Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 25)

PGS TS Cao Văn Liên

18/06/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.      

Kỳ 25.

Pôn béc tức giận tái mặt, đẩy bức thư cho Đơ Cuốc xi nói:

-Ngài đọc đi, thư trả lời của Hàm Nghi đấy.

  Đơ Cuốc xi  đọc xong nói:

-Kế hoạch dụ hàng Hàm Nghi thất bại, ngài định thế nào?

  Pôn béc nói:

-Dụ hàng không được thì ta lùng bắt Hàm Nghi vậy.

  Đơ Cuốc xi nói:

-Vấn đề là chúng ta không biết Hàm Nghi ở đâu, không biết đường mà đi vào đó bị mai phục thì chắc chết hết.

cambathuoc-1655475890.jpg
Cầm Bá Thước (1859–1895) người tù trưởng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp ở Thanh Hóa. Nguồn: vinabooks.vn

 

  Nghĩ một lúc, Đơ Cuốc xi nói:

-Ta phải qua chính người của Hàm Nghi đang ở sơn phòng Quảng Bình dẫn đường thì không bị mai phục mà còn bất ngờ thì quân bảo vệ Hàm Nghi không kịp chống đỡ. Nghe nói Hàm Nghi đang ở thượng nguồn sông Gianh.

-Ý ngài là dùng nội gian.

-Phải rồi, trong các cuộc chiến ta đánh Nam Kỳ, Bắc Kỳ, bao nhiêu kẻ người Việt vì tiền bạc, vinh thân phì gia đã phản bội tổ quốc, quê hương của họ, dẫn đường chỉ lối góp phần chiến thắng của quân ta. Thời nào cũng có bọn Pháp gian ở Pháp quốc thì ở Đại Nam  cũng vậy, thời nào cũng có bọn Việt gian tham tiền, tham chức vụ, danh lợi bán nước, bán vua. A, ta nhớ ra rồi. Có một tên là Phạm Văn Mỹ, từng là cận thần của vua Hàm Nghi đã đầu hàng ta. Nay qua người này bắt mối, mua chuộc cận vệ của Hàm Nghi chắc việc thành công. Ta  hứa thưởng cho chúng vài trăm lạng bạc, thêm chức vụ lãnh binh, tri huyện hoặc tri phủ thì bảo đảm chúng sẽ phản bội Hàm Nghi, dẫn đường vào sơn phòng cho ta.

  Pôn béc vui mừng nói:

-Ngài nói phải lắm.

  Vài ngày sau, Toàn quyền Pôn béc nói với Đơ Cuốc xi:

-Tên Phạm Văn Mỹ nói đã bắt mối được với tên đội Nguyễn Đình Tình và Lãnh binh Trương Quang Ngọc trong đội quân bảo vệ Hàm Nghi.

 Đơ Cuốc xi  cười ha hả:

-Vậy là việc lớn thành công đến nơi rồi. Vả lại, tình hình quân sự cũng rất thuận lợi cho ta bắt Hàm Nghi. Ba đạo quân chốt đường vào sơn phòng đã tan rã, Nguyễn Phạm Tuân đã tử trận và đội quân của ông ta đã bị bị xóa sổ, quân của Lê Trực tan rã sau khi ông ta ra đầu thú để cứu vợ con bị ta bắt, còn Tôn Thất Đạm đang ngoài Hà Tĩnh, đại diện cho vua Hàm Nghi liên hệ với Cần Vương Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Tôi cam đoan rằng lực lượng bảo vệ Hàm Nghi hiện nay rất mỏng.

Và hai tên thực dân chạm cốc:

-Chúc việc lớn thành công.

  Tại sơn phòng Khe Ve, Tà Bảo, tổng Thanh Lạng, Minh Hóa Quảng Bình, bóng đêm bao phủ mịt mùng khắp sông Nan và thượng nguồn sông Gianh, chỉ còn nghe tiếng gió thổi lá cây xào xạc trút lá, tiếng côn trùng rỉ rả buồn thê lương trong đêm khuya. Chợt có một toán lính súng lăm lăm trong tay tiến vào căn cứ. Có tiếng quân ngự lâm quát:

-Ai, dừng lại, các ngươi đi đâu?

  Dưới ánh đuốc lập lòe, tướng ngự lâm quân Tôn Thất Thiệp nhìn thấy đi đầu toán lính là suất đội Nguyễn Đình Tình và Lãnh binh của Hàm Nghi là Trương Quang Ngọc. Tôn Thất Thiệp hỏi:

-Đêm khuya, hai ngài đem quân tiến vào hành cung của hoàng thượng làm gì vậy?

  Nguyễn Đình Tình đáp:

-Thưa tướng quân, có thư khẩn của quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết từ Trung Quốc gửi về, phải trình hoàng thượng gấp.

