Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 7)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.
dgtkha-1635735483.jpg
Khu lăng miếu Bình Vương Dương Tam Kha tại thôn Thành Đạt, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa do con cháu họ Dương trên toàn quốc góp công, góp sức xây dựng. Nguồn: vhds.baothanhhoa.vn

 

Kỳ 7.

Ngay chiều hôm đó, Ngô Xương Văn, Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi dẫn 2 vạn quân rời Cổ Loa, vượt cầu phao qua sông Hồng. Nắng chiều rải xuống khắp không gian, rải xuống sông Hồng lấp lánh. Trời xanh cao, không gian rợp mát màu xanh cây lá. Xa xa Tam Đảo xanh thắm mờ mờ sương khói. Ngô Xương Văn ngồi trên mình ngựa lặng im suy nghĩ. Đã 5 năm rồi, trong đầu chàng hoàng tử trẻ tuổi không ngừng suy nghĩ cách lật đổ Dương Bình Vương, giành lại ngai vàng của dòng họ Ngô. Phải chăng đây là thời cơ. Đã nhiều lần, Ngô Xương Văn nói gần nói xa để dò ý tứ của Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi, hai đại tướng rường cột của triều đình Cổ Loa tỏ ra không phản đối. Lần này Ngô Xương Văn quyết định nói thẳng vấn đề cho Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi biết, nếu hai vị tướng phản đối, ta có quân đội trong tay sẽ giết họ đi và chạy về Đường Lâm hùng cứ một phương còn hơn là ở lại Cổ Loa như cá nằm trên thớt. Nghĩ như vậy nên khi đến bãi Quần Thần, Ngô Xương Văn cho quân đội nghỉ ngơi, lấy rượu ra cùng uống với Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi. Xong tuần rượu, Ngô Xương Văn nói:

- Hai tướng quân này.

- Hoàng tử có gì nói chăng?

- Hai tướng quân từng là những tướng xông pha chiến trận với Ngô Tiên Vương của ta, từng là những khai quốc công thần của triều Ngô, đức lớn của Tiên Vương ta đã thấm vào tận lòng dân. Không may Tiên Vương ta sớm băng hà, bỏ thần dân. Nay bị Dương Tam Kha bất nghĩa cướp ngôi của anh ta, làm trái di mệnh phó thác, tội thật lớn không gì bằng. Nay lòng dân không quên họ Ngô nên họ đòi lại ngai vàng, ta nỡ nào đi đánh giết họ với tội trung quân, giết người vô tội. Nhưng nếu không hàng phục được họ thì chúng ta là đồng lõa. Khi về thế nào cũng bị Dương Bình Vương trị tội. Chúng ta ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Hai tướng quân là những người trung nghĩa, đã từng theo và phò tá Tiên Vương ta gây nên nghiệp lớn, chả lẽ cũng bó tay mà hành động như vậy sao?

Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi suy nghĩ và nói:

- Chúng tôi nguyện làm theo lời của Thiên Sách Vương hoàng tử.

Ngô Xương Văn nói:

- Vậy hai tướng quân hãy giúp ta điều binh quay lại Cổ Loa, lật đổ Dương Tam Kha, lấy lại ngai vàng cho họ Ngô ta. Hai tướng quân nghĩ sao?

Cả Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi cũng muốn thoát khỏi sự kìm chế của Dương Tam Kha để xây dựng thế lực riêng, mưu đồ việc lớn cho mình. Cho nên cả hai cùng nói:

- Chúng tôi xin tuân lệnh của Thiên Sách Vương.

Ba người liền kéo binh trở lại Cổ Loa. Canh ba đêm đó thấy đại quân kéo về, lính trên thành hỏi:

- Quân đội của ai vậy?

Ngô Xương Văn đáp:

- Ta là Hoàng tử Ngô Xương Văn, vâng lệnh Hoàng thượng đi dẹp loạn ở Đường Lâm thắng lợi trở về. Mở cổng thành nhanh.

- Dạ, tuân lệnh.

