Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 10)

PGS TS Cao Văn Liên

18/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.         

Kỳ 10.

Người lính đi ra thì Đề Thám cũng đứng dậy đi ra cửa đón. Đề Thám gặp Thân Bá Phức trước cửa phòng. Đề Thám chắp tay cúi đầu:

-Con kính chào nghĩa phụ.

-Không dám, không dám, lão phu chào Đề đốc tướng quân.

-Kính mời nghĩa phụ vào cùng xem hát bội.

Đề Thám dẫn Bá Phức vào cùng ngồi xuống ghế tràng kỷ, rót ra hai chén rượu:

-Xin mời nghĩa phụ dùng rượu.

ch-yen-thedsc-6479-1658061586.jpg
Thành lũy chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế ở Hố Chuối năm 1890 và Đồng Hom năm 1892…, thể hiện rõ nét qua câu truyền miệng của nhân dân “Đất này là đất cụ Đề - Tây lên thì có, Tây về thì không”.. Ảnh: VOV.VN

 

Hai người bê chén, cùng uống, cùng nhìn về sân khấu ra vẻ xem. Thân Bá Phức hỏi:

-Xem hát vui thế này, Đặng phu nhân không đi cùng Đề đốc sao?

-Dạ, nhà con còn bận lo lương thực cho nghĩa quân.

Thân Bá Phức gật gù:

-Chà, vừa là nữ tướng chỉ huy chiến đấu giỏi, lại còn kiêm vai “Bà Chúa Kho” nữa, quá giỏi, quá đảm đang.

Đề Thám cùng Thân Bá Phức uống và cười nói vui vẻ.

Trong khi đó hai người lính của Bá Phức cũng được vào phòng, đứng sau Bá Phức và Đề Thám cách 2m, gần bức tường. Một người tay cầm một cái hộp gỗ, chắc là dụng cụ cá nhân của Bá Phức. Lính bảo vệ của Đề Thám thấy họ không mang vũ khí nên cũng yên tâm. Đề Thám và Thân Bá Phức lại uống. Canh giờ sau, bỗng nhiên Thân Bá Phức ôm bụng gục xuống bàn và kêu:

-Ta đau bụng quá. Chết mất.

Đề Thám và lính cận vệ hốt hoảng. Hai người lính của Thân Bá Phức chạy lại sau lưng và hỏi:

-Thưa ngài làm sao vậy?

-Ta đau bụng quá, không chịu nổi, dìu ta về đi.

Một người lính của Bá Phức nhân lúc nhốn nháo đã đặt chiếc hộp gỗ xuống và đẩy sâu vào dưới ghế tràng kỷ, nơi Đề Thám ngồi và vội vã cùng người kia dìu Bá Phức ra ngoài. Đề Thám và mọi người cũng ra theo. Đề Thám gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Đem hai con ngựa ra đây.

-Dạ.

Có ngựa, mọi người dìu Bá Phức ngồi sau, ôm người lính ngồi trước cho khỏi ngã, hai con ngựa lồng lên phi nước đại đưa ba người ra khỏi đồn Hữu Nhuế. Đề Thám và mọi người còn đứng trông theo Thân Bá Phức, chợt trong phòng tuồng một tiếng nổ cực lớn phát ra. Sau tiếng nổ là những làn khói đen đặc khét lẹt tỏa ra. Một người lính hốt hoảng chạy ra báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, cái hộp gỗ của ngài Thân Bá Phức quên dưới gầm ghế tràng kỷ, nơi ngài ngồi xem hát phát nổ. Bàn và ghế tan nát.

-Lính của ta và đám hát bội có ai việc gì không?

-Dạ lính của ta theo ngài ra ngoài hết, đám hát ở xa nằm xuống nên không ai việc gì, chỉ là họ rất hoảng sợ.

-Vào trả tiền công cho họ và bảo họ về đi.

-Dạ, tuân lệnh.

-Còn nữa, thu dọn chỗ cháy nổ đi. Báo cho bà Ba biết xong cơm tối nay triệu tập các tướng lĩnh họp để đánh quân Pháp ngày mai.

-Dạ, tuân lệnh Đề đốc.

Sớm hôm sau, có mặt trong Tổng hành dinh quân Pháp ở Nhã Nam gồm Khâm sai đại thần Lê Hoan, Công sứ Bắc Ninh Ma hê, Trung tá Va len xa. Sau khi cạn xong một lượt rượu, Lê Hoan nói:

-Theo kế hoạch, chiều hôm qua ngài Thân Bá Phức cùng hai người lính đem theo mìn nổ chậm đã đặt và ám sát được Đề Thám ở đồn Hữu Nhuế lúc Đề Thám đang ngồi xem tuồng. Để xác minh lại, sớm nay ta đã cho tình báo đi Cổ Nhuế do thám lại một lần nữa cho chắc chắn để chúng ta có kế hoạch hành động.

Lê Hoan vừa nói tới đó thì có lính tình báo về báo:

-Dạ, bẩm ngài Khâm sai, bẩm Công sứ, đồn Cổ Nhuế đã phát tang và đang tiến hành lễ viếng Đề Thám..

Công sứ Bắc Ninh Ma hê nói:

-Vậy chắc chắn Đề Thám đã chết, ngồi trên một quả mìn có sức nổ phá tường mà không tan xương nát thịt thì mới lạ. Ha!Ha!Ha! Quan Tổng đốc cử 200 lính Việt, ngài Va len xa chỉ huy 200 lính Pháp đến đồn Cổ Nhuế chiêu hàng, nếu không hàng thì giết hết.

Lê Hoan nói:

-Nay như rắn mất đầu, tang gia bối rối chắc là họ sẽ đầu hàng.

Mahê thúc giục không được chậm trễ, ra lệnh hành quân về Cổ Nhuế ngay trưa nay.

Va len xa đáp:

-Tuân lệnh ngài Công sứ.

Ma hê hỏi:

-Có cần tiến quân thành nhiều hướng bao vây và có cần mang đại bác không?

Lê Hoan nói:

-Quân của Đề Thám đang rối loạn, chúng ta vào để dụ hàng cần gì phải bao vây và đại bác.

Va len xa nói:

-Tuân lệnh ngài Khâm sai.

Trưa đó, quân Va len xa hành quân thành một khối đi theo đường chính vào Cổ Nhuế. Gọi là đường chính nhưng hai bên đường cây cối rậm rạp, còn đồn Cổ Nhuế thì cũng nằm trong khu rừng rậm, âm u bởi những cây lá che khuất. Từ xa, Va len xa đã nghe thấy tiếng kèn và tiếng trống ai điếu buồn bã dùng trong những đám tang của người Việt. Va len xa càng tin rằng Đề Thám đã chết, thúc quân đi gấp. Còn cách Cổ Nhuế 500 m, thốt nhiên súng hai bên đường từ rừng rậm bắn ra như mưa  vào quân Pháp. Ngay loạt đạn đầu, hàng chục tên đã gục xuống, máu phun đỏ đất. Tiếng kêu thất thanh hoảng loạn hòa trong tiếng súng nổ. Va len xa nói:

-Chúng ta bị mai phục rồi, rút nhanh.

Quân Pháp và quân Việt bắn loạn xạ vào hai bên đường và dày đạp lên xác đồng đội mà tháo chạy trở ra. Súng vẫn nổ, binh lính Pháp, Việt vẫn gục xuống. Khi đã thoát khỏi khu mai phục thì phía sau quân Yên Thế vừa bắn vừa truy kích theo. Va len xa và tàn quân khiếp đảm chạy một mạch về Nhã Nam. Điểm lại thì quân Va len xa chết 100 lính Việt, 70 lính Pháp. Chưa có trận nào tại Yên Thế suốt 9 năm nay mà quân Pháp và quân triều đình lại chết nhiều như vậy. Công sứ Ma hê tức giận đập bàn quát:

-Thì ra Bá Phức báo cáo láo, ông ta rõ ràng đã thông đồng với Đề Thám để tương kế tựu kế với chúng ta. Cần đem ra xử bắn.

Lê Hoan nói:

-Xin ngài Công sứ bớt giận, nếu xử bắn Bá Phức thì còn ai dám về hàng với chúng ta nữa, đại sự sẽ khó khăn hơn. Vả lại mìn đã đặt vào chỗ Đề Thám ngồi và mìn đã nổ, vì thế Bá Phức cho rằng Đề Thám đã chết. Không rõ Đề Thám đã thoát nạn bằng cách nào? Bá Phức vội thoát khỏi hiện trường thì làm sao biết chắc chắn được.

Ma hê nói:

-Chúng ta chuẩn bị lực lượng mở cuộc càn quét lớn đánh Đề Thám.Trung tá Va len xa.

-Có thuộc cấp.

-Trung tá đem theo 200 tay súng, 10 đại bác tiến đánh Hữu Nhuế. Đề phòng bị mai phục.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Đại úy Tô ken.

-Có thuộc cấp.

-Đại úy đem 100 tay súng, 20 khẩu đại bác đi hậu quân, tiếp ứng cho Trung tá Va len xa nếu bị mai phục. Khi đến Hữu Nhuế, cả hai cánh quân  triển khai thành thế vòng cung bao vây tấn  công đồn.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

Quân Pháp không bị mai phục và cả hai đạo quân triển khai thành vòng cung bao vây Hữu Nhuế. Chỉ còn cách Hữu Nhuế 500m  mà vẫn không thấy đồn vì bị rừng và dây leo che lấp. Dù vậy, Công sứ Ma hê vẫn ra lệnh:

-Nã đại bác 30 phút vào Hữu Nhuế.

-Tuân lệnh.

20 đại bác dàn hình cánh cung gần như từ ba hướng gầm lên như sấm sét phun những cục lửa liên tiếp vào Hữu Nhuế, đạn rơi xuống, gây khói lửa, tàn phá, cây cối bốc cháy ngả nghiêng gục đổ. Sau 30 phút bão lửa, Ma hê ra lệnh:

-Ngừng pháo kích, bộ binh xông lên.

  Binh lính đang nằm nghe lệnh đứng lên, dùng dao và kiếm phát dây cỏ rậm mở đường. Mải chặt cây cỏ mở đường, quân Pháp và quân khố xanh đã áp sát trận địa quân Yên Thế mà không biết. Tới khi hàng loạt đạn bắn xối xả như mưa, hàng chục lính Pháp và Việt gục xuồng, máu nhuộm đỏ cây rừng. Công sứ Ma hê hét lên:

-Nằm xuống.

Vừa hô xong thì Ma hê cảm thấy choáng váng, cánh tay phải bị đạn phun đầy máu. Hắn kinh hoàng. Theo lời của binh lính truyền nhau thì nếu bị bắn vào cánh tay phải tức là phát đạn đó của Đề Thám, còn trúng cánh tay trái thì phát đạn đó là của bà Ba Cẩn,  bắn cảnh cáo, còn tiến nữa thì phát thứ hai là trúng tim và bỏ mạng. Bên cạnh Công sứ, Đại úy Tô ken trúng đạn vào ngực đã gục xuống. Ma hê hoảng loạn ra lệnh:

-Rút lui, rút lui.

Quân lính được lệnh vội vàng quay đầu dày xéo lên nhau chạy ra. Chợt chúng nghe có tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng tù và tiếng hô xung phong vang vọng khắp núi rừng. Quân Yên Thế nhô lên khỏi trận địa phục kích vọt lên vừa bắn vừa truy kích. Nếu cự ly gần nhau thì quân Yên Thế dùng những chiếc sáo sắt (thiết địch côn) với những thế võ bí hiểm gia truyền giết chết quân địch trong chớp mắt, kẻ bị giết không vỡ đầu, không chảy máu. Quân Pháp kinh hoàng khiếp đảm phải gọi đại bác bắn chặn mới chạy thoát về Nhã Nam. Trong khi chạy chúng còn nghe tiếng sáo như dông bão, như thác nước ào ào phía sau như thiên binh vạn mã.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 10)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn