Như nhà thơ Hữu Thỉnh mới đây đã khẳng định, thế hệ các nhà văn lớn tuổi đã rất nỗ lực hoàn thành sứ mệnh, trách nhiệm của mình khi viết về hình ảnh người công nhân trong thời kỳ đổi mới, hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước. Để viết về hình ảnh người công nhân, người lao động thời đại công nghệ 4.0 sẽ cần đến những cây viết trẻ.
Có thể nói, để sáng tác những tác phẩm văn học về thực tiễn thì đương nhiên cũng phải là thế hệ nhà văn 4.0. Và họ có những điểm gì khác với các thế hệ đi trước? Đương nhiên, máy tính và Internet là không thể thiếu với họ và thậm chí như một phần máu thịt. Thậm chí còn phải là chủ động sử dụng các phần mềm hỗ trợ và cả trí tuệ nhân tạo.
Khi đã tìm được nguyên mẫu ở đời thực, họ sẽ ghi âm bằng thiết bị kỹ thuật số và thay vì nghe lại để viết ra thì cách làm được thay bằng dùng phần mềm nhận dạng tiếng nói để chuyển thành văn bản trên máy tính. Sau khi hoàn thành phần thu thập dữ liệu thô này, công việc tiếp theo là dựa trên những dữ liệu thô đó để xây dựng ra khung của tác phẩm. Sau đó, họ bắt tay vào bố cục lại các dữ liệu thô và hiểu chỉnh lại để từng bước hoàn thiện cho tác phẩm của mình. Đây chính là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất và có lẽ máy tính khó lòng làm thay được công việc của nhà văn.
Như vậy, có thể nói trong thời đại 4.0 thì ngay cả việc sáng tác văn học cũng mang tính công nghiệp trong việc xử lý dữ liệu thô. Và công việc này trên thực tế là không ít nhà văn đã thuê sinh viên làm việc với nguyên mẫu ở đời thực rồi chuyển dữ liệu đã được xử lý sơ bộ cho họ. Chính vì cách làm đó mà thời gian hoàn thành tác phẩm của thế hệ nhà văn 4.0 cõ lẽ cũng khá nhanh so với các thế hệ tiền bối.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là trách nhiệm của nhà văn 4.0 không chỉ là viết về con người của thời đại 4.0 mà còn phải dự báo về tương lai khoa học công nghệ. Đó chính là thể loại khoa học giả tưởng mà lâu nay chúng ta vẫn gọi chưa đúng là khoa học viễn tưởng. Rất may rằng, trong thế hệ các nhà văn tiền bối cho dù ít ỏi nhưng cũng đã có nhà văn ở Việt Nam có những tác phẩm vể khoa học giả tưởng mà đi đầu là cố nhà văn Viết Linh với tập truyện “Quả trứng vuông” được xuất bản lần đầu vào cuối thập niên 1960.
Chắc chắn rằng, khi văn học nghệ thuật gần gũi với khoa học công nghệ thì đó sẽ chính là sức mạnh để cổ vũ cho đất nước phát triển. Vì thế, chúng ta sẽ cần đến một lực lượng đông đảo thế hệ nhà văn 4.0 cho sự nghiệp này. Và cách tỏ chức trại sáng tác cho họ có lẽ cũng rất khác so với phương án truyền thống. Nhà văn 4.0 đương nhiên phải được giao lưu với các nhà khoa học trong mọi lĩnh vực bên cạnh việc tham quan, tìm hiểu thực tế ở viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ cao để có “vốn sống” cho tâm hồn 4.0.
Và ai sẽ chủ động thực hiện trách nhiệm này để phát triển và nhân rộng các nhà văn Việt Nam thế hệ 4.0. Có lẽ rằng, bên cạnh các nỗ lực mà xã hội đang trông chờ ở tổ chức của các nhà văn thì cần có sự hợp tác của các tổ chức khoa học công nghệ theo các chương trình cả chính thức và không chính thức.