Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 25)

PGS TS Cao Văn Liên

30/12/2021 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 25

   Lại nói 30 chiến thuyền tiên phong thăm dò đường do Lư Khuê chỉ huy tiến sâu vào sông Giá. Bỗng nhiên Lư Khuê trông thấy khắp ba bề bốn bên trong các dãy núi đá từng cột khói bốc cao mù mịt, chiêng trống vang lừng, tinh kỳ phấp phới, tiếng người, ngựa chạy như núi lở đất rung. Trên mặt nước, Lư Khuê trông thấy dày đặc những mo cau gói cơm, những lá bánh chưng sau khi quân đội ăn ném xuống sông kết thành từng bè trôi lừng lững. Rồi những chiến thuyền xuất hiện dày đặc, nhanh như chớp bắn tên gây chết chóc cho quân Nguyên Mông rồi lẩn trốn. Quân Nguyên Mông kinh hoàng hoa mắt bởi tiếng trống đinh tai nhức óc, bởi khói lửa ngút trời hai bên bờ sông. Nhìn số mo cau gói cơm và lá bánh chưng như bè mảng trôi trên sông, Lư Khuê ước tính quân Đại Việt mai phục ở đây không dưới 10 vạn người. Lư Khuê đang mải quan sát và suy nghĩ thì bỗng lính kêu thất thanh. Lư Khuê nhìn ra phía trước thì lần lượt khoảng 10 chiến thuyền quân Nguyên chìm dần xuống sông mà không rõ nguyên nhân. Đội hình tiên phong đã hoàn toàn rối loạn và khiếp sợ. Bản thân Lư Khuê chinh chiến nhiều năm trên nhiều chiến trường mà cũng choáng váng. Y vội vã ra lệnh cho đội tiên phong quay trở lại sông Kinh Thầy, nơi đại đội binh thuyền Ô Mã Nhi đang nóng lòng chờ đợi tin tức.

chuylswr-1640794419.jpeg

Tranh minh họa. Nguồn: Internet 

 

Lư Khuê nói với Ô mã Nhi:

-Sông Giá đã bị quân Đại Việt mai phục, ước tính hàng nghìn chiến thuyền và khoảng 10 vạn bộ binh, thủy binh. Chiền thuyền của ta đang đi bổng nhiên cứ lần lượt chìm xuống. Lối đánh này thật đáng sợ.

Ô Mã Nhi ngạc Nhiên:

-Sao chiến thuyền bỗng dưng bị chìm?

Phàn Tiếp nói:

-Lại chính là Yết Kiêu từng đục chiến thuyền ta ở Lục Đầu Giang.

Ô Mã Nhi gầm lên:

-Chỉ tiếc hôm bắt được chưa xé xác nó ra thì nó đã chạy thoát.

Tích Lệ Cơ, một thân vương dòng dõi nhà Hốt Tất Liệt run run nói:

-Vậy bây giờ rút theo đường nào? Hãy quyết định nhanh lên!.

Ô Mã Nhi nói:

-Rút theo đường sông Bạch Đằng!

Phàn Tiếp nói:

-Một người dùng binh tài giỏi như Trần Hưng Đạo không thể không bố trí bãi cọc trên cửa sông Bạch Đằng để chặn chiến thuyền ta như Ngô Vương và Lê Đại Hành, tổ tiên của ông ta đã làm.

Tích Lệ Cơ lo lắng hỏi:

-Như vậy phải làm thế nào? Hôm trước ở Vạn Kiếp tôi đã bảo các ông bỏ chiến thuyền rút tất cả theo đường bộ các ông không nghe. Tôi là đại quý tộc của đế quốc Nguyên Mông, bị giết hay bị bắt thì nhục nhã quá.

Phàn Tiếp nói:

-Xin Vương gia chớ quá lo. Nước triều thường dâng lên vào buổi chiều. Khi nước triều dâng thường phủ hết cọc, thuyền có thể vượt qua được. Chúng ta phải hành quân thần tốc, chiều mai ra được cửa sông Bạch Đằng có thể thoát ra biển được. Tướng quân Ô Mã Nhi lưu ý nếu quá giờ tí đêm mai khi thủy triều rút mà chúng ta không ra được là chết hết.

Ô Mã Nhi kiên quyết hùng hổ:

-Hảo, hảo, Chiều mai sẽ tới được cửa sông Bạch Đằng.

Rồi ngay đêm đó Ô Mã Nhi ra lệnh hành quân. Hơn 400 chiến thuyền chở 5 vạn thủy binh khua mái chèo như điên loạn, rẽ sóng nước Kinh Thầy và tiến vào sông Đá Bạc, một đoạn sông chính của sông Bạch Đằng. Thời gian bây giờ trở thành sống chết đối với thủy quân Nguyên Mông. Ô Mã Nhi ra lệnh cho chỉ huy các thuyền sẵn sàng dùng roi vọt đốc thúc quân chèo thuyền chèo cho nhanh chóng.

  Được thám mã báo về việc thuyền chiến quân Nguyên Mông sau khi bị nghi binh ta đánh lừa và bị đắm nhiều chiến thuyền do Yết Kiêu đục đang nhanh chóng tiến ra cửa sông Bạch Đằng,Trần Hưng Đạo từ Tổng hành dinh gần bến Phà Rừng đã chỉ đạo sát sao trận đánh cuối cùng có tính chất quyết định. Vấn đề sống còn của chiến dịch là phải ngăn chặn tốc độ hành quân của thủy binh địch làm sao cho sang giờ tuất đêm 8-4, khi thủy triều rút xuống thuyền quân Nguyên Mông mới tới được cửa sông. Trần Hưng Đạo ra lệnh cho các cánh quân liên tục tập kích vào hai bên sườn chiến thuyền quân địch. Vương còn ra lệnh dàn thủy binh ngay mũi hành quân của địch cách bãi cọc 10 dặm về phía trong sông đề phòng tập kích không hiệu quả thì trận tuyến hàng ngang này kiên quyết ngăn thuyền địch bằng mọi gía cho đến giờ tuất. Trong những ngày này Trần Hưng Đạo hầu như không ngủ, ăn uống rất qua loa. Người chỉ tập trung trí tuệ điều hành một chiến trường rộng lớn. Ngày 7-4 thám mã về Tổng hành dinh báo:

-Dạ bẩm Quốc công Tiết chế, đạo quân bộ của Thoát Hoan rút theo đường Lạng Châu đã bị đại bại, khoảng 25 vạn quân đã bị tiêu diệt.

-Có bắt được Thoát Hoan không?

-Dạ, Thoát Hoan nhờ các tướng lính che chở mở đường máu mới thoát cùng vài vạn quân nhưng các tướng sừng sỏ của  giặc Thát Đát đều tử trận.

Trần Hưng Đạo ra lệnh:

-Chôn xác chết của giặc nhanh kẻo dân ta bị bệnh dịch do xác thối rữa, đồng thời đối xử tốt với tù binh, cho ăn uống tử tế và không được giết hại. Ai vi phạm xử theo quân pháp!

-Dạ.

Tin thắng trận ở chiến trường phía Bắc bay nhanh toàn quốc, quân dân vô cùng phấn khởi. Các đạo quân thủy bộ đang đánh địch ở mạn Đông Bắc vô cùng hứng khởi, gươm giáo tuốt khỏi vỏ, khí thế hừng hực, ai ai cũng muốn lập công. Nhưng tại Tổng hành dinh, Trần Hưng Đạo vẫn không an tâm về tốc độ tiến nhanh của Thủy quân Nguyên Mông dù dọc đường bị ta chặn đánh, thiệt hại khá nặng nề. Sáng 8-4, đoàn chiến thuyền địch đã tiến vào sông Đạch Đằng. Binh thuyền dàn hàng ngang của ta đã trông thấy địch, địch cũng đã trông thấy chiến thuyền ta. Cờ xí hai bên trên chiến thuyền che rợp cả dòng sông. Tiến ra cửa Bạch Đằng bây giờ là con đường sống duy nhất của thủy binh Nguyên Mông nên chúng rất hung hãn và liều lĩnh. Trần Hưng Đạo ra lệnh cho thủy binh ta tấn công mạnh hai bên sườn địch để hỗ trợ cho trận tuyến hàng ngang chặn trước mũi địch. Bây giờ mặt sông rộng nên Ô Mã Nhi cho dàn trận hình đầu bò tam giác mà mũi nhọn đi trước, ba cạnh là hai bên sườn đi dọc sông và cạnh khóa đuôi để chống quân ta tập kích và hỗ trợ cho nhau. Thế trận này tạo cho binh thuyền Nguyên Mông tiến nhanh, chống đỡ có hiệu quả. Yết Kiêu bước lên nói:

-Tùy tướng xin ra trận, lặn xuống đục thuyền bắt sống Tích Lệ Cơ, thân vương của Nhà Nguyên Mông, buộc chúng phải dừng lại tìm kiếm may ra giảm được tốc độ của chúng.

Quốc công Tiết chế đăm chiêu suy nghĩ và gật gù:

-Tướng quân đã thành công ở Lục Đầu Giang và ở mặt trận sông Giá, lần này mong tướng quân cũng thành công.

Yết Kiêu lại xuất trận. Chàng đầu chít khăn nâu, đóng khố nâu, sợi thừng quanh lưng vẫn cái đục, dùi đục to tướng và một con dao ngắn. Thời gian đã gần sang giờ ngọ, nước thủy triều đang lên nhanh, sông Bạch Đằng rộng mênh mông. Đoàn chiến thuyền quân Nguyên Mông như con quái  vật hung  hãn dàn hình tam giác lao nhanh ra cửa sông. Nắng chói chang, sóng cuộn lên dữ dội. Yết Kiêu xác định vị trí chiến thuyền có lá cờ hiệu Thân vương Mông Cổ, lao mình xuống sông lặn một hơi xuống đáy thuyền và đục. Thuyền của Tích Lệ Cơ bất ngờ chìm xuống rất nhanh. Nhìn thấy người ăn mặc sang trọng, cổ và tay đeo đầy vàng và ngọc, Yết Kiêu đoán là Tích Lệ Cơ, liền bắt lôi xuống đáy sông và lặn ra xa khỏi đoàn thuyền quân Nguyên Mông trong khi lính bảo vệ trên thuyền còn bàng hoàng lo ngoi lên để thở. Tin giữ bay lại thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp:

-Dạ, Thân vương Tích Lệ Cơ bị chìm thuyền và mất tích rồi ạ.

Ô Mã Nhi gầm lên:

-Kệ ông ấy, cứ tiếp tục hành quân!

Phàn Tiếp nói:

-Không được, ông ta là Thân vương dòng dõi của Nguyên Thế Tổ, mất ông ta hoặc không thấy xác chúng ta về liệu có giữ được cái đầu không, thậm chí ba họ còn liên lụy máu chảy đầu rơi.

Ô Mã Nhi bất lực gầm lên:

-Dừng lại tìm kiếm Vương gia nhanh lên. Ai tìm thấy được thăng vượt cấp.

Đoàn binh thuyền quân Nguyên Mông phải dừng lại, đội hình hành quân chiến đấu tan ra thành những chiến thuyền đi tìm kiếm khắp mặt sông. Ô Mã Nhi sai những tên lính lặn giỏi nhất lặn xuống sông tìm Thân vương Tích Lệ Cơ mất tích. Quá lo lắng trách nhiệm để mất Thân Vương, vì thế mải mê tìm kiếm, Ô Mã Nhi quên đứt đi mấu chốt sự sống của đoàn binh thuyền là thời gian và con nước triều cường. Không biết đã qua bao nhiêu canh giờ. Sông nước đã chìm trong bóng tối. Đến lúc Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi nhận thấy chiến thuyền không cần chèo nhưng tự động trôi về phía Đông ngày một nhanh và không còn đội hình chiến đấu nữa. Thì ra nước thủy triều đã bắt đầu rút xuống. Bóng tối đã tràn ngập khắp không gian. Chiến thuyền quân Nguyên-Mông bây giờ đã trong tầm của các mũi tên của đoàn binh thuyền Đại Việt dàn hàng ngang đón đầu. Tên dội như mưa, tên trúng vào ngực, vào lưng, vào mông, vào mặt, hàng nghìn thủy binh lăn xuống nước hoặc gục chết trên các chiến thuyền. Hàng trăm chiến thuyền quân Nguyên Mông to lớn đồ sộ lao vào các chiến thuyền Đại Việt. Các chiến thuyền Đại Việt tản ra hai bên mở đường cho quân Nguyên Mông tháo chạy. Khi mở được đường máu ra đến cửa sông thì cũng là lúc thủy triều rút ào ạt. Những mái chèo của thuyền không làm chủ được tốc độ nữa. Hàng chục thuyền chiến bị cọc xuyên qua như bị đóng đinh xoay vòng quanh tại chỗ, ngăn cản hàng trăm chiếc thuyền dồn nén lại dày đặc, vướng nhau hỗn lọan.

Đang khi đó, quân Nguyên Mông vô cùng kinh hãi, từ phía sau chúng ở phía Tây dòng sông cách quân Nguyên Mông khoảng nửa dặm, hàng trăm bè chứa chất cháy của Đại Việt đang cháy rừng rực, mặc dù không có gió tây nhưng theo thủy triều đang rút lao về khu vực chiến thuyền Quân Nguyên Mông. Chiến thuyền Quân Nguyên Mông bốc cháy lan từ thuyền này sang thuyền khác. Suốt 4 dặm vuông của cửa sông Bạch Đằng biến thành một bãi lửa vàng rực, bốc cao soi sáng khắp một vùng Đông Bắc, lửa thèm khát liếm tất cả các vật mà nó gặp. Lính nguyên Mông cũng biến thành những bó đuốc cháy đen thui và lềnh bềnh kín đặc mặt sông. Những tên sống sót nhảy xuống nước chạy vào bờ bị quân Đại Việt bắt. Lửa bốc cao đen mù trời đất. Phàn Tiếp nhìn đoàn binh thuyền mà Nguyên Thế Tổ dày công chuẩn bị đang biến thành gio, chìm dân xuống nước, 5 vạn mạng con người bị nướng trong lửa. Phàn Tiếp than:

-Trời ôi, trận hóa công thủy chiến kinh khủng thế này ta chỉ thấy ở Xích Bích trong sách Tam quốc, không ngờ ngày nay ta gặp cảnh ngộ này.

Khi những đám cháy đã dịu đi thì từ trong các cù lao binh thuyền nhỏ của Đại Việt lao ra. Quân Nguyên Mông bị những trận mưa tên và sau đó là những trận giáp lá cà giết nốt những tên còn lại chưa chịu đầu hàng. Phàn Tiếp nhảy xuống sông tự vẫn nhưng bị một lưỡi câu liêm của quân Đại Việt móc lên bắt sống. Đỗ Hành nhảy lên chiếc lâu thuyền sang trọng Tổng chỉ huy vì ở giữa nên lửa chưa bén tới. Ô Mã Nhi cầm kiếm lao vào Đỗ Hành. Đỗ Hành né tránh và ôm lấy hắn cùng nhảy xuống nước. Dù khỏe mạnh nhưng xuống nước Ô Mã Nhi không chịu nổi đã ngạt thở và chết giấc. Đỗ Hành trói hắn lại và lôi vào bờ.

Trời đã về khuya. Bạch Đằng Giang suốt một ngày quyết chiến, lửa cháy tên bay, trống chiếng vang lừng bây giờ gần như yên tĩnh. Trần Hưng Đạo nhìn dòng sông, sóng vẫn  cuộn lên nhưng màu nước đỏ hồng trong ánh lửa từ những con thuyền đang cháy. Người biết đó là màu máu của 5 vạn quân Nguyên Mông trong ngày đền tội. Gió và sóng đang hát bài ca chiến thắng oanh liệt của dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm thế kỷ XIII.

(Còn nữa)
CVL

 

 

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 25)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn