Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 16)

PGS TS Cao văn Liên

04/02/2022 06:30

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 16.

II

Tháng 8 năm 1545, kinh đô Vạn Lại -An Trường của triều Lê Trung Hưng chìm trong cây lá bởi những cánh rừng bát ngát của miền Lôi Dương. Nắng chan hòa rừng núi, mây bay lơ lững lang thang trên không, bầu trời xanh trong. Tiếng kêu của các loài chim rừng vang lên những bản nhạc lảnh lót, phá tan sự tĩnh mịch của không gian.

chuthaisutrinhkiem-1643903672.png

Tranh minh họa: Minh Khang Thái Vương (明康太王) Trịnh Kiểm. Nguồn: Internet.

 

Trong cung điện rộng lớn của thành Vạn Lại lợp bằng lá cọ, tường chình đất sét, cột bằng gỗ lim, vua Lê Trang Tông đang thiết triều bàn công việc khẩn cấp. Vua ngồi sau chiếc bàn đạt ngang, hướng về chiếc bàn kê dọc có các đại thần đang ngồi như Lại Thế Vinh, Trịnh Kiểm, Vũ Sư Thước, Lại Thế Khanh, Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu, Hoàng Đình Ái, Hà Thọ Trường…Vua Lê Trang Tông nói:

-Triều Lê Trung Hưng ta vừa chịu một tổn thất to lớn, Thái tể Hưng Quốc Công Nguyễn Kim vừa tạ thế. Theo tin do thám thì Dương Chấp Nhất định đầu độc giết ta nhưng sau lại quay ra đầu độc Hưng Quốc Công để Nam Triều ta mất trụ cột và sẽ sụp đổ. Nay để phá tan âm mưu của Dương Chấp Nhất và của Bắc Triều, các ái khanh hãy tiến cử một tiết chế tài năng để tiếp tục đánh đổ nhà Mạc, lấy lại giang sơn xã tắc nhà Lê và thống nhất non sông Đại Việt.

Lại Thế Khanh nói:

-Thần xin bẩm tấu.

-Ái khanh tấu đi.

Thần xin tiến cử Đại tướng quân Dực quận Công Trịnh Kiểm. gần 10 năm nay, tài cầm quân thao lược của Dực Quận Công đã được thể hiện trên chiến trường. Như năm 1533, Dực Quận Công đã liều chết giải vây cho Nguyễn Kim ở Lỗi Dương. Nhờ chiến công này, Trịnh tướng quân đã được Hưng Quốc Công gã đại tiểu thư Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho. Năm 1539 cùng với thần, Trịnh tướng quân đã đánh bại quân Mạc ở Lỗi Dương, lấy đất Vạn Lại-An Trường làm kinh đô lâm thời cho triều ta. Năm 1540, Trịnh tướng quân đã cùng Hưng Quốc Công Nguyễn Kim giải phóng Nghệ An. Năm 1543 đã cùng Hưng Quốc Công đánh bại Hoằng Vương nhà Mạc Mạc Chính Trung, chiếm Tây Đô và giải phóng toàn bộ Thanh Hóa, nối Thanh Hóa với Nghệ An, tạo nên lãnh thổ của Lê Trung Hưng ngày nay.

Lại Thế Khanh dứt lời, Hà Thọ Trường tâu tiếp:

-Thần cũng tiến cử Dực Quận Công Đại tướng Trịnh Kiểm. Ngoài những chiến công chứng tỏ tài thao lược như đại nhân Lại Thế Khanh vừa tâu, Trịnh tướng quân còn có tài xây dựng kỵ binh, lại có tài thao lược dụng binh. Năm 1537, mới 37 tuổi Trịnh tướng quân được phong Đại tướng, quả là tài năng hơn người. Ngay chính Hưng Quốc Công Thái tể Nguyễn Kim khi lâm chung cũng đã ký thác cho Trịnh tướng quân nắm quyền Tiết chế. Tâu hoàng thượng.

Lê Trang Tông nói:                                                     

-Các ái khanh tâu chính hợp ý trẫm. Đại tướng Dực Quận Công cũng được coi là tâm phúc của ta, nhiều lần có công hộ giá, có thể cáng đáng vai trò trụ cột trong cuộc chiến tranh với Bắc Triều. Đại tướng Dực Quận Công Trịnh Kiểm nghe chỉ.

Trịnh Kiểm vội quỳ nghe vua Lê Trang Tông khẩu dụ:

-Nay phong đại tướng quân Dực Quận Công Trịnh Kiểm làm Thái sư Lượng Quốc Công nắm quyền quân quốc trọng sự, nắm quyền Tiết chế quân thủy bộ và các dinh, toàn quyền tiến hành Bắc phạt, làm Đô tướng nắm quyền dân sự và quân sự, quyền tiền trảm hậu tấu.

Trịnh Kiểm rập đầu nói;

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

Lê Trang Tông nói tiếp:

-Nguyễn Uông, trưởng nam, Nguyễn Hoàng thứ nam của Hưng Quốc Công nghe chỉ:

Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng vội quỳ. Lê Trang Tông khẩu dụ:

-Nay phong Nguyễn Uông là Tả tướng quân Lãng Quận Công, phong Nguyễn Hoàng là Hạ Khê Hầu, cả hai ái khanh hãy phò giúp cho Tiết chế Trịnh tướng quân đi Bắc phạt.

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

Lê Trang Tông hỏi tiếp:

-Có ái khanh nào tấu gì nữa không?

-Dạ, không.

-Bãi triều!  

*

*        *

 Đông Kinh vào một sáng mùa đông năm 1546, từng đợt gió thổi thốc tháo mang hơi lạnh bay khắp không gian. Những mái nhà của phố phường, những mái của lâu đài cung điện chìm dưới những rặng cây tán lá đang trút xuống từng đợt lá vàng. Bầu trời xám xịt. Từng đàn chim mải miết bay về phương Nam tránh rét. Sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch vẫn lạnh lùng đưa nước về xuôi.

Long phượng thành cũng chìm trong gió lạnh. Trong điện Càn Nguyên, các đại thần nhà Mạc đang dự họp, bàn một công việc quan trọng của vương triều là cử ai lên ngôi hoàng đế vì Hiến Tông Mạc Phúc Hải vừa băng hà. Mạc Phúc Hải là con Mặc Thái Tông, kế vị năm 1540, ở ngôi được 6 năm. Sau khi các đại thần dùng một lượt trà nóng, đại thần Khiêm Vương Mạc Kính Điển nói:

-Nay hoàng đế Mạc Hiến Tông vừa mới băng hà, nước một ngày không thể không có vua, cho nên theo ý ta nên đưa hoàng tử nhỏ của Mạc Hiến Tông là Mạc Phúc Nguyên lên thay, lấy đế hiệu là Mạc Tuyên Tông.

Đại thần thái úy Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi nói:

-Trong mấy năm nay, vương triều ta luôn gặp những chuyện không may. Năm 1540 Mạc Thái Tông bỗng nhiên băng hà, tiếp đến năm 1541 Mạc Thái Tổ, Thái Thượng hoàng, người sáng lập vương triều, trụ cột của triều đình cũng đột nhiên qua đời đã để lại những tổn thất không thể bù đắp được. Sau khi Dương Chấp Nhất dùng kế trá hàng, đầu độc giết chết trụ cột Lê Trung Hưng là Nguyễn Kim, những tưởng có thể quét sạch được chúng, thu phục xứ Thanh -Nghệ. Không ngờ năm 1545, đại quân ta do Mạc Phúc Tư chỉ huy tiến đánh quân Lê ở sông Phù Chẩn Ninh Bình, Sơn Nam đã bị Trịnh Kiểm đánh cho đại bại, mất 5 vạn quân và nhiều tướng lĩnh. Ninh Quốc Công Mạc Phúc Tư phải bỏ quân đội chạy về Đông Kinh. Ngày nay, vương triều ta phía Bắc thì bị nhà Minh chèn ép, bắt nạt, phía Tây Bắc thì bị bọn chúa Bầu nhà họ Vũ: Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên chống lại ở mạn Tuyên Quang. Nhưng nguy cơ lớn nhất là thế lực của Lê Trang Tông ngày càng lớn mạnh. Năm 1539 chúng đã chiếm huyện Lôi Dương, đất thang mộc của nhà Hậu Lê, lập kinh đô ở Vạn Lại-An Trường, năm 1540 chiếm được Nghệ An, năm 1543 chiếm được Tây Đô, Thanh Hóa. Ngày nay Lê Trung Hưng có vua, có triều đình văn võ bá quan, có những tướng lĩnh và đại thần tài giỏi thao lược như Trịnh Kiểm không kém gì Nguyễn Kim xưa, có lãnh thổ…Ai dám bảo rằng nay mai quân Nam Triều không tiến ra Bắc tiêu diệt chúng ta?

Phạm Tử Nghi dừng lại uống một ngụm nước rồi nói tiếp:

-Trước tình hình khó khăn hiện nay và sắp tới của vương triều, lão phu không đồng ý lập vua nhỏ mà phải lập vua lớn tuổi đủ sức gánh vác công việc nặng nề to lớn của xã tắc, sơn hà, lão phu đề nghị lập Hoằng Vương Mạc Chính Trung, hoàng tử thứ hai của Mạc Thái Tổ, em của Mạc Thái Tông  lên ngôi hoàng đế.

Mặc dù Phạm Tử Nghi phân tích đúng thời cuộc hiện tại của nhà Mạc nhưng các đại thần đều tái mặt vì xưa nay chưa có ai dám nói như vậy, đặc biệt là với Khiêm Vương Mạc Kính Điển là hoàng tử thứ ba của Mạc Thái Tông, người có quyền lực lớn nhất triều đình, lại có tài thao lược kinh bang tế thế. Các đại thần đã quen lề thói mạnh chiều nào ngả theo chiều đó. Hơn nữa, dù  lời của Phạm Tử Nghi là đúng nhưng các đại thần lại nghi ngờ sau lời nói có mưu đồ cá nhân vì thông thường khi đưa được vị vua mà người nào đề đạt lên ngôi thì sẽ có lợi rất nhiều cho người đó. Nguyễn Kính đã phá tan không khí căng thẳng của triều đình:

-Thôi, cứ làm theo ý của Khiêm Vương đi, vua nhỏ mà khó khăn thì đã có các đại thần phò giúp, đặc biệt có Khiêm Vương làm nhiếp chính thì còn lo gì nữa.                                                                    Trong khi Nguyễn Kính nói thì Mạc Kính Điển nghĩ trong đầu: Đưa Mạc Chính Trung là vua lớn có thuận lợi nhưng bị chi phối bởi một thế lực như họ Phạm thì không thể nào lường trước được điều gì. Vả lại, trong tình hình khó khăn hiện nay của nhà Mạc, Mạc Kính Điển muốn vua nhỏ để nhiếp chính trực tiếp giải quyết để cứu vãn thời thế, đánh bại Nam Triều. Nghĩ vậy Mạc Kính  Điển nói:

-Nếu  đa số các đại thần đã thuận theo ý ta thì cứ vậy mà làm đi, lập Mạc Phúc Nguyên làm thiên tử, đế hiệu Mạc Tuyên Tông.

Các đại thần đều nói:

-Xin theo ý của Khiêm Vương.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 16)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Chu linh ngoại

Chu linh ngoại

09:27 04/02/2022

Thế lực họ Trịnh đã xuất hiện.