Vĩnh Phúc: Kỷ niệm 20 năm ngày đón, nhận bằng di tích lịch sử văn hóa miếu Yên Thượng

Sáng 24/2 ( tức ngày Rằm tháng Giêng Giáp Thìn) thôn Yên Thượng, An Hoà, Tam Dương ( Vĩnh Phúc) đã kỷ niệm 20 năm ngày đón, nhận bằng di tích lịch sử văn hóa miếu Yên Thượng (2004-2024). 
img-4420-1708743734.jpeg

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hoà Đào Lưu Hải (ảnh trên) phát biểu nêu rõ: Phát huy những kết quả đạt được trong 20 năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam xã mong rằng trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thôn Yên Thượng cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng cần tiếp tục làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị di tích miếu Yên Thượng một cách hiệu quả. Đặc biệt, thông qua các thiết chế văn hóa, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho mọi tầng lớp Nhân dân đặc biệt là các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của ông cha ta nhằm bồi dưỡng, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, động viên thế hệ trẻ tích cực tham gia và xây dựng vào công cuộc đổi mới xây dựng quê hương An Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

img-4425-1708743733.jpeg
Các Đại biểu tham dự buổi lễ

Địa phương cần xây dựng và tổ chức thực hiện tốt nội quy, quy chế quản lý và bảo vệ di tích; thường xuyên tổ chức kiểm kê, bảo quản di vật, đồ thờ trong di tích. Thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Nhà nước; tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống tại địa phương theo đúng quy định, phát huy hơn nữa những truyền thống, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá, phát huy các nguồn lực, khơi dậy tâm huyết của các nhà hảo tâm và toàn thể Nhân dân để tôn tạo di tích ngày một tốt hơn.

img-4424-1708743733.jpeg

Ôn lại quá trình lịch sử miếu Yên Thượng ông Lê Hồng Sơn (ảnh trên) - Bí thư Chi bộ thôn nhắc nhớ: Miếu Yên Thượng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 187/QĐ-UBN, ngày 03/02/2004. Miếu thờ vị thần A Lợi Càn Ngật, Người đã có công giúp Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đánh giặc Đông Hán bảo vệ nền độc lập của dân tộc vào đầu những năm 40 - 43 sau công nguyên.

img-4421-1708743733.jpeg
Trước khi làm lễ kỷ niệm, Ban tổ chức làm lễ tế

Hiện miếu còn giữ được nhiều tư liệu, di vật, cổ vật Ngọc phả và các đạo sắc phong qua các triều đại lịch sử của Việt Nam. Ngọc Phả nêu rõ hành trạng của vị thần, thông qua các tư liệu khi ấy ở Yên Thượng có người con gái tên là À Lợi Cần Ngật, trí tuệ thông minh, văn võ toàn tài, thấy có hịch của Trưng Nữ đánh giặc Tô Định, Bà cùng Ả lợi Càn Mai và À lợi Cần Na người cùng địa phương lúc bấy giờ chiêu mộ dân binh hội quân cùng Trung Nữ đánh đuổi Tô Định, thu lại 65 thành trì trong cõi Nam bang. Ngoài ra, miếu Yên Thượng còn là sở cách mạng, năm 1945 miếu Yên Thượng đã tập trung đội tự vệ của làng Yên Thượng, là nơi đội tự vệ cùng lực lượng dân quân du kích trong thôn, làm lễ tế cờ tuyên thệ, gia nhập lực lượng Việt Minh, chuẩn bị giành chính quyền và là cơ sở bí mật để cho các đồng chí đảng viên, du kích hội họp bí mật phục vụ cho kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

img-4426-1708743728.jpeg
img-4423-1708743733.jpeg
Tổ chức các trò chơi dân gian

Cấp ủy, Chính quyền và nhân dân thôn Yên Thượng đã làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị di tích; tổ chức thực hiện tốt nội quy, quy chế quản lý và bảo vệ di tích; thường xuyên tổ chức kiểm kê, bảo quản di vật, đồ thờ trong di tích... Thời gian tới, toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thôn sẽ làm tốt hơn nữa việc gìn giữ và phát huy giá trị của di tích.

img-4403-1708744369.jpeg
Biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm

Tiệc chính của miếu vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm (Tiệc Khai Xuân), ngày 10 tháng 5 (Tiệc Hóa Thần) và ngày 10/10 (Tiệc chính của làng) kết hợp 2 Di tích miếu Yên Thượng và Miếu nghè (Thờ Đức Thánh Đồng Quân). Ngoài phần lễ thì Ban tổ chức còn tổ chức các trò chơi như: Đánh cờ Người, chọi gà, bịt mắt bắt dê, đạp ngồi đất, bắt vịt dưới nước, bắt trạch trong chum.