  Tôn Thất Thiệp không nghi ngờ, mở đường cho Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc đi vào. Khi vừa đến gần nhà ở của vua Hàm Nghi, bọn lính cùng Nguyễn Đình Tình, Trương Quang Ngọc bất ngờ nổ súng bắn chết tiểu đội ngự lâm quân và cả Tôn Thất Thiệp. Cha con Thống chế Nguyễn Thúy nghe tiếng động chạy ra cũng bị bắn chết. Vua Hàm Nghi đang ngủ, vội vùng dậy thì đã bị Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc bắt. Dưới ánh đuốc, vua Hàm Nghi nhận ra hai kẻ bắt mình là Nguyễn Đình Tình, Trương Quang Ngọc, những kẻ hầu cận của mình. Vua nổi giận mắng:

-Đồ phản vua, phản quốc, không bằng loài súc sinh. Mày giết tao đi.

  Trương Quang Ngọc nhếch mép cười đáp:

-Giết ngài thì làm sao chúng ta lấy được 500 lạng bạc mà ngài toàn quyền Pháp treo thưởng.

  Vua Hàm Nghi mắng:

-Thì ra chúng mày tham vàng bạc mà phản vua, phản quốc. Đất nước ngày nay mất vào tay ngoại bang phần lớn do bọn Việt gian như chúng mày.

  Nguyễn Đình Tình nói:

-Ngày xưa, cha ông của ngài làm vua có nghĩ tới dân tình đói khổ, lầm than mà giảm sưu thuế đâu, mà không nghĩ tới dân thì đâu có nghĩ tới nước. Các ông đã làm mất nước từ khi làm mất lòng dân rồi.

  Vua Hàm Nghi nói:

-Chúng mày không thoát kiếp nạn đâu. Quân Cần Vương các nơi sẽ xẻo thịt chúng mày. Vàng bạc và quân Pháp không bảo vệ được mạng của chúng mày và gia đình đâu.

  Tới đó thì Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc cả sợ. Hai đứa run rẫy nhưng đã trót rồi, có quay đầu cũng không được nữa. Chúng dí súng buộc vua Hàm Nghi rời sơn phòng Khe Ve, Minh Hóa, Quảng Bình. Đó là đêm 1 tháng 11 năm 1888. Tình và Ngọc giao vua Hàm Nghi cho Pháp, nhận vài chục lạng bạc thưởng, chia nhau. Tên Ngọc nhận chức lãnh binh của Pháp, nhưng đến đâu nhậm chức cũng bị nhân sĩ và bách tính sỉ vả, sau nhục nhã quá, bỏ chức vụ trốn về Trà Cước, Minh Hóa, Quảng Bình, sa vào nghiện phiện, sống mà như chết. Năm 1893, Lãnh binh Thạch của nghĩa quân Phan Đình Phùng đã đến thi hành bản án phản quốc, phản vua và chém chết Ngọc. Còn Nguyễn Đình Tình rất sợ quân Cần Vương truy sát nên trốn về Nam Trung Kỳ và mất tích. Chúng đã mắc món nợ quá lớn với bách tính Đại Nam và quân Cần Vương. Còn Khâm sai chưởng lý quân vụ đại thần Tôn Thất Đạm, khi đó đang đại diện vua Hàm Nghi ở Hà Tĩnh, thấy mình không làm tròn trách nhiệm bảo vệ vua nên đã tự vẫn ở chùa Vân Liễu, thuộc núi Hoành Sơn, Quảng Bình. Năm đó Tôn Thất Đạm mới 19 tuổi. Tôn Thất Thiệp hy sinh lúc 15 tuổi trong đêm bảo vệ vua Hàm Nghi.

  Pháp đưa vua Hàm Nghi xuống tàu Bông nơ Fo do một viên trung úy chỉ huy, đi từ Thuận Bài qua Bố Trạch, qua Đồng Hới và ngày 22 tháng 11 năm 1888 về đến cửa Thuận An. Triều đình Huế và vua Đồng Khánh được tin định ra đón vua Hàm Nghi nhưng Pháp không cho, sợ nhân dân bị kích động và nổi dậy đòi thả vua. Ngày 25 tháng 11, vua bị đưa vào Lăng Cô. Ngày 13 tháng 12 năm 1888, giặc đưa vua vào Sài Gòn và đưa xuống tàu Biên Hòa, vượt đại dương đi đày ở Bắc Phi. Ngày 13 tháng 1 năm 1889, vua đến thủ đô An giê của An giê ri, một thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. Khi đó vua Hàm Nghi mới 18 tuổi. Pháp đưa vua về biêt thự “Rừng Thông”, làng Fơ  bi e, cách thủ đô An giê 5 km. Tháng 11 năm 1889, vua Hàm Nghi bắt đầu học tiếng Pháp và sau này ông nói và viết rất thông thạo Pháp ngữ. Nhà vua cũng hứng thú với sáng tạo nghệ thuật vẽ tranh. Bức tranh “Chiều tà" của ông ký tên Xuân Tử rất nổi tiếng. Ngày 24 tháng 11 năm 2010 bán đấu giá tác phẩm "Chiều tà”của ông ở Pa ri được 800 Ơ rô.

  Năm 1904, vua Hàm Nghi kết hôn với bà Méc xơ La lô e (1884-1974) là Chánh tòa thượng thẩm An giê. Hai ông bà sinh ba người con: công chúa La lô e, công chúa Như Mai (1905-1999) là kỹ sư canh nông, công chúa Như Luân (1908-2005), tiến sĩ y khoa và một hoàng tử là Minh Đức (1910-1990). Hai ông bà Hàm Nghi có ba cháu ngoại.

  Ngày 14 tháng 1 năm 1944, vua Hàm Nghi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày tại biệt thự Gia Long, thủ đô An giê, thọ 72 tuổi, mai táng tại To nác (Pháp). Suốt cuộc đời, vua Hàm Nghi không bao giờ nguôi ngoai được nỗi hờn vong quốc. Dù sự nghiệp cứu nước không thành do nhiều nguyên nhân, nhưng nhà vua là một người yêu nước và suốt đời đấu tranh cho độc lập, tự do của đất nước.

*       *

*

  Sau khi từ biệt Triều đình kháng chiến, Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn, Ngụy Khắc Kiều xuyên qua núi rừng Hà Tĩnh, Nghệ An, tháng 3 năm 1886 ba người tới Cẩm Thủy rồi Thạch thành là hai huyện miền núi của Thanh Hóa. Tại đây, Tôn Thất Thuyết nói với Trần Xuân Soạn và Ngụy Khắc Kiều:

-Hai tướng quân phải ở lại đây phát động khởi nghĩa ở Thanh Hóa, thực hiện chiếu Cần Vương và hỗ trợ cho nghĩa quân của Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh.

  Trần Xuân Soạn và Nguyễn Khắc Ngụy nói:

-Xin tuân lệnh quan Phụ chính. Quan phụ chính bảo trọng, chúc ngài thượng lộ bình an.

-Đa tạ, chúc hai tướng quân thành công.

  Từ biệt hai người, Tôn Thất Thuyết đến tổng Trịnh Ván thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Tại đây, Cầm Bá Thước ra đón. Tôn Thất Thuyết nói:

-Ngài phải dấy binh khởi nghĩa chống Pháp, gây dựng phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa, phối hợp với Ngụy Khắc Kiều, Trần Xuân Soạn đang chuẩn bị khởi nghĩa ở Cẩm Thủy và Thạch Thành.

  Cầm Bá Thước chắp tay đáp:

-Xin tuân lệnh quan Phụ chính.

  Ngày 22 tháng 4 năm 1886, Tôn Thất Thuyết qua châu Quan Hóa gặp Hà Văn Mao. Tôn Thất Thuyết cũng thúc dục Hà Văn Mao khởi nghĩa. Hà Văn Mao đáp:

-Xin tuân lệnh quan Phụ chính.

  Tháng 2 năm 1887, Tôn Thất Thuyết đến Vân Nam và từ Vân Nam đến Quảng Đông, gặp Tổng đốc Quảng Đông. Trong bữa tiệc rượu đón tiếp của Tổng đốc, Tôn Thất Thuyết nói:

-Ngày nay cả Đại Nam và Trung Hoa có chung một kẻ thù là giặc Pháp, ngài hãy tâu với hoàng đế nhà Thanh viện trợ cho Việt Nam chống Pháp.

  Tổng đốc Quảng Đông nâng cốc:

-Xin chúc mừng cuộc hội ngộ với quan Phụ chính. Ý kiến của ngài bản Tổng đốc sẽ tâu với hoàng thượng của ta. Xin mời cạn chén.

  Sau đó, không biết Tổng đốc Quảng Đông có tấu lên Bắc Kinh không mà nhà Thanh im lặng. Cuộc cầu viện của quan Phụ chính bất thành.

  Cuối năm 1888, Trần Xuân Soạn sang Quảng Đông báo tin cho Tôn Thất Thuyết:

-Bẩm quan Phụ chính, Hai tên lính cận vệ của hoàng thượng Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc phản bội, đã dẫn đường cho quân Pháp bắt hoàng thượng ở sơn phòng Minh Hóa, Quảng Bình. Hai tướng quân Tôn Thất Thiệp và Nguyễn Thúy vì bảo vệ hoàng thượng cũng đã hy sinh. Tướng quân Tôn Thất Đạm cảm thấy không hoàn thành việc bảo vệ hoàng thượng nên cũng tự vẫn hy sinh.

(Còn nữa)

CVL                                                                

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 25)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn