Kỳ 22.
Ngâm xong câu thơ, Nguyễn Bĩnh Khiêm khoát tay và đi vào vườn sau, không nhìn Nguyễn Ư Dĩ nữa. Nguyễn Ư Dĩ chắp tay:
-Đa tạ tiên sinh.
Nguyễn Ư Dĩ về đem câu thơ đọc cho Nguyễn Hoàng nghe. Nguyễn Hoàng hỏi:
-Thế nghĩa là thế nào?
Nguyễn Ư Dĩ đáp:
-Thế có nghĩa là một dãy Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời.
Nguyễn Hoàng suy nghĩ, đập tay vào trán chợt thốt lên:
-Cháu hiểu ra rồi.
-Cháu hiểu như thế nào?
Phía cực Nam Hà Tĩnh có dãy núi gọi là Hoành Sơn, Vượt qua nó là đến miền Thuận Hóa. Ý câu thơ này là nếu vào phía trong dãy Hoành Sơn, tức là miền Thuận Hóa lập nghiệp thì sẽ phát tích cơ nghiệp muôn đời. Cậu xem cháu giải mã câu thơ của Trạng Trình có đúng không và nếu đúng thì có nên vào Thuận Hóa không?
Nguyễn Ư Dĩ nói:
-Nếu cháu muốn độc lập với họ Lê- Trịnh và phát tích đế vương thì nên vào.
-Cậu nói đúng chí khí và ước mơ của cháu. Cháu cho rằng không nên nhờ dưới trướng của anh rể lâu, không phát huy được tài trí và chí khí của mình.
Nguyễn Ư Dĩ uống một ngụm chè và đắn đo:
-Vào miền đất đó tương lai chưa rõ nhưng trước mắt có nhiều gian khổ cam go, thậm chí hy sinh nữa.
-Cháu không sợ gian khổ hiểm nguy. Đã mưu việc lớn thì phải vượt qua gian khổ, thậm chí đổi cả tính mạng. Cháu chỉ sợ Thái sư Tiết chế không cho đi.
Nguyễn Ư Dĩ nói:
-Có một cách tác động đến Trịnh Kiểm khiến ngài ta đồng ý.
-Cách gì cậu?
-Nhờ chị cháu là Nguyễn Thị Ngọc Bảo nói thêm vào.
-Hay lắm, cháu sẽ nói với chị ấy trước khi nói với Thái sư Tiết chế Trịnh Kiểm.
* *
*
Một buổi sáng trong dinh Thái sư Tiết chế, Trịnh Kiểm vừa ăn sáng đang ngồi uống trà thì có tùy tướng vào báo:
-Dạ bẩm Thái sư Tiết chế, có Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng muốn vào gặp.
-Cho vào.
-Dạ.
Nguyễn Hoàng bước vào chắp tay hành lễ:
-Xin kính chào Thái sư Tiết chế.
Trịnh Kiểm khoát tay:
-Người nhà, miễn hành lễ. Cậu ngồi đi. Bay đâu rót nước mời cậu.
-Dạ.
Sau khi Nguyễn Hoàng cạn bát nước trà, Trịnh Kiểm hỏi:
-Cậu lại đây có việc gì không?
Nguyễn Hoàng nói:
-Dạ bẩm huynh, đệ đúng là có chuyện muốn đề đạt với huynh.
Trịnh Kiểm ngạc nhiên và lo lắng:
-Có việc gì cậu cứ nói:
Nguyễn Hoàng cố nói cho rành rọt:
-Dạ, Kể từ khi phụ thân chẳng may qua đời, đệ được sự quan tâm giúp đỡ của huynh nhiều. Cho nên đệ không lúc nào là không chia sẻ công việc quốc gia nặng nề mà huynh đang gánh vác, không lúc nào là không lo nghĩ an nguy của triều Lê Trung Hưng. Hiện nay, thế lực nhà Mạc rất mạnh. Chúng còn có mưu đồ nhòm ngó lấy đất Thuận Hóa để tạo thế gọng kìm Nam đánh ra, Bắc đánh vào để tiêu diệt Nam Triều ta. Nhỡ ra Thuận Hóa thuộc về nhà Mạc thì chúng ta sẽ hai đầu thọ địch, thế của Lê Trung Hưng sẽ rất nguy nan. Cho nên đệ muốn xin vào trấn thủ Thuận Hóa, quyết biến vùng đó thành vùng đất vững chắc, mở rộng lãnh thổ Nam Triều ta đến hết miền Trung, phá tan thế gọng kìm của địch thì lo gì không chiến thắng nhà Mạc.
Trịnh Kiểm nói:
-Cậu nói chính hợp ý ta nhưng lại không hợp ý ta. Hợp ý ta là ở chỗ mảnh đất Thuận Hóa đúng là rất quan trọng nhưng cho đến nay ta vẫn không có một tướng tài nào để ổn định vững chắc. Nếu nhà Mạc lấy được thì Nam Triều ta nguy khốn. Nhưng miền đất đó cũng rất hiểm địa và nhiều bất trắc, cần một tướng tài giỏi mới ổn định được. Còn không hợp ý ta là ta không thể cho cậu vào đó được. Cậu là đệ của ta, người một nhà, không thể để cậu vào nơi gian nan nguy hiểm. Chị Ngọc Bảo cũng không đồng ý cho cậu đi đâu.
Vừa khi đó có tùy tướng vào báo:
-Dạ bẩm Thái sư Tiết chế, có phu nhân Ngọc Bảo xin vào gặp.
Trịnh Kiểm ngạc nhiên nhưng cũng nói:
-Cho phu nhân vào.
Nguyễn Thị Ngọc Bảo đi vào, thướt tha và xinh đẹp rực rỡ như tiên giáng trần. Theo sau là hai thị nữ. Ngọc Bảo cúi đầu chào Trịnh Kiểm:
-Thiếp xin chào tướng công.
Nguyễn Hoàng vội hành lễ:
-Đệ xin kính chào chị.
Trịnh Kiểm nói:
-Nương tử tới thật đúng lúc, ta cũng đang cần gặp nàng. Đệ Nguyễn Hoàng đang xin ta vào trấn thủ Thuận Hóa. Cậu ấy lo lắng nếu không có tướng tài vào ổn định Thuận Hóa, nếu rơi vào tay nhà Mạc thì nguy cho Nam Triều. Nhưng đó là đất hiểm địa, nhiều tai biến khôn lường và nguy hiểm. Nguyễn Hoàng là người nhà, ta không cho vào nhưng cậu ấy nhất quyết xin vào. Ta đang định hỏi ý kiến nàng.
Nguyễn Thị Ngọc Bảo đáp:
-Thiếp là phận nữ nhi, không màng tới chiến tranh và thế sự. Đa tạ tướng công đã vì em thiếp mà hỏi tới. Thần thiếp nghĩ rằng cậu Hoàng là đấng nam nhi, có chí lo cho nước nhà như vậy cũng không nên ngăn cản. Vả lại đất Thuận Quảng là quan trọng cho Nam Triều, cho Lê-Trịnh thì không chỉ cần một tướng tài ba mà còn cần một tướng trung thành với hoàng thượng, với Thái sư Tiết chế thì mới bảo đảm an toàn cho Nam Triều, mới khỏi nhọc lòng cho tướng công lo cho miền đất xa xôi để tướng công tập trung sức lực đánh bại nhà Mạc ở miền Bắc. Đó là kế vẹn toàn mà chỉ cậu Hoàng mới làm được. Mong tướng công soi xét và cho cậu ấy đi.
Trịnh Kiểm vô cùng kinh ngạc trước những lời nói chí lý của Ngọc Bảo. Trịnh Kiểm nói:
-Ta chỉ sợ khó khăn và nguy nan cho cậu ấy. Vả lại ta rất sợ người đời bảo ta đẩy em vợ vào nơi hiểm địa với ý đồ này, ý đồ khác. Nay nếu cậu ấy quyết tâm và phu nhân đã đồng ý thì ta cũng tạo điều kiện cho cậu Hoàng vào đó tung hoành một phen cho thỏa chí. Nếu chán muốn ra Bắc với ta thì ta sẽ cho ra ngay. Đường công danh luôn đón chờ rộng mở cho cậu ấy.
Nguyễn Thị Ngọc Bảo nói:
-Thần thiếp đa tạ tướng công.
Nguyễn Hoàng cũng chắp tay nói:
-Đa tạ huynh.
Trịnh Kiểm nói:
-Thôi, Phu nhân về dinh đi. Ta sẽ cùng cậu Hoàng vào yết kiến hoàng thượng để hoàng thượng ra chiếu chỉ bổ nhiệm.
(Còn nữa)
CVL
Chu Linh Ngoại
09:44 10/02/2022
Nguyễn Hoàng xứng danh Anh hùng cái thế. Dưới trướng anh rễ thì mãi cũng chỉ là bề tôi, thậm chí còn gặp nguy hiểm nếu bị những kẻ xấu gây chia rẽ, đâm bị thóc, chọc bị gạo.