Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 8)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 8.

Đỗ Kính Tu uất ức thất thểu chạy ra và lên ngựa phi ra khỏi kinh thành, chạy đến bãi Quần Thần, ngửa mặt lên trời mà kêu:

-Ta cả đời trung thành và hết lòng với nhà Lý, được gọi là Lý Kính Tu, nay hoàng thượng gọi ta là làm phản, lại còn nói không muốn nhìn mặt ta nữa. Ta phải dùng cái chết để tỏ lòng trung này với trời đất.

  Nói xong, Đỗ Kính Tu xuống ngựa, lao mình xuống tự vẫn ở sông gọi là bãi Quần Thần (thuộc Từ Liêm), đoạn sông Thượng Cát thuộc sông Hồng. Gia nhân của Đỗ Kính Tu chạy bộ theo sau kêu:

-Đừng mà, chủ nhân, đừng mà.

chtrantukhanh-1650810746.jpg
Tranh minh họa: Trần Tự Khánh viên tướng trứ danh thời kỳ suy vong của triều đại nhà Lý. Nguồn: Internet.

 

  Khi thấy Đỗ Kính Tu lao xuống sông, người gia nhân cũng lao xuống, một hồi sau mới mò được xác đưa ông lên, nhưng Đỗ Kính Tu đã chết. Người gia nhân đặt ông lên ngựa và dắt về tư dinh. Bảy thê thiếp trẻ của ông thấy chồng đã chết liền nhất loạt tự sát để được chết cùng ngày, được nằm cùng một chỗ với chồng, tạo nên một cảnh tượng đau lòng đầy tang tóc hiếm có trong tình nghĩa phu thê ở thế gian này.

  Cái chết của Đế sư Đỗ Kính Tu chấn động triều đình. Lý Huệ Tông truy phong ông là Khai quốc Đại vương, làng Hậu Ái thờ ông làm thành hoàng.

  Các đại thần nhà Lý trong khi bàn luận về cái chết của Đỗ Kính Tu đều đổ lỗi cho Tô Trung Từ. Trong một tiệc rượu ở nhà quan nội hầu Đỗ Thế Quy, tham gia gồm chủ nhân, còn có tướng Đỗ Quảng, Phí Liệt, rượu vào ba người nói càng hăng. Đỗ Thế Quy cạn xong, đặt bát xuống rất mạnh và nói:

-Đế sư Đỗ Kính Tu chết thảm quá, bảy thê thiếp còn trẻ chết theo càng thảm, việc này là do Tô Trung Từ chuyên quyền mà ra.

  Phí Liệt nói:

-Quan nội hầu nói phải lắm, chúng ta phải giết Tô Trung Từ, nếu không đến lượt chúng ta chết.

  Đỗ Quảng nói:

-Nói đúng lắm, mai ta gửi chiến thư cho Tô Trung Từ, thách hắn đem quân quyết một trận sống chết.

-Phải rồi, chiến thư, chiến thư. Tô Trung Từ, quyền thần phải chết. Ha! Ha!Ha!

-Rượu đâu, rượu đâu…

 Tô Trung Từ nhận được bức thư, mở thư đọc rồi viết thư trả lời. Đỗ Thế Quy mở thư đọc. Thư viết: “Ta đồng ý cùng quan Nội hầu quyết một trận cho phân thắng bại. Ta hẹn ngày kia buổi sáng, hai bên dàn quân ở bãi đình Tứ Đạt. Trước khi giao chiến, ta và các ngài vào Bí thư các ở gần đó họp bàn luận, nếu không thống nhất được với nhau để cùng nhau khuông phò nhà Lý thì sẽ ra giao chiến với nhau cũng chưa muộn”.

  Đỗ Thế Quy đọc xong thư, đưa cho Đỗ Quảng, Phí Liệt đọc. Đọc xong, Phí Liệt nói:

-Xem Tô Trung Từ có mưu kế gì chăng?

  Đỗ Thế Quy nói:

-Mưu kế gì thì quân ta đông hơn quân Tô Trung Từ, ta vẫn đối phó được. Sớm ngày kia, ngài Phí Liệt đem quân ra dàn trận ở bãi sân đình Tứ Đạt, chờ quân của Tô Trung Từ, ta và Đỗ Quảng đi vào gặp Tô Trung Từ ở Bí thư các.

  Lại nói chiều hôm nhận được thư của Đỗ Thế Quy, Tô Trung Từ viết một bức thư và bảo em là Tô Khang Sơn:

-Đem thư này về Hải Ấp đưa cho Trần Tự Khánh bảo đem 2 vạn quân chi viện gấp, hẹn tối mai phải tới được Thăng Long.

-Đệ tuân lệnh.

  Tô Khang Sơn đi suốt chiều và đêm đó đến Hải Ấp đưa thư của Tô Trung Từ cho Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh mở thư ra đọc. Thư viết: “Ta đã nhận chiến thư, sáng ngày mai phải giao chiến với bọn đại thần nhà Lý Đỗ Thế Quy. Quân ta ít không chắc thắng được. Tướng quân phải đem 2 vạn quân, khi đến Thăng Long phải bí mật im hơi lặng tiếng, lên đến nơi sẽ bàn kế hoạch tác chiến.

  Trần Tự Khánh gọi nói:

-Tướng quân ăn cơm xong về trước báo tin cho Thái úy phụ chính, ta sẽ đem quân đến sau.

-Bay đâu.

-Dạ.

- Bày cơm rượu để tướng quân đây ăn uống để còn về Thăng Long ngay.

-Dạ.

-Cho cả ngựa tướng  quân ăn uống no nê, rõ chưa?

-Dạ.

  Đúng ngày hẹn, Đỗ Thế Quy, Đỗ Quảng, Phí Liệt dẫn 2 vạn quân đến bãi sân đình Tứ Đạt, đã thấy quân Tô Trung Từ dàn trận đứng chờ. Đỗ Thế Quy hơi chột dạ khi thấy quân của Tô Trung Từ đông, lại dàn quân ở thế vòng cung là thế trận sẵn sàng bao vây. Đỗ Thế Quy để Phí Liệt đứng trước hàng quân rồi cũng Đỗ Quảng đi vào cung Bí thư các, theo sau khoảng 10 lính hộ vệ. Tô Trung Từ cũng để lại lính cho Đào Phán, còn tự mình dẫn 10 vệ sĩ do Lưu thiện, Tô Tường Văn, Tô Khang Sơn, Tô Danh Hiển hộ tống đi vào Bí thư các.

  Đỗ Quảng và Đỗ Thế Quy vừa bước vào thềm cung Bí thư các thì bị phục binh bắn tên như mưa. Đỗ Thế Quy và Đỗ Quảng trúng tên gục xuống. Quân vệ sĩ của Đỗ Thế Quy kêu to:

-Có phục binh, chủ tướng chết rồi.

  Quân hộ tống của Đỗ Thế Quy và Đỗ Quảng rất nhanh quay lại phía sau và nã tên như mưa, các vệ sĩ của Tô Trung Từ cũng bắn tên về phía trước tạo nên một cuộc bắn nhau hỗn loạn. Thốt nhiên một mũi tên bắn trúng vào ngực Tô Trung Từ. Tô Trung Từ gục xuống. Tô Tường Văn cố cõng Tô Trung Từ lên vai, chung quanh có Tô Khang Sơn, Tô Danh Hiển và các vệ sĩ hộ tống chạy ra. Trong khi đó nghe trong cung Bí thư các hỗn loạn, quân hai bên ở bên ngoài cũng lao vào giáp chiến. Tiếng hô xông lên giết giết vang lên, tiếng gươm giáo chạm nhau khô khốc. Tướng Phí Liệt bên quân Đỗ Thế Quy bị tướng Trần Tự Khánh đâm chết. 1 vạn quân của Đỗ Thế Quy bị giết, 1 vạn quân đầu hàng. Bãi sân đình Tứ Đạt máu chan hòa mặt đất, xác chết kín đặc, chồng chất ngổn ngang. Trần Tự Khánh thu quân về, đưa Tô Trung Từ vào hành dinh, mời lang y đến cứu chữa. Lang y sau khi rút mũi tên ra, cầm tay bắt mạch, đưa tay lên mũi Tô Trung Từ và lắc đầu nói:

-Không kịp, mũi tên có độc, Thái úy đã chết rồi.

  Mấy người em của Tô Trung Từ vây quanh tử thi mà khóc. Chợt có thám mã về báo cho Trần Tự Khánh:

-Dạ bẩm tướng quân, mạt tướng là người của tướng quân Nguyễn Ma La. Tướng Nguyễn Ma La là con rể của Thái úy Tô Trung Từ. Nghe tin Thái úy giao chiến với Đỗ Thế Quy, Nguyễn Ma La đem quân đến chỗ Nguyễn Trinh, bộ tướng của Thái úy, yêu cầu xuất binh chi viện nhưng Nguyễn Ma La đã bị Nguyễn Trinh sai phục binh giết chết trong tiệc rượu. Phu nhân của Nguyễn Ma La là Tô Thị bị Nguyễn Trinh bắt.

  Trần Tự Khánh ngạc nhiên:

-Lại có chuyện phản chủ vậy sao?

-Dạ.

-Tướng quân Trần Thừa đâu.

-Tướng quân đem một vạn quân về đạo Thuận Lưu, tiêu diệt tên Nguyễn Trinh, bộ tướng của Tô Thái úy làm phản đã giết chết con rể của ngài là Nguyễn Ma La, còn bắt tiểu thư Tô Thị.

-Tuân lệnh.

  Trong đêm, một vạn quân của Trần Thừa cải trang thành dân thường nên Nguyễn Trinh không biết. Đêm đó hắn cho quân ăn uống no say nên lăn ra ngủ. Sau khi cho quân bí mật vây doanh trại, tốp lính của Trần Thừa do tướng Đào Phán chỉ huy tiếp cận giết lính gác, bắt một tên và hỏi:

-Phòng của Nguyễn Trinh đâu, dẫn đường ta tha mạng.

-Dạ, xin dẫn đường, xin tha mạng.

  Đến cửa phòng, lính của Trần Thừa đạp cửa xông vào. Nguyễn Trinh đang ngồi bên bàn uống rượu. Tô Thị đang đứng ủ rủ ở một góc nhà khóc lóc xin tha.

  Đào Phán quát to:

-Thằng phản bội phải chết.

  Nguyễn Trinh giật mình, chưa kịp đứng dậy  đã bị Đào Phán đâm một gươm từ ngực ra sau lưng, trào máu ra và gục xuống. Một vạn quân của Nguyễn Trinh hạ vũ khí đầu hàng. Trần Thừa thu nhận vào quân Trần. Đến đây quân đội và thế lực của Tô Trung Từ không còn nữa. Thế lực của anh em họ Trần do Trần Tự Khánh chỉ huy lớn mạnh hẳn lên do sự gia nhập của quân sĩ và tướng lĩnh của Tô Trung Từ. Trần Tự Khánh cho mai táng Tô Trung Từ ở làng Hoạch. Trần Tự khánh cho đón Trần Thị Dung lên Thăng Long để xum họp với Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông phong Trần Thị Dung làm Nguyên phi. Trần Tự Khánh thay Tô Trung Từ nắm quyền bính trong triều đình.

V.

  Bóng đêm bao trùm Thăng Long tối mù mịt nhưng dưới những rặng cây phố xá vẫn le lói ánh đèn, đèn sáng hơn là ở khu vực Tử cấm thành. Gió về đêm khua lá cây đung đưa xào xạc. Bầu trời màn nhung đen thẫm lung linh những vì sao như những viên kim cương lấp lánh từ xa.

  Trong cung thái hậu, bàn ghế sơn son thếp vàng khảm ngọc trai sáng bóng lung linh theo anh đèn. Lụa vàng, lụa đỏ treo từ trên cao rủ xuống khiến cung càng thêm ấm cúng. Trong cung, Lý Huệ Tông đang ngồi uống trà cùng Đàm Thái hậu, Hai thị nữ túc trực đứng hầu hai bên. Lý Huệ Tông uống xong chén nước trà, đặt cốc xuống hỏi Đàm thái hậu:

-Sao bỗng nhiên thái hậu lại đem các hoàng tử cùng cha khác mẹ nhưng là các đệ của Sảm nhi dìm xuống giếng là các hoàng tử Nhân Quốc Công, Lục Hoàng tử và Thất hoàng tử, con của phụ hoàng với các cung phi khác, họ chết thê thảm quá. Sau khi chết lại không cho đem chôn cất, lại vứt xác ra hoàng thành khiến thần dân ai cũng bi thương xót xa phẫn nộ và khiếp đảm. Họ vô tội, lại còn nhỏ, sao Thái hậu lại giết họ tàn nhẫn như vậy?

  Đàm thái hậu mắt long lên, nghiến răng ken két, dằn bát nước mạnh xuống bàn và nói:

-Ta làm tất cả vì hoàng thượng, vì giữ ngai vàng cho con. Để các hoàng tử đó sống, nay mai một thế lực nào đó mạnh lên sẽ phế bỏ con và đặt họ lên ngai vàng thì con còn gì không? Giết chúng đi thì không còn lo mầm loạn phế lập nữa.

-Thái hậu sai rồi. Đệ của con thì thiếu gì người. Mà họ Lý thì thiếu gì người. Họ muốn phế lập thì không có hoàng tử thì họ chọn người khác trong họ Lý. Còn đệ của Sảm nhi là Lý Long Tường và một vài người nữa, thái hậu đừng có mà mưu giết tiếp.

(Còn nữa)

CVL