Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 7)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 7.

 Quách Bốc cùng Hà Quang điểm 2 vạn quân ra cửa Đông-Nam dàn trận. Canh giờ sau thấy bụi cuốn mù mịt, cờ vàng bay phấp phới. Một lát sau khoảng 2 vạn quân Hải Ấp mặc sắc phục dân binh màu nâu, gươm giáo cung tên đầy mình kéo tới. Đây là cánh quân do Trần Lý và Phạm Ngu chỉ huy. Thấy quân Quách Bốc, Trần Lý dàn quân hình cánh cung ở thế sẵn sàng bao vây đối phương. Chiêng trống vang trời. Bên hàng trận quân Quách Bốc, tướng Hà Quang cưỡi ngựa nâu, múa giáo xông ra, bên quân Hải Ấp, Trần Tự Khánh vung kiếm cưỡi ngựa đen chạy ra chặn đánh, hai ngựa xáp nhau, gươm chạm tóe lửa. Hai tướng giao đấu khoảng 30 hiệp. Thốt nhiên hàng ngũ quân Quách Bốc rối loạn, thì ra phía sau bị một vạn quân của Tô Trung Từ tấn  công tập hậu bất ngờ. Trong tình hình đó tướng Hà Quang đường giáo rối loạn bị Trần Tự Khánh đâm một giáo thủng ngực ngã nhào xuống ngựa. Trần Lý hô to:

-Xông lên giết.

chlyhuetong-1650723253.jpg
Vua Lý Huệ Tông (1194-1226) là vị hoàng đế thứ tám của nhà Lý, cai trị từ năm 1210 đến năm 1224.

 

  Lão tướng dứt lời thì thúc ngựa cùng toàn quân xông lên. Quân Quách Bốc tan vỡ tháo chạy về hoàng thành nhưng thành đã bị quân nội ứng của Tô Trung Từ lấy mất. Quân Hải Ấp thừa thế truy sát và giết. Trần Thừa đuổi rất gấp Quách Bốc, khi gần tới nơi phóng một mũi lao từ phía sau lưng, Quách Bốc ngã nhào xuống đất mà chết. Trong khi mãi truy sát địch, Trần Tự Khánh luôn bên Trần Lý nhưng trong lúc hỗn loạn, một mũi tên vu vơ của quân Quách Bốc trúng vào ngực Trần Lý. Trần Lý sắp ngã xuống đất thì Trần Tự Khánh lại đỡ nhưng mũi tên quá sâu, Trần Lý chỉ kịp nói với Trần Tự Khánh trong hơi thở gấp:

-Con hãy thay cha chỉ huy quân Hải Ấp và gây dựng nghiệp lớn.

  Trần Tự Khánh kêu lên:

-Cha, cha đừng chết!!!

  Nhưng Trần Lý đã tắt thở. Đó là đầu năm 1210, năm thứ 5 niên hiệu Trị Bình Long đời Lý Cao Tông, Trần Lý thọ 59 tuổi. Năm 1225 cháu nội Trần Lý lên ngôi là Trần Thái Tông truy tôn miếu hiệu là Nguyên Tổ, thụy hiệu Chiêu Vương. Đời Trần Anh Tông truy tôn thụy hiệu là Chiêu Hoàng Đế. Trần Thái Tông cũng truy phong bà nội Tô Lan Phương là Thánh Từ Hoàng hậu.

  Trần Lý mất, lực lường họ Trần Hải Ấp do con thứ là Trần Tự Khánh nắm giữ. Còn Tô Trung Từ nắm giữ quân của triều đình được tập hợp lại. Việc Tô Trung Từ dẹp được loạn Quách Bốc chứng tỏ hai thế lực quân sự này rất lớn đang nổi lên trong cuộc tranh giành thiên hạ, vì Quách Bốc có trong tay lực lượng quân đội mạnh, thiện chiến của võ quan Phạm Bĩnh Di để lại mà lại bị chiến bại chỉ một trận trong một buổi sáng  thì lực lượng của Tô Trung Từ và Trần Tự Khánh không phải bình thường.

  Dẹp xong Quách Bốc, Tô Trung Từ cho đón Lý Cao Tông về kinh thành năm 1210. Ngày 15 tháng 11 năm 1210 Lý Cao Tông băng hà, hưởng thọ 37 tuổi (1173-1210), tại vị 35 năm (1175-1210), an táng tại Thọ Lăng, được truy tôn là Thánh Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Ngay hôm sau, ngày 16 tháng 11 năm 1210, Hoàng Thái tử Lý Hạo Sảm đăng quang, đế hiệu là Lý Huệ Tông, niên hiệu Kiến Gia năm thứ nhất.

IV.

  Trong điện Càn Nguyên, Lý Huệ Tông ngồi trên ngai vàng, đầu đội vương miện, mình mặc áo bào vàng có hai con rồng đỏ uốn quanh, hai đầu vươn về phía trước chạm vào hình tròn tượng trưng cho mặt trời. Các quan ở dưới quỳ lạy hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

  Lý Huệ Tông nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

  Lý Huệ Tông nói:

-Truyền quan nội thị ban chiếu dụ.

  Viên nội quan đứng cạnh mở chiếu ra đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, nay tôn An Toàn hoàng hậu làm An Toàn hoàng Thái hậu. Tô Trung Từ có công phò tá, có công dẹp loạn Quách Bốc, đem lại bình an cho thiên hạ, nay phong Tô Trung Từ làm Thái úy phụ chính. Nhà họ Trần ở Hải Ấp đã có công giúp trẫm khi xa giá chạy loạn về, lại có công dẹp loạn Quách Bốc, nay phong Trần Thừa, Trần Tự Khánh làm Chương thành hầu, phong Trần Thị Dung làm nguyên phi, lập tức nhanh chóng đón nguyên phi từ Hải Ấp về Thăng Long. Khâm thử”

  Bá quan văn võ lại quỳ hành lễ:

-Chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế. Chúc mừng hoàng Thái hậu thiên tuế, thiên tuế.

  Sau khi vua Lý Huệ Tông đăng cơ, cử Trần Thừa và Trần Tự Khánh về trông giữ vùng Hải Ấp và toàn bộ miền Bố Hải Khẩu. Trần Tự Khánh rút quân về. Ở kinh sư, Đàm Dĩ Mông, em Hoàng Thái hậu, dù cộng tác với Quách Bốc nhưng vẫn giữ chức Thái sư, Tuy nhiên Tô Trung Từ nắm toàn bộ quân đội và chi phối nhà vua, chi phối triều đình, trở thành quyền thần hùng mạnh, thế nghiêng cả triều đình, chao đảo cả thiên hạ. Lý Huệ Tông từ việc lớn đến việc nhỏ đều phải hỏi Tô Trung Từ.

  Thăng Long đang chìm dần trong tối, bóng đêm bao phủ cả hoàng thành. Nhưng màn đêm bị xé loang lổ bởi những ngọn đèn vàng khè tỏa ra từ các cung cửa đóng then cài nhưng ánh sáng vẫn lọt qua khung cửa sổ. Trong một căn phòng hẹp ở cung Càn Nguyên, dưới ánh đèn dầu, đại thần Đỗ Kính Tu và năm vị đại thần khác đang chụm đầu bàn bạc. Ngoài Đỗ Kính Tu, còn thấy  một người to đậm, mặt hơi dài, đó là Thái sư Đàm Dĩ Mông, em của Đàm Thái hậu, còn gọi là An Toàn hoàng Thái hậu. Đỗ Kính Tu người làng Hậu Ái, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức. Năm 18 tuổi, Đỗ Kính Tu thi kỳ thi võ, năm 33 tuổi đỗ khoa thi tam giáo, được bổ nhiệm làm Thái úy kiêm hiệu Thái bảo thời Lý Thần Tông. Năm 1182 được lĩnh chức Đế sư, thầy dạy học cho vua nhỏ Lý Cao Tông, sau là Quốc sư phụ chính thời Lý Cao Tông. Năm 1210, trước khi mất, Lý Cao Tông cho gọi Đỗ Kính Tu ký thác, phải phò tá Lý Huệ Tông, do đó được ban quốc tính nên gọi là Lý Kính Tu, được gọi là Minh Tự.

  Sau một tuần trà, mấy đại thần ngồi sát gần nhau nghe Đỗ Kính Tu nói rất nhỏ:

-Trước khi tiên đế Lý Cao Tông băng hà có cho ta vào nhận di nguyện và ký thác rằng chúng ta phải phò tá Lý Huệ Tông, trung thành và giữ gìn ngôi báu cho nhà Lý, nhưng trong hoàn cảnh thế nước suy yếu, trong nước nhiều bè phái, triều đình cũng chia năm xẻ bảy. Lại thêm triều đình không nắm được quân đội, quân đội đã nằm hết trong tay quyền thần Tô Trung Từ. Mạng của chúng ta, kể cả mạng của hoàng thượng như cá nằm trên thớt, trong tay Tô Trụng Từ, sống chết lúc nào là do quyền thần định đoạt. Ngai vàng ai dám bảo đảm không sớm thì muộn sẽ chuyền vào tay họ Tô hay họ Trần. Trước tình hình này các đại thần có mưu tính gì không?

  Có tiếng một đại thần nói nhỏ:

-Cứ lập mưu giết Tô Trung Từ đi là xong.

  Đàm Dĩ Mông nói:

-Nhưng giết Tô Trung Từ rồi thì triều đình dựa vào ai, dựa vào lực lượng nào. Các ông không thấy bài học Lý Cao Tông giết chết Phạm Bĩnh Di đã gây ra loạn Quách Bốc, suýt cả tiên đế và các hoàng tử bị đe dọa không, cả ngài vàng và triều đình lung lay không?

-Ta có kế này, giết Tô Trung Từ vẫn phải giết nhưng trước hết phải tạo thời cơ và chờ thời cơ, trước mắt mua chuộc những bộ tướng của Tô Trung Từ để họ mưu phản lại chủ tướng của mình, nội bộ suy yếu thì ta mới có cơ hội giết Thái úy phụ chính, hoặc khi thế của Tô đã suy yếu thì không còn là quyền thần được nữa, khi đó ta giành lại quyền lực cho hoàng thượng.

  Đa số đại thần gật gù:

-Kế hay, diệu kế, thật là diệu kế.

  Đỗ Kính Tu nói như kết luận:

-Cho dù là mưu kế đó hay nhưng vẫn phải sẵn sàng thực hiện cung đoạn giết Tô Trung Từ khi có thời cơ.

  Mọi người đều nói:

-Tất nhiên, tất nhiên, Đế sư yên tâm, yên tâm.

  Đỗ Kính Tu, Đàm Dĩ Mông và các đại thần không ngờ cuộc họp kín đó lọt vào tai một quan nội thị đi qua, sau đó đứng ở ngoài nghe được gần hết. Hôm sau, quan nội thị đó nói với Lý Huệ Tông:

-Tâu hoàng thượng, thần có việc cơ mật cần bẩm báo.

-Ái khanh đứng dậy có việc gì khẩn cấp nói đi.

  Quan nội thị nhìn quanh e ngại. Lý Huệ Tông nói:

-Ra ngoài hết đi.

-Dạ.

  Khi chỉ còn hai người, quan nội thị nói:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, đêm hôm qua thần vô tình đi qua một phòng trong cung Càn Nguyên, nghe được cuộc bàn kín giữa Đế sư Đỗ Kính Tu, Thái sư Đàm Dĩ Mông và một số đại thần khác, bàn việc mưu giết quan Thái úy phụ chính Tô Trung Từ.

  Lý Huệ Tông kinh hãi:

-Hả, Đế sư không rút ra được bài học tiên đế giết Phạm Bĩnh Di gây ra loạn Quách Bốc, gây ra thiên hạ loạn lạc, ta và cả hoàng gia suýt nữa mất mạng, xa giá long đong khắp nơi sao?

-Dạ, lại còn gây nghiêng ngửa cho triều đình nữa.

-Ngươi ra, ta sẽ hậu thưởng, nghe được gì thì báo tiếp cho ta.

-Dạ, đa tạ hoàng thượng.

  Quan nội thị ra rồi, Lý Huệ Tông gọi:

-Bay đâu.

-Dạ, hoàng thượng.

-Cho gọi Đế sư Đỗ Kính Tu đến đây.

-Dạ.

  Đỗ Kính Tu đến quỳ xuống hành lễ:

-Hoàng Thượng vạn, vạn tuế.

-Miễn lễ, Đế sư bình an, ban ngồi.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Ta vừa được mật báo, ái khanh cùng Thái sư Đàm Dĩ Mông và một số đại thần khác họp nhau mưu giết Thái úy phụ chính Tô Trung Từ có phải không?

-Dạ, bẩm hoàng thượng, thần chỉ muốn diệt trừ quyền thần đem lại quyền bính cho hoàng thượng.

-Khanh đã quên bài học tiên đế Lý Cao Tông nghe lời gian thần Phạm Du giết trung thần Phạm Bĩnh Di gây ra loạn Quách Bốc làm nghiêng ngửa sơn hà xã tắc, xa giá tiên đế xiêu dạt lên tận Quy Hóa, còn ta, thái hậu và hai công chúa trôi dạt gian khổ về Hải Ấp. Khanh quên rồi sao?

-Dạ, thần không dám.

-Ta còn nghe nói khanh tự ý cho đào con kênh Trầm Động đi qua chùa Linh Ứng đổ ra sông Nhuệ, phá vỡ phong thủy và cảnh quan của kinh thành. Khanh định mưu phản chăng?

  Đỗ Kính Tu nghe Lý Huệ Tông gán cho chữ làm phản, vội dập trán xuống nền cung điện, máu chảy đỏ mặt kêu lên:

-Bẩm hoàng thượng, thần không có, thần bị oan.

  Lý Huệ Tông thấy mặt Đỗ Kính Tu máu chảy đầm đìa cả sợ nói:

-Khanh đi về đi, trẫm không muốn nhìn thấy khanh nữa.

Còn nữa

CVL