Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 21)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.
chtran-khanh-du-dan-quan-1640451453.jpg
Danh tướng Trần Khánh Dư (Ảnh minh họa: bienphong.com.vn).

 

Kỳ 21.

Thoát Hoan đập bàn:

-Đồ ăn hại, cả hai việc không được việc gì, lại còn đi phá mộ, lăng tẩm thì được tích sự gì, chỉ càng cho dân Đại Việt và nhà Trần căm thù chúng ta.

-Dạ, mạt tướng có tội.

Thoát Hoan như sự nhớ ra:

-À, đón được đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ chưa?

-Dạ mạt tướng đã cho tùy tướng đem 20 binh thuyền, 3.000 quân đi đón mà chưa thấy trở về ạ.

Thoát Hoan giận dữ:

-Nếu tướng quân không tìm được thuyền lương của Trương Văn Hổ thì về đây chịu tội chết, rõ chưa.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Áo Lỗ Bát Xích nói:

-Đã hai tháng rồi mà đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ không tới, có khi đã bị thủy quân Đại Việt đánh chìm rồi chăng?

Thoát Hoan nói:

-Ta cũng đang lo lắng cho số phận của đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đây. Ô Mã Nhi là dũng sĩ của đế quốc Mông Cổ nhưng cũng chỉ là vũ dũng vô mưu, dám bỏ mạng sống của 50 vạn quân mà đi trước, không hộ tống chúng. Đã hai tháng quân lương sắp cạn rồi. Quân ta chắc sẽ chết vì sự ngu ngốc của Ô Mã Nhi. Nguy cơ như chiến tranh năm 1285 đã bắt đầu xuất hiện. Quân sư có kế gì hay không?

-Theo mạt tướng, chủ soái nên trở lại Vạn Kiếp là căn cứ vững chắc tập trung được quân thủy bộ, là tổng hành dinh có thể điều hành các mặt trận nhanh chóng. Vả lại, về đó chủ soái có thể kiểm soát được con đường huyết mạch Tư Minh đến Thăng Long. Giả sử khả năng xấu nhất có thể rút lui về Tư Minh cũng nhanh chóng, thuận lợi hơn ở Thăng Long rất nhiều.

Thoát Hoan nói:

-Ta cũng nghĩ như vậy.

Thoát Hoan liền gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Gọi đại tướng Đương Cổ Đái lại đây.

-Dạ.

Đương Cổ Đái bước vào:

-Dạ, bẩm chủ soái, mạt tướng có mặt.

Thoát Hoan ra lệnh:

-Tướng quân điểm 5 vạn quân, 50 chiến thuyền ở lại bảo vệ Thăng Long. Ta sẽ dời đại bản doanh về Vạn Kiếp cho tiện điều hành toàn mặt trận, rõ chưa?

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

                                                *       *

                                                    *

Lại nói Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được Trần Hưng Đạo giao cho Tổng chỉ huy thủy quân miền Đông Bắc, có nhiệm vụ chặn đạo thủy binh của Ô Mã Nhi tiến từ Khâm Châu qua Vân Đồn vào Vạn Kiếp. Tháng 1 năm 1288, khi thủy binh Nguyên Mông tràn xuống, thế giặc quá mạnh, Trần Khánh Dư bị đánh thua. Ô Mã Nhi thắng trận chủ quan khinh thủy binh Việt, bỏ mặc đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ, tiến rất nhanh đến sông Bạch Đằng lúc nước triều dâng, vào sông Kinh Thầy và về Vạn Kiếp, hội quân với Thoát Hoan.

  Thấy Trần Khánh Dư bại trận, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông sai sứ đến Vân Đồn dẫn về Ái Châu trị tội. Khi đó triều đình và hai vua đã rút về Ái Châu. Trần Khánh Dư nói với sứ giả:

-Xin hoãn cho vài hôm nữa để lấy công chuộc tội.

  Sử giả hỏi:

-Tướng quân định lập công gì để chuộc tội?

  Trần Khánh Dư nói:

-Ngài xem, 600 chiến thuyền của Ô Mã Nhi đã đi về Vạn Kiếp, bỏ mặc đoàn thuyền lương 70 vạn thạch của Trương Văn Hổ. Ngài hãy xem tôi cắt cái dạ dày của 50 vạn quân Nguyên Mông khiến chúng đói rã mà bại trận. Vậy tôi có đủ công để chuộc tội không?

  Sứ giả nói:

-Hay lắm, công của tướng quân to lắm nếu ngài làm được điều này.

-Ngài không tin thì ở lại mà xem.

  Trần Khánh Dư cho quân mai phục quanh vùng Bái Tử Long, nơi được gọi là sông Đông Kênh, bên Tây là bờ biển hiểm trở, bên ngoài là các hòn đảo, giữa bờ biển và các đảo là con đường thủy nhỏ hẹp vừa cho thuyền đi. Đầu tháng 2 năm1288, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ chậm chạp nặng nề tiến vào trận địa mai phục. Trên bờ biển quân Việt bắn tên xuống, phía Đông thuyền chiến từ các đảo xông ra đánh phá. Quân Nguyên Mông trên thuyền lương chết gục xuống thuyền hoặc rơi xuống biển. Trương Văn Hổ không biết chống đỡ thế nào chỉ biết thúc thuyền tiến lên. Đến Cửa Lục Hòn Gai, đoàn thuyền lương bị thuyền quân Việt chặn đầu, phía sau cũng bị chặn hậu. Trương Văn Hổ ném một thuyền lương xuống biển cho nhẹ và chạy thoát ra biển, về lại đảo Quỳnh Nhai (Hải Nam), nơi quê hương và cũng là xuất thân hành nghề cướp biển của hắn. Toàn bộ đoàn thuyền 70 vạn thạch lương thực bị quân Việt bắt. Quân Việt thu được không kể xiết  lương thực, vũ khí, thuyền bè.

  Trần Khánh Dư bảo sứ giả của Trần Thánh Tông về Ái Châu báo tin thắng trận. Mất 70 vạn thạch lương mà Hốt Tất Liệt dày công chuẩn bị là một đòn khủng khiếp đối với quân Nguyên Mông, 50 vạn quân đối mặt với đói khát và dẫn đến thất bại không lâu sau.

  Thời tiết đã bắt đầu sang xuân. Những dòng sông xanh mướt. Xóm làng quanh co cũng một màu xanh trải rộng mênh mông. Chiến Thuyền quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy dằng dặc đi trên những con sông lạ mà chính hắn cũng không biết tên. Hắn đã đi đi về về tung hoành ngang dọc không biết bao nhiêu lần trên những con sông ở Khoái Châu, Thiên Trường, Long Hưng để tìm triều đình Trần và quân chủ lực Việt. Đất nước Đại Việt quá nhiều sông ngòi, đầm lầy, đồng ruộng ngập nước gây không biết bao nhiêu khó khăn cho quân đội Nguyên Mông, vó ngựa kỵ binh của Nguyên Mông vốn chỉ quen tác chiến ở sa mạc, đồng cỏ, đồng khô. Hôm nay, Ô Mã Nhi tuân lệnh của Thoát Hoan đi tìm lại đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ mà hắn đã bỏ lại phía sau hai tháng trước ở biển Vân Đồn. Hắn lo lắng khồng biết đoàn thuyền lương đó nay ở đâu. Nếu đã bị thủy binh Đại Việt đánh chìm hoặc cướp mất thì tội của hắn không thể thoát được. Còn đang suy nghĩ miên man thì đoàn chiến thuyền của hắn đã đến cửa biển Đại Bàng. Ô Mã nhi cho đoàn thuyền rẽ về phía Bắc. Chợt có một phát tên lửa bắn lên không trung. Ô Mã Nhi còn chưa biết việc gì thì những chiến thuyền nhỏ của quân Việt đã xông ra bắn vào sườn của thuyền Ô Mã Nhi. Quân Việt mai phục trên núi cũng bắn xuống cả bằng cung tên, máy bắn đá và cả những mũi tên mang lửa. Hàng nghìn quân Nguyên Mông trúng tên, trúng đá chết gục xuống thuyền hoặc rơi xuống biển, máu nhuộm đỏ ngầu cửa biển Đại Bàng, một số chiến thuyền quân Nguyên Mông đã bốc cháy, lửa bén và thiêu đốt cả binh lính và chìm dần xuống biển. Quân Nguyên Mông bắn trả nhưng không có hiệu quả vì chiến thuyền Nguyên Mông to nặng, khó vận động, trong khi đó chiến thuyền quân Việt nhỏ lao vào lao ra nhanh như những con cá kình. Vả lại Ô Mã Nhi không còn bụng dạ nào ham đánh mà phải thoát khỏi vòng chiến còn đi tìm đoàn thuyền lương. Ô Mã Nhi lệnh cho quân chèo thuyền nhanh thoát khỏi trận địa mai phục bất chấp tên đạn. Cuối cùng thì quân Nguyên Mông cũng thoát ra được sau khi mất 100 chiến thuyền và khoảng 7.000 binh lính.

  Ô Mã Nhi đến được Vân Đồn nhưng không thấy tăm hơi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, đành phải quay lại qua Bạch Đằng và theo sông Kinh Thầy mà về Vạn Kiếp. Dọc đường đi, Ô Mã Nhi cho quân đổ bộ cướp phá trại Yên Hưng, lộ Hải Đông và một số thôn trang khác, cướp được 4 vạn thạch lương thực, tàn sát dân thường, đốt phá nhà cửa không thương tiếc. A Bát xích cũng cướp được 1 vạn 3.000 thạch lương ở ngoại vi Thăng Long.

  Trong tổng hành dinh của Thoát Hoan ở Thăng Long, một tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, có mấy tên lính của ta bị quân Việt bắt được, nhà Trần thả về muốn vào gặp.

-Cho vào.

 5 tên lính Nguyên Mông bước vào. Thoát Hoan quát:

-Bị bắt làm tù binh sao quân Việt không giết lại cho về?

-Dạ bẩm chủ soái quân Việt không giết tù binh, họ đối xử rất tốt với chúng tôi, cho ăn uống no đủ, không đánh đập, tra tấn. Hôm nay họ cho chúng tôi về là để báo cho chủ soái một tin quan trọng.

-Dạ, tin là đoàn thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ đã bị thủy quân Việt do tướng Trần Khánh Dư đánh và lấy hết rồi ạ.

-Thế còn tướng Trương Văn Hổ tử trận à?

-Dạ, tướng Trương Văn Hổ đã thoát về đảo Quỳnh Nhai rồi ạ.

  Thoát Hoan bỗng thấy hơi choáng, im lặng một hồi lâu rồi hỏi tiếp:

-Còn tin gì nữa không?

-Dạ, bẩm chủ soái, tin quan trọng ạ, triều đình và hai vua Trần đang ở Thanh Hóa ạ. Họ nói nguyên soái cứ vào Thanh Hóa, họ sẽ đón tiếp long trọng ạ.

  Thoát Hoan tức giận:

-Khốn kiếp, vậy mà Ô Mã Nhi, A Bát Xích hai tháng ròng tìm không ra.

  Rồi Thoát Hoan gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Cho gọi quân sư Áo Lỗ Xích.

-Dạ

  Áo Lỗ Xích bước vào:

-Dạ, mạt tướng có mặt

-Ta vừa biết tin, hai vua và triều đình Trần đang ở Thanh Hóa, chuẩn bị 30 vạn quân tiến đánh Ái Châu, bắt Trần Nhật Huyên và triều đình.

  Áo Lỗ Xích chưa nói gì thì Ô Mã Nhi bước vào. Thoát Hoan hỏi ngay:

-Có tìm thấy thuyền lương và Trương Văn Hổ không?

-Dạ , bẩm chủ soái, mạt tướng có tội, không tìm thấy ạ.

  Thoát Hoan quay bảo mấy tên tù binh được trả:

-Các ngươi nói đi cho tướng quân Ô Mã Nhi rõ.

-Dạ bẩm tướng quân, chúng tiểu nhân được hai vua Trần thả về để báo tin là đoàn thuyền lương đã bị tướng Việt Trần Khánh Dư đánh và thu hết rồi ạ, Tướng Trương Văn Hổ đã chạy thoát về đảo Quỳnh Nhai rồi ạ.

  Ô Mã Nhi tái mặt lẩm bẩm:

-Không thể nào, không thể nào?

  Thoát Hoan quát:

-Võ sĩ đâu.

-Dạ.

-Lôi Ô Mã Nhi ra ngoài chém!

  Ô Mã Nhi quỳ xuống kêu xin:

-Dạ, xin chủ soái tha mạng, mạt tướng có tội nhưng đã lập nhiều công lao với Hãn Hốt Tất Liệt, với đế quốc Nguyên Mông. Vả lại, mạt tướng cũng không về không, đã thu được 4 vạn thạch lương ạ.

  Áo Lỗ Xích nói:

-Chủ soái, trong lúc này không nên giết đại tướng, nay đã khó khăn lại càng thêm tổn thất, đặc biệt là dũng sĩ Ô Mã Nhi, một tướng được hoàng thượng Hốt Tất Liệt yêu quý, lập được nhiều công lao.

(Còn nữa)

CVL