Việt Nam tăng trưởng kinh tế ấn tượng và những thách thức cần thích ứng linh hoạt trong năm 2023

Vũ Xuân Bân

01/01/2023 11:25

Theo dõi trên

Những số liệu Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố: GDP 2022  tăng 8,02% so với năm trước - là mức tăng cao nhất giai đoạn 2011-2022; xuất siêu ước đạt 11,2 tỷ USD… cho thấy sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 - tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển trong năm 2023 cần phải triển khai quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm.

 Mức tăng trưởng GDP cao nhất thập niên nói trên của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng Top đầu ASEAN và khu vực châu Á Thái Bình Dương đã đưa mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 4.000 USD. Ở góc độ thị trường, kinh doanh, việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới vượt mức 208.000 doanh nghiệp, là con số cao gấp 10 lần thời kỳ đầu Đổi mới, đặc biệt so với thời điểm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, cho thấy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp của người dân tiếp tục được củng cố.

d1ha1-1-1672546976.jpg
Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (Nguồn: TTXVN)

 

Vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất 5 năm qua; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng trưởng hơn 11% và tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng đạt hơn 230 tỷ USD càng góp phần khẳng định thực tế này. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục - khoảng 730 tỷ USD - đưa Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế có hoạt động ngoại thương lớn trên quy mô toàn cầu.

Kinh tế số đã, đang và sẽ còn đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế nói chung. Những con số rất ấn tượng mới được công bố vẫn chỉ là định lượng. Các vấn đề định tính – về chất lượng phát triển cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Xét về quy mô kinh tế, thứ hạng của Việt Nam trong ASEAN sẽ thay đổi. Vị thế kinh tế Việt Nam sẽ rất khác. Nói vậy không có nghĩa kinh tế 2022 chỉ toàn điểm sáng.

Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế quốc tế bất định, khó lường tiềm ẩn những rủi ro, thách thức liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine dẫn đến căng thẳng về khí đốt về dầu lửa, vấn đề thương mại Mỹ - Trung Quốc, đặc biệt sự mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc - ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế của thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Diễn tiến đó có thể tác động nỗ lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đòi hỏi chúng ta cần khả năng nhạy bén, thích ứng linh hoạt hơn nữa trong năm 2023.

Bên cạnh những dấu mốc, những điểm mạnh, chúng ta cũng cần chú ý là tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã giảm tốc trong quý 4. Mức bán lẻ doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng trong tháng 12 tốc độ tăng cũng giảm, chậm lại. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 12 cũng tăng chậm lại so với tháng trước, phản ánh những khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như là những khó khăn doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải. Nguy cơ suy thoái vẫn trực chờ đối với nhiều nền kinh tế lớn trên toàn thế giới - những đối tác thương mại và đầu tư rất lớn của Việt Nam.

Cần khẳng định lại, GDP 8,02%, cùng nền tảng chính trị-xã hội ổn định – kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 là động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế năm mới 2023 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, như phân tích của các chuyên gia, để nền tảng đó thực sự vững chắc trong bối cảnh kinh tế quốc tế được dự báo biến động khôn lường, với nhiều rủi ro, thách thức, Việt Nam cần chủ động có những kế hoạch linh hoạt, thích ứng với bối cảnh quốc tế và thúc đẩy - lan toả được nội lực mạnh mẽ của tất cả các thành phần kinh tế.

Thực tiễn năm 2022 cho thấy rằng: Cốt lõi cho Việt Nam phát triển chính là nội lực. Nếu Chính sách đầu tư tốt, chính sách lao động và việc làm tốt, quan tâm đến những yếu tố về phát triển bền vững, tạo ra lòng tin của thế giới và lòng tin của cộng đồng các doanh nghiệp trên thế giới, họ sẽ tìm cách vào. Nó phải được nhìn ở góc độ Việt Nam không chỉ là thị trường cho khai thác mà là đối tác và các bên cùng có lợi.

Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 sau khi khống chế được đại dịch CoVid 19.  Việt Nam đề ra mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023 là: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược.

Trên cơ sở đó, Chính phủ nêu 15 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2023 về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, chúng ta cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Hơn lúc nào hết đòi hỏi vai trò của cấp vĩ mô phải năng động, nhạy bén hơn, thể hiện thích ứng linh hoạt ngày càng nhiều; trách nhiệm của cộng đồng kinh doanh và người dân phải thể hiện ngày càng mạnh mẽ hơn, tạo đà cho Việt Nam đạt được những kết quả ngoạn mục hơn, không chỉ trong năm mới 2023 mà cả những năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.

V.X.B

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam tăng trưởng kinh tế ấn tượng và những thách thức cần thích ứng linh hoạt trong năm 2023" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn