Vinh Mèo người lính thông tin và chuyện đồng hương

Trên chiến trường thông tin liên lạc khâu rất quan trọng; mất thông tin các đơn vị tác chiến trực tiếp sẽ bị cô lập, không nhận đươc chi viện cũng như tiếp nhận thêm vũ khí đạn dược kip thời nếu xảy ra đụng độ lớn, vì cơ số đạn mang theo hạn chế không thể duy trì lâu và nhiều tình huống khác nữa.

Khi đơn vị cơ động; vô tuyến điện (2w) thông tin duy nhất được sử dụng, chính vì vậy những người lính thông tin, khi tham gia trực tiếp cùng đơn vị đang vận động hoặc độc lập sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm, luôn là đích ngắm đầu tiên của đối phương.

vinh-meo-1650583542.jpg
Bên những người đồng đội... người ngồi bên trái mặc áo đỏ, Minh (đen) pháo thủ C15 ĐK. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trong số những đồng đội trên chiến trường ngày ấy, có cậu Vinh C18 thông tin của trung đoàn 24 Sư đoàn 10, bọn tôi gọi Vinh mèo vì đôi mắt luôn hấp háy hơi ướt như mèo ngủ trưa mới dậy, má lúc nào cũng phồng trông như bị đau răng, vì vậy khi còn ở đơn vị huấn luyện nhớ có lần: cậu ta bị đau răng phải nằm nhà, y tá đại đội nghĩ cậu ta giả vờ nên không báo nhà bếp nấu cháo (đau răng thì làm sao nhai được bo bo) đến giờ ăn không có cháo lấy về cho thằng Vinh, thằng Quang  ở cùng tiểu đội với tôi nổi cáu, nó chạy đi tìm cậu y tá đại đội túm cổ áo hỏi: - sao anh không báo chị nuôi nấu cháo cho người ốm... ? Do có xô xát nên sau đó thằng Quang bị anh Hiếu chính trị viên đại đội phạt phải đứng cột cờ. Để đối phó với những trường hợp giả vờ ốm, y tá thường có chiêu tiêm nước cất (nước chỉ công dụng để pha loãng thuốc dạng bột)  xong hỏi: - đỡ chưa... nếu trả lời có, chứng tỏ cậu này đã giả vờ ốm phải ra thao trường tập tiếp.

Hai thằng nó cùng ở khu tập thể Kim Liên chơi với nhau từ bé nên cũng thân, vào lính lại cùng trung đội. Giờ những dịp gặp nhau có nhắc lại chuyện này, thằng Quang thường nói: - ờ, ngày ấy hay nhỉ! Còn thằng Vinh:

- Thì tao chả giới thiệu cô bé An nhà phố Hàng Đường cho mày làm quen rồi còn gì!

- Mày không dám dùng tên thật lại mượn tên thằng Tính để viết thư cho em, làm thắng Tính mừng hụt khi nhận được thư. Nó cứ trách tao mãi.

Ngày tôi cùng mọi người vào chốt, thằng Vinh được ở lại D26 tiểu đoàn huấn luyện của F10 nhưng rồi sau cũng được bổ xung về C18 thông tin trung đoàn 24... người nhỏ thó nhanh nhẹn, hoạt bát, chịu khó có trí nhớ tốt học mật ngữ nhớ ngay và cũng là xạ thủ luôn đạt điểm cao trong các lần kiểm tra bắn đạn thật. Khoá tân binh chúng tôi năm ấy, là lính của Bộ tư lệnh công binh nhưng chúng tôi chủ yếu được huấn luyện kỹ năng tác chiến trên chiến trường, những buổi báo động hành quân di chuyển ( mang theo toàn bộ quân tư trang và vũ khí) hành quân chạy vũ trang ( chỉ mang theo vũ khí) được tập luyện thường xuyên vào các đêm trong tuần. Những buổi học bắn rất ít nên cuối khoá chỉ kiểm tra bài 1 bắn 3 viên bằng súng trường CKC. Thằng Vinh bắn được 29 điểm sát với điểm thưởng (đạt 30 điểm sẽ được về nghỉ phép 15 ngày).

Nhớ nhất; trong lần về núi Bà Đen kiểm tra bắn đạn thật, kết thúc khoá huấn luyện nhanh ở tiểu đoàn huấn luyện của quân đoàn, thời gian chúng tôi vừa được chuyển từ bộ tư lệnh công binh sang. Với ba viên bằng súng AK nó cũng được 29 điểm, mặc dù mới tuần trước còn bị bọ cạp đốt sốt li bì mất mấy hôm. Và hôm ấy sau khi tốp cuối cùng bắn kiểm tra xong trời cũng đã chiều, trên đường về vừa đi được một đoạn xe lại bi hỏng, tất cả quyết định cuốc bộ để có dịp ngắm phong cảnh nơi đây cho dù quãng đường về tới đơn vị cũng rất dài, hơn 20 km. Ngày hôm sau chúng tôi sẽ phải tạm biệt nơi này... để ra mặt trận, nơi có các đơn vị của quân đoàn 3 đang ngày đêm tác chiến.

Lang thang qua các con phố, thị xã cũng đã lên đèn khi chúng tôi về tới thị xã Tây Ninh. Cơn gió hè của miền biên viễn hơi se lạnh, nhìn những ngôi nhà hai bên đường... cảm giác như đang đi giữa trời thu Hà Nội đã ùa về, cảm giác ấy giờ vẫn còn đọng lại trong tôi.

Ngoài chiến trường với hàng vạn thanh niên ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, Hà Nội chỉ là một tỉnh thành nên là số ít, lại chia về các đơn vị, mặt trận thì rộng lớn nên có được đồng hương cùng khu, cùng nhập ngũ không nhiều. Cùng trung đoàn 24 với thằng Vinh, có thằng Minh đen và thằng Long nhà ở ngõ Lương Sử B Quốc Tử Giám, Tuấn con cũng nhà trong ngõ, nhưng ở phố Hàng Bột, nay ngõ đổi tên thành phố Hồ Giám. Tuấn và Long đã hy sinh, Tuấn trúng pháo, Long vướng phải mìn khi đi trinh sát ở bờ sông Chhlong... ngày hôm khi Long bị thương được đồng đội cõng về phẫu tiền phương của trung đoàn, sau đó có báo lại cho đồng hương HN, được tin thằng Minh hớt hải chạy về phẫu nhưng bạn đã đi rồi... tình đồng hương trong chiến đấu luôn gắn chặt với nhau như ruột thịt.

Theo lời kể của Vinh có lần nó đi xuống tiểu đoàn để phối thuộc, khi về vì quá muộn; không dám về nơi đóng trú của đại đội sợ thằng gác bắn nhầm nó phải mắc võng ngủ lại ở rừng cao su chờ trời sáng, hay nó với thằng Minh đi ca cóng gặp Miên phục ra sao v v. Những chuyện nó kể thường có phần lộn xộn về địa danh một chút, xưa đâu thế... giờ hình như do lúc trước (ngày ở chiến trường) luôn phải căng thẳng, tinh thần phải tập trung cao độ học mật ngữ để đáp ứng kịp thời trong điều kiện mật ngữ phải thay đổi liên tục, có khi theo từng ngày cộng nhịp độ khẩn trương trong chiến đấu, nên sự sắp xếp theo trí nhớ của nó không còn được trình tự. Ngồi với nhau từ đầu đến cuối, suốt buổi... chuyện những ngày ở Miên cậu ta nói mãi không dứt.

C15 ĐK của thằng Minh và C18 thông tin của thằng Vinh đều đóng liền nhau, gần ngay trung đoàn bộ nên có điều kiện gặp nhau thương xuyên... nên lại càng thân, hôm nào thằng Minh hay thằng Vinh đi phối thuộc chưa về, thằng ở nhà sẽ nóng ruột có khi chạy sang xem thằng kia đã về chưa đến mấy lần... (còn nữa)

Lớp lớp khi xưa chúng tôi đời quân ngũ

Những tháng năm gian khổ có cùng nhau

Dấu chân in lên thời gian ngày ấy

Rừng núi nào... luôn mãi nhắc hôm nay

Hà Nội 23/5/2019

Chuyện làng quê/ Trích (Và Một Thời Chúng Tôi Là Như Thế)