Lính canh mở cổng thành, 2 vạn quân tràn vào làm chủ Cổ Loa. Ngô Xương Văn và Đỗ Cảnh Thạc xông thẳng vào tư dinh của Dương Bình Vương. Các võ sĩ định chống cự lại. Đỗ Cảnh Thạc nói:

- Quân Đội của Thiên Sách Vương Ngô Xương Văn đã làm chủ Cổ Loa, bỏ gươm đầu hàng thì sống, chống cự là chết.

Nghe nói đến Ngô Xương Văn và sợ chết, các võ sĩ vứt gươm quỳ gối đầu hàng. Quân lính phá cửa tư dinh Dương Tam Kha, cửa bật mở. Ngô Xương Văn, Đỗ Cảnh Thạc rút gươm xông vào. Dương Tam Kha đang trên giường ngủ, thấy vậy kêu lên:

- Các ngươi làm phản, quân đâu?

Ngô Xương Văn nói:

- Người làm phản là Dương Tam Kha chứ không phải là ta.

Đỗ Cảnh Thạc giơ gươm định giết Dương Tam Kha. Ngô Xương Văn nói:

- Xin tướng quân dừng tay. Năm 945 khi soán ngôi, Dương Tam Kha đã không giết ta. Nay ta tha để đền bù lại, chỉ giáng xuống làm Chương Dương Công. Ngay ngày mai phải rời khỏi Cổ Loa, về đất Chương Dương, nơi bác đã có công khai hoang và ở đó bác có thể tiếp tục sự nghiệp khai hoang giúp triều đình.

Ngay đêm đó Ngô Xương Văn đã làm chủ Cổ Loa và ngồi lên ngai vàng. Đó là năm 950. Lịch sử gọi là thời kỳ Hậu Ngô Vương. Ngày hôm sau, bách tính Cổ Loa và nước Việt đã đọc được bản cáo thị như sau: “Đức Tiên Vương Ngô Quyền đã đánh bại quân Nam Hán năm 938 giành độc lập cho đất nước khỏi sự thống trị của ngoại bang phương Bắc hơn 1000 năm. Năm 944 Ngô Vương băng hà, truyền ngôi lại cho con trai trưởng là Nam Sách Vương, di mệnh cho bác là Dương Tam Kha phò giúp. Dương Tam Kha đã nhận di mệnh nhưng đã làm trái đạo trời, soán ngôi của Nam Sách Vương đã 5 năm nay. Nay để cho hợp ý trời và lòng người, trẫm, Thiên Sách Vương phế truất Dương Tam Kha, tha không giết, giáng làm Chương Dương Công.

Nay bố cáo cho thiên hạ, các châu huyện và bách tính trong toàn Nước Việt được biết. Thiên Sách Vương năm thứ nhất (950).

Sau hôm đó, khi cửa thành Cổ Loa mở, người ta thấy có 10 xe ngựa che vải, dương cờ hiệu Chương Dương Công Dương Tam Kha. Đó là đoàn xe chở Chương Dương Công, gia đình và gia nhân về vùng Chương Dương, cách Cổ Loa 20 dặm đường về phía Đông Bắc,vùng mà ông đã sai Đồn điền chánh phó sứ tổ chức cư dân lưu lạc không ruộng đất khai hoang trước đó. Tại đây Dương Tam Kha đã chiêu mộ thêm dân về và hoàn thành sự nghiệp khai hoang vùng đất này. Khi vùng Chương Dương dân đã an cư lạc nghiệp no ấm, năm 953 ông và gia đình lại về Giao Thủy, tiếp tục chiêu mộ dân khai hoang lấn biển, mở đường, đào sông làm thủy lợi, đắp đê phong lụt, ngăn mặn. Giao Thủy trở thành vùng đất trù phú, mùa màng bội thu, xóm làng sầm uất, đông vui no ấm. Dương Tam Kha còn dạy dỗ những phong tục, truyền thống tốt đẹp cho bách tính. Ông đặt tên ông là Tùng Khê, cũng là tên làng. Làng Tùng Khê có 5 trại: Tùng Khê, Trúc Khê, Lệ Khê, Lộ Khê, Nga Khê. Dương Tam Kha được coi là Thủy tổ của khai hoang mở đất, phát triển nông nghiệp, lo lắng chăm lo đời sống của cư dân nơi ông lập nghiệp.

Dương Tam Kha có 3 phu nhân, sinh cho ông được 10 con trai, 9 con gái. Năm Canh Thìn 980, Dương Tam Kha để 5 con trai ở lại Cổ Lễ, Tùng Khê, đưa 5 con trai và những cô con gái về lại cố hương Ái Châu. Đứng đầu chi họ Dương ở Tùng Khê, Giao Thủy là Dương Tiên Du, con trai thứ hai. Ông cho một con trai là Dương Đại Thiên về làng Giàng, Dương Xá, Ái Châu. Như vậy, đứng đầu họ Dương làng Giàng Dương Xá, Ái Châu là Dương Đại Thiên. Còn Dương Tam Kha và những phu nhân cùng 4 con trai và những cô con gái, trong đó có trưởng nam Dương Quý Khách, tiểu thư Dương Vân Nga về định cư ở vùng Tam Lỗ, Thiệu Long, Thiệu Quang, Thiệu Yên, Ái Châu. Tam Lỗ bao gồm ba làng: Đông Lỗ, Lỗ Mao, Lỗ Tứ có con sông Cầu Chầy đi qua, cách Dương xá về phía Tây Bắc khoảng 10 dặm. Tại đây Dương Tam Kha đã được tiếp kiến hai người nổi tiếng về sau. Một là Lê Hoàn. Thời thanh thiếu niên khi còn hàn vi, Lê Hoàn đã về đây được Dương Tam Kha cho ăn học và luyện võ. Có thể thời niên thiếu này Lê Hoàn đã gặp Dương Vân Nga. Thứ hai là năm 968, Dương Tam Kha đã tiếp kiến Đinh Bộ Lĩnh ngay ở tư dinh Tam Lỗ khi Đinh Bộ Lĩnh đem quân vào Ái Châu thu phục Ngô Xương Xí khi đó đang chiếm giữ Bình Kiều vùng Triệu Sơn. Ngô Xương Xí là con Ngô Xương Ngập, cháu ngoại của Phạm Bạch Hổ. Tại đây Dương Tam Kha đã tán thành cho con gái là Dương Vân Nga và Đinh Bộ Lĩnh thành phu thê, quả là một đôi duyên trời định, trai anh hùng gái thuyền quyên, trai tài gái sắc. Dương Tam Kha là một nhân vật kiệt xuất, toàn diện của thời cuộc Việt Nam khi đó. Võ thì góp phần đánh bại ngoại xâm, góp công lớn vào chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Có sách nói chính ông đã chém đầu Lưu Hoằng Thao trong trận thủy chiến này. Về chính trị, ông là vua của Nước Việt trong 5 năm (946- 950) với phương châm là làm cho Nước Việt phồn vinh, thanh bình, no ấm. Cuộc chính biến của ông lật đổ Ngô Xương Ngập là một cuộc soán ngôi duy nhất không đổ máu. Năm 950, khi bị Ngô Xương Văn phế truất, ông có thể cùng quân đội của mình gây nội chiến, nhưng ông đã không làm như vậy, vẫn là theo phương châm giữ hòa bình cho đất nước. Dương Tam Kha sau khi rời chính trường đã đi sâu vào sự nghiệp khai hoang mà thành tựu là những vùng đất mới được khai phá hình thành như Chương Dương, Giao thủy, Tam Lỗ, mang lại trù phú no ấm cho hàng triệu cư dân muôn đời. chính vì theo phương châm hòa bình nên trong lần tiếp kiến với Đinh Bộ Lĩnh tại cư gia, ông khuyên Đinh Bộ Lĩnh hãy chiêu hàng Ngô Xương Xí, phần thì đỡ xương máu cho sinh linh, phần thì Đinh Bộ Lĩnh sẽ thu phục được những thế lực to lớn của họ Ngô và họ Dương trong công cuộc thống nhất đất nước, thiết lập triều Đinh và xây dựng đất nước sau này.

Dương Tam Kha tạ thế ngày 10-8 năm Canh Thìn (980).

(Còn nữa)

CVL