Viết ở Pò Hèn

Mặc dù đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng giờ đây tôi vẫn không thể nào quên được những câu chuyện về ký ức hào hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở Pò Hèn (tỉnh Quảng Ninh), tháng 2-1979. Những hình ảnh đó vẫn còn như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

 

po-hen-1655474226.jpg
Nhóm cộng tác viên tại Pò Hèn - 3-1979. Tác giả đứng thứ 2 từ phải sang

Khi tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới, chúng tôi gồm 17 cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ các đơn vị quân binh chủng trực thuộc Đặc khu Quảng Ninh về dự lớp bồi dưỡng viết báo, tin, bài, phóng sựtại Cái Dăm, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, Đoàn của tôi có 5 anh em được tăng cường ra Pò Hèn, xã Hải Sơn, Móng Cái để viết về cuộc chiến đấu của quân và dân nơi đây. Theo bước chân của các chiến sĩ giao liên Binh trạm T5 đưa chúng tôi đi trên chiếc xe chở lương thực, thực phẩm ra biên giới. Xe chúng tôi luồn lách trên những con đường, trong những cánh rừng còn vương mùi thuốc súng và đại bác của kẻ địch.Dọc đường hành quân, sợ chúng tôi mệt và chưa quen chiến tranh, mấy chàng lính trẻsay sưa kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến đẫm máu ở Pò Hèn.

Sáng sớm 17-02-1979, cả người lớn và trẻ nhỏ xã Pò Hèn giật mình bởi những tiếng nổ lớn. Tiếng nổ mỗi lúc một dày đặc hơn, gần hơn, rung chuyển, vang dội cả những cánh rừng yên tĩnh. Đó là những loạt đạn pháo cối đầu tiên quân Trung Quốc xâm lược bất ngờ tấn công,bắn cấp tập vào Đồn 209- Pò Hèn.Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 209-Pò Hèn và cán bộ Lâm trường Hải Sơn cùng nhân viên thương nghiệp Móng Cái đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.Chiều Móng cái, trời mưa phùn, chân tay lạnh buốt, cảnh vật hoang tàn, một sự im lặng đến lạ lùng, không một bóng người qua lại. Chúng tôi run và sợ hãi, giữa cuộc chiến đấu sinh tử đó, chúng tôi gặp được anh dân quân người dân tộc Dao Thanh phán dẫn đường. Mỗi khi hỏi, anh lại thấy lòng mình đau quặn, xót nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng, cố kìm lại nhưng vẫn cứ trào ra. Anh trầm ngâm một lúc, đôi mắt sáng quắc, chuyển màu đỏ sẩm, buồn bã nói:

- Nghe một tiếng “Đoàng” giữa màn đêm tĩnh mịch ấy, tiếng súng bắn báo động của người lính gác vang lên. Đó là ca gác cuối cùng, khi ấy khoảng 5 giờ kém 15 phút. Cả đơn vị bàng hoàng.

- Tôi không chết, nhờ anh em đã che chở cho - Anh nói tiếp.

Đêm thứ Bảy, ngày 16-02-1979 cả Đồn Biên phòng 209- Pò Hèn ăn cơm tối hơi muộn so với mọi khi, chỉ có 2 chốt là Đồi Quế và Cửa Khẩu, chỉ huy cho các chiến sĩ ăn cơm sớm để làm nhiệm vụ thường trực chiến đấu. Bữa cơm tối hôm đó rất vui vẻ và đầm ấm, tiếng hát của các chiến sĩ trẻ vẫn vang lên hùng tráng, vì vẫn còn không khí của ngày Xuân năm mới Tết Kỷ Mùi, chỉ tiếc là không có rượu chúc mừng nhau.Không ngờ, bữa cơm hôm ấy là bữa cơm sum họp định mệnh, bữa cơm cuối cùng của các chiến sĩ Đồn Biên phòng 209- Pò Hèn. Chỉ sau một giấc ngủ đêm, anh em đồng chí, đồng đội đã mãi mãi chia xa, vĩnh viễn không bao giờ được gặp lại nhau nữa.

Đến 6 giờ 30 phút sáng, Đồn Biên phòng 209- Pò Hènbất ngờ bị địch tấn công dồn dập. Chúng điều động 1 trung đoàn bộ binh, chia làm 3 hướng tiến công,tiếp sau những trận pháo kích dữ dội là bộ binh vượt sông tràn sang biên giới nước ta. Cán bộ, chiến sĩ ở trong Đồn và các điểm chốt nổ súng đánh trả quyết liệt. Hôm đó Đồn trưởng đi công tác vắng, Trung úy- Đồn phó Đỗ Sĩ Họa và Chính trị viên Nguyễn Xuân Tảo đảm nhiệm việc chỉ huytoàn đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ ở trong Đồn và ba điểm chốt nhất loạt nổ súng quyết liệt. Địch dùng chiến thuật “biển người” ồ ạt tấn công. Sau mấy lần tấn công thất bại, địch rút quân ra xa, gọi pháo cối bắn cấp tập vào trận địa mở cuộc tấn công mới, lần này chúng đánh mạnh vào chốt Đồi Quế. Dù đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên địch, nhưng do lực lượng không cân sức nên đến 11 giờ cùng ngày, cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã hy sinh khá nhiều.

Chúng tôi có mặt ở Pò Hèn hơi muộn vì thời tiết không thuận lợi vả lại, dọc đường địch bắn phá liên tục, đất đá ngổn ngang chắn hết lối đi. Chúng tôi được bố trí ở trên một quả đồi xung quanh giao thông hào chằng chịt. Ngày đêm, tiếng đạn pháo bên kia biên giới bắn sang không lúc nào ngớt. Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, đối diện với mọi hiểm nguy đang rình rập. Những câu chuyện về sự chiến đấu quên mình của các cán bộ, chiến sĩ qua lời kể xúc động, nghẹn ngào của đồng bào ở đây đã thôi thúc chúng tôi cầm bút.Tôi càng thấm thía lời dặn dò của Nhà báo Văn Kháng trước lúc lên đường ra mặt trận: “Thực tế cuộc sống, chiến đấu rất phong phú, sự lý giải trên sách vở, tài liệu dù hay đến mấy cũng chỉ gần với thực tế mà thôi. Thực tế là câu trả lời phong phú nhất- Đó là câu mà bạn đọc cần biết…”

Đang mải mê nhìn về phía tiếng pháo và những cột khói đen ngòm, Ông Hoàng Như Lý, người dân tộc Tày, quê ở huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), chiến sĩ trinh sát Đồn 209- Pò Hèn kéo chúng tôi vào căn hầm trú ẩn và kể rất nhiều câu chuyện chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ ở Pò Hèn. Đó là câu chuyện vềChính trị viên Phạm Xuân Tảo, bị trúng mảnh đạn pháo của địch, nhưng anh vẫn lấy hơi cố bò tới chân Đồi Quế thì lịm đi vì vết thương quá nặng và anh đã hy sinh.

Đó là câu chuyện về mệnh lệnh của Đồn phó Đỗ Sĩ Họa. Sau nhiều lần địch tấn công nhưng không khuất phục được các chiến sĩ Đồn 209- Pò Hèn, quân Trung Quốc lại tiếp tục mở đợt tấn công ồ ạt hòng chiếm Đồn, nhằm tiến sâu vào đất liền nước ta. Trận chiến diễn ra rất ác liệt, bọn chúng ngày một tiến sát đến hầm giao thông hào của Đồn. Đồng chí Đỗ Sĩ Họa cùng các chiến sĩ đã dùng lựu đạn, súng tiểu liên và lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch. Trong tiếng pháo vang rền địch bắn sang, anh dõng dạc hô to: “Tuyệt đối không đồng chí nào được rời vị trí, quyết chiến đấu đến cùng với bọn chúng…”.Một lúc ngừng tiếng pháo, kẻ địch lại phóng loa mở hết tần số kêu gọi các chiến sĩ đầu hàng, anh tiếp tục ra mệnh lệnh: “Đừng nghe bọn chúng nói, anh em quyết tâm chiến đấu bảo vệ Đồn, nếu quân địch kéo đến ta bắn chết bỏ…”. Họ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước lúc hy sinh.

Đó là hình ảnh người chiến sĩ Hoàng Tiến Cờ, khi bị thương nặng, máu chảy từ hai bên mang tai xuống ướt đẫm cả khuôn mặt, nhưng anh vẫn cắn răng chịu đựng, cầm khẩu AK với ánh mắt trừng trừng, hét to lên: “Quyết đánh, quyết thắng anh em ơi!...”. Anh nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.

po-han2-1655474226.jpg
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn ngày nay

Đó là câu chuyện chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, nhân viên Thương nghiệpthị xã Móng Cái, dù được Đồn phó Đỗ Sĩ Họa khuyên lùi về phía sau, nhưng chị vẫn đi chuyền đạn, băng bó vết thương cho chiến sĩ, cùng với người yêu là Thượng sĩ Bùi Văn Lượng bám trụ mục tiêu. Chị bị thương ở cánh tay, được các chiến sĩ của Đồn đưa đi cấp cứu và yêu cầu rút về hầm trú ẩn, nhưng chị đã dứt khoát không chịu và tiếp tục ở lại chiến đấu cho đến lúc hy sinh…

Trong lúc chiến sự đang diễn ra căng thẳng và ác liệt, chiến sĩ cơ yếu đồn 209- Pò Hèn là Đoàn Tiến Phúc đã mưu trí, dũng cảm, mặc dù bị thương, nhưng anh vẫntìm mọi cách lấy thân mình che chở an toàn tài liệu mật mã để giữ vững liên lạc, vừa tham gia chiến đấu cùng đơn vị.Trong suốt 7 giờ đồng hồ,lực lượng của ta đã chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch,đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của quân Trung Quốc có pháo, súng cối và xe tăng yểm trợ. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đã giành giật từng tấc đất, từng mét hào giao thông, để bảo vệ Đồn.Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng Pò Hèn có nhiều tấm gương tiêu biểu về tinh thần dũng cảm, kiên quyết tấn công kẻ thù với phương châm: “Một tấc không đi, một ly không rời” dù còn một người cũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…

Ông Hoàng Như Lý, dân tộc Tày- người trinh sát dũng cảm của Đồn kể tiếp cho chúng tôi nghe về tội ác man rợ của quân xâm lược gây ra đối với nhân dân ở Pò Hèn. Ông Như Lý bồi hồi nhớ lại những câu chuyện xúc động về tình quân dân trong chiến đấu. Ông chia sẻ nỗi niềm băn khoăn vẫn còn nhiều chiến sĩ hy sinh, gia đình họ tự hào có con đã góp phần xương máu bảo vệ Tổ quốc, song nỗi buồn chưa biết được mộ phần con mình vẫn còn trăn trở đến tận cuối đời...Những người may mắn còn sống, có thân nhân bị quân Trung Quốc sát hại, dường như họ cũng cố quên đi và không muốn trở lại nơi này, bởi nó quá đau thương. “Không bao giờ quên được những đau thương đó. Hình ảnh thê thảm quá”- Ông nói như rút từ ruột gan.Chia sẻ ký ức về lửa đã cháy và máu đã đổ trên dải đất Pò Hèn, ông Hoàng Như Lýxót xa nhắc tới những đồng đội người còn, người mất, người nằm ở bờ khe, thung suối, sườn núi...Ông Hoàng Như Lýnhắc anh em chúng tôi đừng bao giờ quên tội ác man rợ của quân Trung quốc xâm lược.

Đã hơn 40 năm trôi qua, một số anh em trong nhóm cộng tác viên viết tin bài hồi đó đã có dịp trở về chiến trường xưa. Trên mảnh đất in đậm ký ức lịch sử hào hùng, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, không chỉ với người dân Pò Hèn mà cả xã Hải Sơn nói chung.Gặp lại những gương mặt trẻ nơi đây, họ đã thắp sáng lên mùa xuân mới, sức sống mới, gieo niềm hy vọng cho những chiến công mới nơi mảnh đất biên cương Đông Bắc.Đến Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn, lặng nhìn những bát hương, bia đá khắc tên tuổi biết bao người con của đất nước đã anh dũng nằm xuống, lòng chúng tôi thấy cuộn lên nhữngkhát vọng cháy bỏng: “Hòa bình- Độc lập- Tự do”. Từng tên núi, tên sông đều gắn với những chiến tích lẫy lừng. Mỗi tấc đất biên cương đều thấm máu của các anh hùng liệt sĩ, họ đã gửi lại tuổi xuân ở biên cương…Pò Hèn là nơi ghi dấu trận chiến đấu ác liệt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc hơn 40 năm trước và là nơi tưởng niệm 86 người con của đất nước đã anh dũng nằm xuống để giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Chúng tôi chia tay khi sương mù và mưa phùn còn phủ dày đặc trên đỉnh Pò Hèn. Sắc vàng của đồng lúa bội thu, sắc xanh của những cánh rừng bạt ngàn…Đất trời biên ải mênh mông, tĩnh lặng. Những làn hương khói vấn vít lan tỏa khắp núi đồi gợi nhớ biết bao ký ức bi tráng về những người con đã dũng cảm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. Tháng Ba, trời biên cương xanh ngắt, một màu xanh đến vô cùng. Dọc đường biên giới thấp thoáng những chùm hoa sở nở trắng tinh khôi, e ấp, dịu dàngđầy sức quyến rủ. Trong mây ngàn, gió núi, chúng tôi lại rưng rưng thoảng nghe câu hát xa xa và chợt nhớ: Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào đẹp hơn/ Khi mùa đào hoa nở/ Khi mùa sở ra cây/Lúa lượn bậc thang mây/ Mùi tỏa ngát hương bay... Chiều biên giới em ơi…!”.