Ngược lại, văn hóa suy thoái sẽ tạo ra một xã hội bất ổn và tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường. Với Vĩnh Phúc, từ thủa con dân vùng đất này theo Vua Hùng lập nước đến nay, chưa bao giờ thiếu những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhờ đó làm nên một Vĩnh Phúc rất riêng trong trong cộng đồng cả nước.
Văn hóa tạo nên sức mạnh
Năm 1963, khi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, Vĩnh Phúc còn là một tỉnh nghèo bậc nhất cả nước với nền kinh tế thuần nông gần như tuyệt đối. Chính vì thế, khi nghe Bác căn dặn “phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta!”, nhiều người dù rất phấn khởi nhưng cũng chỉ dám nghĩ rằng đó là lời động viên, mong mỏi chứ rất khó thành hiện thực.
Vậy nhưng, những người nghiên cứu kỹ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thấy rõ một điều, Bác của chúng ta gần như không bao giờ nói một cách thiếu căn cứ về bất cứ vấn đề gì. Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, gần như toàn bộ những gì Người dự tính, phán đoán và mong muốn đều trở thành hiện thực trong tương lai.
Nhấn mạnh điều này để thấy rõ, trước khi căn dặn cán bộ và nhân dân Vĩnh Phúc về việc này, Bác đã hiểu khá rõ về đất và người Vĩnh Phúc. Bởi rõ ràng là có bao nhiêu tỉnh, thành mà Bác không đề cập, lại chỉ nói cụ thể ở Vĩnh Phúc, và cũng chỉ khoanh vùng trong phạm vi “ở miền Bắc nước ta”.
Nếu không cảm nhận được bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa và cái khí chất riêng của đất và người Vĩnh Phúc, liệu Người có nói một câu như “đinh đóng cột” như thế?
Và, như mọi người đã biết, Vĩnh Phúc giờ đây đã có thể tự hào báo công với Người, rằng tỉnh đã thực sự trở thành một trong những tỉnh phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta đúng như những gì Người căn dặn.
Mới đây, tại buổi gặp mặt, biểu dương đội Bóng chuyền nữ vừa vô địch Giải Bóng chuyền hạng A quốc gia và Đoàn nghệ thuật tỉnh đạt thành tích xuất sắc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, đội bóng và Đoàn nghệ thuật tỉnh sẽ tiếp tục tập luyện, phát huy thành tích đã đạt được để có được thành tích cao hơn nữa, góp phần đưa hình ảnh, văn hóa của Vĩnh Phúc đến với người dân mọi miền tổ quốc.
Xâu chuỗi 2 sự kiện này lại sẽ thấy, văn hóa chính là hồn cốt của một vùng đất. Con người sinh ra và lớn lên nếu luôn thấm nhuần được cái hồn cốt văn hóa ấy chắc chắn sẽ tạo nên những thành tựu xứng tầm với chính mình. Và, không phải bất cứ yếu tố nào khác, văn hóa chính là thứ sẽ trường tồn mãi với thời gian, đưa đi nhanh nhất và lưu lại sâu nhất hình ảnh quê hương trong lòng bạn bè khắp chốn.
Hồn cốt văn hóa Vĩnh Phúc
Vậy, cụ thể thì văn hóa Vĩnh Phúc có những đặc điểm nổi trội nào? Để trong bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào của dân tộc, đất và người Vĩnh Phúc đều khẳng định được vị thế nhất định trên bản đồ quốc gia.
Vĩnh Phúc là tỉnh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống đó được phát huy cao độ trong sản xuất và chiến đấu. Người dân Vĩnh Phúc luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và một nền văn hóa rực rỡ. Cho đến nay, vùng đất Vĩnh Phúc vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy.
Vĩnh Phúc nằm ở vị trí địa lý của nhiều nút giao thông quan trọng, cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy tỏa đi khắp đất nước; thuận lợi trên trục phát triển kinh tế của Việt Nam và trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Tỉnh có vùng sinh thái rõ rệt: Đồng bằng, trung du và miền núi rất thuận tiện cho phát triển nông - lâm - thủy sản, công nghiệp và du lịch - dịch vụ. Đây được coi là những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển toàn diện các mặt KT-XH của địa phương.
Đất lành chim đậu, sinh ra trên mảnh đất được coi là “cái nôi của người Việt cổ”, người Vĩnh Phúc có những đặc tính rất đỗi tự hào. Đó là sự năng động, cần cù, sáng tạo và ý chí khát vọng vươn lên không ngừng. Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, dù khó khăn gian khổ đến đâu, người Vĩnh Phúc cũng không bao giờ cam chịu thực tại mà luôn tìm tòi hướng đến cái hay, cái đẹp, hướng đến sự phát triển bền vững.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Nhận thức được giá trị to lớn của chiều sâu văn hóa quê hương có thể tạo nên những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, nhiều năm qua, Vĩnh Phúc đã có những chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể và thiết thực để nâng tầm văn hóa Vĩnh Phúc, đưa văn hóa Vĩnh Phúc lên một vị thế mới, từ đó góp phần tạo ra những giá trị quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần cho xã hội.
Điển hình như trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ, trong giai đoạn tới, Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh, các nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch; xây dựng con người Vĩnh Phúc hướng đến chân - thiện - mỹ; lòng yêu nước; ý chí, khát vọng vươn lên; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống; đẩy lùi cái xấu, tệ nạn xã hội...
Xây dựng các cơ chế, chính sách đầu tư bảo tồn, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Khơi dậy giá trị truyền thống văn hóa, nhất là các lễ hội đặc sắc của tỉnh gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Chú trọng đầu tư hỗ trợ hoạt động sáng tạo cho văn nghệ sĩ để nâng cao chất lượng tác phẩm, các chương trình nghệ thuật. Đầu tư có chọn lọc các môn thể thao thành tích cao; đẩy mạnh hoạt động thể dục-thể thao thành phong trào trong cộng đồng dân cư...
Nhờ những chủ trương đúng đắn, kịp thời và thiết thực của tỉnh, những năm qua, nền văn hóa thể thao của tỉnh có những bước phát triển rõ nét. Nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật của tỉnh được vinh danh trên phạm vi quốc gia. Thể thao thành tích cao gặt hái được nhiều thành tích quan trọng trên đấu trường quốc gia, khu vực và quốc tế qua số lượng các huy chương Vàng, Bạc, Đồng không ngừng tăng lên theo thời gian.
Chia sẻ sâu hơn về văn hóa Vĩnh Phúc nhân sự kiện vinh danh đội Bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc vừa vô địch Giải Bóng chuyền hạng A quốc gia và Đoàn nghệ thuật tỉnh đạt thành tích xuất sắc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng, thành tích này dù rất đáng khen ngợi, nhưng yếu tố quan trọng hơn nữa cần phải nhắc đến chính là việc những năm qua, tỉnh đã có những chủ trương, quyết sách rất đúng đắn trong việc thiết thực động viên, khích lệ phát triển phong trào văn hóa-thể thao của tỉnh.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, phát triển kinh tế mà không gắn chặt với phát triển các mặt văn hóa sẽ là một thiếu sót lớn, không đảm bảo tính bền vững. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều chủ trương cụ thể hơn nữa nhằm đưa nền văn hóa thể thao địa phương phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Thiết nghĩ, với định hướng này, đặc biệt là xu thế xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trong tương lai gần, không chỉ các thế mạnh truyền thống văn hóa dân gian có dịp được phát huy mà nhiều bộ môn khác như ca múa nhạc nghệ thuật, thể thao thành tích cao, bóng chuyền và đặc biệt bóng đá nam -môn thể thao được nhiều người ưa thích sẽ có một vị thế quan trọng trên bình diện quốc gia, xứng tầm với thương hiệu mạnh Vĩnh Phúc bấy lâu.