Viết theo dòng Nhật ký chiến tranh

Những ngày cận Tết nguyên đán năm 1971, đơn vị chúng tôi rất vất vả chạy mùa mưa, rồi nước Lào về nước. Được bổ sung lính mới, được khen thưởng, được quân chủng tin cậy bí mất cho làm sân by Troóc trên đỉnh Trường Sơn một tháng. Ăn Tết ngay trên công trường và được lệnh tham gia hợp đồng các quân binh chủng, quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị.

dt1qs-1705975084.jpg

CCB thương binh Đặng Sỹ Ngọc. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Cuối tháng 3/1972, đơn vị đã giữ cầu Đông Hà. Đến ngày 28/4/1972, Mặt trận cho biết Đông Hà, Quảng Trị được giải phóng. Chúng tôi lại vượt sông Hiếu vào giữ vững sân bay Ái Tử và tiếp tục giữ vững Thành cổ. Theo thói quen tôi vẫn ghi được nhiều nhật ký trong kỳ này. Nay tôi ghi lại trung thực một số ngày của tháng 5 + tháng 6 năm 1972, chính xác với nhật ký đã được công bố năm 2006.

31-5-1972

Đang đọc Ruồi Trâu bỗng có tin đột ngột của một đồng chí trong ban cán bộ nói: “15 có Minh mất tích đã 3 ngày nay”. Tôi suy nghĩ buồn bã với anh trai, mới chỉ là tin miệng nhưng sao tôi buồn lo thế.

Tôi nghĩ đến anh quá nhiều cả ngày, nếu thế thì đau đớn làm sao. Chị Phượng biết thế nào?

Ôi, khổ cho chị ấy quá, thương anh vô hạn, thương cả chị nữa. Mình can đảm không khóc nhưng không hiểu sao người cứ run lên vì thương nhớ. Giải quyết thế nào đây? Tôi muốn về đơn vị, trước tiên là tìm hiểu về sự việc của anh, sau đó là công tác và chiến đấu.

2-6-1972

Tháng sáu đã đến, như thế ở hậu phương ngành sư phạm đã nghỉ hè. Thời gian trôi nhanh quá. Mới gặp Liễu, mới đó mà đã gần được một năm. Khoảng thời gian đó mình hoàn toàn man mác bồi hồi và cay đắng. Chẳng ai hiểu hết được lòng tôi. Có anh Minh, người thông cảm sâu sắc nhất thì đã có tin hy sinh. Tôi đau lòng mấy đêm nay không ngủ được.

Tiếng bom B52, tiếng pháo kích từ biển vào và các loại F khác điên cuồng hoạt động ráo riết. Trời thì mây mù nóng nực, lòng tôi cũng u ám như thế bởi vì cũng không muốn ở đây mãi. Vào thì đi thôi.

6-6-1972

Như những sáng khác, mới tửng mửng, bom đạn đã đánh thức và làm át đi những tiếng hót rộn ràng của chim. Nhưng rồi tiếng bom đó chỉ nhất thời, còn tiếng chim hót vẫn rộn ràng vang vang mãi.

Tôi thì không vui được như chim, tuy có hát, có đọc sách, viết thư, tú lơ khơ và tìm đồng hương Đức Thọ chơi nhưng đó chỉ là miễn cưỡng, không có việc gì lại đi kiếm củi, mua thực phẩm cho bếp. Điều tôi suy nghĩ lớn nhất là anh Minh - một con người đơn độc từ thủa bé, biết yêu lao động và tự chủ. Chính anh đã giúp đỡ mình rất nhiều, anh chết đi lấy ai để thông cảm, giúp đỡ mình yên vui mà công tác? Ở đời sao lại thế nhỉ? Những người quan trọng đối với tôi lại thường phải xa, phải chăng những anh chị đó gánh vác bớt gánh nặng cho mình? Nhưng đó chỉ là tưởng tượng, thần bí quá đi thôi.

8-6-1972

Một thị trấn như quê mình, chỉ có điều dân còn ít quá, nhà thì trúng bom đạn, trâu bò làm chủ nhà và vườn. Đơn vị bộ đội địa phương ở đó, họ làm hầm hố trong nhà, có lẽ để đón dân về nhưng chủ yếu là cho lực lượng ta.

Mình còn gặp một vài O bộ đội cùng huyện vào đây công tác quân y. Mình thương các O ấy nhiều. Suốt ngày đi chơi đồng hương và ra quân lục hái rau.

18 giờ rời thị trấn Cam Lộ, mình mến thương đồng quê và lưu luyến. Qua đường 9 và những đoạn đường lầy, dốc, đồi núi quanh co, qua những tên đất kể cả các cao điểm quân sự mới đặt cũng chẳng biết tên. Đến đơn vị tiểu đoàn lúc đã thật khuya.

9- 6-1972

Tắm giặt và nghỉ ở tiểu đoàn rồi chuẩn bị về đơn vị. Cách Ái Tử cũng không xa quá 3km đã nghe pháo kích từ Mỹ Chánh ra và ngoài biển vào. Đã nghe dội B52 và tiếng vo ve đáng ghét của OV.

Trời trở nắng và nóng nực oi bức. Nhớ đến lời khen của đồng hương hôm qua: “Anh đen và khỏe lắm”. Khỏe thì phát huy được còn đen thì cũng chẳng có cách nào khác. Dẫu sao tinh thần thì mình cũng cố gắng không nên tỏ ra lạc hậu so với anh em qua một tháng điều trị. Chắc anh em mến mình nhiều.

Mình nhận được thư của Sen, chà - có nhiều cảm xúc quá.

11 giờ về tới đơn vị, trong lúc đại đội bạn có tổn thất - Sang và mấy đồng chí không còn nữa. Anh em cán bộ, chiến sỹ niềm nở đón mình, chuyện trò tíu tít, kể cả Thiện. Về những ngày lẻ nên một số người bảo tôi không tốt nhưng lại duy tâm rồi. Một điều buồn vô hạn là không gặp được anh Minh. Tin chính thức anh Minh đã chết ở Ái Tử vì tọa độ. Anh em ngụy trang tương đối kín.

10-6-1972

Ngủ hầm suốt ngày, địch cũng ầm ầm suốt ngày. Tọa độ lớn hơn vì có những đám mây đen cao, có cả nhiều lần B52 ném bom. Trận địa rậm rạp, ra khỏi hầm là mùi thơm của hoa chặc chiu ngây ngất.

12-6-1972

Đi làm cộng sự cả ngày, uống gió Lào và nắng. Uống nước lã và lương khô. Người vẫn mệt nhừ. Tôi đã phải dùng mấy viên tăng lực và nghiệm thấy có hiệu quả. Tuy vậy tôi vẫn phải đánh giấc ngủ chiều say sưa.

Có điều kiện tôi được xem khu vực này là chính những chỗ quật nhau giữa ta và địch từ ngày chiếm Quảng Trị. Mấy xác người quắt khô, có cả ta. Đồ đạc vung vãi, có nhiều xe tăng cháy. Tôi đã rúc vào một tăng địch còn nguyên vẹn. Tôi đã ném chơi lựu đạn địch.

Đứng trên cao điểm 42 nhìn rõ các hướng. Hướng chủ yếu thích nhìn là Ái Tử và thị xã Quảng Trị Những khu nhà đã bị bom san phẳng và đang bốc cháy. Những chòi canh đen thui trơ trơ. Tất cả đang bị máy bay kẻ thù uy hiếp. Các lực lượng chung quanh cũng nhiều và đang chờ vượt sông Ba Làng để thọc sâu.

Địch đã phải dùng nhiều F4 và B52 ngăn chặn nhưng ngăn chặn sao nổi kể cả những đội quân bạch đầu và những người đàn bà như đồng hương mình ở Cam Lộ có ý chí theo Đảng.

16-6-1972

Được giấc ngủ gần sáng hơi ngon ngon thì B52 đánh ở pha cầu Lai Phước. Cơm xong tôi và đại đội phó đi họp quân chính. Lợi dụng lúc này tôi được vào thăm mộ của anh Minh và các đồng chí khác. Một cảm giác lành mạnh trong người. Có lẽ mình đau thương quá!

Đ.S.N

Trái tim người lính