Trải qua nhiều năm tháng, nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, thế nhưng cây vẫn xanh tươi, cành lá sum suê, nhiều tán trồng lên nhau, phát triển rộng lớn. Cuộc đời '"cụ" cây đã gắn liền với bao nhiêu thế hệ người dân trong vùng, lớn lên và phát triển theo năm tháng, cứ thế hệ trước kể cho thế hệ sau về cuộc đời của cụ cây, hình ảnh đó đã ăn sâu vào người dân nơi đây.
Theo các cụ cao niên kể lại: Cây bồ đề ở xóm Tiếc (Thiếc) của phường Tích Sơn có niên đại trên hai 200 trăm tuổi, nó gắn với điển tích của đình Cả, phường Tích Sơn và là minh chứng cho sự hiện diện của đình Cả bây giờ. Trước đây, đình Cả được xây dựng tại tại khu vực nghĩa trang phường, là ngôi đình to, rộng được dựng bằng những cột gỗ tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Vì, kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng làm toàn bằng gỗ tốt như gỗ lim. Tường đình xây bằng gạch. Mái đình có 4 mái, lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi xây bít đốc hoặc làm bốn góc đầu đao cong.
Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt, tục gọi là "lưỡng long chầu nguyệt" hay "lưỡng long tranh châu".Sân đình được lát gạch. Trước đình có hai cột trụ cao vút, trên đình được tạc hình con nghê.Trong đình, gian giữa có bàn thờ, thờ 7 ảnh em họ Lỗ, một chiếc trống cái cũng được để trong đình để đánh vang lên theo nhịp ngũ liên thúc giục dân làng về đình tụ họp bàn tính công việc của làng.
Đình Cả là ngôi đình lớn được xây dựng gần sát với vị trí cây bồ đề hiện nay, đình được được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18, hiện vẫn còn đạo sắc phong nhà Lê Trung Hưng (thời điểm chiến tranh Nam bắc triều và nhà Tây Sơn năm 1787). Năm 1947 thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Tích Sơn buộc phải phá Đình Cả để ngăn cản không cho địch có cơ sở chiếm đóng. Năm 2011, thể theo nguyện vọng nhân dân, Đình Cả được xây dựng lại tại tổ dân phố Vĩnh Ninh, phường Tích Sơn.
Với truyền thống và tập quán của ông cha ta từ ngàn xưa, mặc dù đình đã được di chuyển ra vị trí mới nhưng hằng năm cứ vào ngày 3 và ngày 11 tháng Giêng nhân dân địa phương đều tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông và mở tiệc, lễ… Đây là nét đẹp văn hóa tâm linh nhằm tưởng nhớ tới các vị anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, đồng thời cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, là dịp để các thế hệ con cháu ôn lại truyền thống của ông cha từ ngàn xưa, tiếp tục giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của địa phương.
Trong quá trình phát triển, đặc biệt là do chiến tranh đình Cả được xây dựng lại mới hoàn toàn. Nhưng cây bồ đề thì vẫn còn "sống mãi với thời gian". Bồ đề chính là nhân chứng sống chứng kiến sự thăng trầm lịch sử của làng quê. Trải qua hơn 200 năm, thân cây 4 người lớn cầm tay nhau mới ôm trọn được thân cây, cao tầm hơn 30 m, da cây xù xì, lá cây xanh mướt trước một không gian rộng lớn, nhiều tán cây lan rộng che mát hàng trăm m2. Đối với người dân Tích Sơn cây bồ đề mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị văn hóa, lịch sử.