Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)

PGS TS Cao Văn Liên

20/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 33.

Mùa xuân năm 1408, Giản Định Đế đang ngồi trong thành Nghệ An thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng.

-Có việc gì nói.

-Dạ, có việc khản cấp, Trương Phụ và Mộc Thạnh đem 10 vạn quân đang tiến vào đánh Nghệ An.

-Chúng hành quân đến đâu rồi?

-Dạ, chúng đến Thanh Hóa rồi ạ.

-Cho mời Đặng Quốc công và Nguyễn Quân sư vào đây.

-Dạ.

  Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân vào và quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ hoàng thượng.

chngcanhchan-1652967106.jpg
Tranh phác họa danh tướng Nguyễn Cảnh Chân. Ảnh tư liệu. Nguồn: Internet.

 

  Hai người ngồi, sau một lượt trà, Giản Định Đế nói:

-Theo tin thám mã báo về, Trương Phụ và Mộc Thạnh đã đem 10 vạn quân vào đánh Nghẹ An, chúng đã đến Thanh Hóa rồi. Hai khanh có kế gì chống giặc không?

Nguyễn Cảnh Chân nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, quân ta ít, chỉ có 5 vạn quân, phần lớn là lính mới không thể chống lại 10 vạn quân tinh nhuệ của giặc. Theo ý thần nên rút khỏi Nghệ An, đi vào vùng Hóa Châu để bảo toàn lực lượng. Đợi giặc rút đi ta lại quay về.

  Đặng Tất nói:

-Theo ý thần, Trương Phụ quân số đông nhưng đang trên đường hành quân, ta có thể chọn nơi nào địa thế hiểm trở mai phục bất ngờ tiêu diệt chúng thì có thể thu được thắng lợi lớn.

  Giản Định Đế nói:

-Kế rút lui của Nguyễn Quân sư là vẹn toàn hơn cả. Ta quyết định rút vào Hóa Châu. Đặng Quốc công và Nguyến Quân sư nghe lệnh.

-Có hạ thần.

-Cho Đặng Dung cầm 1 vạn quân đi tiên phong. Đặng Tất cầm 3 vạn quân đi trung quân bảo vệ trẫm và hoàng gia, Nguyễn Quân sư và Nguyễn Cảnh Dị dùng 1 vạn quân đi hậu quân.

-Chúng thần tuân chỉ.

  Trương Phụ hành quân đến Diễn Châu thì thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, Giản Định Đế đã rút quân chạy vào phía nam rồi ạ.

  Trương Phụ ra lệnh.

-Hành quân thần tốc đuổi gấp.

-Dạ, tuân lệnh.

  10 vạn người ngựa của quân Minh không đi nữa mà chạy trên đường thiên lý chật hẹp. Tiếng bước chân người, ngựa khua vang động, cờ bay phấp phới, bụi cuốn mù trời. Mộc Thạnh nhắc Trương Phụ:

-Đường đi rất nhiều đoạn hiểm trở, cây cối rậm rạp, tướng quân cho do thám kẻo quân ta lọt vào trận địa mai phục.

  Trương Phụ nói với Mộc Thạnh:

-Tướng quân dẫn 1 vạn quân đi tiên phong, có nghi vấn mai phục phải báo về ngay.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Quân Minh đuổi đến bờ bắc sông Gianh, cầu pháo đã bị quân Giản Định Đế phá. Trong quân không có thủy quân. Tướng trấn giữ sông Gianh của Giản Định Đế là Phạm Thế Căng ở bắc sông ra đầu hàng quân Minh. Trương Phụ hỏi:

-Giản Định Đế qua sông được mấy ngày rồi?

  Phạm Thế Căng nói:

-Bẩm tướng quân, Giản Định Đế qua sông đã 3 ngày rồi ạ.

  Trương Phụ nói:

-Kẻ kia đã chạy trốn đến cuối đất cùng trời. Ta đã dẹp xong cuộc loạn này ở Giao Chỉ. Phạm Thế Căng nghe lệnh:

  Phạm Thế Căng cúi đầu chắp tay:

-Có mạt tướng.

-Ta phong người làm Tri phủ Tân Bình. Giản Định Vương có hành động gì phải nhanh chóng báo ra Đông Quan cho ta. Rõ chưa?

-Đa tạ, mạt tướng xin tuân lệnh.

  Trương Phụ rút quân về Đông Quan, trao quyền cho Mộc Thạnh và về nước.

*      *

 *

 Tháng 4 năm 1408, nắng của miền Trung Bộ rải xuống như đổ lửa, trong tổng hành dinh ở Hóa Châu, Giản Định Đế đang họp bàn với các tướng Trần Triệu Cơ, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, Trần Quý Khoáng. Giản Định Đế nói:

-Ta muốn tiến quân ra Bắc, chiếm lại Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa rồi tiến ra giải phóng Đông Đô, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước.

  Đặng Tất nói:

-Theo tin thám mã, từ Hóa Châu ra đến Nghệ An, lực lượng đồn trú của Minh rất yếu, chúng ta có thể giải phóng từ bắc sông Gianh ra đến Nghệ An rồi sẽ tính sau.

  Giản Định Đế hỏi:

-Ý của Thái sư Trần Triệu Cơ và Nguyễn Quân sư thế nào?

  Trần Triệu Cơ đáp:

-Thần đồng ý tiến quân ra Bắc.

  Nguyễn Cảnh Chân nói:

-Thần cũng tán thành tiến quân ra Bắc.

  Giản Định Đế nói;

-Vậy các ái khanh nghe lệnh:

-Tướng Đặng Dung.

-Có thần.

-Khanh đem 2 vạn quân đi tiên phong mở đường.

-Thần tuân chỉ.

-Quốc Công Đặng Tất.

-Có hạ thần.

-Khanh đem 3 vạn quân đi trung quân hộ giá.

-Thần tuân chỉ.

-Quân sư Nguyễn Cảnh Chân.

-Quân sư Nguyễn Cảnh Chân, tướng Nguyễn Cảnh Dị đem 2 vạn quân đi hậu quân

-Hạ thần tuân chỉ.

_Thái sư Trần Triệu Cơ.

-Có hạ thần.

-Khanh lo quân lương để dọc đường không nấu nướng, hành quân cho nhanh, nên cho quân mang theo lương khô như bánh đa, giò, bánh chưng, phải mang cỏ khô cho ngựa. Mỗi người lính tự mang thức ăn nước uống cho mình. Kỵ binh phải tự mang cỏ thóc cho ngựa của mình.

-Thần tuân chỉ.

  Mùa hè nắng chang chang nhưn đổ lửa xuống con đường thiên lý. Bảy vạn quân đi, người ngựa làm bụi cuốn mù trời, cờ vàng bay phấp phới. Nghĩa quân nhanh chóng vượt qua đèo Hải Vân. Đoàn quân đi dài dằng dặc qua những sườn núi đá cheo leo, gió thổi lồng lộng, dưới chân núi sóng vỗ xanh rờn từng đợt vào vách đá tung bọt trắng xóa. Xa xa phía đông mênh mông biển trời bát ngát. Nghĩa quân nhanh chóng tiến xuống sông Nhật Lệ. Tại đây bách tính nghe nói quân Hậu Trần đến, liền đem thuyền bè và gỗ tre bắc cầu phao cho quân qua sông. Đại quân vừa qua sông Nhật Lệ được hai dặm thì thám mã về báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, Phạm Thế Căng, tướng của ta đã đầu hàng quân Minh, nay đang mai phục đón đánh quân ta, cách Nhật Lệ về phía bắc 2 dặm.

  Giản Định Đế hỏi Đặng Tất:

-Phạm Thế Căng mai phục chặn mất đường, Quốc công có kế gì phá giặc không?

  Đặng Tất đáp:

-Bẩm hoàng thượng, cử cho 2.000 quân đi trước, mang theo cờ hiệu của hoàng thượng. Hoàng thượng chịu khó đi sau. Khi lọt vào ổ mai phục, 2.000 quân hãy nằm xuống tránh tên. Đợi quân Minh xông xuống, 2.000 quân hãy vùng dậy, ta cho quân đánh đàng sau chúng, trong đánh ra, ngoài đánh vào thì giặc phải chết.

  Đặng Tất dặn tướng đi tiên phong vào nơi mai phục:

-Khi thấy tên lửa của giặc bắn lên trời thì tất cả phải nằm xuống, rõ chưa?

-Dạ rõ.

2.000 quân cảm tử đi đầu, theo sau là đại quân. Quân mai phục Phạm Thế Căng thấy có xe kéo kiệu vàng, lọng vàng và cờ vàng đoán là của Giản Định Đế hô to:

-Tất cả nhằm kiệu vàng bắn.

  2.000 quân Hậu Trần lọt vào ổ mai phục, khi thấy tên lửa bắn lên trời vội nằm xuống. Tất cả tên đạn hầu như dồn vào chiếc kiệu vàng, ngựa trúng tên lồng lên. Phạm Thế Căng hô to:

-Tràn xuống giết.

  2.000 quân vùng dậy. Quân của Đặng Tất cũng vừa kịp đến tản ra hai bên sau lưng quân Minh. Quân Phạm Thế Căng lọt vào vòng vây, trong đánh ra ngoài đánh vào. Cuộc hỗn chiến kịch liệt gần cửa sông Nhật Lệ, gươm giáo chạm nhau tóe lửa, tiếng reo hò vang động, đầu rơi máu chảy, mặt đất Tân Binh ngập máu. Quân Minh bị tiêu diệt hết. Phạm Thế Căng và Đông Cao bị bắt. Giản Định Đế ra lệnh:

-Lôi ra chém.

-Tuân lệnh.

  Phạm Thế Căng kêu:

-Xin hoàng thượng tha mạng.

Giản Định Đế nói:

-Bọn đầu hàng giặc bán nước thì không thể tha.

  Giết xong Phạm Thế Căng và Đông Cao, Nghĩa quân tiếp tục hành quân ra Nghệ An mà không gặp một sự kháng cự nào của quân Minh, thanh thế nghĩa quân Hậu Trần rất lớn, huy động được quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa. Giản Định Đế ra lệnh:

-Đặng Quốc công và Nguyễn Quân sư nghe lệnh:

-Có hạ thần.

-Hai khanh đem đại quân ra bắc giải phông Đông Đô.

-Hạ thần tuân chỉ.

  Giản Định Đế nói tiếp:

-Thái sư Trần Triệu Cơ nghe lệnh:

-Có hạ thần.

-Ái khanh ở lại coi Nghệ An, Diễn Châu, ta sẽ xa giá ra ngoài Bắc để tham chiến.

-Thần tuân chỉ.

(Còn nữa)

CVL

                                                                        

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 33)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn