Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 3)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.
ch-tong-dan-1638926813.jpeg

Một trong những vị tướng kiệt xuất trong chiến dịch phạt Tống là Tông Đản. Tông Đản là một trong những tù trưởng nổi tiếng, người dân tộc Nùng. Ông là danh tướng có công lớn trong chiến dịch tấn công vào Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm cuối năm 1075. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 3.

Tông Đản gọi tiếp:

-Tướng quân Hoàng Kim Mãn.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân cũng dẫn 1 vạn quân và 30 thớt voi có nhiệm vụ tiêu diệt trại Vĩnh Bình ở phía Đông. Cũng phải bí mật bất ngờ diệt gọn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Hoàng Kim Mãn ra điểm quân đi về hướng Đông.

-Tướng Vi Thủ An đâu?

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem 2 vạn quân và 30 thớt voi bí mật bất ngờ tiêu diệt trại Hoành Sơn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Tông Đản nói:

-Còn lại 2 vạn quân và 10 thớt voi, mặt trận nào khó khăn ta sẽ chi viện.

  Trong đêm tối, ba cánh quân Đại Việt không cờ không trống cùng những thớt voi lừng lững như những quả núi lặng lẽ tiến lên phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc. Canh ba đêm đó, đạo quân của Thân Cảnh Phúc bí mật bao vây trại Vĩnh Bình, từ xa dùng tên bắn chết những tên lính canh gác, tuần tra và tiến vào, khi vừa tầm bắn nhất loạt bắn tên và tên lửa vào doanh trại. Trại Vĩnh Bình vốn chiến lũy là tạm bợ sơ sài bằng gỗ, dễ bén lửa. Toàn doanh trại phút chốc biến thành biển lửa. Quân Tống thức dậy tháo chạy ra ngoài nhưng bị những trận mưa tên, sau đó là những lưỡi gươm giáo bất thần bổ xuống. Thây chồng chất, máu đầm đìa. Một vạn tên kể cả chủ tướng không một tên nào sống sót. Đạo quân của tướng Hoàng Kim Mãn đi về hướng trại Tây Bình. Hoàng Kim Mãn cho 50 người lính bò sát gần ngoài doanh trại địch. Một tốp lính Tống đi tuần tới, 50 quân Việt xông ra khống chế, dí thuốc mê vào miệng, lột quân phục Tống mặc vào và đi vào cổng doanh trại. Lính gác doanh trại mở cổng ra liền bị giết. Cổng doanh trại mở toang, 2 vạn quân Việt và 30 con voi xông vào. Lính Tống còn đang ngủ say, không kịp chống cự bị giết và bị voi xé xác. Quân Việt làm chủ trại Tây Bình. Đạo Quân của Vi Thủ An tiến đến trại Hoành Sơn nhưng không giữ được bí mật và yếu tố bất ngờ. Tướng Tống giữ trại là Tưởng Di đang ngủ, chợt có lính canh vào báo:

-Dạ bẩm tướng quân có thám mã về báo tin khẩn cấp.

-Cho vào

Thám mã vào báo:

-Dạ, bẩm tướng quân, quân Đại Việt đã tràn sang đánh chiếm hai trại Vĩnh Bình và Tây Bình và đang tiến đánh trại Hoành Sơn của chúng ta.

Tưởng Di hoảng hốt:

-Hả, quân Đại Việt từ trên trời rơi xuống hả, đóng chặt cửa trại và báo động toàn quân sẵn sàng chiến đấu.

Tông Đản nói với Vi Thủ An:

-Hết yếu tố bất ngờ rồi, nếu cứ tiến vào, quân ta sẽ bất lợi, còn phải dành sức đánh trại Cổ Vạn, chờ sáng mai rồi hãy hay.

Sáng mai, quân Việt đã trông thấy Tưởng Di dàn trận chờ quân Việt. Tông Đản nói:

-Tướng quân dàn trận đánh chúng trước mặt, tôi đánh tập hậu chắc là diệt được chúng.

Vi Thủ An nói:

-Mạt tướng tuân lệnh.

Vi Thủ An cho 30 thớt voi đi đầu, theo sau là 2 vạn quân chưa kịp dàn trận thì voi đã xông lên, kỵ binh và bộ binh Tống hốt hoảng vỡ trận. Quân Việt xông lên chém giết. Phía sau quân Tống lại bị 1 vạn quân và 10 thớt voi của Tông Đản đánh vây bọc. 1 vạn quân Tống không lối thoát, thây đổ ngổn ngang, máu phun như nước. Quân Việt làm chủ trại Hoành Sơn. Tướng Tống Tưởng Di tử trận cùng các tùy tướng.

  Phòng tuyến vòng ngoài bảo vệ Ung Châu đã sụp đổ. Tông Đản tập trung quân tiến đánh trại Cổ Vạn để mở toang cánh cửa đi về Ung Châu. Trại Cổ Vạn cách Ung Châu 5 dặm về phía Nam, án ngữ con đường duy nhất đi Ung Châu. Tướng giữ trại Cổ Vạn là Thái Trạch đã được Tô Giám, tướng giữ thành Ung Châu tăng viện thêm 2 vạn quân, nâng tổng số quân của trại lên 4 vạn. Một buổi sáng, Thái Trạch đang ngồi uống trà thì có thám mã về cấp báo:

-Dạ, bẩm tướng quân, ba trại Vĩnh Bình, Tây Bình, Hoành Sơn đã bị quân Đại Việt triệt hạ. Khoảng 6 vạn quân Việt đang tiến về đây, cách Cổ Vạn 5 dặm.

Thái Trạch nói:

-Sao ba trại thất bại nhanh chóng như vậy. May mà ta vừa được tăng viện thêm 2 vạn quân. Bay đâu.

-Dạ.

-Mở cổng trại để ra ngoài nghênh chiến.

Thái Trạch mặc giáp đội mũ cùng tùy tướng dẫn 4 vạn quân ra dàn hàng chữ nhất nghênh chiến quân Việt.

Tông Đản dẫn quân đến gần Cổ Vạn đã thấy quân Tống dàn trận đứng chờ. Tông Đản hạ lệnh cho 100 con voi đi đầu, kỵ binh và bộ binh theo sau, không cần dàn trận, cho voi xông lên đánh phá và kỵ bộ binh xông lên chém giết. 100 con voi được phía sau bị thúc, voi hăng máu xông pha tung hoành vào trận của quân Tống. Kỵ binh Tống trông thấy voi hoảng sợ tháo chạy. Quân Tống vỡ trận, quân Việt xông lên chém giết. Quân Tống bị voi dày đạp, bị các cung thủ trên mình voi bắn giết, bị kỵ binh và bộ binh Việt đâm chém. Thây chồng như núi, máu đổ thành sông. Quân Tống tháo chạy vào trại nhưng không kịp đóng cổng. Voi và quân Việt cũng tràn vào theo, dùng chất cháy ném đốt phá doanh trại. Toàn trại Cổ Vạn biến thành biển lửa. 4 vạn quân Tống hầu hết bị tiêu diệt, số còn lại chạy về Ung Châu. Thái Trạch và các tùy tướng đều tử trận. Tượng binh thành nỗi kinh hoàng đối với quân Tống. Không còn rào cản nào nữa, Tông Đản thừa thắng tiến lên phía Bắc khoảng 10 dặm bao vây thành Ung Châu. Đó là ngày 27-10-1075.

  Đang là mùa đông nên trời của vùng châu Yên Bang, lộ  Hải Đông Đại Việt một màu u ám, làng xóm ven biển xanh rì những rừng phi lao đung đưa theo những trận gió lạnh cắt da cắt thịt. Biển ào ào đổ sóng vào bờ trắng xóa. Vùng biển này hôm nay tập trung 300 chiến thuyền lớn chở 4 vạn quân Đại Việt do Thái úy Phụ quốc Lý Thường Kiệt chỉ huy chuẩn bị vượt biển tiến về phía Bắc, cờ bay theo gió, gươm giáo sáng lòe. Quân Đại Việt mang cả những vũ khí hạng nặng như máy bắn đá. Những thuyền chiến đến giờ xuất phát, đè sóng đi ngược gió tiến về biển Trung Hoa. Sóng vỗ ào ạt vào những chiến thuyền tung bọt như bản đồng ca đưa tiễn đoàn quân Bắc phạt mong ngày chiến thắng trở về.

Trong đêm tối ở bờ biển Khâm Châu, thuộc Quảng Nam Tây lộ đất Tống, 300 chiến thuyền cập cảng, quân Đại Việt giết lính canh cảng rồi 4 vạn quân đổ bộ lên bờ, âm thầm tiến về thành Khâm Châu. Thành Khâm Châu chìm trong giấc ngủ say sưa. Quân Việt bí mật bao vây. Những tên lính canh trên mặt thành bổng nhiên đổ gục xuống bởi những mũi tên cực mạnh. Quân Đại Việt bắc thang mây, leo lên mặt thành và tìm đường đi xuống cổng thành. Những tên lính canh cổng còn lơ mơ trong giấc ngủ ngồi thì bị giết. Lính Đại Việt mở toang cổng 4 mặt thành và 4 vạn quân tràn vào tận phòng ngủ quân Tống mà giết. 8000 tên lính thức dậy vội đầu hàng:

-Xin tha mạng…

-Xin tha mạng…

Một tốp lính Việt dí gươm vào cổ tên lính Tống hỏi:

-Phòng của Trần Vĩnh Thái đâu? Dẫn đường sẽ tha mạng.

Người lính Việt biết tiếng Trung dịch lại. Tên lính vái như tế sao:

-Tôi dẫn, tôi dẫn.

Tới một căn phòng lớn nó ú ớ chỉ vào trong. 100 lính Việt đạp cửa xông vào. Trần Vĩnh Thái, chủ tướng của thành Khâm Châu còn ôm mỹ nhân ngủ, nghe tiếng động giật mình vùng dậy đã bị 5 lưỡi gươm của lính Việt dí vào cổ. Hắn còn đang ngơ ngác thì đã bị lính Việt trói lại. Quân Đại Việt lùng bắt các tùy tướng của Trần Vĩnh Thái. Các tướng là Văn Lương, Ngô Phúc, Tưởng Cẩn, Tống Đạo đều bị bắt. Đó là ngày 30 12-1075.

Thành Khâm Châu, căn cứ thủy quân của quân Tống chỉ một đêm thất thủ. Lý Thường Kiệt buộc 1 vạn tù binh Tống khuân hết lương thực, vũ khí mà nhà Tống tích lũy chuẩn bị đánh Đại Việt xuống thuyền và cho chở về nước, cho san bằng thành Khâm Châu. Quân Đại Việt tiếp tục tiến đánh Liêm Châu.

Liêm Châu ở về phía Bắc Khâm Châu khoảng 100 dặm. 4 vạn quân và 300 chiến thuyền Đại Việt lại đi trong đêm, cập cảng Liêm Châu và đổ bộ lên bờ, sau đó tiến vào bao vây thành lũy Liêm Châu. Tướng giữ thành Liêm Châu là Lỗ Khánh Tông theo dõi sát tình hình. Buổi đêm đang ngồi uống trà thì thám mã về báo:

-Dạ bẩm tướng quân, quân Lý Thường Kiệt đã hạ thành Khâm Châu và đang tiến về Liêm Châu của chúng ta.

Lỗ Khánh Tông hốt hoảng:

-Hả, Khâm Châu sao thất thủ nhanh vậy? Bay đâu, lên mặt thành chuẩn bị chiến đấu.

Lỗ Khánh Tông cùng các tướng Lương Sở, Chu Tông Thích, Ngô Tông Lập lên mặt thành đốc chiến. Lỗ Khánh Tông và các tướng trông thấy quân Đại Việt đông như kiến cỏ vây thành. Lỗ Khánh Tông ra lệnh chuẩn bị cung nỏ để bắn khi vừa tầm. Nhưng từ xa, quân Việt dùng máy bắn đá bắn như mưa vào thành. Quân Tống bị đá đập chết ngổn ngang, chưa kịp triển khai cung nỏ thì quân Việt lợi dụng thời cơ đó tiếp cận lại gần, bắn chất cháy và cả những trận mưa tên, mưa đá. Trong khi đó những người lính Việt cảm tử ôm những cây gỗ to một người ôm tông mạnh vào cổng thành. Cổng thành Liêm Châu mở toang, 4 vạn quân Việt tràn vào chém giết. Liêm Châu chỉ một đêm thất thủ. Lỗ Khánh Tông và các tướng đều bị đá dập chết, 8.000 quân bị bắt. Lý Thường Kiệt san bằng thành Liêm Châu và cho 8.000 tù binh bốc hết lương thực, vũ khí và cho 1 vạn quân Việt đem 300 chiến thuyền Việt và hàng trăm chiến thuyền lấy được từ hai cảng của thủy quân Tống đem về nước. Còn 4 vạn quân Việt và 1 vạn tù binh Tống tiếp tục vượt Thập Vạn Đại Sơn đánh vào Đông Nam Ung Châu cùng Tông Đản. Đó là ngày 2-1-1076.

Từ Khâm Châu, Liêm Châu, quân Đại Việt vượt Thập Vạn Đại Sơn để tiến về phía Tây. Thập Vạn Đại Sơn dài 240 dặm, rộng từ 30 đến 60 dặm, chạy theo hành lang Đông Bắc và Tây Nam, bắt đầu từ Khâm Châu theo hướng Đông Bắc, vòng về Tây Nam sát biên giới Tống-Đại Việt, cao tới 1.462m. 4 vạn quân Đại Việt đi theo hàng dọc trải dài 20 dặm. 1 vạn tù binh Tống đẩy xe lương thực hoặc đẩy máy bắn đá. Quân Việt cũng còng lưng bởi mang theo vũ khí, quần áo, đồ dùng cá nhân, lương thực đủ cho người lính ăn vài ba ngày. Trời mùa đông u ám, cấy cối Thập Vạn Đại Sơn rậm rạp ngút ngàn với những vách núi đá cao sừng sững. Quân Việt men theo lối mòn đi từ Đông sang Tây. Mây mù trắng xóa trên đỉnh núi. Thác nước như lụa chảy từ trời cao xuống tung bọt trắng xóa như hoa. Có tiếng gầm của hổ đâu đây, có tiếng nai kêu mang tác, có tiếng vượn hú tha thiết thê lương. Đoàn quân đi trong gió rừng hiu hắt, lá vàng tung bay lả tả. Cuối cùng, qua bao gian nan vất vả, 4 vạn quân Đại Việt cũng đến được Ung Châu, cùng 6 vạn bộ binh của Tông Đản vây đánh thành.

Trấn trị của Quảng Nam Tây lộ của nhà Tống là Quế Lâm, cách  Ung Châu 150 dặm về phía Đông Bắc. Không phải là trấn trị nhưng Ung Châu là một căn cứ quan trọng  để bảo vệ hướng Nam của nước Tống, là căn cứ mà nhà Tống đã cho chứa nhiều lương, thực vũ khí chuẩn bị cho 30 vạn quân xâm lược Đại Việt. Ung Châu cách biên giới Đại Việt chỉ 360 dặm, là con dao lớn sẵn sàng chọc vào Đại Việt. Thành Ung Châu cao, dầy, trên mặt thành có trang bị nỏ “Thần tý” bắn một phát được nhiều mũi tên, ngoài ra còn có cung nỏ thường, có dầu chứa chất cháy để tiêu diệt quân đánh thành.

(còn nữa)

CVL