Vĩnh Phúc: Gặp các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày cách mạng báo chí Việt Nam

Chiều 20/6, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).
3e19c955-aa62-4bea-9d1b-ebe08b05de2f-1655719594.jpeg

Ông Lê Duy Thành ( ảnh trên) - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thay mặt lãnh đạo tỉnh, gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công tới các đồng chí lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh, phóng viên các cơ quan báo Trung ương tại Vĩnh Phúc đã đồng hành cùng tỉnh trong thời gian qua.

Mong muốn các nhà báo trong thời gian tới, tiếp tục phát huy truyền thống báo chí cách mạng, lòng yêu nghề, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tiếp tục có đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển của quê hương Vĩnh Phúc "Vĩnh Phúc - Khát vọng, phồn vinh".

Ông Lê Duy Thành đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí của tỉnh, báo Trung ương đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng; là lực lượng tích cực, tiên phong tuyên truyền, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp Nhân dân; Đóng góp quan trọng trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc, góp phần làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh hơn, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hấp dẫn hơn.

6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Vĩnh Phúc phát triển tốt, mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh trong quý I; mưa bão, ngập úng bất thường; giá nguyên nhiên liệu, vật liệu đầu vào tăng cao... ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất cũng như ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân; song, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được các kết quả khá tích cực như:

Các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Tăng trưởng tăng 10,10% (trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đồng thời so với nền tăng trưởng năm 2021 khá cao); Tăng trưởng ngành công nghiệp tăng trên 15,58%; ổng mức bán lẻ tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2021 phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch...
Thu ngân sách đạt 20.650 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước (trong đó thu nội địa đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7%)...Trong đó thu từ sản xuất kinh doanh tăng 10,5% (FDI tăng 10,7%, ngoài quốc doanh tăng 8,6%...)

Tổng dư nợ cho vay tăng 10,74%, trong đó cơ cấu sản xuất kinh doanh, dịch vụ chiếm 86,2%; chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu giảm 0,49% chỉ còn 0,72% tổng dư nợ. Công tác xúc tiến đầu tư: Công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư được tỉnh đặc biệt quan tâm; Kết quả xếp loại các chỉ số: PCI, PAR INDEX của tỉnh năm 2021 đều có sự bứt phá, vươn lên đứng thứ 5 cả nước ( PCI tăng 24 bậc, PAR INDEX tăng 10 bậc).

Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; Lũy kế đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh ước có 1.267 dự án, trong đó: 438 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD; 829 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 118,44 nghìn tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm; an ninh chính trị được đảm bảo. - Chính sách ưu đãi đối với người có công, các đối tượng chính sách tiếp tục được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhất là trong các dịp lễ tết. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tiếp tục được tăng cường.