Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 23)

PGS TS Cao Văn Liên

11/02/2022 06:14

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 23.

Trịnh Kiểm dẫn Nguyễn Hoàng vào gặp vua Lê Anh Tông. Vua thiết triều ở điện Trung Phủ ở kinh đô Vạn Lại-An Trường. Vua Lê Anh Tông ngự trên ngai vàng. Nội quan vào báo:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, có Thái sư Tiết chế Trịnh Kiểm và Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào yết kiến.

-Cho vào ngay.

-Dạ, thần tuân chỉ.

nguyen-hoang-chua-tien-1644506485.jpg

Tranh minh hao: Chúa tiên Nguyễn Hoàng

Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) hay Nguyễn Thái Tổ, Chúa Tiên, là vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn. Chúa Nguyễn Hoàng quê ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông nội (Nguyễn Hoằng Dụ) và cha ông (Nguyễn Kim) Nguyễn Hoàng đều là những trọng thần của triều đình nhà Hậu Lê.  Nguồn: Internet.

 

  Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

  Vua Lê Anh Tông:

-Miễn lễ, các ái khanh đứng dậy đi.

-Đa tạ hoàng thượng.

-Thái sư Tiết chế có gì tấu chăng?

  Trịnh Kiểm nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, miền đất từ dãy Hoành Sơn trở vào Quảng Nam thuộc đất Đại Việt ta từ thời Trần, thời Lê Sơ đã đặt đơn vị hành chính và đặt tam ty cai quản. Cho đến nay cơ sở của nhà Lê Trung Hưng ta ở miền đất ấy còn chưa vững chắc, lòng dân chưa yên. Nhà Mạc cũng đang nhòm ngó. Nếu để nhà Mạc đứng chân vững chắc ở miền đất đó, phía Nam Nam Triều của ta sẽ bị nguy ngập, đe dọa. Thần khẩn xin hoàng thượng cử Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng là một đại tướng tài năng vào làm trấn thủ, củng cố xây dựng chính quyền vững chắc, mở rộng lãnh thổ của Nam Triều đến tận Quảng Nam thì chúng ta càng thêm hùng mạnh, lo gì không đánh bại được nhà Mạc.

Vua Lê Anh Tông hỏi:

-Ý khanh thế nào, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng?

  Nguyễn Hoàng đáp:

-Dạ tâu hoàng thượng, là thần tự nguyện xin vào Thuận Hóa để góp phần hùng cường cho Lê Trung Hưng, cho sự thắng lợi của Nam Triều chống Mạc ạ.

  Vua Lê Anh Tông nói:

-Khanh đúng là người lo chu toàn cho Nam Triều, cho xã tắc.

  Rồi vua nói:

-Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng nghe chỉ:

-Nay phong Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa, ban cho trấn tiết, cờ tiết, ấn tín của quan trấn thủ, mọi công việc dân chính, hành chính, quân chính đều được toàn quyền quyết định, chỉ cần mỗi năm nộp đủ số lương thực do triều đình Nam Triều quy định là được. Quan trấn thủ Thuận Hóa được mang theo gia đình, thân tín, gia tướng, quân bản bộ và các tướng lĩnh do Đoàn Quận Công toàn quyền lựa chọn, bổ nhiệm.

  Nguyễn Hoàng khấu đầu lễ tạ:

-Thần tuân chỉ, tạ ơn hoàng thượng.

 Sau những bữa tiệc tiễn đưa, chia tay của gia đình Trịnh Kiểm và Nguyễn Thị Ngọc Bảo, tiệc tiễn đưa của bạn bè thân hữu, của chiến hữu, của đồng liêu, vào một ngày mùa hạ năm 1558, trên dòng sông Cầu Chày quanh Vạn Lại-An Trường xuất hiện khoảng 100 chiến thuyền chật dòng sông chở đầy những người và hành lý, đồ gia dụng, cờ bay phấp phới trong nắng. Đó là đoàn thuyền của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng nhận lệnh vua Nam tiến vào Thuận Hóa. Bách tính ra tiễn đưa chật hai bờ sông có đến hàng nghìn, trong số đó có gia đình Trịnh Kiểm. Nguyễn Hoàng quỳ lạy bái biệt Trịnh Kiểm và chị là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Nguyễn Thị Ngọc Bảo gạt nước mắt tiễn biệt đứa em trai duy nhất còn lại. Nguyễn Hoàng ôm đứa cháu Trịnh Tùng, con của Trịnh Kiểm và Nguyễn Thị Ngọc Bảo rồi nói với anh chị:

-Cáo biệt, cáo biệt anh chị. Anh chị bảo trọng, Cháu Tùng bảo trọng.

  Nguyễn Thị Ngọc Bảo nói trong nước mắt nức nở:

-Đệ bảo trọng.

  Trên đoàn thuyền, ngưới ta thấy có các tướng Nguyễn Ư Dĩ, cậu Nguyễn Hoàng, Mạc Cảnh Huống, Văn Nhâm, Thanh Xuyên, Tường Lộc, Trường Trung, Vũ Thì An... Còn có hàng nghìn quân bản bộ, hàng nghìn đồng hương Thanh Hóa theo Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở quê hương mới. Đoàn thuyền rời sông Cầu Chày, ra sông Chu, đi vào sông Mã, qua cửa Lạch Trường đi ra biển và hành trình về hướng Nam. Do thuận buồm xuôi gió nên một ngày một đêm đoàn thuyền đã vào cửa Việt Yên (Cửa Việt). Nguyễn Hoàng cho đổ bộ lên bờ, đóng trại ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (Triệu Phong) Quảng Trị và lập thủ phủ đầu tiên ở đây gọi là Dinh Ái Tử.

  Ngày hôm sau, Lưu thủ Thuận Hóa Tống Phước Tri cùng đồng hương Tống Sơn Thanh Hóa với Nguyễn Hoàng đã đến Dinh Ái Tử dâng sổ sách cho Hoàng và theo phò tá cho trấn thủ mới. Có lẽ chỉ một mình Nguyễn Bĩnh Khiêm biết được rằng cuộc Nam tiến của Nguyễn Hoàng năm 1558 mở đầu cho cuộc Nam tiến lâu dài 200 năm để mở rộng lãnh thổ Đại Việt đến mũi Cà Mau. Nhưng không ai biết được rằng cuộc Nam tiến của Nguyễn Hoàng năm 1558 mở đầu cho những cuộc nội chiến mới thảm khốc về sau kéo dài cho đến đầu thế kỷ XIX.

                                             *     *

                                           *

Đông Kinh, một sớm mùa hè năm 1569, Mạc Tuyên Tông đang ngồi thiết triều trong điện Càn Nguyên. Mạc Tuyên Tông nói:

-Cách đây mấy ngày ta đã nhận được tin cấp báo, quân Nam Triều do Trịnh Kiểm chỉ huy cùng các tướng Lê Bá Ly, Lê Khắc thận, Nguyễn Quyện, Hoàng Đình Ái đã tấn công các tỉnh Kinh Bắc, Lạng Sơn và Hải Đông. Đông Kinh, Dương Kinh của ta đang bị chấn động. Các ái khanh có kế sách gì hay chống giặc, bảo về Đông Kinh và Dương Kinh không?

  Cả triều đình bá quan văn võ còn im lặng thì trạng nguyên Giáp Trừng bước ra:

-Thần xin có tấu.

  Mạc Tuyên Tông nói:

-Trạng nguyên có kế sách gì hay không?

  Giáp Trừng tâu:

-Dạ bẩm hoàng thượng, trước đây Trịnh Kiểm cũng đem hết quân chủ lực ra tấn công Đông Kinh, Thanh Hóa bỏ trống, Khiêm Vương Mạc Kính Điển đã đem quân tấn công Thanh Hóa, Trịnh Kiểm phải rút quân về và Đông Kinh được giải nguy. Nay hoàng thượng cho quân tấn công vào Vạn Lại-An Trường thì Trịnh Kiểm cũng tức khắc rút quân về về để cứu Kinh Đô, không khó nhọc gì mà Đông Kinh và Dương Kinh lại được giải vây ạ.

  Mạc Nhân Phú nói:

-Thần có tấu.

-Vương tấu gì?

-Thần tán thành kế sách của trạng nguyên Giáp Trừng. Hoàng thượng nên hạ chỉ cho Nhiếp chính Khiêm Vương đem 5 vạn quân vào đánh Thanh Hóa, tức khắc giải vây được Đông Kinh và Dương Kinh, cứu được các tỉnh Lạng Sơn, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây.

  Mạc Tuyên Tông lo lắng:

-Trong khi đưa hết quân vào Thanh Hóa, Trịnh Kiểm cứ tấn công Đông Kinh thì làm sao?

Mạc Ngọc Liễn nói:

-Dạ hoàng thượng yên tâm, Đông Kinh và Dương Kinh mỗi nơi vẫn được 2 vạn quân phòng thủ. Vả lại khi nghe nói Vạn Lại-An Trường nguy biến, Trịnh Kiểm không còn bụng dạ nào ở lại tấn công Đông Kinh vì nơi đó là đầu não của Nam Triều, có vua Lê Anh Tông, có gia đình của Kiểm và hầu hết đại thần. Trịnh Kiểm không cứu không được.

  Mạc Tuyên Tông nói:

-Các khanh nghe chỉ:

-Mạc Ngọc Liễn, Mạc Đôn Nhượng mỗi ngươi 2 vạn quân phòng thủ Đông Kinh và Dương Kinh.

-Thần tuân chỉ.

Mạc Phúc Sơn nghe chỉ.

-Thân vương đem khẩu dụ của ta ra An Biên lệnh cho Mạc Kính Điển, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng đem 5 vạn quân tấn công Vạn Lại-An Trường của Nam Triều.

-Thần tuân chỉ.

(Còn nữa)

CVL

 

---

Đọc thêm những thông tin mới nhất về văn hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn và tình hình kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật trên Tạp chí điện tử Nông thôn và Phát triển - https://nongthonvaphattrien.vn/

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 23)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn