Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)

PGS TS Cao văn Liên

12/02/2022 06:11

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 24.

 Màn đêm bao phủ dày đặc khắp miền An Biên và Hải Dương. Sông Cấm cũng chìm trong màn đêm nhưng nước vẫn cuồn cuộn tuôn ra biển. Nhưng sông Cấm đêm nay không yên tĩnh. Trong đêm, 300 chiến thuyền chở 5 vạn quân Mạc bí mật tiến ra cửa Nam Triệu và hướng về Nam đi như bay. Sóng biển vẫn muôn thuở rì rầm vỗ  vào mạn những con thuyền. Trưa hôm sau, quân Mạc tập kết ở cửa biển Thần Phù. Trong đêm hôm sau Mạc Kính Điển ra lệnh tấn công cửa biển Lạch Trường nhằm tiêu diệt quân Nam Triều do Lại Thế Khanh và Vũ Sư Thước chỉ huy.

chutrinh-kiem-2-1644593979.jpg
Tranh minh họa: Trịnh Kiểm (chữ Hán: 鄭檢, 14 tháng 9 năm 1503 – 24 tháng 3 năm 1570), tên thụy Thế Tổ Minh Khang Thái vương (世祖明康太王), là nhà chính trị, quân sự có ảnh hưởng của Đại Việt thời Nam-Bắc triều. Trên danh nghĩa tôn phò các vua Lê trung hưng, ông là nhà lãnh đạo trên thực tế của phe Nam triều từ năm 1545 tới khi qua đời. Dù tước hiệu cao nhất của ông khi còn sống là Thái quốc công, ông được đời sau truy tôn làm Thế Tổ Minh Khang Thái Vương và được xem là vị chúa đầu tiên của họ Trịnh – gia tộc nắm thực quyền cai trị Đại Việt hơn 200 năm từ giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18. Nguồn: vi.wikipedia.org

 

Bình minh một ngày mới thường đến sớm trên biển. Mặt trời đỏ hồng bầu trời phía Đông và tròn vành vạnh. Sóng vỗ dồn dập vào cửa Lạch Trường và hòa vào nước sông Mã vẫn tuôn ra ào ạt hòa vào  biển mênh mông. Trong hành dinh của quân đồn trú chấn giữ Lạch Trường, Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh vừa ăn sáng xong đang ngồi uống trà, chợt có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm tướng quân, quân Mạc do Mạc Kính Điển chỉ huy đang ào ạt tiến đánh vào cửa Lạch Trường. Xin tướng quân quyết định.

  Vũ Sư Thước nói:

-Thái sư Tiết chế đang đem quân Bắc phạt, Mạc Kính Điển dùng kế đánh Ngụy cứu Hàn. Chúng sẽ vào sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày đánh vào Vạn Lại -An Trường, buộc Trịnh Thái sư Tiết chế phải đem quân về cứu, Đông Kinh, Dương Kinh sẽ được giải nguy. Ý tướng quân thế nào?

  Lại Thế Khanh nói:

-Quân ta ít, không thể giao chiến ở đây được, nếu ta bị tiêu diệt ở đây thì kinh đô sẽ thất thủ, phải lui về trong thung lũng bảo vệ Vạn Lại-An Trường. Mặt khác báo cho Thái sư Tiết chế kéo quân về, khi đó trong đánh ra ngoài đánh vào chắc phá được quân giặc.

  Vũ Sư Thước nói:

-Tướng quân nói phải lắm.

  Rồi gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Ngươi chọn con ngựa thật khỏe phi gấp ra Sơn Tây nói với Thái sư Tiết chế rằng quân Mạc đang bao vây Vạn Lại-An Trường, mong Thái sư đem quân về cứu gấp.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Một hồi trống trận vang lên. 2 vạn quân Nam triều nhanh chóng lên thuyền theo sông Mã chạy về hướng Tây. Cùng lúc 300 chiến thuyền chở 5 vạn quan Mạc ào ạt như nước vỡ bờ xông vào cửa Lạch Trường nhưng không gặp một sức kháng cự nào. Mạc Kính Điển biết Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh đã rút về bảo vệ Vạn Lại-An Trường. Tiết chế quân Mạc ra lênh:

-Theo sông Mã vào sông Chu, Sông Cầu Chày công phá Vạn Lại- An Trường.

  Tiếng quân sĩ dạ ran vang khắp biển Lạch Trường:

-Dạ, tuân lệnh Khiêm vương Nhiếp chính.

  300 chiến thuyền buồm căng theo gió biển phi như bay về phía Tây sông Mã, tiếng trống khua vang động, sóng nước sông Mã bị thuyền rạch xé, nước tung lên như mưa sa bão táp. Chiều hôm đó thuyền quân Mạc tới sông Chu, vào sông Cầu Chày. Mạc Kính Điển nói với Nguyễn Kính:

-Tập trung toàn bộ binh lực đánh vào An Trường, sau đó tấn công Vạn Lại.

-Tuân lệnh Khiêm Vương Tiết chế.

  300 chiến thuyền làm căn cứ cho bộ binh, thủy binh Mạc công phá An Trường. Quân Nam Triều ở An Trường chống cự yếu ớt. Quân Mạc dùng những cây gỗ to húc đổ cổng thành và từ bốn phía tràn vào nhưng An Trường chỉ là thành trì trống rỗng. Không một người lính, không một người dân, không một chút của cải lương thực. Có lẽ quân dân An Trường đã rút về Vạn Lại để tập trung lực lượng chiến đấu. Mạc Kính Điển ra lệnh:

-Không được đốt phá. Nếu lấy được Thanh Hóa thì nhà cửa cung điện đó là của ta. Ai vi phạm quân luật chém.

  Nguyễn Kính nói với Mạc Kính Điển.

-Nhân lúc chúng còn hỗn loạn nên tấn công Vạn Lại  ngay.

 Mạc Kính Điển nói:

-Tướng quân nói phải lắm. Để 1 vạn quân coi thuyền và giữ An Trường, còn tất cả lên bờ tấn công Vạn Lại.

  Nguyễn Kính dẫn 4 vạn quân tiến về Vạn lại. Mặt trời đã hửng sáng. Quân Mạc tiến đến núi Kim Sơn và chợ Ông Công, địa thế nơi đây hiểm trở, cây cối rậm rạp. Nguyễn Kính vẫn cứ cho hành quân vì cho rằng quân Nam Triều ít, run sợ đã chạy hết, không còn bụng dạ để mai phục. Bỗng nhiên những phát tên châm lửa bắn lên trời rồi 4 phía đồi núi chiêng trống vang lừng, tiếp theo là những trận mưa tên dội xuống. Quân Mạc ngả chồng chất lên nhau, máu tuôn như suối. Sau những trận mưa tên là những trận đá dồn dập lăn xuống như núi lở. Tiếp đó là quân Nam Triều do Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh chỉ huy xông ra chém giết. Nguyễn Kính và Mạc Kính Điển phải mở đường máu mới chạy thoát về An Trường. 3 vạn quân Mạc đã tử trận trong trận Kim Sơn và chợ Ông Công. Mạc Kính Điển còn đang kinh hoàng uất hận thì có thám mã về báo:

-Dạ, cấp báo, Trịnh Kiểm đang dẫn quân về, đã tiến tới Tư Phố Làng Giàng.

  Mạc Kính Điển kinh hoàng:

-Rút nhanh theo đường sông Mã ra biển, nếu không Trịnh Kiểm đánh lên, Lại Thế Khanh đánh xuống, ta chết không có đất mà chôn.

   Rồi đoàn chiến thuyền nhà Mạc chạy như bay theo sông Mã ra biển và đi lên phía Bắc. Trịnh Kiểm về cho củng cố lại Vạn Lại-An Trường, ban thưởng cho Lại Thế Khanh, Vũ Sư Thước và các tướng lĩnh, quân sĩ đã có công bảo vệ kinh đô, đánh thắng quân Mạc.

                                                III  

   

 Đêm tháng 2 năm 1570, kinh đô Vạn Lại-An Trường chìm trong bóng đêm. Gió lạnh thổi thốc tháo. Cây cối trên rừng đồi cao thấp đen sì khua xào xạc. Con sông Cầu Chày, sông Chu vẫn cuồn cuộn đưa nước về ngả ba Giàng để hợp lưu với dòng sông Mã. Trong biệt phủ của Thái sư Tiết chế Trịnh Kiểm đèn rực sáng trong ngoài. Trong căn phòng riêng của Trịnh Kiểm đèn sáng nhiều hơn. Đã một năm nay sau chiến thắng năm 1569, Thái sư Tiết chế bị bệnh và nằm liệt giường. Các thái y giỏi nhất của Nam Triều ngày đêm ra sức chữa chạy nhưng bệnh không thuyên giảm. Trịnh Kiểm bị căn bệnh mà đường ruột bị phá hủy và tế bào độc lan khắp cơ thể không thuốc thang nào chữa khỏi. Túc trực ngày đêm bên Trịnh Kiểm là chính phi Lại Thị Ngọc Trân, con trai trưởng là Trịnh Cối, thứ phi là Nguyễn Thị Ngọc Bảo và con trai là Trịnh Tùng, hiền phi Trương Thị Ngọc Lanh và con trai là Phụng Quốc Công Trịnh Đỗ, Dịch Nghĩa Công Trịnh Đồng, Cần Nghĩa Công Trịnh Ninh, con gái Trưởng thượng Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Xuân, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Tôn. Ngày 18 tháng 2 năm Canh Ngọ 1570 Thượng tướng Thái Quốc Công Trịnh Kiểm qua đời, hưởng thọ 67 tuổi (1503-1570), đã phò 3 đời vua của Lê Trung Hưng: Lê Trang Tông, Lê Trung Tông và Lê Anh Tông. Trong đại tang, đông đủ bá quan văn võ, tướng sĩ và ba quân đã thương tiếc đưa Thái Quốc công Tiết chế về nơi an nghỉ cuối cùng. Vua Lê Anh Tông xuống chiếu truy tôn miếu hiệu là Thế Tổ Minh Khang Thái Vương, đặt thụy hiệu là Trung Huân. Phong cho con trưởng Trịnh Kiểm là Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối làm Tiết chế, nắm giữ binh quyền của Nam Triều.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn