Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)

19/04/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 2.

  Ba vị hoàng đế nhà Lý là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông lên ngôi vào lúc tuổi trưởng thành, tài năng, có tư tưởng thực thi chính sách kế tục nhau và nhất quán. Các vua lại được các danh thần tài năng giúp đỡ, phò tá nên đất nước càng an bình, thịnh vượng, nhân dân an cư lạc nghiệp. Các danh thần đó là Lê Văn Thịnh, Bùi Quốc Khái, Doãn Tử Tư, Đoàn Văn Khâm, Lý Đạo Thành đã góp phần lớn vào văn trị và chính trị, tạo sự phát triển rực rỡ của vương triều Lý giai đoạn đầu.

  Đoàn Cẩm hỏi:

-Huynh nói các vị vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông cai trị, mang lại sự bình yên cho thiên hạ. Sao đệ nghe nói thời kỳ Lý Thái Tông cũng có loạn Tam Vương, cũng giết chóc khủng khiếp, còn là nổi kinh hoàng cho đời sau.

  Đoàn Thượng đặt cốc nước xuống bàn và cười:

-Tháng 3 năm 1028, Lý Thái Tổ qua đời, thọ 55 tuổi, thụy hiệu là Thần Vũ hoàng đế, an táng tại Thọ Lăng. Các đại thần đến cung Long Đức dâng biểu xin thái tử Lý Phật Mã lên ngôi. Ba người em của Lý Phật Mã là Đông Chính Vương, Dực Thánh Vương và Vũ  Đức Vương không đồng ý nên đem quân phục sẵn trong hoàng thành nhằm cướp ngôi. Đông Chính Vương phục sẵn trong Long Thành, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương phục binh ở cửa Quảng Phúc đợi thái tử đến sẽ đánh úp. Thái tử Lý Phật Mã từ cửa Tường Phù đi vào điện Càn Nguyên, biết có biến, ra lệnh đóng hết các cửa điện và sai vệ sĩ trong cung phòng ngự. Thấy thái tử không nỡ xuống tay với các em, quan Nội chính Lý Nhân Nghĩa xin thái tử đánh một trận được thua. Ở ngoài quân của ba vương đánh vào rất gấp. Thái tử cho mở cửa, sai Lê Phụng Hữu, người có sức khỏe phi thường ra đánh. Lê Phụng Hữu một mình vượt hàng trăm lính của ba vương xông ra trước cửa Quảng Phúc, đến tận chỗ của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh nhưng ngựa quỵ xuống, bị Lê Phụng Hữu tóm được và bóp chết. Hai vương còn lại thua chạy. Quan quân đuổi theo giết hết lính, chỉ có Đông Chính Vương và Dực Thánh Vương chạy thoát.

  Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, đế hiệu là Lý Thái Tông, lấy niên hiệu là Thiên Thành. Hai vương chạy thoát, sau này được Lý Thái Tông tha tội chết.

  Sau cuộc loạn tam vương, để ngăn ngừa biến loạn có thể tái diễn, Lý Thái Tông đặt ra “Hội thề đền thần Đồng Cổ”. Đó là một lễ thề rất quan trọng trong suốt triều nhà Lý. Lý Thái Tông xuống chiếu, giao cho Hữu ty dựng miếu bên phải thành Thăng Long, sau chùa Thánh Thọ. Lấy ngày 25 tháng 3 đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề.

  Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ nên ngày ăn thề đổi sang ngày 4 tháng 4. Nếu không có mặt trong buổi lễ, quan lại vắng bị đánh 50 trượng.

  Việc vua Lý Thái Tông dẹp được loạn tam vương và đặt ra “Hội thề Đồng Cổ” đã khiến chính trị triều đình từ đó ổn định trong một thời kỳ dài, chấm dứt tình trạng biến loạn trong những cuộc đấu tranh giành quyền lực, tranh giành ngai vàng gây hậu quả nghiêm trọng như các triều Ngô-Đinh.

chlntong1-1650294732.jpg
Lý Nhân Tông (1072 - 1127) - Vị Vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam

 

Đoàn Chú hỏi:

-Huynh nói những vị vua lên ngôi lúc còn nhỏ, bắt đầu vua Lý Nhân Tông làm cho thế cuộc suy vi như ngày nay có đúng không?

  Đoàn Thượng đáp:

-Riêng có vua Lý Nhân Tông dù lên ngôi năm 1072, lúc 6 tuổi nhưng thế nước vẫn ổn định và phát triển. Ban đầu được Dương Thái hậu và Lý Đạo Thành phụ chính giúp đỡ. Sau đó Lý Nhân Tông phế bỏ Dương Thái hậu, được mẹ đẻ là Nguyên phi Ỷ Lan và Thái úy Lý Thượng Kiệt là những người tài giỏi phụ chính giúp đỡ. Hơn nữa, nhà vua lại ra sức học tập, tu luyện tài đức để cai trị quốc gia. Hai yếu tố đó đã giúp cho Lý Nhân Tông dù còn nhỏ tuổi lên ngôi nhưng quốc gia vẫn hưng thịnh, đạt được võ công hiển hách. Năm 1075, đưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt, quân Đại Việt đã tiến hành cuộc Bắc tiến để “Tiên phát chế nhân” hạ các thành Khâm Châu, Liêm Châu và Ung châu, phá tan những căn cứ hậu cần của nhà Tống chuẩn bị để xâm lược Đại Việt. Năm 1076-1077, nhà Tống cho 20 vạn quân tràn vào xâm lược Đại Việt đã bị đánh cho tan tành. Ý chí xâm lược của nhà Tống bị đè bẹp.

  Lý Nhân Tông là vị hoàng đế cai trị lâu dài nhất trong lịch sử các vị hoàng đế của Đại Cồ Việt và của Đại Việt. Ngài lên ngôi năm 1072, mất năm 1127, tại vị 55 năm. Tuy vậy, Lý Nhân Tông không có con kế vị, phải chọn con của người em là Lý Sùng Hiển là Lý Dương Hoán lên ngôi. Lý Dương Hoán phải gọi Lý Nhân Tông là bác. Năm 1127 Lý Nhân Tông qua đời, thọ 61 tuổi. Lý Dương Hoán khi đó 11 tuổi lên ngôi, đế hiệu là Lý Thần Tông, kết thúc thời kỳ rực rỡ của Vương triều Lý, bắt đầu thời kỳ suy vi của triều đại này. Tuy xuất hiện những mầm mống suy vi nhưng đất nước thời Lý Thần Tông vẫn ở thế ổn định vì được những đại thần tài giỏi phụ chính, đó là Thái sư Lê Bá Ngọc, Thái phó Dương Anh Nhĩ, Thái úy Lý Công Bình, Gián nghị đại phu Mâu Du Đồ, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Sơn. Đó là những đại thần có năng lực, được Lý Nhân Tông giao trọng trách trước khi ngài mất. Tuy nhiên thời Lý Thần Tông đã xuất hiện sự tranh chấp quyền lực, xuất hiện bọn quan lại xu nịnh. Năm 1138, Lý Thần Tông qua đời khi mới 23 tuổi, tại vị được 11 năm. Trước đây Lý Thần Tông đã chọn con trưởng là Lý Thiên Lộc làm thái tử, nhưng Cảm Thánh phu nhân cùng Phụng Thánh phu nhân, Nhật Phụng phu nhân đã dùng tiền bạc đút lót cho hoạn quan Từ Văn Thông. Từ Văn Thông xin Lý Thần Tông phế bỏ Lý Thiên Lộc, lập con nhỏ là Lý Thiên Tộ làm thái tử, giáng Lý Thiên Lộc làm Minh Đạo Vương. Khi Lý Thần Tông qua đời, Lý Thiên Tộ khi đó 3 tuổi lên ngôi, tức là Lý Anh Tông. Cảm Thánh phu nhân Lê Thị trở thành Hoàng thái hậu. Bà này trọng dụng Đỗ Anh Vũ vốn là người hầu trong màn trướng của Lý Thần Tông. Đỗ Anh Vũ còn là con nuôi của Thái sư Trương Bá Ngọc. Vì Lê thái hậu và Đỗ thái hậu chỉ tin có mỗi Đỗ Anh Vũ nên các đại thần trong triều bất bình như Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đại, Phò mã Dương Tự Minh. Hai người đã làm cuộc chính biến bắt Đỗ Anh Vũ nhưng không giết đi, lại chỉ đày ra Cảo Điền Nhi cày ruộng. Lê Thái hậu cố nghĩ cách cứu Đỗ Anh Vũ. Đỗ Anh Vũ được mấy lần xá tội, về triều, giữ chức Thái úy phụ chính, lại càng được tin dùng hơn. Đỗ Anh Vũ tìm cách trả thù những đại thần trước đây đã lật đổ ông ta. Vua Anh Tông còn nhỏ chỉ gật đầu chuẩn tấu. Do đó những đại thần tham gia chính biến bị giết hoặc bị lưu đày.

  Năm 1158, Đỗ Anh Vũ qua đời. Tô Hiến Thành được thăng làm Thái úy. Năm 1174, hoàng thái tử Lý Long Xưởng gian dâm với cung phi bị Lý Anh Tông giáng làm Bảo Quốc Vương. Lý Anh Tông đưa con trai còn nhỏ là Lý Long Cán, con của một cung phi là cháu của Đỗ Anh Vũ làm thái tử. Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu, Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, được giao phụ chính, kèm cặp cho Thái tử.

  Năm 1175, Lý Anh Tông qua đời, ở ngôi 37 năm, Lý Long Cán mới 3 tuổi lên ngôi, gọi là Lý Cao Tông. Tô Hiến Thành được giao phụ chính. Giữa năm 1179, Tô Hiến Thành qua đời khi Lý Cao Tông mới 6 tuổi. Đỗ An Di, em trai của Đỗ thái hậu được giao quyền phụ chính. Năm 1190, Đỗ An Di qua đời. Đàm Dĩ Mông là ẹm trai của An Toàn Hoàng hậu (Đàm hoàng hậu) được cất nhắc làm phụ chính.

  Lý Cao Tông lớn lên nhưng chỉ thích chơi bời, thả sức cho mua quan bán chức để lấy tiền tiêu xài. Tạo nên bọn bất tài vô đức nhưng nhiều tiền mua được các chức quan. Khi đã thành quan càng ra sức vơ vét, nhũng nhiễu bách tính để bù vào số tiền chúng bỏ ra mua quan chức. Lý Cao Tông còn cho bán những tài sản thuộc về nhà nước. Vì thế kho bạc và tài sản trong cung như núi mà dân tình thì đói khổ cứ thế kêu than bên ngoài mà triều đình không thấu. Giặc cướp nổi lên như ong. Các thế lực hào trưởng địa phương nhân đó xây dựng lực lượng chuẩn bị xưng hùng, xưng bá trong thiên hạ, gây ra những cuộc loạn ly. Vì thế, chúng ta phải ra sức xây dựng lực lượng ở Hồng Châu, chuẩn bị đối phó với các sứ quân, kể cả với quân đội triều đình trong nay mai.

  Đoàn Cẩm hỏi:

-Thưa huynh, ngoài lực lượng của chúng ta, thiên hạ còn có lực lượng của sứ quân nào nữa ạ.

  Đoàn Thượng đáp:

-Theo tin thám mã các nơi báo về, hiện nay ở các địa phương nhiều sứ quân bí mật xây dựng lực lượng như Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, Hà Cao ở Quy Hóa, Đỗ Bị ở Sơn Tây, Phí Lang ở Ninh Bình, nhưng mạnh nhất là thế lực của dòng họ Trần ở Hưng Hà, Bố Hải Khẩu.

  Không khí bỗng nhiên trầm lắng hẳn xuống. Đoàn Thượng gọi:

-Bay đâu.

-Dạ, chúa công.

  Bày tiệc rượu ra đây để ta cùng các đệ vui vẻ, chuẩn bị cho ngày mai làm lễ tế cờ khởi binh. Thời thế tạo anh hùng, thiên hạ loạn lạc, triều đình suy vi là điều kiện tốt cho họ Đoàn ta xưng hùng, xưng bá suốt một vùng từ Hồng Châu phía tây tới gần Thăng Long, phía đông bao gồm ven biển xưa gọi là An Biên và Lục Châu. Nào xin mời các đệ cạn chén.

-Xin mời các đệ. Chúc cho lá cờ của họ Đoàn ta tung bay không chỉ ở Hồng Châu mà còn tung bay khắp thiên hạ.

-Cạn chén…

II

  Tháng 3 năm 1207, kinh thành Thăng Long vẫn còn rơi rớt không khí mùa xuân, nắng vàng rải xuống phố phường đầy cây cao bóng mát, lá xanh phủ xuống các mái nhà rêu phong cổ kính, gió còn hơi se lạnh. Lá vàng rơi lả tả cuốn theo gió, theo chân người, xe ngựa đi lại trên đường phố. Hoàng thành và Tử cấm thành vẫn yên tĩnh.Trong điện Càn Nguyên, Lý Cao Tông đang thiết triều. Lý Cao Tông hỏi:

-Có việc gì bẩm tấu không?

  Quan phụ chính Phạm Bĩnh Di bước ra:

-Thần có tấu.

-Ái khanh nói đi.

-Dạ bẩm hoàng thượng, sau cuộc nổi loạn của Phí Láng ở Ninh Bình, bây giờ đến lượt Đoàn Thượng, Đoàn Chú ở Hồng Châu đang tụ tập binh mã, đắp thành lũy, treo cờ xưng vương để chống lại triều đình. Kính mong hoàng thượng cử quân đi đánh dẹp.

  Lý Cao Tông ngạc nhiên:

-Lại có chuyện đó nữa sao?

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn