Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 19)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 19.

Chiều hôm đó, tất cả các tướng lĩnh chủ chốt của Tây Sơn đã có mặt đầy đủ chuẩn bị cho ngày hôm sau xuất quân đánh thành Quy Nhơn. Sáng hôm sau, một ngày nắng đẹp, quân Tây Sơn xuất phát từ Kiên Thành, Tuy Viễn tiến đánh thành Quy Nhơn, thủ phủ của trấn Quy Nhơn.

chuy-dob1-1647873118.jpg
Phế tích cổng thành Đồ Bàn (Bình Định). Nguồn: Internet.

 

Đi tiên phong là Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, đi trung quân là Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, đi hậu quân là Lý Tài, Tập Đình, hai tướng người Hoa chỉ huy hai đạo quân người Hoa. Đạo tiên phong có 100 thớt voi do những lính người Thượng mặc quần áo thổ cẩm nhiều màu sắc làm quản tượng, tay cầm búa gỗ điều khiển. Trên lưng mỗi con voi có ba lính Tây Sơn mặc quân phục màu nâu, đầu buộc khăn đỏ, tay cầm gươm, giáo, đại đao, súng phun lửa, súng hỏa mai, lưng đeo tạc đạn, cung tên. 100 con voi như 100 trái núi di động bước đi nhanh như gió thật hùng dũng. Theo sau voi là 2000 chiến mã trên lưng là 2000 kỵ binh, mình mang giáp sắt, đầu buộc khăn đỏ. Theo sau chiến mã khoảng 2 vạn quân, quân phục nâu, đầu chít khăn đỏ, lưng đeo cung tên, tạc đạn, tay cầm giáo mác hoặc  súng hỏa mai. Trên đầu quân Tây Sơn pháp phới hàng nghìn cờ đỏ dài một phần tư trượng, trong nền đỏ có vòng tròn vàng. Trong quân có hai đơn vị là người thiểu số Tây Nguyên, cao to dũng mãnh đi tiên phong. Hai đơn vị này đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ. Nguyễn Nhạc cưỡi voi đi trung quân với lá cờ đỏ viết chữ vàng: “Tây Sơn Vương”. Ngoài ra còn có những băng đỏ dài ghi chữ vàng: “Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, “Diệt Trương Phúc Loan, phò Hoàng Tôn Dương”. Trên đường đi Quy Nhơn, bách tính ra đứng chật đường chào đón và úy lạo. Hàng nghìn trai tráng tự nguyện gia nhập quân Tây Sơn. Cờ đỏ rợp trời đất, trống lớn khua vang động không gian. Quân đi rung chuyển mặt đất báo hiệu những cơn bão táp Đàng Trong của những người nghèo khổ vùng dậy để lật nhào chế độ tàn bạo của chúa Nguyễn bắt đầu.

Năm 1602, Nguyễn Hoàng đã đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, đặt lại chức tuần phủ, khám lý. Phủ lỵ đặt tại thành Quy Nhơn, xưa là thành Đồ Bàn, một thời là kinh đô của Chiêm Thành, nằm giữa huyện Tuy Viễn và huyện Phù Ly. Cách một dặm về phía Tây là rừng thông xanh mướt. Phủ thành Quy Nhơn là lỵ sở trấn trị hành chính quân sự quan trọng của chúa Nguyễn Đàng Trong dưới sự cai trị của tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên. Tường thành được xây bằng đá ong cao và dầy chắc chắn. Phủ Thành lại được bao phủ bởi hệ thống sông suối và các ngọn đồi, tạo nên những vòng hào, những bức tường tự nhiên che chắn. Hai nhánh sông Cầu Ngắn phía Bắc, sông Cầu Dài ở phía Nam tạo vòng tròn bao bọc toàn bộ phủ thành. Ngoài ra, còn có ngọn đồi Tháp Phú Lốc ở phía Đông Bắc và núi Mò ở phía Đông, đồi Tháp Gầy ở phía Nam. Bởi vậy Quy Nhơn năm 1773 là căn cứ quân sự quan trọng trong hệ thống phòng thủ của chúa Nguyễn.

20.000 quân bộ, 2000 kỵ binh, 100 thớt voi quân Tây Sơn bao vây thành Quy Nhơn nhưng không tiếp cận được, chỉ dừng lại ở sông Cầu Ngắn và sông Cầu Dài. Trên thành cờ vàng bay phấp phới. Quân Nguyễn đứng trên mặt thành chuẩn bị chiến đấu. Bên ngoài từ xa, quân Tây Sơn ném tạc đạn, phun hỏa hổ, bắn súng hỏa mai nhưng không tới mặt thành. Đạn chỉ nổ ngoài thành, lửa như ánh chớp. Quân Trên thành bắn ra cũng không tới được quân Tây Sơn, Voi Tây Sơn đứng nhìn và gầm vang lên. Ngựa bị ghì cương chồm hai vó trước lên trời mà lồng lộn hí vang.

Sau ba ngày bao vây, Nguyễn Nhạc cho quân rút lui để tránh viện binh quân Nguyễn tới, trong đánh ra ,ngoài đánh vào thì quân Tây Sơn sẽ vỡ trận. Trong tổng hành dinh, Nguyễn Nhạc và các tướng đang bàn cách đánh thành, chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên có bố cáo gửi bách tính ạ.

Nguyễn Nhạc cầm bản bố cáo đọc. Nguyễn Khắc Tuyên viết: “Nay bố cáo, ai bắt được thủ lĩnh của giặc Tây Sơn Nguyễn Nhạc đem nộp, bản phủ sẽ thưởng 100 lạng bạc, thưởng chức tri huyện, hưởng lộc triều đình muôn đời con cháu”.

Nguyễn Nhạc đọc xong truyền cho các tướng cùng đọc, Bỗng Nguyễn Nhạc nói:

-Có rồi, có kế hạ thành Quy Nhơn rồi.

- Kế như thế nào, thưa chúa công?

-Nay ta tương kế tựu kế, ta sẽ ngồi vào cũi cho 10 người khênh vào nói là đã bắt được ta đem nộp, dụ cho Nguyễn Khắc Tuyên mở cổng thành, ta sẽ phá cũi ra cùng 10 người lính tiêu diệt địch chiếm thành.

Nguyễn Huệ nói:

-Nên cho 100 lính nữa ăn mặc quần áo rách rưới giả bách tính theo sau hò reo tỏ vẻ vui mừng, khi cổng thành mở cùng xông vào chiến đấu. 110 người này phải võ nghệ cao cường vì trong thành chúng có 1 vạn quân, rất khó khăn và nguy hiểm cho huynh.

Trần Quang Diệu nói:

-Mạt tướng có cách này đỡ nguy hiểm cho chúa công, đêm nay mạt tướng và tướng Nguyễn Huệ mỗi người chỉ huy 1000 quân tinh nhuệ, giả làm thường dân vào tiếp cận gần  thành, khi có tín hiệu cổng thành mở thì xông vào tiếp ứng.

Nguyễn Nhạc nói:

-Hay lắm, ta cũng cho 2 vạn quân không cờ, không trống giả làm thường dân ẩn vào các làng gần thành để nhanh chóng tiếp cận thành.

Võ Văn Dũng cũng nói:

-Mạt tướng tán thành mọi kế hoạch như vậy nhưng để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho chúa công thì có cách này.

-Cách gì?

-Chọn một người hóa trang giống chúa công ngồi vào cũi, trên thành cao nhìn xuống xa đến 4 trượng, Nguyễn Khắc Tuyên làm sao phân biệt được.

Nguyễn Nhạc nói:

-Chọn người giống ta nhưng phải giỏi võ nữa thì tốt. Rồi cứ như vậy. Giao cho Nguyễn Huệ và Trần Quang Diệu triển khai thực hiện kế sách này đi.

-Tuân lệnh chúa công.

Một sáng, tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên trong phủ thành Quy Nhơn sau bữa ăn sáng đang ngồi uống trà thì có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm tuần phủ, có tin mừng.

-Tin mừng gì vây?

-Dạ, dân làng đã lừa Nguyễn Nhạc uống rượu say, bắt được và cho vào  cũi sắt đang khênh đến cổng phủ thành, đang chờ lệnh của  tuần phủ đại nhân ạ.

Nguyễn Khắc Tuyên vội lên thành nhìn xuống. Bên ngoài ngay cổng chính phía Nam của thành, 10 người đàn ông quần áo nâu thường dân khênh một cũi sắt, trong cũi có một người đang say. Chung quanh là 100 thảo dân khác đi theo. Một người cầm loa đang loa to:

-Loa, loa, loa…báo cho bách tính Tuy Viễn và Phù Ly biết, đã bắt được đầu sỏ của giặc Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, loa, loa, loa …Ngài tuần phủ đại nhân hãy mở cổng thành để bọn thảo dân đưa Nhạc vào và lĩnh thưởng, Loa, loa, loa…

Nguyễn Khắc Tuyên từ trên cao nhìn xuống thấy đúng người say trong cũi sắt là Nguyễn Nhạc. Nguyễn Khắc Tuyên cả mừng đi xuống, mở cái lỗ trong của cổng bằng cái bát nhìn ra và thận trọng nói:

-Chỉ được hai người khênh cũi vào trong thôi.

-Dạ tuân lệnh đại nhân.

Hai người ghé vai vào nhấc cũi lên nhưng cũi không nhúc nhích:

-Ôi nặng quá.

-Dạ bẩm đại nhân, cái cũi sắt quá nặng, Nguyễn Nhạc cũng nặng, hai người chứ 8 người khênh còn không đi nổi.

Nguyễn Khắc Tuyên nói:

-Cho cả 8 đứa khênh vào, còn bọn thảo dân hò reo kia đứng ngoài.

-Dạ, tuân lệnh đại nhân.

Nguyễn Khắc Tuyên ra lệnh:

-Mở cổng thành.

-Dạ, tuân lệnh đại nhân.

(Còn nữa)

CVL