên thuyền tỏa xuống nước lung linh. Gió mùa đông bắc thổi mạnh mang lại cái rét căm căm trong không gian tĩnh mịch.

  Trong căn phòng lộng lẫy sang trọng của Mỵ Châu, Trọng Thủy vẫn leo lắt ánh đèn. Đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa ngủ. Kể từ khi lấy chồng đến bây giờ đây là đêm buồn nhất của công chúa Mỵ Châu vì nàng sắp xa Trọng Thủy một thời gian. Đã hai năm Trọng Thủy sang sống ở Cổ Loa với nàng, chàng chưa một lần về thăm nhà ở Phiên Ngung Nam Việt. Sớm hôm nay, chàng đã xin phụ vương An Dương Vương về nước thăm cha mẹ, phụ vương đã đồng ý. Mỵ Châu không muốn xa Trọng Thủy, nàng cũng xin đi cùng Trọng Thủy về Nam Việt nhưng Trọng Thủy và Phụ vương không cho. Cổ Loa đến Phiên Ngung đường đất quá xa, đi rồi lại về, thân gái dặm trường yếu đuối mệt nhọc gian nan vất vã. Lần trước, từ Phiên Ngung về Cổ Loa nàng ốm mãi, sức vóc hao gầy làm cho phụ vương, Trọng Thủy và Hoàng gia lo lắng hàng tháng trời. Cho nên lần này chỉ một mình Trọng Thủy hành trình mà thôi. Cả ngày hôm nay hai người phải chuẩn bị hành trang tiền bạc cho chàng đi đường. Buổi chiều lại dự bữa cơm đưa tiễn của hoàng gia. Đêm về hai vợ chồng mới được phút riêng tư cho mình.

  Đêm đã khuya, trống đồng trên thành Cổ Loa đã điểm canh ba. Mỵ Châu tựa người vào Trọng Thủy mà khóc. Trọng Thủy dỗ dành Mỵ Châu nhưng trong lòng hắn cũng đang rối bời. Hắn xin về thăm nhà chỉ là cái cớ. Trong hành trang bí mật của hắn là một bức thư dài của Triệu Ngung, viên chánh sứ Nam Việt đã đến Âu Lạc cùng 100 cao thủ võ lâm trong vai gia nô theo hầu Trọng Thủy. Chính Triệu Ngung đã giúp Trọng Thủy thực hiện những kế hoạch mà Triệu Đà đã giao cho khi Trọng Thủy đi ở gửi rể ở cổ Loa. Trong chuyến đi của Trọng Thuỷ về nước lần này là đưa bức thư tối mật do Triệu Ngung viết cho Triệu Đà. Trọng Thủy có hỏi Triệu Ngung sao không cử người khác về. Triệu Ngung đáp không thể để người khác đi thay vì chỉ có Trọng Thủy là Phò mã mới có thể qua cửa ải Âu Lạc nếu bị kiểm soát. Nếu để người khác mà không qua được hoặc thư bị phát giác thì bao nhiêu công lao hai năm trời hoạt động của nhóm gián điệp đổ xuống sông xuống biển. Thứ nữa, khi thư về là chiến tranh giữa Nam Việt và Âu Lạc bùng phát, Hoàng Thái tử ở Cổ Loa sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Tất cả những lý do đều là chính đáng nên Trọng Thủy phải đi về.

  Nhưng còn nàng Mỵ Châu yêu quý của hắn? Hắn về Nam Việt là chiến tranh hai nước sẽ bùng nổ, nàng sẽ ra sao? Ai bảo vệ cho nàng? Dù hắn đã ra lệnh cho Triệu Ngung khi có chiến tranh bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ an toàn cho nàng. Tên chánh sứ đầy mưu kế gian manh đã hứa và thề thốt, nhưng những lời hứa của những kẻ gian manh thì tin thế nào được. Vả lại chiến tranh biến loạn tên bay đạn lạc gươm dao ai mà biết trước được điều gì. Trọng Thủy cảm thấy có tội với Mỵ Châu. Chính hắn đã và đang phá tan gia đình hạnh phúc của hắn, chính hắn đã và đang hành động đi đến chiến tranh xâm lược để giết chết nàng. Không, ta phải bảo vệ nàng, phải tìm cho được nàng dù chiến tranh có đưa nàng lưu lạc nơi đâu. Nghĩ như vậy Trọng Thủy thốt nhiên hỏi Mỵ Châu:

  -Ta về nhỡ chiến tranh bùng phát phân ly, nàng có thể rời Cổ Loa đến một nơi nào đó, ta biết tìm nàng ở đâu và làm sao mà tìm được?

  Mỵ Châu ngạc nhiên:

  -Sao chàng nói những điềm gở như vậy? Xa nhau một hai tháng rồi chàng trở về chứ đâu phải chia ly. Mà chiến tranh nào cơ?

  -Vì ta nhớ thương nàng nên nói gở vậy thôi. 

  Mỵ Châu nói:

  -Nếu chẳng may có chiến tranh loạn ly, thiếp có cái áo rét lông ngỗng, trên đường chạy thiếp sẽ rắc lông ngỗng làm dấu, chàng theo dấu vết đó mà tìm thiếp.

  Trọng Thuỷ buồn rầu đáp:

  -Đa tạ nàng, ta sẽ theo lông ngỗng mà quyết tâm tìm được nàng dù đi cùng trời cuối đất. Sau đó, ta và nàng sẽ sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long, bách niên giai lão.

  Đêm khuya, hai vợ chồng thiếp đi trong sầu não. Họ mơ thấy những giấc mơ ma quái rùng rợn.

  Sớm hôm sau, trong làn gió mùa đông lạnh giá, một chiếc xe song mã có che lụa là gấm vóc màu hồng từ thành Cổ Loa đi theo hướng Bắc. Đó là xe đưa nàng Mỵ Châu tiễn Trọng Thủy về Phiên Ngung Nam Việt. Sau xe của Mỵ Châu là một xe của nữ tì, hai bên xe mỗi bên có 10 võ sĩ cưỡi ngựa đi kèm hộ tống bảo vệ. Dọc đường ngồi cạnh nhau trong xe, Trọng Thủy và Mỵ Châu không nói được gì với nhau. Mỵ Châu chỉ luôn khóc, nước mắt dàn dụa. Trọng Thủy cũng buồn bã liên tục thở dài. Gần trưa, xe dừng lại ở bờ Nam sông Cầu. Trọng Thuy, Mỵ Châu và hai thị tì xuống xe, đoàn võ sĩ xuống ngựa. Đôi phu thê chia tay nhau trong nước mắt bên bờ sông. Trọng Thủy lấy hết can đảm rời Mỵ Châu quay đi và bước xuống con thuyền đang cập bờ chờ đợi. Con thuyền rời bến ra xa. Mỵ Châu đưa khăn vẫy Trọng Thủy đang trên con thuyền đưa hắn sang bờ Bắc. Rồi Trọng Thủy lên bờ, lên ngựa, quay lại vẫy nàng và cùng đám tùy tùng biến dần vào trong gió bụi xa dần và mất hút trong không gian rộng lớn, nàng Mỵ Châu khi đó mới lên xe trở lại Cổ Loa trong buồn bã. Cuộc chia ly này thật là não nề, thê lương. Nàng quả thật đã yêu hắn vô bờ bến. Duyên phận giữa nàng và Trọng Thủy thật là trớ trêu và phũ phàng. Nàng không biết rằng người mà nàng tin yêu ra đi và khi trở lại Âu Lạc sẽ mang lại chiến tranh chết chóc, bất hạnh cho Cổ Loa, cho đất nước, cho phụ vương, cho hoàng gia và cho cả chính nàng.

  Do là Phò mã nên Trọng Thủy đã qua được những quan ải biên thùy của Âu Lạc và về đến kinh đô Phiên Ngung của Nam Việt. Buổi chiều và tối là tiệc tùng vui mừng của Hòang gia đón Trọng Thủy. Sau đó, dù đêm đã khuya, Trọng Thủy vẫn phải gặp cha trong phòng riêng của Triệu Vũ Vương. Trọng Thủy trao cho cha bức thư dầy cộm mà Triệu Ngung viết cho Triệu Đà. Trong khi Trọng Thủy ngồi uống nước, Triệu Đà mở thư ra đọc ngay. Thư viết: “Muôn tâu Chúa thượng, chúng thần và Hoàng thái tử vì nhiệm vụ chúa thượng giao nên xa đất nước đã hai năm. Tuy nhiên trong thời gian đó, chúng thần đã hoàn thành được tất  cả những nhiệm vụ mà chúa thượng giao phó:

  -Đã lấy được lòng tin của Thục Phán, đã làm cho Thục Phán mê muội hoàn toàn, tin vào sự thần phục, ngoảnh mặt về Nam xưng thần của Chúa thượng, tin vào tình nghĩa thông gia giữa hai họ, hai triều đình, tình hòa hảo hữu nghị vàng son của hai nước.

  -Đã hoàn thành việc chia rẽ nội bộ triều đình Âu Lạc, chia rẽ vua tôi, đã khiến cho hầu hết các bề tôi trung, các Đại thần văn võ tài năng của Âu Lạc bị Thục Phán giết, hoặc bị đuổi về quê hương, hoặc bị bức phải tự sát. Thành quả lớn nhất là đã khiến Thục Vương đuổi Đại tướng quân Cao Lỗ về quê ở bộ Vũ Ninh và bị vu cáo là làm phản và bị giết chết. Cao Lỗ là một tài năng lớn nhất của Âu Lạc, người cùng theo Thục Phán đánh bại 50 vạn quân Tần do tướng Đồ Thư chỉ huy sang xâm lược Văn Lang năm 218 trước công nguyên, người thiết kế xây dựng thành Cổ Loa được gọi là thành Ốc, người chế tạo nỏ liên châu bắn một phát được hàng trăm mũi tên gắn đồng, người đã làm cho Chúa thượng và quân ta tổn thất nặng nề và thất bại trong cuộc chiến tranh hai năm trước. Cao Lỗ là Đại công thần và là cây trụ cột lớn nhất của Nhà nước và triều đình Âu Lạc, người tỉnh táo nhất luôn đề phòng và biết rõ âm mưu của ta đối với Âu Lạc. Diệt  được Cao Lỗ là trừ được mối họa lớn cho Nam Việt, đặc biệt là trong cuộc chiến sắp tới. Ngày nay, trong triều đình Âu Lạc nói riêng và Âu Lạc nói chung không còn tướng tài, quan lại tướng lĩnh toàn bọn bất tài, tham lam, lại chỉ lo vơ vét cho gia đình và bản thân, chia bè kết phái tự làm hại lẫn nhau, tự làm hại đất nước. Triều đình Âu Lạc hiện nay  trống rỗng, thối nát như cây gỗ mục. An Dương Vương thì suốt ngày uống rượu đánh cờ, ngạo mạn, tai chỉ muốn nghe những lời xu nịnh ngợi ca. Tất cả đều tạo thời cơ cho ta chiến thắng Âu Lạc trong cuộc chiến tranh sắp tới. Một đất nước giết hại người tài, không dùng người tài, coi hiền tài như cỏ rác thì mất nước là lẽ đương nhiên, không thể tránh khỏi.

  -Đã hoàn thành việc do thám bí mật quân sự, những nơi đóng quân hiểm yếu, những địa điểm chiến lược quan trọng của Âu Lạc. Sau khi Cao Lỗ chết, An Dương Vương đã thay một loạt tướng ở các bộ, các địa phương. Những tướng lĩnh này phần lớn trẻ, bất tài và không có kinh nghiệm chiến đấu nhưng rất tham lam và cũng chỉ lo cho gia đình bản thân. Sức mạnh chiến đấu của quân đội Âu Lạc sa sút nghiêm trọng sau những vụ giết hại các tướng lĩnh tài năng thời Cao Lỗ. Đặc biệt, sức mạnh đáng gờm của quân đội Âu Lạc là những khẩu “Linh quang thần nỏ”, có sức mạnh sát thương ghê gớm nhưng rất to lớn cồng kềnh. Ở Cổ Loa thành vòng ngoài có khoảng 100 bệ đặt 100 khẩu “Linh quang thần nỏ”, một ‘Linh quang thần nỏ “ có 3 lính có kỹ thuật túc trực bắn và phục vụ bắn. Đây là vũ khí lợi hại để phòng thủ bảo vệ Cổ Loa.

  Nhưng Chúa thượng yên tâm, nỏ thần lợi hại nhưng phải có người sử dụng, quân đội Âu Lạc hùng mạnh nhưng nay tướng tài đã hết. Khi quân ta đến thành Cổ Loa, Chúa thượng cho bắn lửa sáng làm tín hiệu, 100 cao thủ của ta trong thành Cổ Loa sẽ hạ sát hết những quân sĩ trực để bắn nỏ trên thành ngoài, “Linh quang thần nỏ” sẽ bị vô hiệu hóa, quân ta không bị tổn thất như trong lần tấn công lần thứ nhất.

  Đọc đến đây Triệu Đà vỗ tay xuống bàn kêu lên sung sướng:

  -Thật là tuyệt diệu.

  Triệu Đà đọc tiếp:

  Thành Cổ Loa là thành xoáy trôn ốc, chín vòng thành nện bằng đắt sét dày vài trượng, cao hàng chục trượng nên rất khó công phá thành, Chung quanh thành lại có sông đào hai chiến thuyền dàn hàng ngang đi lại được. Trên sông đào vòng thành ngoài này có thủy quân Âu Lạc canh giữ. Ra vào thành là bốn cổng chính rộng vừa cho ba con ngựa dàn đi hàng ngang vào. Cửa cổng thành bằng gỗ lim nặng nề và kiên cố. Nối liền với cổng có bốn chiếc cầu gỗ rộng rãi qua sông đào để qua lại vào ra. Khi đến thành Cổ Loa, quân ta không bị đe dọa bởi nỏ thần nữa lập tức tiêu diệt thủy quân Âu Lạc ở sông đào quanh thành, người của ta sẽ hạ sát lính gác và mở toang cổng thành, Chúa thượng hãy cho quân nhanh chóng tràn vào thành chém giết, chắc chắn chiếm được thành. Chiếm được kinh đô thì Âu Lạc sẽ bị khuất phục, sự phản kháng của Âu Lạc trên toàn lãnh thổ không đáng kể.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "     Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 9)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn