Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 32)

PGS TS Cao Văn Liên

19/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 32.

Ngay hôm đó, Giản Định Đế ra lệnh cho triều đình và quân đội hành quân vào Chi La, Hà Tĩnh. Tại Hà Tĩnh, các hào kiệt và trai tráng đua nhau đầu quân đứng dưới lá cờ đại nghĩa. Một sáng, Trần Triệu Cơ và Giản Định Đế đang ngồi bàn việc trong hành dinh thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có hai tướng là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân từ Hóa Châu kéo quân ra gia nhập khởi nghĩa, đang chờ xin vào gặp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

chdangtat-1652883163.jpg
Tranh minh họa: Đặng Tất vị tướng hậu duệ nhà Trần. Nguồn: Internet. 

 

  Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân đi vào, theo sau là hai chàng thanh niên trẻ tuổi và một thiếu nữ xinh đẹp bước vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh đứng dậy đi.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Xin chào Thái sư.

-Không dám, xin chào hai tướng quân, hai công tử và tiểu thư.

-Vị nào là Đặng Tất?

-Dạ, bẩm hoàng thượng, chính là thần. Thần vốn phục vụ cho quân Minh ở Hóa Châu, chức Đại Tri châu, nghe danh hoàng thượng đưa xa giá về đây chiêu mộ nhân tài đánh giặc, thần đã giết tên quan nhà Minh, đem quân về đây phò xa giá  hoàng thượng.

  Giản Định Đế nhìn Đặng Tất, đó là một người khoảng 50 tuổi, mặt vuông mắt sáng, ra dáng là một võ quan có tài. Giản Định Đế nói:

-Được khanh về dưới cờ đại nghĩa sẽ làm cho thanh thế quân ta thêm mạnh, nay phong khanh là Quốc công phò tá nhà Hậu Trần. Khanh hãy hết lòng vì nhà Hậu Trần và vì nước.

-Đa tạ hoàng thượng, thần sẽ hết lòng vì hoàng thượng, vì đất nước.

-Thế còn khanh là Nguyễn Cảnh Chân, phải không?

-Bẩm hoàng thượng, chính là thần. Thần xưa là tướng của nhà Hồ. Khi nhà Hồ sụp đổ, thần lẩn tránh mãi mới thoát được sự truy nã của giặc Minh. Nay nghe tin xa giá hoàng thượng về đây, thần về xin đứng dưới cờ đại nghĩa giết giặc.

  Giản Định Đế nhìn Nguyễn Cảnh Chân, đó là một người khoảng gần 50 tuổi, tai dài mặt rộng, dáng võ quan. Giản Định Đế nói:

-Tốt, nay phong khanh làm Đồng Tri khu mật Tham mưu Quân sư. Khanh hãy đem hết sức mình mà chiến đấu dưới cờ đại nghĩa của Hậu Trần.

-Tạ, hoàng thượng, thần sẽ cố hết sức vì nhà Hậu Trần, vì giang sơn xã tắc, vì hoàng thượng.

  Giản Định Đế hỏi:

-Thế còn hai thanh niên và một đại tiểu thư đây là con của hai khanh à?

  Đặng Tất chỉ người thanh niên dáng nho nhã và thiếu nữ bên cạnh:

-Dạ bẩm hoàng thượng, đây là con trai thần tên là Đặng Dung, còn đây là con gái thần tên là Đặng Thiên Thư ạ.

  Còn Nguyễn Cảnh Chân chỉ chàng thanh niên người đậm, mắt sáng nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, đây là con trai thần tên là Nguyễn Cảnh Dị ạ.

  Giản Định Đế gật đầu nói:

-Ta phong hai chàng thanh niên Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị làm tướng trong quân đội.

  Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị quỳ và nói:

-Đa tạ hoàng thượng, chúng thần sẽ hết sức vì hoàng thượng.

  Giản Định Đế gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Bố trí ba phòng ở cho ngài Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị một phòng, một phòng cho ngài Đặng Tất và Đặng Dung, một phòng cho tiểu thư Đặng Thiên Thư.

-Dạ, thần tuân chỉ.

-Còn nữa.

-Làm mâm rượu lên đây để ta và Thái sư cạn chén với bốn tướng quân và tiểu thư.

-Đa tạ hoàng thượng.

  Một tuần sau, Trần Triệu Cơ nói với Giản Định Đế:

-Tâu hoàng thượng, thần có việc riêng vì hoàng thượng, không biết có nên nói hay không?

-Ái khanh cứ nói:

-Dạ muôn tâu, đã là triều đình thì phải có hậu cung, nay triều đình nhà Hậu Trần đã có mà hậu cung chưa có, thần nghĩ như vậy là khiếm khuyết trong cung đình.

-Ý khanh muốn nói là Trẫm còn thiếu hoàng hậu chăng?

-Thần muốn nói chính là ý đó. Vừa rồi quan Quốc công Đặng Tất có đại tiểu thư Đặng Thiên Thư nhan sắc cá lặn nhạn sa. Hoàng thượng nên rước về mà lập làm hoàng hậu.

  -Đa tạ ái khanh đã lo cho ta nhưng mà lên ngồi hoàng đế là để lo việc cứu nước, thứ hai là chắc gì Đặng Quốc công sẽ đồng ý.

-Cứu nước là việc lâu dài, còn hậu cung khiếm khuyết là triều đình khiếm khuyết, không nên. Để hạ thần hỏi Đặng Quốc công xem sao.

-Thôi thì tùy ái khanh.

Một tuần sau, Thái sư Trần Triệu Cơ đến tư dinh của Đặng Tất. Đặng Tất ra đón. Sau một lượt trà, Thái sư nói:

-Thưa ngài Đặng Quốc công, nhà Hậu Trần đã được thành lập mà hậu cung của hoàng thượng còn trống vắng, triều đình mà khiếm khuyết như vậy là không nên. Hạ quan có ý này không biết có nên nói hay không?

  Đặng Tất nói:

-Xin mời Thái sư cứ nói.

-Trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng. Đặng tiểu thư nhà ta đã lớn. Đặng Quốc công có thể cho phép hoàng thượng đón về làm hoàng hậu cho hậu cung được không?

  Đặng Tất vui vẻ đáp:

-Đa tạ Trần Thái sư đã quan tâm, được như vậy thì còn gì bằng, nhưng không biết ý hoàng thượng thế nào?

-Ngài yên tâm, trước khi đến đây ta đã gặp hoàng thượng và Người đã đồng ý.

-Đa tạ Trần Thái sư, vậy xin nhờ Thái sư tác thành.

  Nhờ sự tác thành của Trần Triệu Cơ mà tiểu thư Đặng Thiên Thư về hậu cung, trở thành hoàng hậu của Giản Định Đế. Tiệc cưới tưng bừng suốt bốn ngày đêm, xôi thịt cỗ bàn như núi, rượu như mưa.

  Tháng 12 năm 1407, gió lạnh mùa đông tràn ngập khắp miền Trung và Hà Tĩnh, bầu trời xám xịt không một ánh nắng. Trong hành dinh ở Chi La (Hà Tĩnh), Giản Định Đế đang thiết triều. Giản Định Đế nói:

-Chúng ta phải mở rộng khởi nghĩa bằng cách đánh chiếm Nghệ An và Diễn Châu. Nay cử Đặng Quốc Công và Nguyễn Tri Khu quân sư đem quân tiến đánh Nghệ An và Diễn Châu.

-Hạ thần tuân chỉ.

  Lại nói thành Nghệ An do Trần Nhật Chiêu, thành Diễn Châu do Trần Thúc Giao là hai con trai của Trần Nguyên Đán, tôn thất lớn của nhà Trần đã đầu hàng quân Minh chấn giữ. Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đem 5 vạn quân tiến về thành Nghệ An. Cách thành nửa dặm đã thấy Trần Nhật Chiêu đem 3 vạn quân, phần lớn là người Việt dàn trận đứng chờ. Đặng Tất nói:

-Nguyễn Tri Khu Quân sư đem 2 vạn quân bí mật bất ngờ đánh mặt sau, ta dẫn 3 vạn quân đánh mặt trước thì quân giặc phải tan vỡ.

-Mạt tướng tuân lệnh.

  Đặng Tất dàn trận đối diện với quân của Trần Nhật Chiêu. Đặng Tất trỏ kiếm sang mắng Trần Nhật Chiêu:

-Đã là tôn thất của nhà Trần sao lại đầu hàng quân giặc làm hại dân, hại nước, xuống ngựa đầu hàng may ra toàn tính mạng.

  Trần Nhật Chiêu không nói, thúc ngựa múa gươm xông ra. Trong quân Đặng Tất, Đặng Dung thúc ngựa múa giáo xông ra. Hai ngựa xáp vào nhau, giáo gươm chạm nhau tóe lửa. Hai người đánh nhau khoảng 20 hiệp, bỗng nhiên trong trận Trần Nhật Chiêu rối loạn. Quân của Chiêu bị quân Nguyễn Cảnh Chân đánh mặt sau. Quân Minh hỗn loạn đại bại bị chém bị giết gần hết, số còn lại đầu hàng, Trần Nhật Chiêu bị bắt. Còn một ít quân trong thành thấy Trần Nhật Chiêu bị bắt bị trói đem về, vội kéo cờ trắng đầu hàng.

  Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân để Nguyễn Cảnh Dị và 1 vạn quân ở lại giữ thành Nghệ An, còn lại kéo quân ra đánh thành Diễn Châu. Trần Thúc Giao đang ngồi uống rượu trong dinh thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm tướng quân, thành Nghệ An đã mất, quân Hậu Trần đã bắt được tướng quân Trần Nhật Chiêu rồi ạ.

  Trần Thúc Giao ra lệnh:

-Ra lệnh đóng cửa thành cố thủ, chờ viện binh từ Thanh Hóa đến, ngoài đánh vào, trong đánh ra chúng phải chết.

-Tuân lệnh chủ tướng.

  Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân kéo quân đến trước cửa thành Diễn Châu, thấy cổng thành đóng, nhìn lên thấy Trần Thúc Giao đang đứng trên mặt thành quan sát. Thốt nhiên dưới cổng thành một ngọn cờ trắng lộ ra khi hai cánh cổng thành mở toang. Thì ra đó là nhóm quân Việt đầu hàng để về với quân Hậu Trần. Đặng Tất ra lệnh:

-Vào thành, ai đã đầu hàng thì không được giết.

  Quân Việt tràn vào thành, toàn bộ quân hạ khí giới đầu hàng. Trần Thúc Giao bị bắt. Giản Định Đế kéo về thành Nghệ An làm thủ đô kháng chiến, ra lệnh chém Trần Thúc Giao và Trần Nhật Chiêu cùng 600 quân. Đặng Tất can:

-Bẩm bệ hạ, chỉ nên chém Trần Nhật Chiêu và Trần Thúc Giao để răn đe lũ bán nước, làm tay sai cho giặc, còn 600 quân đã đầu hàng thì nên tha để còn chiêu dụ người Việt trong hàng ngũ quân Minh về với chính nghĩa.

  Giản Định Đế nói:

-Phải giết hết để răn để những kẻ phản quốc. Bay đâu

-Dạ.

-Đem chém hết bọn hàng binh.

-Tuân lệnh.

  Trần Nhật Chiêu, Trần Thúc Giao bị chém cùng 600 hàng binh. Máu chảy đầu rơi. Có tiếng la hét trong số người bị chém:

-Chúng ta đã đầu hàng theo về nghĩa lớn sao còn giết chúng ta, còn ai là người Việt trong quân Minh còn dám đầu hàng theo về các ngươi nữa.

  Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân và triều đình nhìn cảnh tượng đó đều thở dài lắc đầu, nghĩ thầm: “Không ngờ hoàng thượng lại u mê lạm sát như vây. Chiến lược đánh vào lòng người thất bại và đại nghiệp khó mà thành công.”. Sự rạn nứt giữa hai đại thần, trụ cột của triều đình bắt đầu từ đó. Những nhát kiếm của Giản Định Đế chém vào hàng quân người Việt đã đầu hàng nghĩa quân như chém vào mối quan hệ giữa Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân với nhà vua.

(Còn nữa)

CVL                                                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 32)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn