Vĩnh Phúc: Đảng bộ Vĩnh Tường – Chặng đường 84 năm đáng tự hào

Sau đây là tham luận của đồng chí Nguyễn Xuân Quang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường “Đảng bộ Vĩnh Tường – Chặng đường 84 năm đáng tự hào” tổ chức ngày 22/08/2022, nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.
quang-canh-hoi-thao-200-nam-vinh-tuong-1669729883.jpg
Quang cảnh Hội thảo "200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)" 

Phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) – 3 tiếng thiêng liêng gợi nhắc về một miền quê văn hiến, khoa bảng, hiếu học. Là vùng đất có lịch sử lâu đời, Vĩnh Tường cũng được biết đến là địa phương giàu truyền thống cách mạng với ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm và là một điển hình của sự nỗ lực bền bỉ, bứt phá vươn lên trong hành trình đổi mới.
Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ huyện Vĩnh Tường đã trải qua 26 kỳ đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường trên con đường xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
Truyền thống yêu nước nồng nàn của người dân Vĩnh Tường được hình thành và bồi đắp suốt chiều dài lịch sử đã là nền tảng để cuối những năm 20 của thế kỷ XX, khi được các chiến sỹ cộng sản tuyên truyền, một số con em của Vĩnh Tường bắt đầu giác ngộ về chủ nghĩa Mác-Lênin, về Cách mạng Tháng Mười Nga.
Tháng 4-1930, được cấp trên cử về hoạt động tại địa bàn tỉnh Vĩnh Yên, hai đồng chí Phan Văn Cương và Vũ Duy Cương đã đặc biệt chú trọng đến địa bàn Vĩnh Tường - nơi có truyền thống yêu nước và phong trào chống Pháp mạnh mẽ để tuyên truyền, giác ngộ và xây dựng đội ngũ cốt cán. Chỉ trong thời gian ngắn, các tổ chức cứu quốc: Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng... được thành lập với hoạt động chủ yếu là rải truyền đơn, treo cờ đỏ, diễn thuyết về đường lối của Đảng, thúc đẩy mạnh mẽ đông đảo quần chúng nhân dân đi theo con đường cách mạng của Đảng.
Cùng với các hoạt động công khai, trong thời gian nhưng năm 1936-1938, Vĩnh Tường còn xây dựng cơ sở và tổ chức phong trào hoạt động bí mật. Cơ sở Dẫn Tự, Hoà Lạc do đồng chí Nguyễn Kiến gây dựng những năm 1933- 1935 đã phát triển sang Vũ Di và xây dựng được tổ chức Đoàn thanh niên dân chủ, bắt liên lạc với Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Sau một thời gian tuyên truyền, giác ngộ, một số thanh niên thể hiện nhận thức tốt, hăng hái tham gia các hoạt động ở địa phương và do đó đã được kết nạp Đảng gồm: Lê Xoay (Vũ Di), Nguyễn Tráng, Nguyễn Hành (Dẫn Tự - Hòa Lạc). Ngày 29-8-1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã triệu tập, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Vĩnh Tường, chỉ định đồng chí Lê Xoay làm bí thư chi bộ.
Chi bộ Vĩnh Tường ra đời là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở huyện Vĩnh Tường nói riêng và toàn tỉnh Vĩnh Yên nói chung. Chi bộ đóng vai trò tổ chức, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân trong huyện, là hạt nhân phong trào cách mạng của tỉnh Vĩnh Yên những năm cuối thập kỷ 30, đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX.
Trong những năm 1938 -1945, được nhiều đồng chí cán bộ Xứ ủy và Trung ương về trực tiếp chỉ đạo, phong trào cách mạng ở Vĩnh Tường có sự phát triển mạnh mẽ. Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhân dân Vĩnh Tường nhất tề nổi dậy giành chính quyền, cùng với nhân dân cả nước làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt ách thống trị của thực dân, phong kiến. 
Bước vào xây dựng chế độ mới chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa; từ năm 1949 đến năm 1954, huyện Vĩnh Tường là vùng địch tạm chiếm đóng. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vĩnh Tường đã xây dựng nhiều làng chiến đấu – những phòng tuyến “thép” chống các cuộc càn quét của địch. Trong đó, các xã: Thượng Trưng, Tuân Chính, Đại Đồng, Cao Đại… được đánh giá là những điển hình của phong trào xây dựng làng chiến đấu kiểu mẫu của tỉnh.
Trong 5 năm đấu tranh trực diện với kẻ thù, quân và dân huyện Vĩnh Tường đã tiến hành đánh địch với gần 200 trận đánh lớn, nhỏ; lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Tường cùng nhân dân đã tiêu diệt gần 2.000 tên địch, bắt sống và gọi hàng gần 1.000 tên, thu nhiều vũ khí, phá hủy nhiều xe cơ giới và phương tiện chiến tranh của địch; đóng góp cho tiền tuyến hơn 3.000 tấn lương thực, đưa 4.200 thanh niên tham gia lực lượng vũ trang và hơn 10.000 lượt người đi dân công phục vụ chiến đấu.
Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường tiếp tục là đơn vị lá cờ đầu đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,“mỗi người làm việc bằng hai”. 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Vĩnh Tường đã động viên 29.600 lượt người tham gia bộ đội, 2.800 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, làm nhiệm vụ trên khắp các chiến trường; đóng góp 394.000 tấn lương thực, thực phẩm, 12 triệu ngày công phục vụ chiến đấu... Vĩnh Tường luôn là huyện dẫn đầu các địa phương trong tỉnh về năng suất lúa (đạt trên 5tấn/ha); đi đầu trong phong trào làm phân bón, phong trào chăn nuôi và phong trào trồng cây…nổi tiếng miền Bắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và viết thư khen ngợi. Đặc biệt, Vĩnh Tường còn là nơi thực hiện thành công thí điểm cơ chế khoán hộ của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc năm 1966; thí điểm khoán sản phẩm cây lúa đến người lao động năm 1981 - là tiền đề, cơ sở quan trọng để Ban Bí thư khóa IV ra Chỉ thị số 100-CT/TW về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động, và năm 1988, Bộ Chính trị khóa VI ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, mang lại sức sống mới cho nền sản xuất.
Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho huyện và 14 xã, thị trấn trong huyện. Nhiều người con quê hương Vĩnh Tường đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc được Đảng và Nhà nước trao tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến và các phần thưởng cao quý khác. 
Anh hùng trong trong chiến đấu, người Vĩnh Tường cũng cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, tích cực góp sức xây dựng Đảng, chính quyền. Đảng bộ huyện Vĩnh Tường trải qua 84 năm thành lập đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường luôn tuyệt đối trung thành, một lòng một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn; bám sát, vận dụng có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn địa phương, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, vươn lên giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 
Trong thời gian từ năm 1977 đến năm 1996, Vĩnh Tường hợp nhất với huyện Yên Lạc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Vĩnh Lạc, nhân dân Vĩnh Tường đã kề vai, sát cánh với nhân dân Yên Lạc khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Ngày 01/01/1996, huyện Vĩnh Tường được tái lập. Từ đó đến nay, Đảng bộ huyện đã trải qua 5 kỳ Đại hội, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn, khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển với tốc độ cao, tạo nên những dấu ấn đậm nét và những bước đột phá đáng tự hào.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện từ 6% giai đoạn 1996-2000 được nâng lên 11,32% giai đoạn 2015-2020; riêng năm 2021 đạt 10,06%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 54,58%; dịch vụ 29,88%; nông - lâm - thủy sản 15,54%. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,1 triệu đồng năm 1996 tăng lên 58,5 triệu đồng năm 2021. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt cao so với kế hoạch, đặc biệt, 3 năm: 2018, 2019, 2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Trong nông nghiệp, Vĩnh Tường là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện thành công chủ trương dồn thửa đổi ruộng, hình thành cánh đồng mẫu lớn tại 8 xã với diện tích hơn 1.300 ha, tạo tiền đề để nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Xác định công tác  dồn thửa đổi ruộng là khâu đột phá để thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, năm 2016, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về dồn thửa đổi ruộng và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở thực hiện thành công dồn thửa đổi ruộng tại 2 xã điểm năm 2017 là Cao Đại, Ngũ Kiên, năm 2018, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện dồn thửa đổi ruộng tại các xã Vũ Di, Phú Đa, Lý Nhân, Phú Thịnh, Tuân Chính. Trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành nhiều văn bản, phân công cán bộ phụ trách xã, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc để chỉ đạo, tuyên truyền, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận từ nhân dân. Sau 3 năm thực hiện, toàn huyện đã có 39 thôn, xóm ở 8 xã thực hiện thành công dồn thửa đổi ruộng với tổng diện tích 1.331,8 ha. Sau dồn thửa đổi ruộng, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, riêng xã Phú Đa mỗi hộ từ 1-3 thửa. Đây là thành công lớn đối với Đảng bộ huyện và cũng là thành công của nhân dân Vĩnh Tường trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Từ năm 1997, chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đã được huyện lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, được triển khai ở 100% các xã, thị trấn, đưa Vĩnh Tường trở thành địa phương có năng suất bình quân vụ xuân luôn ở tốp đầu của tỉnh. Huyện cũng đã xây dựng thành công nhiều mô hình trình diễn, mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài khoa học vào sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đó là vùng bưởi tại các xã: Vĩnh Ninh, Phú Đa, Vĩnh Thịnh; vùng rau, củ tại xã Đại Đồng, Chấn Hưng, Bình Dương, thị trấn Thổ Tang; vùng rau, quả ở Yên Lập, Cao Đại, Vũ Di, Tân Cương; vùng chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường có quy mô 12.500  con, chiếm gần 90% tổng đàn bò sữa toàn tỉnh, sản lượng sữa tươi ước đạt 35.500 tấn/năm…
 Cần cù, sáng tạo trong sản xuất, các cư dân nông nghiệp ở Vĩnh Tường đã góp sức kiến tạo nên một vùng quê trù phú ven sông Hồng. Vùng quê ấy giờ đây trở nên năng động, hiện đại hơn bởi sự hiện diện của các doanh nghiệp, nhà máy trong các khu, cụm công nghiệp. Những năm qua, cùng với quy hoạch, mở rộng các làng nghề truyền thống, cụm kinh tế xã hội, các khu, cụm công nghiệp, Vĩnh Tường đã tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án đi vào sản xuất kinh doanh hiệu quả. Giai đoạn 2015- 2020, huyện chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại qua nhiều năm về giải phóng mặt bằng ở một số dự án quan trọng mà không phải tổ chức cưỡng chế hay bảo vệ thi công; thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng 209 công trình, dự án với diện tích là 330,8ha, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 – 2015. Điển hình là cụm công nghiệp Đồng Sóc. Tháng 6/2021, 100% diện tích giai đoạn 1 dự án Cụm công nghiệp Đồng Sóc trên địa bàn 3 xã, thị trấn: Tứ Trưng, Vân Xuân, Vũ Di đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, thu hút các tập đoàn lớn của Hàn Quốc chuyên sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao: YPE Vina, KCC Vina, Partron Vina...đến thuê đất, xây dựng nhà xưởng sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 9 khu, cụm công nghiệp với hàng chục nhà máy đang hoạt động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. 
Từ 1 thị trấn huyện lỵ ban đầu, đến nay, huyện Vĩnh Tường có 3 thị trấn, 3 đô thị loại V. Các hoạt động dịch vụ phát triển sôi động, nhất là từ khi dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm và hệ thống kho vận tại cụm kinh tế xã hội Tân Tiến được đưa vào hoạt động. Dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái bước đầu hình thành và hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.
Song song với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện Vĩnh Tường quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy; nhiều di tích lịch sử văn hóa được đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi  Hiện trên địa bàn có 20 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh; 2 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học được đầu tư xây dựng. Toàn huyện có 88/97 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 16 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Giáo dục Vĩnh Tường luôn giữ vị trí cao trong tỉnh về tỷ lệ và chất lượng học sinh giỏi các môn văn hóa; có nhiều học sinh là con em của huyện đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được thực hiện tốt, 100% số xã, thị trấn đã hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, tri ân các gia đình có công, gia đình thương binh liệt sĩ, đối tượng chính sách tiếp tục có nhiều đổi mới. Từ nhiều năm nay, Vĩnh Tường không có hộ đói; hộ nghèo giảm từ 12,7% năm 1996 xuống còn 0,98% năm 2021. Mỗi năm, toàn huyện giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%. 
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục được củng cố và tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định, luôn chủ động, kịp thời phát hiện và đấu tranh, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động chống phá; đảm bảo vững chắc an ninh trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa tư tưởng, tôn giáo. Giải quyết kịp thời, ổn định các vụ việc phức tạp, tập trung đông người, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Tính đến tháng 6-2022, Đảng bộ huyện có 68 chi, đảng bộ cơ sở với hơn 9.682 đảng viên. Đảng bộ chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá và sử dụng cán bộ. Từ năm 2016 đến năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động 9 cán bộ huyện về xã, thị trấn; 6 cán bộ xã, thị trấn lên huyện; 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện có 16/28 xã, thị trấn có lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Huyện ủy chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng và Đề án số 01 của Tỉnh ủy. Hằng năm, số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đều đạt cao, Đảng bộ huyện nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Việc thực hiện Nghị quyết TW4 gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, bài bản từ huyện đến cơ sở. Huyện ủy lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy cơ sở quán triệt sâu sắc nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua yêu nước, với việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận xã hội và nhân dân quan tâm. 
Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều cách làm hay, cách làm mới, hiệu quả; xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ở tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được phát huy cao độ, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, làm việc với thái độ khách quan, công tâm, bảo vệ các lợi ích chính đáng của nhân dân. Tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; gương mẫu bằng những hành động thiết thực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, củng cố niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp.
Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, của tỉnh, các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện mỗi nhiệm kỳ, Huyện ủy đã có nhiều đổi mới về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; lãnh đạo chính quyền từ huyện đến cơ sở quyết liệt, chủ động, có nhiều giải pháp hữu hiệu đưa nghị quyết vào cuộc sống; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở, trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên BTV, BCH Đảng bộ; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động. Dưới sự lãnh đạo của huyện ủy, hoạt động của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các cấp có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức, tích cực hướng về cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy vai trò của các tổ chức hội trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. UBND huyện tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, công vụ; triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội hằng năm. Đồng thời, vào cuộc quyết liệt chỉ đạo công tác thu, chi ngân sách; dồn thửa đổi ruộng, xây dựng nông thôn mới; xử lý vi phạm Luật Đất đai; bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm; giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, nhất là số đơn thư tồn đọng kéo dài, phức tạp…
Năm 2022 – kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường cũng là thời điểm Đảng bộ huyện bước sang năm thứ 84 trong tiến trình xây dựng, trưởng thành và phát triển. Dịch bệnh Covid – 19 đã được đẩy lùi, các chỉ tiêu cam kết với BTV Tỉnh ủy đang được thực hiện đúng tiến độ. Kinh tế xã hội tăng trưởng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên – “con tàu” phát triển thịnh vượng và bền vững của Vĩnh Tường đang đi đúng hướng. Có thể khẳng định, những kết quả huyện Vĩnh Tường đạt được là mốc son đánh dấu sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân trong suốt chặng đường đã qua. Với mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, xây dựng Vĩnh Tường trở thành đô thị loại IV vào những năm đầu của thập niên 20 và đến năm 2030 trở thành đô thị vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Tường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chủ động, nhanh nhạy năm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, giành nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương dồn thửa đổi ruộng, tăng cường chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng, triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học; triển khai kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025. Tích cực tháo gỡ điểm nghẽn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, tiếp tục thu hút đầu tư, triển khai dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; triển khai Đề án xây dựng huyện Vĩnh Tường trở thành đô thị loại IV giai đoạn 2021-2025; Đề án xây dựng thị trấn Thổ Tang trở thành trung tâm thương mại cấp khu vực giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn; phát huy hiệu quả các nguồn lực địa phương để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm và các chính sách an sinh xã hội. Tích cực tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục - đào tạo phục vụ thiết thực yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ, nhân lực và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực y tế đáp ứng sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện cụ thể của huyện để xây dựng và ban hành các nghị quyết có chất lượng, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
 84 năm – chặng đường đáng tự hào, Đảng bộ huyện Vĩnh Tường đã làm tròn sứ mệnh lãnh đạo, dẫn dắt, từ gây dựng phong trào cách mạng đến khởi nghĩa giành chính quyền, tham gia hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội địa phương, khẳng định vị thế của vùng quê lúa trong tiến trình phát triển của tỉnh nhà, của đất nước. Tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, kiên định với lý tưởng và con đường lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường không ngừng củng cố khối đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát huy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân xây dựng quê hương phồn vinh, thịnh vượng, vì lợi ích của nhân dân.