Vĩnh Phúc - Điểm sáng thực hiện “mục tiêu kép”: Vẫn đạt mức cao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (Bài 3)

Vũ Xuân Bân – Nguyễn Tiến Dũng

17/12/2021 10:41

Theo dõi trên

Do tác động của dịch COVID 19,  chỉ tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế năm 2021 của Vĩnh Phúc bị giảm so năm 2020, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội  đều đạt kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp không bị đứt gãy, không có doanh nghiệp nào phải ngừng sản xuất.

dung7x-1639709214.jpg
Lắp ráp ô tô tại Công ty TOYOTA Vĩnh Phúc. Ảnh: KL

 

Theo số liệu công bố tại kỳ họp cuối năm 2021 HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khoá XVII thì Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước cả năm đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020 (năm 2020 tăng 2,79%), chưa đạt mục tiêu đề ra là 8,5-9%, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 toàn quốc (dự báo tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt dưới 2%, không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%). Theo đó, Ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,81%, ngành công nghiệp   xây dựng tăng 12,98% (trong đó riêng công nghiệp tăng 13,84%), các ngành dịch vụ tăng 2,96% so với năm 2020.

Quy mô GRDP của Vĩnh Phúc (theo giá hiện hành) ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10,2% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,2 triệu đồng/người (tăng 8,7 triệu đồng/người so với năm 2020).  Năm 2021, ước tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 63,74%, ngành dịch vụ chiếm 28,43% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,83% trong cơ cấu GRDP các ngành kinh tế cuae Vĩnh Phúc theo giá hiện hành (Tỷ trọng các khu vực tương ứng năm 2020 là: 61,32%; 30,45% và 8,23%).

chuyvinh-yen-190521-1639710964.jpg

Ngã năm siêu thị HC, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

 

 Thu ngân sách năm 2021 của Vĩnh Phúc  gặp nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID 19. Nhưng với sự quyết liệt vào cuộc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành  tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phòng, chống dịch COVID 19... Do vậy, thu ngân sách năm 2021 được đảm bảo, dự kiến năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 32.094 tỷ đồng, đạt 104,55% dự toán, trong đó thu nội địa là 27.674 tỷ đồng, đạt 102,39% dự toán. Kết quả thu ngân sách năm 2021 của Vĩnh Phúc phản ánh sự sụt giảm nguồn thu từ của khu vực FDI, ước cả năm 2021 thu từ khu vực này đạt 19.080 tỷ đồng, đạt 87% dự toán(hụt thu 3000 tỷ đồng) và bằng 96% so với năm 2020. Tuy vậy, các khu vực khác đã có mức tăng cao như khu vực ngoài quốc doanh tăng 16% so với dự toán (tăng cao nhất từ trước đến nay); thu từ tiền sử dụng đất ước cả năm đạt 3.900 tỷ đồng, đạt 390% dự toán và bằng 108% so với năm 2020 (do tỉnh tích cực tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, triển khai dự án), góp phần hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm 2021. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh không những tự túc được ngân sách mà còn đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Chi ngân sách địa phương dự kiến cả năm của Vĩnh Phúc đạt 19.943 tỷ đồng, đạt 112% dự toán và bằng 87% so thực hiện năm 2020, đáp ứng nhiệm vụ chi năm 2021.

dung8x-1639711121.jpg

Thanh Long ruột đỏ Lập Thạch là một những sản phẩm OCOP của  Vĩnh Phúc.  Ảnh Khánh Linh

 

Trong khó khăn do tác động của đại dịch COVID 19 nhưng Vĩnh Phúc trong năm 2021 lại trở thành điểm sáng về giải ngân vốn đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo, các sở, ngành, các chủ đầu tư triển khai thực hiện hàng loạt các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, quyết liệt thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, kết quả đến hết tháng 11/2021: Toàn tỉnh đã thẩm định 262 chủ trương đầu tư (tăng 55 dự án so với cùng kỳ 2020) với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 20.418 tỷ đồng; thẩm định 832 dự án đầu tư xây dựng/báo cáo kinh tế kỹ thuật (tăng 409 dự án so với năm 2020); thẩm định thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công: 189 công trình, hạng mục, tăng 54 công trình, hạng mục so năm trước. Các cấp, các ngành trong tỉnh khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thành nhiều dự án lớn như: Bệnh viện Sản Nhi, Đường Vành đai 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch giai đoạn 1, Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên giai đoạn 1, Nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện Đa khoa tỉnh; chuẩn bị hoàn thành một số dự án như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Cầu Đầm Vạc,...  Đã khởi công các dự án lớn như: Cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Phú Thọ, Đường Trục Bắc Nam đô thị Vĩnh Phúc (đoạn QL2 tránh Vĩnh Yên đến đường Vành đai 4), đường song song đường sắt tuyến phía Bắc đoạn từ QL2C đến đường Hợp Thịnh – Đạo Tú; chuẩn bị khởi công các dự án như: Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, Đường song song đường sắt, mở rộng trục trung tâm đô thị mới Mê Linh; Đường hạ tầng giao thông kết nối vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh; Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh; Thư viện tỉnh, Cung triển lãm, Đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc. Dự kiến giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2021 đến 31/01/2022 khoảng 9.235 tỷ đồng, bằng 138% kế hoạch đầu tư công năm 2021 do Trung ương giao đầu năm và bằng 75% tổng nguồn kế hoạch đầu tư công thực hiện trong năm 2021 (bao gồm cả nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 chuyển sang thanh toán năm 2021).

chuydung9-1639711635.jpg
Diện mạo nông thôn mới ở  Vĩnh Phúc. Ảnh: KL

 

UBND tỉnh đã tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng: Đã ban hành Quyết định số 61/2021/QĐ-UBND ngày 04/11/2021 quy định chi tiết một số điều bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Đến đầu tháng 12/2021, Vĩnh Phúc đã đẩy nhanh tiến độ 52 dự án; giải phóng hàng trăm ha đất tồn tại qua nhiều năm không giải phóng được mặt bằng. Một số dự án lớn đã thực hiện giải phóng mặt bằng như dự án của Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc (giải phóng được 80/83 ha); Hoàn thành việc bàn giao hơn 50 ha đất khu vực Đồng Mong cho UBND huyện Bình Xuyên để triển khai đấu giá lựa chọn nhà đầu tư khu đô thị mới Đồng Mong; Hoàn thành công tác, giải phóng được hơn 40 ha khu công nghiệp Bình Xuyên 1 và hơn 40 ha khu công nghiệp Sơn Lôi, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để giao đất cho Nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hoà, huyện Lập Thạch... Tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về các thủ  tục để đẩy nhanh tiến độ các Khu công nghiệp đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng Khu công nghiệp Bá Thiện I dự kiến đến hết tháng 12/2021 bắt đầu có thể cho thuê hạ tầng.

chuydung-5-1639711912.jpg
Một góc khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

 

Kết quả năm 2021 thu hút đầu tư của tỉnh đạt được những kết quả rất tích cực,là năm thu hút đầu tư đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong năm nay, Vĩnh Phúc thu hút được 35 dự án FDI, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1,015 tỷ USD bằng 253,75% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020 (Tổng vốn FDI hiện đăng ký là 7,1 tỷ USD).

Vĩnh Phúc đã cấp mới cho 22 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,90 nghìn tỷ đồng và 6,67 nghìn tỷ đồng điều chỉnh tăng vốn (tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 16,57 nghìn tỷ đồng) bằng 301% kế hoạch, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt năm 2021, Vĩnh Phúc đã thu hút được một số dự án lớn đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến chế tạo, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng cụm công nghiệp, đô thị, nông nghiệp,... Đây là những dự án được xác định là động lực tăng trưởng cho Vĩnh Phúc  trong thời gian tới. Đó là 6 dự án Khu công nghiệp (KCN Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - KV2, Nam Bình Xuyên...); 3 Cụm Công nghiệp (Cụm công nghiệp Hợp Thịnh, Cụm công nghiệp Hoàng Lâu, Cụm Công nghiệp Đình Chu); dự án đầu tư cải tạo trang trại, chuyển đổi vật nuôi từ lợn sang bò thịt, xây dựng cơ sở chăn nuôi giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối tại Tam Đảo (Liên danh công ty Vinamilk và công ty Sojit của Nhật Bản); dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina  vốn đầu tư 14.062 tỷ đồng, nhà máy công nghiệp King Duan Việt Nam 1.192 tỷ đồng....

chuy-kcn-khai-quang-1639712387.jpg
Khu công nghiệp Khai Quang - TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

 

Trong năm nay, Vĩnh Phúc ước có 1.150 doanh nghiệp, giảm trên 8% so cùng kỳ năm 2020; Số quay trở lại hoạt động là 360 doanh nghiệp, tăng 37,8% so cùng kỳ. Tuy nhiên số tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và đã giải thể trong kỳ lên tới 550 doanh nghiệp, tăng 22,22% so cùng kỳ.

Sản xuất nông nghiệp năm nay của Vĩnh Phúc được mùa nhất từ trước đến nay, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và cung ứng cho các địa phương lân cận, đặc biệt là thị trường Thủ đô Hà Nội. Ước giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2021 (theo giá so sánh 2010) đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2020.

Đến nay, Vĩnh Phúc đã công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng từ 03 sao trở lên cho 20 đến 22 sản phẩm. Đó là Dưa chuột sạch  xã An Hòa, (Tam Dương); Sữa chua thanh trùng Tam Đảo; Nấm Yến Phùng xã Tam Hợp (Bình Xuyên); Gạo ngon  xã Phú Xuân (Bình Xuyên); Bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên - Ăn Kiêng, vị Mặn và vị Ngọt phường Trưng Trắc (TP Phúc Yên);  Mật ong gừng sả và Mật ong quất gừng thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên); Thanh long ruột đỏ Lộc Thúy Quỳnh xã Nhạo Sơn (Sông Lô)… Các sản phẩm OCOP nói trên đều cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong  tỉnh và một số tỉnh, thành phố trong nước.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,  đến 31/12/2021, Vĩnh Phúc có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 36 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt kế hoạch đề ra); 01 huyện được thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM (huyện Vĩnh Tường); 02 huyện hoàn thành điều kiện, tiêu chí xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM (huyện Tam Dương và Tam Đảo). Vĩnh Phúc  duy trì 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02/BYT là 63,2%, tăng 0,64%.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng  kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc năm 2021 vẫn khởi sắc, đạt được những kết quả quan.  Với 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2021, duy nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 7,36%, không đạt theo kế hoạch đề ra là 8,5-9%. Đó là thành tích nổi bật thực hiện “mục tiêu kép” của Vĩnh Phúc năm 2021 trong bối cảnh ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID 19, cả nước dự kiến tăng trưởng kinh tế chỉ 1,9%. Các lĩnh vực văn hóa xã hội được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tào tiền đề vững chắc  để bước vào năm 2022 có rất nhiều khó khăn, thách thức ở trước do dịch COVID 19 gây ra; là năm thứ 2, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII với khí  thế mới và quyết tâm mới.

(Còn nữa)

Đón đọc Bài 4: Quyết tâm cao và giải pháp vượt khó trong năm 2022