Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 34)

PGS TS Cao Văn Liên

21/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 34.

Giản Định Đế nói tiếp:

-Tướng quân Trần Quý Khoáng.

-Có thần.

-Ta phong tướng quân làm Nhập nội thị Trung, trông coi đất từ Hà Tĩnh đến Tân Bình, Thuận Hóa, Hóa Châu. Hãy làm tròn chức trách để ta an tâm chinh chiến ngoài Bắc.

-Thần tuân chỉ.

dangtat2-1653055244.jpg
Mộ Đặng Tất ở làng Thế Vinh (Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Nguồn: hoangthanhthanglong.vn

 

  Lại nói Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân đem quân ra đến Nam Định, Đặng Tất ra lệnh:

-Tướng Đặng Dung nghe lệnh.

-Có Dung nhi.

-Tướng quân đem 1 vạn quân đánh quân Minh ở đồn Bình Than.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Nguyễn Cảnh Dị nghe lệnh.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem 1 vạn quân đánh cửa Hàm Tử, sau đó chặn đường ở Lục Đầu Giang, uy hiếp ngoại vi Đông Đô.

-Mạt tướng tuân lệnh.

                                                    *        *

                                                          *                                                 

  Quân Minh đã được Minh Thành Tổ tăng viện có đến 10 vạn quân ở thành Đông Quan. Kiều Quốc công Mộc Thạnh đang trong hành dinh thì thám mã về báo:

-Dạ bẩm Kiều Quốc công, quân Hậu Trần đã tiến vào Nam Định, đông khoảng 7 đến 8 vạn, ngoài ra còn có hai cánh quân đang đánh Bình Than, Hàm Tử Quan, uy hiếp Đông Quan ạ.

  Mộc Thạnh nói với Mã Kỳ:

-Tướng quân đóng cửa thành Đông Quan cho chặt, ta đem 10 vạn quân tiêu diệt quân Hậu Trần thì dẹp được giặc, Đông Quan cũng được giải cứu.

  Mã Kỳ nói:

-Mạt Tướng sẽ giữ được Đông Quan. Chúc Kiều Quốc Công mã đáo thành công.

  Mộc Thạnh cùng các tướng Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị, Đô ty Giao Chỉ Hoàng Trung kéo 10 vạn quân về Nam Định, đóng ở Bô Cô, đoạn phía tây của cửa sông Đáy, thủy binh đậu dưới sông. Đối diện với quân Minh, phía đông ngay cửa sông Đáy là 7 vạn quân Hậu Trần ở bờ bắc. Quân Hậu Trần đóng cọc ngang bờ sông và ngang dưới sông ngăn quân Minh. Như vậy hai bên cách nhau nửa dặm đường và một rào chắn.

  Đêm 30 tháng 12 năm 1408, trời bỗng nhiên nổi mưa to gió lớn. Đặng Tất lợi dụng giông gió mưa to cho hai vạn quân vòng sang phía tây sau quân Minh, sau đó nhổ cọc rào chắn, bắn pháo hiệu cùng 5 vạn quân phía đông đánh ép lại. Quân Minh bị đánh bất ngờ cả phía trước và sau lưng, thế trận tan vỡ. Giản Định Đế tự tay đánh trống thúc quân Việt xông lên chém giết. Trong mưa gió, tiếng reo hò, tiếng trống vang động, tiếng gươm giáo chạm nhau tóe lửa, thây đổ máu tuôn, quân Minh đại bại. Cuộc chém giết của quân Việt diễn ra từ giờ Tỵ (11 giờ) đến giờ Thân (2 giờ). Các tướng giặc cao cấp như Thượng thư bộ binh Lưu Tuấn, Đô đốc Thiên sự Lữ Nghi, Đô ty Giao Chỉ Hoàng Trung, Tham chính ty bổ Giao Chỉ Lưu Dục, Đô chỉ huy sứ Liễu Tông đều tử trận, gần 10 vạn quân Minh bị giết. Mộc Thạnh mở đường máu mới chạy thoát, dẫn tàn quân về thành Cổ Lộng (Hải Dương). Chiến thắng oanh liệt này tại Bô Cô của quân Việt đã làm chấn động cả nước, cơ đồ thống trị của quân Minh có nguy cơ sụp đổ. Giản Định Đế ra lệnh:

-Quốc công Đặng Tất và Quân sư Nguyễn Cảnh Chân dẫn 5 vạn quân tiến đánh Đông Đô, giải phóng đất nước.

  Không ngờ Đặng Tất đáp:

-Bẩm hoàng thượng, quân ta dù thắng oanh liệt ở Cô Bô nhưng chưa đủ sức đánh Đông Đô giải phóng đất nước. Chúng ta hãy tập trung đánh các đồn ở đồng bằng và chung quanh, sau đó tiến vào  Đông Đô cũng chưa muộn.

  Giản Định Đế giận dữ nói:

-Không nhân đà thắng chẻ tre đánh ra Đông Đô khiến kẻ địch như sét đánh không kịp bưng tai còn đợi đến khi nào?

  Nguyễn Cảnh Chân đồng quan điểm với Đặng Tất cũng nói:

-Bẩm hoàng thượng cứ tiêu diệt quân Minh, giải phóng đồng bằng rồi vào Đông Đô cho chắc thắng.

  Giản Định Đế thở dài nói:

-Các ái khanh không chớp thời cơ khi quân Minh còn ít, đang hoảng sợ, chờ đến khi chúng tăng viện 10 vạn, 20 vạn sang cứu viện thì làm sao mà đánh được Đông Đô?

  Đặng Tất nói:

-Khi đó quân ta đã lên 20 vạn thì còn sợ gì quân Minh.

  Giản Định Đế tức giận bỏ hành dinh ra ngoài.

  Vua tôi Hậu Trần còn chưa thống nhất theo sách lược nào thì quân Minh từ Đông Đô cứu Mộc Thạnh ở Cổ Lộng chạy về Đông Đô. Từ Trung Quốc, 10 vạn quân Minh cũng tăng viện gấp cho Đông Đô, phòng thủ chắc chắn. Trong khi đó Đặng Tất chia quân vây các thành ngoài Đông Đô và gửi hịch đi các lộ, kêu gọi bách tính tham gia nghĩa quân để đánh bại quân Minh.

 Việc vua tôi bất đồng sách lược đã làm cho Giản Định Đế không hài lòng, nghi kỵ Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân có ý khác. Một tối, Giản Định Đế đang ngồi uống trà trong hành dinh thì có nội thị vào báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có hoạn quan Nguyễn Quỹ và học trò Nguyễn Mộng Trang xin vào gặp.

-Cho vào.

  Hoạn quan Nguyễn Quỹ và học trò Nguyễn Mộng Trang vào quỳ hành lễ:

Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn Lễ, đứng dậy đi.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Hai khanh có việc gì chăng?

  Hoạn quan Nguyễn Quỹ nói:

-Dạ, chúng thần có việc liên quan đến hoàng thượng và nhà Hậu Trần.

-Nói đi.

-Dạ, Quốc công Đặng Tất và Quân sư Nguyễn Cảnh Chân không nghe lệnh hoàng thượng là kháng chỉ, kháng chỉ có nghĩa là không coi hoàng thượng ra gì và như vậy là có lòng khác.

-Lòng khác là thế nào?

  Nguyễn Mộng Trang nói:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, hai đại thần đó lập nhiều chiến công, thanh thế rất lớn át cả hoàng thượng, lại nắm binh quyền trong tay thì một lúc nào đó ngai vàng của hoàng thượng có còn không? Ở đời khi đã có quyền thế thì họ sẽ nhìn ngó ngai vàng. Hoàng thượng đã nhìn thấy bài học Hồ Quý Ly năm 1400 đối với anh của ngài là Trần Thuận Tông và cháu của ngài là Trần Thiếu Đế không?

  Giản Định Đế thở dài nói:

-Ta cũng bắt đầu có ý nghĩ như vậy. Bây giờ nên làm thế nào?

  Nguyễn Quỹ nói:

-Có câu “Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”. Hoàng thượng cứ triệu hai người vào hành dinh và mai phục võ sĩ giết chết là xong.

  Giản Định Đế thở dài:

-Thôi thì cũng đành như vậy thôi.

  Tháng 2 âm lịch năm 1409, bầu trời thật là u ám. Hành dinh của Giản Định Đế ở sông Hoàng Giang. Giản Định Đế sai quan nội thị:

-Khanh đi mời Quốc công Đặng Tất và Quân sư Nguyễn Cảnh Chân đến đây bàn việc.

-Thần tuân chỉ.

  Canh giờ sau Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân tới. Hai người quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

  Hai người chưa nói hết câu thì 4 võ sĩ mai phục trong trướng xông ra bẻ quặt tay hai người ra sau lưng. Đặng Tất bị chúng bóp cổ chết. Nguyễn Cảnh Chân dãy dụa chạy được vài bước ra ngoài cũng bị chúng chém chết.

  Giản Định Đế ra lệnh:

-Cho xác hai người vào bao tải ném xuống sông Hoàng Giang.

-Tuân lệnh hoàng thượng.

  Công việc chưa xong thì trời nổi giông gió, sấm chớp cực mạnh, lá cờ vàng của Giản Định Đế trước dinh bị gió cuốn rơi xuống đất và đẫm nước mưa như khóc hai vị đại thần trụ cột của nhà Hậu Trần bị chết oan khi sự nghiệp giải phóng dân tộc còn trùng trùng khó khăn trước mặt. Giản Định Đế nhìn cảnh tượng đó hãi hùng, ngửa mặt lên trời mà kêu:

-Ta sai rồi, ta sai rồi, rồi đây việc quân cơ ta lấy ai làm trụ cột. Than ôi!!!

  Tiếng kêu của Giản Định Đế hòa vào tiếng mưa rơi, tiếng gió rít nghe vô cùng bi thiết.

III

Lại nói hai tướng Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đang ngồi trong hành dinh ở Bình Than uống trà. Đặng Dung lo lắng nói:

-Đêm qua ta mơ thấy phụ thân người đẫm máu về nói ta hãy rửa hận cho phụ thân. Không biết có điều gì chẳng lành xẩy ra?

  Nguyễn Cảnh Dị vừa bê chén trà chưa kịp uống, nghe Đặng Dung nói vậy cũng hốt hoảng nói:

-Chết rồi, đêm qua đệ cũng mơ thấy cha đệ về, người đẫm máu và cũng nói như vậy.

 Nguyễn Cảnh Dị vừa nói xong thì một trận gió dữ thổi qua, lá cờ soái ngoài sân trên cột rơi xuống đất. Chợt có lính gác vào báo:

-Dạ bẩm hai tướng quân, gió thổi mạnh làm lá cờ soái rách và rơi xuống đất rồi ạ.

  Hai người hoảng hốt vội chạy ra thì quả nhiên lá cờ soái đã rơi xuống đất đẫm nước mưa như máu. Hai người còn chưa hết ngạc nhiên thì có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm hai tướng quân, Đặng Quốc công và Nguyễn Quân sư đã bị hoàng thượng giết chết, ném xác xuống sông Hoàng Giang rồi ạ.

  Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị kinh hãi:

-Hả, hoàng thượng giết vì tội gì?

-Dạ, nghe nói hai đại nhân kháng chỉ không chịu đem quân tiến đánh Đông Đô theo lệnh hoàng thượng.

(Còn nữa)

CVL

                                                                        

                                                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 34)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn