Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)

PGS TS Cao văn Liên

23/04/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên

Kỳ 6.

Sau lễ cưới, Trần Lý ra lệnh cho thợ sơn vàng bốn ngôi nhà ngói liền kề nhau, còn sai thợ khắc bốn tấm biển nền đỏ chữ vàng. Tấm thứ nhất đề chữ “Cung thái tử”, dưới thêm chữ nhỏ “Minh Chủ”, hàm ý thái tử Sảm đã thành lập một triều đình mới ở Hải Ấp, tấm biển thứ hai đề “Cung An Toàn Thái hậu” ở bên phải cung thái tử, ngôi nhà bên trái cung thái tử ghi “Cung thái tử phi”, ngôi nhà cạnh cung thái hậu ghi là  “Cung công chúa". Trần Lý còn cho thợ làm một cái ghế rộng sơn vàng có hình hai con rồng đỏ lớn uốn quanh, hai tay ngai cũng có hai đầu rồng nhô ra, mỗi khi bàn công việc thái tử Sảm ngồi vào đó coi như thiết triều. Còn chọn mỗi cung có 10 thị nữ hầu hạ và phục dịch. Trước mỗi cung có hai người lính mặc quân phục, cầm vũ khí đứng canh, hết canh giờ thì thay đổi cho nhau. Những cuộc họp mà do thái tử Sảm chủ trì thì coi như thiết triều, mệnh lênh ban ra được coi là mệnh lệnh của hoàng đế, thay mặt cho Lý Cao Tông.

chutttu-1650642190.png
Tướng Tô Trung Từ. Nguồn: Internet

 

  Trong một buổi thiết triều, thái tử Sảm ngồi trên ngai vàng, hai bên có hai quan nội thị đứng hầu. Thái tử Sảm nói:

-Các ái khanh có gì bẩm tấu:

  Tô Trung Từ nói:

-Thần có tấu.

-Ái khanh có gì tâu?

  Bẩm thái tử, sau loạn Quách Bốc, đất nước càng thêm hỗn loạn. Hoàng thượng Lý Cao Tông xiêu dạt lên miền núi, công việc đất nước không ai chủ trì, quyết định, các sứ quân nổi dậy tranh hùng, chia cắt đất nước. Nay để danh chính ngôn thuận, dẹp tan giặc giã, hiệu lệnh thiên hạ, thu giang sơn về một mối, điện hạ hãy lên ngôi hoàng đế mới hoàn thành được nghiệp lớn, thỏa lòng mong đợi của thiên hạ.

  Thái tử Sảm nói:

-Đa tạ Thị lang đã lo cho triều đình, lo cho thiên hạ và bách tính, nhưng hoàng thượng còn đó, ta chưa thể ngồi vào ngai vàng và xưng đế hiệu. Nay ta lấy danh là Minh Chủ, có ta như có hoàng thượng, chỉ dụ của ta là chỉ dụ của hoàng thượng, mệnh lệnh của ta là của hoàng thượng, như vậy thiên hạ vẫn có chủ và nhà Lý vẫn tồn tại.

  Mọi người đều nói:

-Minh chủ anh minh.

-Tô Trung Từ nghe chỉ:

-Có thần.

-Nay ta phong Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ nắm giữ cánh quân của triều đình và quân bản bộ của ngài tiến ra Thăng Long dẹp loạn Quách Bốc.

-Thần tuân chỉ.

-Trần Lý nghe chỉ:

-Có thần.

-Nay phong ngài làm Minh Tự, chỉ huy toàn bộ dân binh và các tướng lĩnh họ Trần ở Hải Âp tiến ra Thăng Long cùng Tô Trung Từ dẹp loạn Quách Bốc.

-Thần tuân chỉ.

-Ngài Phạm Ngu nghe chỉ.

-Nay phong ngài làm Thượng phẩm phụng ngự, là phó tướng giúp cho ngài Trần Lý thống lĩnh các tướng lĩnh và thân binh họ Trần, cùng với ngài Tô Trung Từ tiến ra Thăng Long dẹp loạn Quách Bốc chấn hưng nhà Lý, đem lại thái bình cho thiên hạ.

-Thần tuân chỉ.

  Rồi tất cả đồng thanh đáp:

-Chúng thần tuân chỉ, điện hạ thiên thiên tuế.

  Trong khi quân của Tô Trung Từ và thân binh Trần Lý đang chuẩn bị xuất phát đánh Thăng Long thì thám tử về báo cho thái tử Sảm:

-Dạ, bẩm điện hạ, hào trưởng Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải bắt được Phạm Du, sai lính đem về đây cho thái tử định đoạt.

  Thái tử Sảm ra lệnh:

-Bảo họ đem Phạm Du vào đây.

-Dạ.

  Năm người lính của hào trưởng Nguyễn Nải, Nguyễn Nậu tay cầm gươm giải gian thần Phạm Du vào. Hai tay Phạm Du bị trói quặt ra sau lưng, quần áo rách rưới, mặt mày hốc hác do đói khát. 5 người lính trông thấy thái tử Sảm vội quỳ hành lễ:

-Thái tử thiên tuế, thiên thiên tuế.

-Miễn lễ, đứng dậy đi.

-Đa tạ thái tử.

  Phạm Du không quỳ. Một người lính lấy chân đạp chân sau khiến Phạm Du khịu xuống trong tư thế quỳ. Thái tử hỏi:

-Sao các hảo hán lại bắt được Phạm Du vậy?

  Một người lính có vẻ là chỉ huy tốp lính nói:

-Bẩm thái tử, hoàng thượng Lý Cao Tông cùng Phạm Du chạy lên Quy Hóa, ở nhà hào trưởng Hà Cao. Hoàng thượng nghe tin thái tử lập triều đình riêng ở Hải Ấp, tự ý phong chức tước, tưởng thái tử làm phản nên sai Phạm Du về Hồng Châu nhờ thế lực họ Đoàn đem quân về Hải Ấp đánh ngài. Thuyền của Đoàn Thượng đón Phạm Du ở Lục Đầu Giang chờ suốt đêm mà không thấy đành phải quay về. Hóa ra đêm đó Phạm Du rẽ vào Thăng Long nên nhỡ hẹn. Khi Phạm Du đến nơi không có thuyền, đi lang thang lên mạn Bắc Giang tìm thuyền nên bị chúa công chúng tôi bắt được, nay đem cho thái tử tùy ý xử lý.

  Thái tử nói:

-Ta thay mặt hoàng thượng phong một vài tước hiệu chỉ huy ở đây để tiến về Thăng Long đánh giặc Quách Bốc chứ đâu có làm phản. Lại cái lưỡi gian thần của nhà ngươi xui giục hoàng thượng phải không?

  Phạm Du cúi đầu lạy như tế sao:

-Dạ bẩm thái tử, thần không xui giục hoàng thượng, thần không nói gì cả.

-Ta còn lạ gì cái lưỡi của nhà ngươi. Phạm Bĩnh Di là một trung thần bị nhà ngươi vu cáo đến mức hoàng thượng lệnh bắt giam Phạm Bĩnh Di. Sau khi Quách Bốc khởi binh để cứu chủ tướng, đáng lý phải để Phạm Bĩnh Di và Phạm Phụ để thương lượng dẹp loạn thì nhà người đã vội giết hai cha con họ để bị đầu mối làm phản ở Nghệ An của ngươi khiến cho triều đình tan nát như ngày nay, ngươi còn chối tội được ư?

  Tô Trung Từ nói:

-Cùng là đại thần của triều đình nhưng tên này toàn xui vua giết hại trung thần gây oan khuất cho người vô tội, gây loạn lạc cho xã tắc. Tội của Phạm Du không thể tha thứ được.

  Thái tử sảm gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đem tên gian thần này ra ngoài chờ, đúng giờ ngọ hành quyết, trả thù cho hai cha con trung thần Phạm Bĩnh Di.

-Tuân lệnh.

  Bốn người lính của Tô Trung Từ xốc Phạm Du đứng dậy lôi ra ngoài. Phạm Du kêu đến khản cả cổ:

-Xin thái tử tha mạng, thần vô tội, xin tha mạng.

  Thái tử lại gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đem năm người lính xuống nhà khách cho ăn uống no say, cho cả  ngựa ăn để chiều các hảo hán còn về Bắc Giang. Cho ta gửi lời cảm tạ các hào trưởng Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải.

-Đa tạ thái tử, thảo dân sẽ chuyển lời, xin cáo biệt.

  Trong khi chờ trên bãi cát đúng ngọ để hành hình, Phạm Du mới ăn năn về sai lầm của mình để đến nỗi sa cơ bị bắt. Vâng lệnh Lý Cao Tông về Hồng Châu, từ Quy Hóa Phạm Du đi thuyền theo sông Hồng và cứ thế có thể đi lên Lục Đầu Giang đúng hẹn gặp thuyền của Đoàn Thượng đón thì bây giờ đang oai phong là chú soái của một cánh quân Hồng Châu tiến đánh thái tử ở Hải Ấp. Nhưng đến Thăng Long, Phạm Du đã lên hoàng thành tư thông với một quận chúa góa chồng, rất kiều diễm mà Phạm Du đã gian díu từ lâu. Mãi say cuộc ân ái thành ra lỡ hẹn đón của quân Hồng Châu nên Phạm Du đã sa bẫy và chết vì sắc. Bí mật này không ai biết được và hắn cứ thế ôm xuống âm ty cái bí mật sung sướng nhưng khủng khiếp này.

  Giết xong gian thần Phạm Du, thái tử Sảm họp với Tô Trung Từ, Trần Lý và Phạm Ngu bàn cách đánh Quách Bốc ở Thăng Long. Tô Trung Từ nói:

-Trong thành còn rất nhiều tướng sĩ thân cận của ta và của hoàng thái tử. Ta phải cho người vào thành bí mật liên hệ, khi ta dụ quân Quách Bốc ra ngoài thành giao chiến thì ở trong mở cổng thành để quân ta tiến vào. Ta đã liên hệ từ trước rồi. Khi nhìn thấy bên trong bắn tên lửa lên trời thì cổng thành sẽ mở, ta sẽ xông vào hoàng thành, còn quân của ngài Trần Lý ở ngoài đánh ép vào, Quách Bốc phải thua.

  Trần Lý nói:

-Kế của quan Điện tiền chủ huy sứ hay lắm.

  Phạm Ngu nói:

-Thần cho rằng khi hành quân về Thăng Long, quân ta phải cải trang là lái buôn và hết sức bí mật tiếp cận Thăng Long.

  Thái tử Sảm nói:

-Lời quan Thượng phẩm phụng ngự chí phải.

Ngay hôm đó, Tô Trung Từ cho tổ chức thành hai cánh quân, một cánh là quân ngự lâm và quân bản bộ của Tô Trung Từ, một cánh là thân binh của gia tộc họ Trần do Trần Lý chỉ huy, Phạm Ngu làm phó, tham gia gồm các tướng Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ, Lưu Thiện, Tô Tường Văn, Tô Khang Sơn, Tô Danh Hiển. Hai cánh quân cải trang bí mật tiến về Thăng Long.

  Tại Thăng Long, trong cung Càn Nguyên, Quách Bốc đang bàn công việc với Đinh Khả, Hà Quang, Lý Thẩm thì thám mã về báo:

-Báo, dạ bẩm hoàng thượng, bẩm đại tướng quân, theo tin thám mã, Trần Lý và Tô Trung Từ đang đem quân từ Hải Ấp tiến về Thăng Long.

  Quách Bốc hỏi:

-Chúng tiến đến đâu rồi?

-Dạ, chỉ còn cách kinh thành chừng nửa dặm.

  Quách Bốc ra lệnh:

-Tướng Đinh Khả nghe lệnh.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem 5000 quân ra giữ thành.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng Hà Quang và ta đem 2 vạn quân ra ngoài thành phá giặc.

-Mạt tướng tuân lệnh.

( Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn