Đình Vân Hội cách trung tâm thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) khoảng 6 km về phía Tây Bắc. Đến thăm di tích, du khách có thể đi theo tuyến đường bộ từ thành phố Vĩnh Yên theo quốc lộ 2A hướng Hà Nội - Việt Trì đến ngã tư Quán Tiên (thuộc phường Hội Hợp, Tp Vĩnh Yên) rẽ phải vào đường ĐT 305, đi khoảng 2km là tới di tích. Đình được xây dựng trong một khuôn viên hơn 5000 m2 nhìn theo hướng Tây Nam.
Đây là một trong những công trình kiến trúc có quy mô kiến trúc bề thế mới được phục hồi theo kiểu dáng kiến trúc truyền thống tiêu biểu của đình làng Bắc Bộ. Đình có cảnh quan đẹp, thoáng đãng, nằm tách biệt với khu dân cư, 4 bề là đồng ruộng quanh năm hoa màu tươi tốt. Khuôn viên đình được quy hoạch các phân khu chức năng tương đối gọn gàng, sạch sẽ kết hợp trồng nhiều cây xanh cảnh quan tạo cho ngôi đình tôn thêm vẻ cổ kính, linh thiêng.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Cán bộ Văn hóa xã Vân Hội cho biết: Về thời gian xây dựng đình Vân Hội thì căn cứ vào các tài liệu còn lưu tại di tích và các cụ cao niên trong làng truyền lại thì đình Vân Hội có niên đại khởi dựng từ rất lâu đời. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị phá hủy hoàn toàn, các hiện vật trong đình bị thất lạc nhiều, một số được gửi sang đền Vân Hội. Đến năm 2020, với sự ủng hộ của chính quyền và sự đồng tâm góp sức của nhân dân thập phương đóng góp, đình Vân Hội được phục hồi trên nền đất cũ theo phong cách truyền thống với quy mô khang trang và bề thế bằng nuồn vốn xã hội hoá ước tính khoảng gần 10 tỷ đồng. Tuy kiến trúc cổ không còn, song đình Vân Hội vẫn bảo tồn được một số di vật đẹp như: Long ngai bài vị, kiệu bát cống, mâm ấu, án gian và những đồ thờ khác có giá trị về nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX).
Đình Vân Hội gồm hai tòa đại đình và hậu cung tạo nên mặt bằng kiến trúc hình chữ “Đinh”, diện tích sử dụng 173,7m2, mái lợp ngói mũi, giữa bờ nóc đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”, hai đầu đắp con sô hình rồng, bờ dải đắp hình nghê, các góc mái tạo thành các đầu đao uốn cong hình rồng mềm mại. Đại đình 3 gian 2 chái, diện tích 173,7m2, phía trước có 3 cửa ra vào được làm bằng gỗ kiểu bức bàn kín đáo, hai đầu hồi trổ tổng cộng sáu cửa chữ “thọ” để tạo độ thông thoáng cho ngôi đình.
Lễ hội của đình làng được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng (âm lịch hàng năm) gọi là tiệc khai xuân (tiệc sinh thần). Nhân dịp đình làng được nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh và kỷ niệm 30 năm đền Vân Hội được công nhận di tích cấp tỉnh, địa phương sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích tích, cùng với đó là các hoạt động văn hoá, thể thao như, vật cổ truyền, bóng chuyền da Nam mở rộng, Bóng đá mini, bóng chuyền hơi nam nữ kết hợp, kéo co nam nữ, Cờ tướng và các hoạt động giao lưu văn nghệ.
Về 3 vị thần được thờ tại đình làng, ông Nguyễn Văn Tự (ảnh trên), Thủ từ đình Vân Hội năm nay 74 tuổi cho biết: Căn cứ vào bản Thần tích - Thần sắc của làng Vân Hội và tư liệu liệu tại Bảo tàng Vĩnh Phúc thì ba vị thần là Tòng Thiên đại tướng quân, Quý Minh Đại vương và thần Linh Dong. Vị thần Tòng Thiên là một nam tướng có công đánh giặc giữ nước ở thời đại Hai Bà Trưng, còn hai vị Quý Minh và Linh Dong đều là tướng lĩnh đánh giặc Thục thời Hùng Vương. Về vị thần Tòng Thiên thần họ Nguyễn tên húy là Tích - tướng của Trưng Vương có công đánh giặc Tô Định; vào năm 18 tuổi của thần Quý Minh. Vua Hùng Duệ Vương xuống chiếu tuyển chọn người hiền tài, văn võ kiêm toàn, học vấn uyên bác nên ông ra ứng tuyển và được giữ chức Chỉ huy sứ hữu tướng quân; Về thần Linh Dong là tướng có công đánh giặc Thục Man giúp vua Hùng Duệ Vương thời kỳ dựng nước. Được vua ban sắc cho xã Vân Hội, huyện Yên Lạc, tỉnh Sơn Tây từ trước thờ phụng Linh Dong Vũ Phụ Trung Dực Uy Hiển Đàn Ứng Tôn Thần Nguyên tặng Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Trung đẳng thần.
Theo ông Nguyễn Đình Thảo (ảnh trên) - Trưởng tiểu Ban di tích chia sẻ, hiện vật tại đình Vân Hội còn khá phong phú các di vật cổ quý có giá trị về mỹ thuật cổ dân gian như sau: 3 cỗ ngai thờ, 1 án gian thờ, 2 cỗ kiệu, 3 mâm ấu, 1 bát hương, 2 bàn tẩn, 2 hạc, 3 đài đựng nước, còn lại là đồ thờ trần thiết mới được đưa vào sau khi phục hồi đình như: 1 hoành phi, 2 câu đối chữ Hán; 3 án gian sơn son thếp vàng; 1 bộ bát bửu 10 thanh, 1 đỉnh đồng, 4 hạc đồng, 4 cây nến đồng, 1 bát hương đồng, 2 hạc gỗ, 2 lục bình, 1 bát hương, 5 đài nước lớn nhỏ; 4 cây nến; 1 bát hương sứ và các đồ tế tự khác.
Ngoài các hiện vật, đình Vân Hội còn có một số tài liệu (bản foto) mới được sưu tầm ở Viện Thông tin khoa học xã hội như: Thần tích - Thần sắc làng Vân Hội, tổng Hội Hạ, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên kê khai năm 1938 do Chánh Hương hội Nguyễn Ngư và Lý trưởng của làng ghi chép. Nội dung chủ yếu là nói về tên các vị thiên thần, nhân thần ở đình, đền, miếu, hèm húy làng Vân Hội và liệt kê các đạo sắc phong thần ở xã Vân Hội, huyện Tam Dương được thờ phụng ba vị thần; Sắc phong cho vị thần Tòng Thiên Linh Ứng trung đẳng thần; Hương ước xã Vân Hội, tổng Hội Hạ, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên, kê năm 1942, do Lý trưởng xã Vân Hội ghi chép; Xã chí làng Vân Hội, tổng Hội Hạ, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên mang ký hiệu AJ.1/12 kê khai năm 1938. Nội dung nói về bia, thần sắc, thần tích, cổ chỉ, tục lệ, đình, tượng và tự khí, hội, cổ tích, đường đi của làng Vân Hội.