Vĩnh biệt "Thầy - Tướng" Phạm Văn Dần

Vào cuối “Ngày nói dối – Cá tháng Tư”, một người bạn nhắn cho tôi: “Anh đã biết tin thầy Phạm Văn Dần vừa mất lúc hơn 10 giờ trưa nay, vì bị cảm, trong khi đi du lịch tại Phú Thọ chưa?”.

Làm sao có chuyện ấy được! Hôm trước, tôi vừa điện qua Zalo, trò chuyện với thầy, hẹn sang tuần sẽ cùng ăn sáng cà phê… Thầy còn rất khoẻ cơ mà! Nhưng sau đó, Trung tướng Bùi Bá Định (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 3 – Bộ Công an) cũng nhắn tin: “Hưng biết tin anh Phạm Văn Dần đi Thanh Thuỷ tắm suối khoáng, bị mất đột ngột chưa? Bọn anh nghe tin mà ai cũng bàng hoàng…”. Tôi lặng người. Vậy là tin hoàn toàn chính xác rồi! Tôi đã đề nghị anh Bùi Bá Định: Khi có thông tin cụ thể về lễ tang thì thông báo ngay cho mọi người cùng biết và tôi sẽ có bài trên MXH.

b1vh1qe-1680572659.jpg

Ba lão Tướng Công an tham dự kiện văn hoá, do CLB “Trái tim Người lính Việt Nam” phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức. Ảnh hàng ngồi, từ trái qua: Đại tá Trần Trọng Duyệt (nguyên Trưởng trại tù binh phi công Mỹ tại Hoả Lò); cố Thiếu tướng Phạm Văn Dần (nguyên Tổng cuc trưởng Tổ cục 3 – Bộ Công an); Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai (Trưởng Ban liên lạc Cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ); cụ Doãn Ngọc Trâm (thân mẫu của Anh hùng liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm); Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Minh (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an) và ông Đặng Xuân Xiêm (nguyên Quảng giáo tù binh phí công Mỹ), tháng 7 năm 2019. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Sinh thời, Thiếu tướng Phạm Văn Dần được chúng tôi mệnh danh là “Thầy-Tướng”, bởi ông là thầy giáo của hàng trăm vị Tướng Công an nhân dân, tiêu biểu như: Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn (nguyên Thứ trưởng Thường trực); Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Thứ trưởng phụ trách công tác An ninh); cố Thượng tướng Nguyễn Văn Tính (1944 – 2006, nguyên Thứ trưởng phụ trách công tác Xây dựng lực lượng); Thiếu tướng Phạm Chuyên (nguyên Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội)… Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng đương nhiệm, cũng là một học trò của thầy Phạm Văn Dần. Nhiều học trò của thầy Dần hiện mang quân hàm Tướng và giữ trọng trách chức vụ cao hơn thầy trước đây, nhưng khi gặp lại vẫn kính cẩn và trân trọng: “Em chào thầy ạ!”

Tôi vinh dự được làm lính của “Thầy-Tướng” Phạm Văn Dần từ giữa thập niên 90 và đầu những năm 2000. Hồi đó, thầy Dần đã làm Tổng cục trưởng và mang hàm Thiếu tướng. Những năm ấy, Tướng lĩnh trong Công an còn hiếm lắm. Lãnh đạo các Tổng cục chủ yếu là hàm Đại tá. Thày Dần nhớ lại và kể rằng: Hội nghị Công an toàn quốc thời kỳ đó, cả lực lượng chỉ có gần 20 Tướng đương chức...

Thời còn làm Tạp chí Văn hoá Văn nghệ Công an – An ninh Thế giới, tôi thường xuyên được ăn sáng và ăn trưa với thầy Dần. Hồi đó, thầy Dần rất thích món phở gà ở 98 Yết Kiêu và món bún măng ở 89 Nguyễn Du. Bữa trưa, nếu không bận tiếp khách, hay hội nghị, thì thầy Dần thường ghé qua Tòa soạn Tạp chí Văn hoá Văn nghệ Công an - An ninh Thế giới (thầy Phạm Văn Dần là Tổng cục trưởng, kiêm Tổng biên tập đầu tiên) và tôi thường gọi món từ mấy quán bình dân ở phố Đỗ Hành. Sau này, khi đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng thầy Dần vẫn qua mấy quán đó ăn sáng, rồi ngồi cà phê với chúng tôi cho đỡ nhớ cơ quan…

