Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)

PGS TS Cao Văn Liên

10/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.      

Kỳ 2.

Sau đó Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh. Con cũng tham gia cuộc khởi nghĩa này và trở thành huynh đệ chiến hữu. Sau khi khởi nghĩa của Cai Kinh thất bại, con và Hoàng Hoa Thám về Yên Thế đi theo cuộc khởi nghĩa của Thân Bá Phức và Lương Văn Nắm, cuộc khởi nghĩa này đang làm cho quân Pháp khiếp sợ. Ngài Thân Bá Phức lại là cha nuôi của huynh Hoàng Hoa Thám đây. Hôm nay con về đây thăm cha và muội, lại gặp được huynh ấy ở đây thật là may mắn. Huynh đi đâu rồi lại về đây vậy?

can-cu-cua-nghia-quan-yen-the-1657370516.jpg
Căn cứ của nghĩa quân Yên Thế. Nguồn: Internet.

 

Hoàng Hoa Thám đáp:

-Đa tạ đệ đã giới thiệu kỹ về ta với thầy và với tiểu thư. Ta về Hưng Yên tìm gặp người thân, bây giờ lên Yên Thế, lại được gặp thầy với tiểu thư, với chiến hữu thật là may mắn. Nhưng đệ đi đâu vậy?

 Thống Luận đáp:

-Đệ đi Lạng Giang có việc, trên đường đi nhân tiện rẽ vào thăm cha và muội đây. Giới thiệu với huynh, đây là cha Đặng, cha nuôi của đệ, còn muội đây là Đặng Thị Nhu.

Hoàng Hoa Thám chắp tay:

-Thật may mắn được làm quen với thầy, với tiểu thư.

Rồi hỏi tiếp Thống Luận:

-Thế đệ đã về Lạng Giang chưa?

-Chưa, đệ thăm cha và muội rồi mới đi.

-Vậy bao giờ thì đệ về Yên Thế?

Thống Luận chưa kịp trả lời thì thầy Đặng đã nói:

-Vội gì, con và tướng quân cứ ở chơi vài ngày rồi hãy đi.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Đạ tạ thầy, đa tạ tiểu thư.

Thầy Đặng hỏi:

-Con nói qua về ngài Thân Bá Phức và ngài Lương Văn Nắm cho cha biết chút.

Thống Luận bê chén nước, uống một hơi rồi trả lời:

-Thưa cha, Đề Nắm, tên đầy đủ là Lương Văn Nắm, quê quán ở Rừng Tràm, làng Gia Tiến, Yên Thế. Bố Đề Nắm mất sớm, theo mẹ về sống ở quê ngoại thuộc làng Khủa, xã Tân Trung. Lương Văn Nắm là người thông minh, tài trí, sức khỏe hơn người, ngang tàng hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, nhân đức thương người và hay giúp đỡ kẻ khốn khó. Lương Văn Nắm thường bênh vực và bảo vệ người nghèo, thường ra tay với bọn nhà giàu, bọn cường hào ác bá ức hiếp lê dân. Cho nên bọn cường hào ác bá rất sợ Đề Nắm, ngược lại bách tính trong vùng vô cùng mến mộ. Trước đây, rừng Yên Thế hoang vu hẻo lánh, hiểm trở nên bọn thảo khấu tụ họp hoành hành cướp bóc, quan lại triều đình bất lực. Dân làng Hà, làng Lèo, làng Mạc bèn suy tôn Lương Văn Nắm làm thủ lĩnh, dân thì làm nghĩa binh dẹp giặc cướp. Khi giặc thảo khấu tan thì giặc Khăn Vàng bên Tàu tràn sang cướp bóc, đề Nắm lại đánh tan giặc Khăn Vàng. Dẹp tan giặc Khăn Vàng thì giặc Pháp tấn công thành Bắc Ninh và Bắc Giang. Đề Nắm là một trong những thủ lĩnh tập hợp trai tráng ở Yên Thế chống Pháp. Quân số của Đề Nắm hiện nay có khoảng vài trăm tay súng, trong số đó có những thủ lĩnh tài giỏi. Đề Nắm còn liên kết với các thủ lĩnh chống Pháp như với Lưu Vĩnh Phúc, với thủ lĩnh người Thái Đèo Văn Tri.

Thống Luận ngừng lại uống nước rồi nói:

-Thưa cha, ngài Thân Bá Phức là nghĩa phụ của huynh Hoàng Hoa Thám đây. Vậy huynh nói tiếp về thủ lĩnh Thân Bá Phức cho cha biết đi.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Thưa thầy, Thân Bá Phức sinh năm 1820 tại làng Trũng, thôn Ngọc Châu, xã Ngọc Nham, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Lớn lên trong thời loạn lạc nên Thân Bá Phức sớm suy nghĩ về chí của trang nam tử là phải xông pha trận mạc để thỏa chí tang bồng. Thân Bá Phức đã đánh dẹp bọn cướp của Lãnh Tư ở làng Nhã Nam. Dẹp xong cướp, Thân Bá Phức đem thủ hạ theo cuộc khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh chống Pháp và chống Triều đình ở Hữu Lũng Lạng Sơn, đã tham gia trận đánh Pháp ở Bắc Lệ. Trận này Cai Kinh đã làm cho quân Pháp đại bại và khiếp sợ. Trong khi tham gia khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh, Thân Bá Phức đồng thời xây dựng căn cứ ở Yên Thế, xây dựng Song Yên (Yên Dũng-Yên Thế) quân thứ. Bá Phức được Hoàng thượng Hàm Nghi phong là Thống đốc quân vụ quân thứ Song Yên. Vì Thế, Thân Bá Phức là lãnh tụ tối cao của Yên Thế, còn Đề nắm là Tổng chỉ huy về quân sự.

Thầy Đặng gật gù:

-Từ khi khởi binh chống Pháp, Bá Phức và Đề Nắm có đánh thắng Pháp trận nào không?

Thống Luận đáp:

-Thưa cha, trong tháng 11 năm 1880, quân Pháp tấn công vào căn cứ Cao Thượng, Đề Nắm đã chỉ huy nghĩa quân đánh bại  chúng. Tháng 12 năm 1880, quân Pháp ba lần tấn công vào đồn Hố Chuối, một trong số căn cứ lớn của quân ta nhưng cả ba lần chúng đều bị thất bại. Đến năm 1881, nghĩa quân mở rộng địa bàn hoạt động ra cả Phủ Lạng Thương. Quân Pháp tập trung lực lượng rất lớn tấn công đồn Hố Chuối. Quân ta rút lên đồn Hom để bảo toàn lực lượng. Ngày 16 tháng 3 năm 1884, quân Pháp tấn công lên Tĩnh Đạo, Quang Tiến, Yên Thế và tấn công lên Thái Nguyên. Đề Nắm chỉ huy nghĩa quân đánh cho Pháp phải tháo chạy. Sau trận này, Đề Nắm và toàn bộ nghĩa quân làm lễ tế cờ tại đình Hả, chính thức phát động và tuyên bố chống thực dân Pháp xâm lược.

 - Ngày 5 tháng 12 năm 1885, Đuy gen ne đem 300 quân, một tiểu đội pháo binh, một đơn vị kỵ binh tấn công nhưng cũng bị đánh bại. Hiện nay, Pháp tạm thời rút về Nhã Nam, hai bên còn tạm thời ngưng chiến nên con mới có điều kiện về thăm cha và muội, huynh Hoàng Hoa Thám mới có thời gian về thăm nhà ở Hưng Yên. Nhưng chiến sự sắp tới sẽ diễn ra khốc liệt, đang chờ chúng con về tham chiến.

Nghe Thống Luận nói xong, thầy Đặng  gật gù, còn Đặng Thị Nhu thì nói:

-Vậy là tìm đúng minh chủ rồi đấy, hai huynh lên đấy thả sức mà tung hoành giết giặc, thả sức chí anh hùng hảo hán tang bồng ngang dọc nha.

Thống Luận nói:

-Vậy huynh ở lại nhà cha Đặng vài ngày nói chuyện với cha cho vui. Mai đệ về Lạng Giang, xong việc sẽ trở lại đây cùng huynh về Phồn Xương?.

-Đa tạ đệ, đa tạ.

Thầy Đặng nói:

-Đêm khuya rồi, ba con đi nghỉ mai Thống Luận còn đi sớm.

-Đa tạ cha.

Thống Luận đi rồi, ngoài những buổi đi cúng bái cho các gia đình trong vùng, thầy Đặng thường ngồi đàm đạo với Hoàng Hoa Thám. Hoàng Hoa Thám thấy ông rất giỏi về bát quái, ngũ hành, kinh dịch, phong thủy. Cô Đặng Thị Nhu thì hết sức chăm lo cơm nước cho nghĩa phụ và cho Hoàng Hoa Thám. Cô còn giúp cha sắp xếp lễ lạt. Cô cũng rất am hiểu phong thủy, bói toán. Đôi khi Hoàng Hoa Thám bắt gặp ánh mắt xinh đẹp của cô nhìn mình với một vẻ trìu mến khác thường khiến Hoàng Hoa Thám, một người chỉ biết có súng gươm cũng bồi hồi xao xuyến.

  Vài hôm sau, Thống Luận quay về báo cho Hoàng Hoa Thám:

-Đệ xong việc rồi, chơi với cha một ngày nữa, ngày kia ta về Phồn Xương.

- Hoàng Hoa Thám nói:

-Vậy tốt quá rồi.

Đặng Thị Nhu ngồi cạnh cũng nói:

-Hai huynh đi cho muội đi cùng với. Muội cũng muốn tham gia khởi nghĩa giết giặc cứu nước.

Thống Luận nói:

-Muội là nữ nhi sao tham gia chiến trận được, vả lại muội còn phải ở nhà giúp cha.

Thầy Đặng nói:

-Thống Luận đây đã biết rồi nhưng tướng quân Hoàng Hoa Thám mới đến nên chưa biết. Em Nhu đây có chút nhan sắc, đảm đang hiền thục nên bọn cường hào ác bá vùng này đều nhòm ngó, đến dạm hỏi cho con họ hoặc cho chính họ. Nhưng em Nhu ghét chúng nên đã thẳng thừng từ chối. Có kẻ đã đe dọa sẽ dùng sức mạnh để ép duyên. Quan hệ giữa nhà ta với bọn cường hào ác bá ở đây đang rất xấu. Đêm qua, hai cha con ta đã bàn với nhau rồi. Muốn trừ được cái tai họa đang lơ lững trên đầu thì phải làm hai việc. Một là em Nhu phải lấy chồng, thứ hai là đi khỏi đây.

Thầy Đặng dừng lại uống chén nước và nói tiếp:

-Việc thứ nhất phải nhờ tướng quân Hoàng HoaThám đây. Tướng quân là người có tài có đức, đáng mặt làm trai thời loạn lạc nên em Nhu rất cảm tình và ngỏ lời muốn thành phu thê với tướng quân. Thứ hai, nếu tướng quân không từ chối, cưới nhau xong thì cả hai vợ chồng lên Phồn Xương để tránh xa bọn cường hào ác bá. Không biết ý tướng quân và nghĩa tử Luận thế nào?

Thống Luận nói:

-Lời cha nói chí phải, chỉ còn là huynh Hoàng Hoa Thám đây có đồng ý hay không thôi.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Đa tạ thầy, đa tạ đệ, đa tạ tiểu thư Đặng Thị Nhu nhưng con đã có vợ cả và vợ hai rồi ạ.

Thầy Đặng nói;

-Không sao, trai anh hùng năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Phong tục tập quán và pháp luật cho phép mà.

Hoàng Hoa Thám cảm thấy ánh mắt của Đặng Thị Nhu thương yêu nhìn mình, liền trả lời:

-Đa tạ, nếu tiểu thư đồng ý thì con xin vâng lời của thầy.

Thầy Đặng nói:

-Vậy ngày mai con Nhu chuẩn bị vài mâm cơm rượu, hai con vái lạy gia tiên để kết phu thê và để cha mời mấy bô lão láng giềng gần đây sang vui với nhà ta và cũng cho họ chứng giám cuộc hôn nhân của hai con là được.

Đặng Thị Nhu đáp:

-Con xin vâng lời cha.

(Còn nữa)

CVL                                                                                   

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn