Ông Phí Văn Liệu - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyên Vĩnh Tường cho biết: Miếu Trúc Lâm tọa lạc trên một khu đất có diện tích hơn 2ha với nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Riêng các đơn nguyên kiến trúc lại được xây dựng ở vị trí cao hơn nền đất xung quanh gần 2m khiến chúng ta liên tưởng đến hình tượng miếu được đội trên lưng một con rùa. Miếu hướng về phía nam (phần lớn đền, miếu đều có hướng này), điều này phù hợp với dòng chữ Hán ghi trên câu đầu bên trái của tiền tế: “坐 癸 山 丁 向 – Tọa Quý sơn Đinh hướng”.
Về miếu Trúc Lâm, theo lời kể của các cụ cao niên địa phương thì trước đây ở làng có hai ngôi miếu, miếu Trúc thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương chỉ có một tòa nhà nằm dọc (nay là phần hậu cung) và miếu thờ đức thánh Mẫu (mẹ của ngài) cách miếu Trúc Lâm khoảng 300m. Về sau nhân dân đưa ngai thờ của thánh Mẫu về miếu Trúc Lâm và cũng di chuyển luôn ngôi miếu này về làm tiền tế. Điều này phù hợp với bình đồ kiến trúc của miếu Trúc Lâm hiện nay bởi hầu hết kiến trúc miếu thời Hậu Lê đều không tách biệt giữa các đơn nguyên “tiền tế” và “hậu cung” mà chỉ có một tòa nhà dọc khá đơn giản có khám thờ (gác lửng) bít bức bàn “đảm nhiệm” luôn chức năng của thượng cung.
Theo học thuyết “Âm dương – Ngũ hành” thì Quý chỉ phương Bắc, Đinh chỉ phương Nam, nghĩa là miếu tọa lạc ở núi (gò) phía Bắc, mặt quay về hướng Nam. Như vậy người xưa đã vận dụng học thuyết này dùng để ghi lại việc xác định phương hướng cho các công trình kiến trúc. Miếu Trúc Lâm có hai đơn nguyên kiến trúc chính là tiền tế và hậu cung nhưng không liên hoàn theo kiểu thức “chuôi vồ” thường thấy mà được chia tách riêng biệt bởi một khoảng sân nhỏ (đây là kết quả của việc bổ xung thêm tiền tế vào thời Nguyễn).
Tiền tế có 3 gian hình thành bởi 4 hàng chân cột tỳ lực lên hệ thống 16 cột bằng gỗ mít chắc khỏe. Kết cấu vì mái của theo lối “giá chiêng – chồng rường”, liên kết với phía dưới là “thượng kẻ - hạ bẩy” với các kẻ kiểu “cổ ngỗng” có thân mình uốn cong mềm mại, một đầu ăn vào thân cột cái, phần nghé kẻ tì vào phía dưới câu đầu và các bẩy hiên được trang trí đề tài “long tang cúc diệp” tức là rồng ẩn trong lá cúc hay “cúc diệp hóa long” tức là lá cúc hóa rồng.
Đây là đề tài phổ biến trong trang trí kiến trúc thời Nguyễn khi nghệ thuật dân gian bị hạn chế, thay vào đó là sự trùng lặp tập chung chủ yếu các đề tài về “tứ linh”, “tứ quý”…Tòa hậu cung là phần kiến trúc nguyên gốc của miếu Trúc Lâm, với một đơn nguyên kiến trúc nằm dọc theo kiểu “nhất gian nhị hạ”: một gian chính giữa đảm nhiệm là “trục thần đạo” và là nơi trình diễn các nghi thức, nghi lễ.
Phần mái được kéo dài xuống tạo thành một dạng hành lang ở hai bên tả hữu, hai bên bít gỗ kín đáo, mặt đốc có tường bao bằng gạch (có thể kiến trúc miếu nguyên gốc không có tường bao, về sau xây dựng thêm để tránh tác động của thời tiết). Phía trước cửa vào có hai bức cánh phong, hai bên đắp nổi phù điêu hình rồng bay phượng múa tô màu sặc sỡ với ba màu chủ đạo là xanh, vàng, trắng.
Sở dĩ ở miếu Trúc Lâm thường xuất hiện đề tài trang trí rồng (dương – tính nam), kết hợp với phượng (âm – tính nữ) một phần cũng vì nơi đây thờ đức thánh Cả và đức thánh Mẫu. Hậu cung nổi bật với bức “trạm kênh bong” lớn trên cốn đốc phía trước, toàn bộ bức trạm được thể hiện trên các thân gỗ nguyên khối (các con rường chồng lên nhau), được đục trạm tinh xảo phần ngoài tạo trang trí với đề tài “rồng ổ” (cửu long).
Chính giữa bức trạm là hình đầu rồng, bộ mặt hiền lành với hai tai thú to, vểnh, mắt tròn lồi, mũi to nở, miệng rộng với hai hàm với các răng đều nhau, bờm tóc tỏa ra hai bên tạo thành các đao mác, vân mây cách điệu, chân có 3 móng nhọn sắc; xung quanh rồng lớn có 8 hình rồng thân rắn trơn, nhỏ, đầu nhô lên, mình ẩn trong các đao mác.
Miếu Trúc Lâm hiện còn giữ được những bức chạm khắc gỗ trang trí đặc sắc như: Bức chạm phía trên cửa giữa hậu cung - dài 1,8m, rộng 0,6m. Chính giữa bức chạm là hình đầu rồng, bộ mặt dữ tợn với 2 tai nhọn, vểnh, mắt tròn lồi, mũi to nở, miệng rộng răng nhe, bờm tóc tỏa ra 2 bên tạo thành các đao mác, chân có 3 móng nhọn sắc.
Xung quanh đầu rồng lớn có 8 hình rồng thân rắn trơn, nhỏ, đầu nhô lên, mình ẩn trong các đao mác; các bức chạm ở các đầu bẩy trước và sau tiền tế: Đầu bẩy trước số 1 - dài 70cm, rộng 25cm, chạm hình “rồng ẩn trong mây”, mắt là một vân xoắn tròn to, đầu, thân, bờm, móng đều được tạc ẩn trong các hoa văn lá cúc và vân xoắn cách điệu, dáng uyển chuyển, mềm mại; đầu bẩy trước số 2 - dài 65cm, rộng 25cm, chạm hình “hồi long”, đầu rồng ngoảnh về sau vẻ dữ tợn, bờm tóc hất ra phía trước, thân, đuôi và móng rồng hình đao mác và lá cách điệu, đường nét hình thể khá sắc nhọn, chắc khỏe; đầu bẩy sau số 1 - dài 70cm, rộng 30cm, chạm hình “rồng nhả ngọc”, thân rồng uốn lượn uyển chuyển trong mây lá cách điệu rất sinh động, bờm tóc hình đao mác tung bay về phía sau, phía trên và trước miệng rồng khép hờ có hình vân xoắn tròn tựa như viên ngọc rồng mới nhả ra; đẩu bẩy sau số 2, cả 2 mặt chạm hình lá, đao mác và vân xoắn cách điệu, trông tựa như hình rồng bay lên.Ngoài ra còn có các hình chạm khắc trang trí thêm cho phần kết cấu gỗ ở các con rường, đầu bẩy, đầu dư.
Về thăm di tích sau khi hết dịch bệnh, du khách có thể đi theo Quốc lộ 2A, đến ngã ba Vĩnh Tường thì rẽ theo đường tỉnh lộ 304, khoảng 3km là đến UBND TT Thổ Tang, đi thêm khoảng 1km theo đường thôn (qua chợ Thổ Tang) là đến.