Sinh ra trong một gia đình truyền thống Cách mạng và Công an. Thầy Dần có thân phụ là cụ Phạm Văn Nghi (cố Hiệu trưởng đầu tiên Trường C500 huyền thoại của Lực lượng Công an nhân dân); em trai của thày là GS.TS Phạm Văn Ty (nguyên là giảng viên ngành Sinh học - Đại học Tổng hợp Hà Nội). Mới 12 tuổi, cậu bé Phạm Văn Dần đã đi Trung Quốc học tập ở Khu học xá Việt Nam (Quảng Tây Nam Ninh Dục Tài học hiệu); sau đó về nước học đại học và đi làm chuyên gia ở châu Phi. Thày Dần sử dụng thành thạo tiếng Pháp; từng nhiều năm làm chuyên gia dạy Toán. Khi thầy Phạm Văn Dần từ châu Phi về nước, được tổ chức bố trí làm giảng viên của Trường Công an Trung ương, cũng đúng thời điểm nhà trường mở khóa đào tạo Đại học đầu tiên, khóa D1 của C500 - Tiền thân của Học viện ANND ngày nay.. Học trò của thầy Dần nhiều người sau này được Nhà nước phong hàm Tướng và có quân hàm và chức vụ cao hơn thày…

Thời gian đương chức đảm nhiệm trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng Công an dân (sau là Tổng cục Chính trị Công an nhân dân và nay đã giải thể), Thiếu tướng Phạm Văn Dần là người đóng vai trò rất tích cực, ghi nhiều dấu ấn hiệu quả trong việc tổ chức các sự kiện, kết nối giữa Lực lượng Công an với giới Báo chí và Văn nghệ sĩ ngoài lực lượng. Hoạt động này đã giúp dư luận xã hội hiểu biết hơn và đồng cảm với công việc và những cống hiến hi sinh thầm lặng của Lực lượng Công an trong việc giữ gìn an ninh trật tự và bình yên cuộc sống nhân dân.

Gần đây, căn nhà nhỏ ở khu Thành Công của gia đình cần sửa chữa, nên thầy Dần đang phải thuê nhà ở tạm trong ngõ 16 phố Huỳnh Thúc Kháng. Quán Bún thang cạnh Cà phê Mộc ở Giảng Võ là địa chỉ quen thuộc chúng tôi thường ngồi với thầy Dần. Nhưng dạo này đường Giảng Võ cấm tắc xi giờ cao điểm, nên chúng tôi chuyển địa chỉ lên quán Phở Thìn ở 35 Hùng Vương…

Sinh ngày 4/7/1938 (năm Mậu Dần) tại Quảng Yên – Quảng Ninh; năm nay đã bước sang tuổi 86, sức khỏe của “Thày- Tướng” Phạm Văn Dần đã yếu đi, vì chứng bệnh tiểu đường. Nhưng hơn 10 năm qua, thầy vẫn dành tâm huyết cho việc vận động thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương và trực tiếp làm Giám đốc… Trước khi thành lập CLB “Trái tim Người lính Việt Nam” tôi đã xin ý kiến thầy Dần. Thầy rất ủng hộ, thậm chí còn nhắc tôi khi tổ chức các sự kiện, nhớ cho thầy biết để đến tham dự.

Vậy mà “Thầy- Tướng” Phạm Văn Dần đã chọn “Ngày nói dối – Cá tháng Tư” (giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) lặng lẽ ra đi. Từ nay chúng tôi không còn cơ hội được mời thầy ăn sáng và cà phê nữa rồi! Bài viết nhỏ này thay một nén tâm nhang của một người lính cũ, một học trò tưởng nhớ thầy - Một Người Hiền vừa đi đi tới miền mây trắng…

Hà Nội, ngày 04/3/2023

Đ.V.H

____

THÔNG BÁO VỀ TANG LỄ THIẾU TƯỚNG PHẠM VĂN DẦN

Địa điểm: Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP. Hà Nội)

Thời gian: Chủ nhật, ngày 9/4/2023

- Lễ Khâm liệm: Từ 5:30’ đến 5:45’

- Lễ Viếng: Từ 7:00’ đến 9:00’

- Lễ Truy điệu và di quan: Từ 9:00’ đến 9:30’

- Lễ An táng: Từ 12:30’ tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Trái tim người lính