Từ điển Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng định nghĩa Chiến khu cách mạng là “Căn cứ địa cách mạng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Đây là địa bàn có ý nghĩa chiến lược, nơi xây dựng. củng cố, phát triển lực lượng mọi mặt, nhất là quân sự, chính trị; nơi đứng chân của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể để lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân chiến đấu và làm bàn đạp tiến công mở rộng khu vực hoạt động. Chiến khu thường được xây dựng ở vùng địa hình phù hợp với yêu cầu cất giấu, bảo vệ lực lượng, thuận lợi cho việc liên lạc, tiếp tế giữa các vùng… đồng thời gây khó khăn cho hoạt động tiến công của địch”.
Chiến khu còn để chỉ tên gọi đơn vị hành chính quân sự, là địa bàn, khu vực tác chiến của lực lượng vũ trang trong những thời kỳ nhất định (sau này gọi là Khu). Ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ đã có: Chiến khu Việt Bắc (của Trung ương), Chiến khu D, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Quang Trung...(của vùng, miền), Chiến khu Ngọc Trạo, Chiến khu Ba Tơ, chiến khu Bác Ái...(của địa phương).
Trong quá trình hoạt động, phạm vi chiến khu có thể được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và tiện chỉ đạo các hoạt động kháng chiến. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (họp từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945), Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập 7 chiến khu trong cả nước gồm: Chiến khu Lê Lợi, Chiến khu Hoàng Hoa Thám, Chiến khu Quang Trung, Chiến khu Trần Hưng Đạo (Bắc Bộ), Chiến khu Trưng Trắc, Chiến khu Phan Đình Phùng (Trung Bộ), Chiến khu Nguyễn Tri Phương (Nam Bộ).
Chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Chiến khu Việt Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất và mở rộng Chiến khu Cao - Bắc - Lạng và Chiến khu Hà - Tuyên - Thái (tháng 6-1945), bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Phúc Yên. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 16 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh tổ chức, kiện toàn, thành lập 12 chiến khu trong cả nước, trong đó Chiến khu 1 gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh, Quảng Yên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Lai Châu, Sơn La và Châu Mai Đà thuộc Hòa Bình .
Ngày 28 tháng 11 năm 1946, để tổ chức lại các chiến khu cho phù hợp với vùng kháng chiến, Chính phủ ra Sắc lệnh 518/CP phân chia Chiến khu 1 thành 4 chiến khu theo vùng chỉ đạo kháng chiến, trong đó:
- Chiến khu 1 gồm 4 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phúc Yên.
- Chiến khu 12 gồm 5 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Ninh và Quảng Yên.
- Chiến khu 10 gồm 5 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên. - Chiến khu 14 gồm các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Châu Mai Đà thuộc Hòa Bình.
Ngày 25 tháng 1 năm 1948, Chính phủ ra Sắc lệnh 120/SL sáp nhập các chiến khu thành Liên khu, theo đó, Chiến khu 1 và Chiến khu 12 sáp nhập thành Liên khu 1 gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, Quảng Yên và Hải Ninh. Chiến khu 10 sát nhập nhập với Chiến khu 14 thành Liên khu 10 gồm các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và châu Mai Đà thuộc tỉnh Hòa Bình.
Ngày 4 tháng 11 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 127/SL hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10 thành Liên khu Việt Bắc. Ngọc Thanh trước Cách mạng Tháng Tám thuộc tổng Hiển Lễ, huyện Kim Anh tỉnh Phù Lỗ (tỉnh Phù Lỗ sau đổi là tỉnh Phúc Yên). Đầu 1946, xã Ngọc Thanh được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ 3 xã Ngọc Quang, Thanh Cao và Thanh Lộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Ngọc Thanh thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên.
Theo phân chia địa giới hành chính các chiến khu như đã nêu ở trên thì Ngọc Thanh có lúc thuộc Chiến khu 1 (1945-1946), có lúc thuộc Liên khu 1 (1948), có thời điểm thuộc Liên khu Việt Bắc (1949). Như vậy, Ngọc Thanh là một phần, một bộ phận của Chiến khu 1, hoặc Liên khu 1 hay Liên khu Việt Bắc chứ Ngọc Thanh hoàn toàn không phải là Chiến khu 1 thuộc Chiến khu hay Liên khu Việt Bắc như một số tài liệu đã viết.
Mặc dù vậy, theo theo định nghĩa Chiến khu như Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam đã dẫn ở trên thì Ngọc Thanh được gọi là chiến khu với nghĩa là căn cứ địa cách mạng chứ không phải là một chiến khu nằm trong tổng thể hệ thống chiến khu được Trung ương phân định (không phải chiến khu với nghĩa là đơn vị hành chính - quân sự).
Tuy không phải là chiến khu theo nghĩa đơn vị hành chính - quân sự như đã nêu ở trên, nhưng Ngọc Thanh có vị trí chiến lược rất quan trọng. Nằm ở cuối dãy Tam Đảo, Ngọc Thanh là xã miền núi duy nhất của thành phố Phúc Yên. Phía Bắc và Đông Bắc của xã giáp Phổ Yên (Thái Nguyên), có núi rừng rậm rạp, xen kẽ đầm hồ, hang động, thung lũng, khe suối. Phía Nam giáp xã Cao Minh, thị trấn Xuân Hòa (nay là phường Xuân Hòa) có núi Thằn lằn, điểm cao đột xuất án ngữ cửa ngõ chiến khu. Phía Tây giáp huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Đông Nam giáp huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội). Đây là vùng trung chuyển giữa địa bàn trung du miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, là yết hầu con đường giao thông huyết mạch giữa Vĩnh Yên - Phúc Yên với Thái Nguyên và chiến khu Việt Bắc. Từ đây có thể sang Thái Nguyên bằng con đường độc đạo qua đèo Nhe, đèo Khế hoặc bằng đường mòn qua đèo Bụt, đèo Con voi, sang vùng Tam Đảo, Vĩnh Yên bằng đường dân sinh qua khe núi Quán Bong. Ở vào vị trí chiến lược lợi hại này, bộ đội ta dễ bề tổ chức hoạt động tác chiến sang Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Lập Thạch lên Tây Nam Phú Thọ hay đánh về phía Nam Phúc Yên và tiến xuống đồng bằng. Từ Ngọc Thanh, ta tiến lui bốn phía đều thuận lợi. Nếu địch tấn công Ngọc Thanh, ta có thể rút sang Thái Nguyên để bảo toàn lực lượng.
Ngọc Thanh như vọng gác tiền tiêu của Việt Bắc, đồng thời là trạm trung chuyển, là đường giao liên có tính chất huyết mạch giữa vùng trung du miền núi phía Bắc - nơi có căn cứ địa Việt Bắc của Trung ương trong kháng chiến chống thực dân Pháp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngọc Thanh có địa hình rừng núi rậm rạp, hiểm trở, thuận lợi cho việc đồn trú, đóng quân, tập trung huấn luyện, bố trí kho tàng, công xưởng, cơ quan chỉ đạo kháng chiến...
Đặc biệt Ngọc Thanh là vùng đất cổ. Thời Hùng Vương vùng đất này thuộc Bộ Văn Lang (một trong 15 Bộ của nhà nước Văn Lang thời kỳ đầu thành lập), thời Hán thuộc huyện Mê Linh, quận Tân Xương, thế kỷ VI - X thuộc huyện Tân Xương, quận Phong Châu, năm 1901 thuộc Tổng Hiển Lễ huyện Kim Anh tỉnh Phù Lỗ. Đây cũng là nơi có truyền thống cách mạng lâu đời, là địa bàn cư trú của số đông người dân tộc Sán Dìu (chiếm 50% dân số) thật thà, chất phác. Thế kỷ XVIII, người Sán Dìu đã tham gia khởi nghĩa của Quận Hảo Nguyễn Danh Phương chống lại triều đình phong kiến Lê - Trịnh. Trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế (1883-1913), Ngọc Thanh là một trong những địa bàn hoạt động của nghĩa quân nên có những đóng góp đáng kể vào cuộc khởi nghĩa này. Từ khi có Đảng lãnh đạo, Ngọc Thanh trở thành cơ sở cách mạng bí mật, che chở nhiều cán bộ hoạt động tại vùng này. Chính vì vậy, thời kỳ tiền khởi nghĩa, Ngọc Thanh đã từng được Trung ương dự kiến chọn làm ATK dự bị - như ATK II ở Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam: “ATK, khu vực trong căn cứ địa cách mạng có các điều kiện thuận lợi về địa hình, địa thế, dân cư, chính trị, quân sự... được tổ chức bố phòng tốt, bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối cho các cơ quan lãnh đạo cách mạng đóng quân tại đó”(3). Còn ATK dự bị Hiệp Hòa, nói như Tổng Bí thư Trường Chinh: “Có thêm một ATK dự bị ở Hiệp Hòa và một vài huyện thuộc Thái Nguyên. Nếu động ở dưới này (Hà Nội) thì chạy lên trên ấy, yên tĩnh lại trở về. Có khi Trung ương ở dưới này nhưng lại mở hội nghị hay lớp tập huấn ở trên đó”(4).
Đây cũng là lý do Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên chọn để xây dựng thành căn cứ cách mạng của tỉnh từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và cả trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954). Tại đây, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và các xã Sơn Lôi, Bá Hiến, Tam Canh, Phúc Thắng, Cao Minh đã chỉ đạo phong trào kháng chiến của địa phương.
Không chỉ là căn cứ cách mạng của tỉnh Phúc Yên, Ngọc Thanh còn là một bộ phận cấu thành Chiến khu 1/Liên khu Việt Bắc. Vì vậy Ngọc Thanh thực hiện một số nhiệm vụ của Chiến khu/Liên khu như nuôi giấu cán bộ lãnh đạo của Đảng (đồng chí Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Nguyễn Lam, Nguyễn Trọng Duệ...), bảo đảm bí mật, an toàn cho một số cơ quan Trung ương hoặc Chiến khu/Liên khu đóng quân (Kho bạc Nhà nước, Trạm Quân y dược, Xưởng Quân khí, Kho Quân lương, Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Trung đoàn 2, Trung đoàn 46...).
Nơi đây còn ghi dấu những chiến công của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trong Chiến dịch Trần Hưng Đạo (còn gọi là Chiến dịch Trung du). Đó là trận đánh Bốt Thằn lằn (28-12-1950) góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch và đe dọa phòng tuyến của địch ở vùng Phúc Yên.
Cũng từ Chiến khu này, các đơn vị của Đại đoàn 312, Đại đoàn 308 xuất phát hành quân (từ rừng Móc Sơn) đánh trận mở đầu chiến dịch tại Thản Sơn, Liễn Sơn (Lập Thạch) vào ngày 26.12.1950, trận Núi Đanh (Vĩnh Yên) kết thúc Chiến dịch (18-1-1951) và nhiều trận đánh khác trên địa bàn góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Với những giá trị như đã nêu, năm 1995, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định công nhận Chiến khu Ngọc Thanh là Di tích lịch sử cấp quốc gia với 5 điểm di tích: Kho bạc Nhà nước; Trạm Quân y dược; Xưởng Quân khí; Kho Quân lương; Đại bản doanh của Chiến khu.
Mặc dù vậy, các điểm di tích này đã trải qua thời gian với tác động thời tiết, khí hậu khắc nghiệt cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội đã làm diện mạo di tích thay đổi nhiều. Những dấu tích của các di tích thành phần hầu như không còn, trừ nhà bà Lý Thị Hai - nơi đặt Trạm Quân y dược còn giữ lại được giếng nước mà gia đình, cán bộ Trạm và bộ đội sử dụng trong thời gian đóng quân tại đây. Đất đai tại các điểm di tích đã được nhân dân sử dụng trồng rừng, trồng chè, hoa màu, cây ăn quả hoặc vào các mục đích khác.
Các tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Chiến khu hầu như cũng không được thu thập, lưu giữ bảo quản. Việc tuyên truyền về Chiến khu Ngọc Thanh chưa được quan tâm đúng mực. Vì vậy nhiều người, ngay cả người dân ở chính địa phương này cũng không biết nhiều về Ngọc Thanh.
Trong khi đó, như đã nói ở trên, Ngọc Thanh là một căn cứ rất quan trọng của tỉnh Phúc Yên cũng như Chiến khu 1/Liên khu Việt Bắc từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích là rất cần thiết và cấp bách nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.
Hơn nữa, Ngọc Thanh với vị trí đắc địa, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, môi trường sinh thái phong phú, trong lành, là điểm thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng dưới nhiều hình thức. Nếu kết hợp được du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với tham quan trải nghiệm di sản văn hóa vùng - miền sẽ phát huy được tiềm năng vốn có của địa phương góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Tuy nhiên, thực trạng của di tích đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Để làm tốt việc này, chúng tôi đề xuất một số nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
1. Cần có nghiên cứu cơ bản về Chiến khu Ngọc Thanh, làm rõ vị trí chiến lược, vai trò và những đóng góp của Ngọc Thanh trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm cơ sở cho việc tuyên truyền giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa của Chiến khu. Có thể tổ chức một đề tài nghiên cứu hoặc một cuộc hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về lịch sử, văn hóa, khoa học quân sự... ở cả Trung ương và địa phương.
2. Di tích Chiến khu Ngọc Thanh tuy đã được công nhận là Di tích quốc gia với 5 điểm như đã nêu. Song còn 2 điểm nữa có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của chiến khu chưa được công nhận. Đó là Đình Thanh Lộc và bốt Thằn Lằn. Đình Thanh Lộc nằm sát con đường huyết mạch từ Phúc Yên đi Đèo Nhe, Đèo Khế sang Thái Nguyên. Đây là nơi nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương đã từng hoạt động. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đình là nơi họp bàn, mít tinh, tuyên thệ thành lập chính quyền của vùng
Thanh Lộc (trước Thanh Lộc là một xã). Trong kháng chiến chống Pháp, đình là trạm gác tiền tiêu của chiến khu, là trạm giao liên, hòm thư mật nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của lãnh đạo các cấp chỉ đạo kháng chiến ở khu vực này. Bốt Thần Lằn là nơi ghi dấu chiến công của Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Trần Đạo trong trận đánh đêm 28-12-1950, với sự hỗ trợ đắc lực của nhân dân Ngọc Thanh. Bốt nằm trên đồi Thằn Lằn, điểm cao đột xuất án ngữ con đường từ Phúc Yên vào Chiến khu. Bốt được xây dựng rất kiên cố với hệ thống lô cốt, hầm ngầm và đường hào, dây thép gai chẳng chịt. Để đánh bốt, bộ đội ta phải dùng thang trèo qua hàng rào thép gai vào bên trong, phải dùng cả thuốc nổ để pha hủy hệ thống boong ke, hầm ngầm của địch. Nhân dân Ngọc Thanh phải làm hàng trăm thang tre cho bộ đội vượt rào, hàng trăm sọt đựng đá cho bộ đội đeo chống đạn và hàng chục cáng để vận chuyển thương binh. Du kích Ngọc Thanh tham gia dẫn đường cho bộ đội đánh bốt và cùng bộ đội chặn địch từ Hữu Bằng - Phúc Yên đến ứng cứu cho bốt khi bị ta đánh.
Tỉnh cần đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung thêm 2 điểm di tích này vào Danh mục các di tích thành phần thuộc Di tích quốc gia Chiến khu Ngọc Thanh.
3. Sớm lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Chiến khu Ngọc Thanh,
trên cơ sở đó lập các dự án đầu tư tôn tạo di tích nhằm phát huy giá trị của nó.
Theo Nghị định 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì: “Quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bổ trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mĩ”.
Với Ngọc Thanh, qui hoạch cụm di tích quốc gia (5 điểm) và di tích cấp tỉnh (2điểm). Nếu Đình Thanh Lộc và Bốt Thằn Lằn sớm được công nhận di tích thành phần của Di tích quốc gia Chiến khu Ngọc Thanh thì quy hoạch này là quy hoạch Di tích quốc gia Chiến khu Ngọc Thành. Để lập quy hoạch, cần tìm đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm, đã từng lập quy hoạch cho những khu di tích có nét tương đồng với di tích chiến khu Ngọc Thanh.
4. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm những hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh các hoạt động hoặc các sự kiện liên quan đến hoạt động của Chiến khu, đồng thời xây dựng Nhà trưng bày giới thiệu tổng thể về Chiến khu cũng như các hoạt động diễn ra tại các điểm di tích thuộc Chiến khu Ngọc Thanh để nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước biết về chiến khu này, trên cơ sở đó tuyên truyền giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ và thu hút khách tham quan đến các điểm di tích để chiêm ngưỡng và trải nghiệm.
5. Thành lập Ban Quản lý Khu Di tích với những cán bộ có năng lực và tâm huyết, am hiểu lịch sử truyền thống, văn hóa - xã hội của địa phương, nắm chắc quá trình hình thành, hoạt động của chiến khu trong kháng chiến, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tiềm năng phát triển du lịch của địa phương để giới thiệu cho khách tham quan, cũng là để thu hút đầu tư và lưu giữ khách ở lại lâu hơn với Ngọc Thanh, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
6. Tăng cường tuyên truyền về Di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một địa danh lịch sử với nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch (nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm, ẩm thực...) mà nhiều người chưa biết đến, trên cơ sở đó thu hút đầu tư và du khách đến với vùng đất này.
7. Có chính sách thu hút đầu tư hợp lý, xúc tiến việc tìm kiếm, kêu gọi, kết nối với các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có năng lực và có thiện chí đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, cảnh quan môi trường thiên nhiên, các khu nghỉ dưỡng, các khu dịch vụ, kết hợp khai thác tiềm năng di sản với tiềm năng du lịch ở khu vực có nhiều lợi thế này.
8. Nghiên cứu kết nối với các công ty du lịch, các cơ sở giáo dục, các đơn vị lực lượng vũ trang..., xây dựng các tour du lịch, các chương trình nghiên cứu, học tập hợp lý để du khách đến Ngọc Thanh tham quan, học tập và trải nghiệm.
Hy vọng trong một ngày không xa, Ngọc Thanh sẽ được phục hồi, tôn tạo tương xứng với giá trị của nó, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống và một điểm du lịch hấp dẫn mang đến cho Vĩnh Phúc không chỉ nguồn lợi về kinh tế mà cả giá trị về văn hóa, lịch sử mà lâu nay chưa được quan tâm thích đáng.