Đền nằm trên một khu đất cao ráo, hướng chính đền là cánh đồng lúa xanh, xen lẫn là những đồi sim nhấp nhô đang uốn lượn hình rồng, điểm vào đó là những màu xanh của núi rừng Tam Đảo. Diện tích đền hơn 2000 m2 với nhiều cây cổ thụ được trồng cách đây hàng trăm năm, lối đi vào đền là đường bê tông rông 2 xe ô tô tránh nhau, bên phải trước cổng đền là giếng rồng được người dân xây dựng trang trí với những hoa văn rất bắt mắt tạo vẻ cổ kính uy nghi cho đền. Đền Mẫu Sinh cách đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên khoảng 2 km, hướng đi vào UBND xã Đại Đình.
Theo Thủ nhang (Chủ nhang, người được xã cử ra trông nom đền) Trần Văn Hùng thì đền Mẫu Sinh được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, hiện vẫn còn lưu giữ đạo sắc phong vua Khai Định. Đền được tu bổ tôn tạo lại năm 1993 với lối kiến trúc hình chữ đinh (chuôi vồ) gồm hai tòa đại bái và hậu bái. Tòa đại bái gồ 3 gian, gian chính giữa là Ban Công Đông, bên phải Ban Chúa Đệ Nhị, bên trái Chúa Đệ Tam; tòa hậu bái phía trên là ban thờ mẫu, bên phải Ban Trần Triều, dưới mẫu là Ban Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Quan, Tam Thanh Hoàn (ông Bơ, ông Bảy, ông Mười).
Trước đền là lăng tưởng niệm mẫu ( Lăng Mẫu Sinh Linh Từ) mới được xây dựng với 6 cột đá to nguyên khối bao quanh , đường kính mỗi khối 50 cm, cao gần 3m. Nằm trong 6 cột đá là 4 cột gỗ to cao gần 3 m, hai cột trước lăng được gắn hai câu đối được sơn son, mạ vàng rất tinh xảo.
Giới thiệu về đền Mẫu Sinh, Thủ nhang Trần Văn Hùng kể, tương truyền từ xa xưa các cụ truyền lại, nơi đây (đền Mẫu Sinh) là nơi thân phụ Lăng Trường Ông và thân mẫu Đào Liễu đã hạ sinh mẫu. Lớn lên, mẫu kết duyên với Hùng Chiêu Vương và được lập làm chính vương phi. Cuộc nhân duyên của mẫu với Hùng Chiêu Vương ở núi Tam Đảo mở ra thời kỳ thịnh trị của quốc gia Văn Lang, phát triển văn hóa và đổi mới phong tục, xứng đáng là thời kỳ cực thịnh trong các đời vua thuộc 18 chi Hùng Vương. Với công lao to lớn với Tổ quốc và nhân dân, Quốc mẫu Tam Đảo kết tập vào hệ thống Hùng Vương, không chỉ là nhân vật huyền thoại kỳ vĩ mà còn trở thành nhân vật lớn của lịch sử.
Không rõ nhân dân địa phương tưởng nhớ công lao, lập Đền thờ mẫu. Nhưng trong chính sử chỉ xác nhận: Các triều đại phong kiến Việt Nam cường thịnh, từ Đinh, Lý, Trần, Lê… đều phong tặng Quốc Mẫu nhiều danh hiệu cao quý để tỏ lòng kính trọng, hằng năm, các quan đại thần cùng nhân dân địa phương và khách xa gần bốn mùa hương khói. Phong tục ấy còn mãi đến bây giờ. Lễ hội hàng năm của đền là ngày 15 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, người dân làm lễ rước kiệu mẫu từ đền Mẫu Sinh đến đền chính.
Trong cuốn tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên của Ban Di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc ghi rõ về lễ hội hằng năm của đền Mẫu Sinh xưa kia không có tiệc vào ngày 15 tháng 2 mà chỉ có tiệc vào các ngày:
Ngày 5 tháng 1 – Tiệc khai xuân
Ngày 12 tháng 4 – Xuống đồng mạ
Ngày 10 tháng 5 – Ngày Mẫu sinh
Ngày 12 tháng 7 – Thượng điền
Tháng 8 có tiệc cơm mới
Ngày 12 tháng 10 – Đại tiệc
Ngày 15 tháng 12 – Đóng cửa đền
Các ngày tiệc ở đền đều gắn với các nghi lễ nông nghiệp như lên đồng, xuống đồng, cơm mới. Những năm gần đây, du khách về Tây Thiên vãng cảnh cõi Phật đều ghé thăm đền Mẫu Sinh - điểm du lịch văn hóa tâm linh này.